Sự thật về việc có nên giác hơi toàn thân?
Nội dung bài viết
Nhu cầu điều trị bệnh không dùng thuốc hiện nay rất cần thiết. Đặc biệt là sử dụng các phương pháp y học cổ truyền. Trong các phương pháp đó, giác hơi là phương thức trị liệu độc đáo, mang lại nhiều công dụng nhất định. Tuy nhiên giác hơi là gì và vùng nào cơ thể có thể giác hơi được có lẽ ít người biết đến. Chúng ta cùng tìm hiểu liệu có nên giác hơi toàn thân qua bài viết dưới đây của Bác sĩ chuyên khoa Y học cổ truyền Nguyễn Thị Thiên Hương nhé.
Giác hơi là gì?
Giác là dùng hơi nóng hoặc dùng bơm hút chân không tạo thành áp suất âm trong ống bầu. Làm ống bầu (giác) hút chặt vào da tại chỗ. Gây ra kích thích vật lý và áp lực nhân tạo trong lòng ống bầu để giúp khí huyết lưu thông, giảm đau, tăng tuần hoàn, phục hồi cân bằng âm dương. Giác hơi còn được gọi là giác pháp. Phương pháp giác hơi chủ yếu tập trung vào vị trí tác động trên các điểm, đường vùng. Tương ứng đến từng triệu chứng bệnh hoặc qua các kinh lạc của tạng phủ đi qua vị trí giác để chẩn đoán và điều trị bệnh. Các phương pháp biện chứng gồm hàn- nhiệt, hư – thực.
Thời cổ đại, giác hơi được dùng nhiều trong ngoại khoa ung thũng. Ban đầu sử dụng vỏ sò hoặc sừng trâu làm ống giác nên gọi là “giác pháp”. Giác pháp được đề cập sớm nhất trong “Trửu hậu phương” của Cát Hồng. Đến nay chất liệu được thay thế bằng ống trúc, gốm sứ, thủy tinh để tăng tính tiện dụng và thẩm mỹ. Phạm vi điều trị cũng phát triển trong điều trị phong thấp, đau bụng, cảm mạo, các chứng nhức mỏi, ho kéo dài.
Các phương pháp giác hơi
Hiện nay có nhiều phương pháp giác hơi
- Giác chân không là dùng bơm hút khí từ trong lòng ống giác tạo áp lực âm.
- Giác lửa là dùng sức nóng từ lửa đẩy khí tạo áp lực âm.
- Giác thuốc là dùng sức nóng của nước thuốc để đuổi khí trong ống giác.
- Giác kết hợp châm là dùng phối hợp châm cứu với giác.
- Giác kết hợp chích lễ là phối hợp cả hai quy trình giác và chích lễ.
- Giác hơi di chuyển là dùng giác có miệng ống trơn nhẵn di chuyển trên da vùng điều trị đã được bôi trơn bằng dầu dừa, parafin,…
Đặc điểm các dấu giác hơi
Khi giác hơi thường xuất hiện các vết hằn nổi lên sau đó. Điều này do áp suất âm trong ống giác kéo và định hình lại các tổ chức dưới da trong một thời gian. Một số biểu hiện màu sắc dấu giác phản ánh tình trạng bệnh được ghi nhận như sau:
- Dấu giác tím hoặc thâm đen hoàn toàn thường thấy khi huyết hư, huyết ứ, tắc kinh.
- Dấu giác xuất hiện mảng đốm tím thường gặp ở hàn ngưng huyết ứ.
- Dấu giác xuất hiện rải rác điểm tím gặp khi khí trệ huyết ứ. Có thể phân bố tập trung thành đám hoặc đều theo lỗ chân lông.
- Dấu giác có điểm đen phân bố rìa dấu giác do vi hàn. Hoặc toàn bộ dấu giác nghi cảm thụ phong hàn nặng.
- Dấu giác đỏ tươi gặp ở người âm hư, khí huyết lưỡng hư hoặc âm hư hỏa vượng. Màu sắc có thể đậm ở trung tâm và nhạt dần ra ngoài, hoặc ngược lại.
Ngoài ra ghi nhận thêm cảm nhận người bệnh sau khi giác. Dấu giác ngứa thường gặp ở người bệnh có phong tà hoặc thấp tà. Ngứa liên tục trong một khoảng thời gian hoặc chạm vào gây ngứa giúp xác định tính chất và vị trí của bệnh. Hơi nước bám vào thành trong ống giác nhìn như màn sương hoặc đọng thành hạt. Điều này cho thấy tạng phủ tương ứng vị trí giác có thấp khí. Thường gặp ở người ít vận động, uống rượu bia quá mức hoặc môi trường sống không thông thoáng.
Những bộ phận trên cơ thể có thể giác hơi?
Trước khi tìm hiểu có nên giác hơi toàn thân, hãy cùng YouMed điểm qua những vùng có thể giác hơi trên cơ thể. Giác hơi như cổ vai, gáy, lưng, vai, tứ chi, ngực, bụng. Nhưng khi có thai không giác các vùng trước tim, đầu vú và vùng bụng dưới.
Và tuyệt đối không giác hai bên cổ vì là nơi có động mạch cổ đi qua. Đồng thời nên tránh những vùng da lở loét, u bướu, da quá mẫn cảm, da mất độ co dãn.
Tùy vị trí và thể trạng người bệnh mà sử dụng ống giác kích thước lớn nhỏ khác nhau. Đối với vùng có nhiều cơ, kích thước lớn thì dùng ống cỡ to. Vùng nhỏ hẹp, cơ thịt mỏng, lớp mỡ dưới da ít thì nên dùng ống cỡ nhỏ.
Có nên giác hơi toàn thân?
Giác hơi là phương pháp y học cổ truyền, được sử dụng, chỉ định điều trị theo luận bệnh.
Tùy vào vị trí bệnh, mà giác ở vị trí tương ứng. Thường chỉ sử dụng theo vùng để cân bằng lại âm dương tại chỗ. Hoặc để khử ứ tiêu sưng tại chỗ.
Giác hơi toàn thân trong cùng một lúc sẽ dễ dẫn đến sốc và khiến người bệnh mệt mỏi thêm. Nhất là khi giác hơi kèm chích lễ, chỉ lựa chọn những điểm cần thiết để điều trị. Tránh tình trạng hạ huyết áp hoặc ngất. Nên nghỉ ngơi, hạn chế hoạt động mạnh, không nên tắm ngay sau khi giác.
Mặt khác khi giác hơi toàn thân sẽ để lại quá nhiều dấu giác. Màu sắc có thể tím bầm toàn thân, gây mất thẩm mỹ.
Chống chỉ định
- Người đông máu kém, bệnh ưa chảy máu, suy giảm chức năng tiểu cầu.
- Các trường hợp cấp cứu như chấn thương, khó thở, co giật, sốt cao.
- Người suy nhược, say rượu, quá mệt hoặc quá no hoặc quá đói, khát.
Lưu ý khi giác hơi
Khi giác cần chọn ống có kích cỡ phù hợp với vùng được giác
Thủ thuật giác cần xoa một ít dầu trơn lên miệng ống để tránh hút mạnh làm tổn thương
Chú ý chọn tư thế giác thích hợp cho người được giác. Các cơ nên được thả lỏng để dễ tác động sâu xuống phần cơ, thao tác dễ dàng.
Xem thêm: Cùng bác sĩ tìm hiểu cách giác hơi chữa bệnh
Theo dõi và xử trí tai biến có thể xảy ra sau giác hơi như bỏng, cháy. Chú ý bỏng trên bệnh nhân thể hàn hoặc BN bị giảm cảm giác nông. Thường bỏng độ I, dùng thuốc mỡ vaseline bôi, tránh nhiễm trùng. Cháy thường ở người già hoặc trẻ em giẫy giụa hoặc vô tình đổ mồi ngải. Do vậy không nên cứu nhiều huyệt một lúc và không rời người bệnh để làm việc khác khi cứu.
Giác hơi là phương pháp được lựa chọn bởi cách làm dễ, tác dụng nhanh trong một số bệnh. Bài viết cũng đã giải đáp cho chúng ta câu hỏi liệu có nên giác hơi toàn thân. Người bệnh nên chọn làm ở những cơ sở khám chữa bệnh uy tín, có đội ngũ bác sĩ, y sĩ có tay nghề. Môi trường vệ sinh, các dụng cụ phải được vô trùng tránh những chuyện không mong muốn. Hi vọng bài viết trên đây mang lại kiến thức bổ ích cho bạn đọc.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Giác hơi từ điều trị đến chẩn đoánhttps://suckhoedoisong.vn/giac-hoi-tu-dieu-tri-den-chan-doan-n144780.html
Ngày tham khảo: 17/07/2021