Giải đáp huyết áp bà bầu bao nhiêu là bình thường?
Nội dung bài viết
Trong quá trình mang thai, cơ thể thai phụ có rất nhiều thay đổi so với bình thường. Bên cạnh cân nặng, nhịp tim, nhu cầu dinh dưỡng,… thì huyết áp là một chỉ số đáng quan tâm. Vậy thì huyết áp bà bầu bao nhiêu là bình thường? Khi nào cần phải đi khám ngay? Vấn đề này sẽ được bác sĩ Nguyễn Lâm Giang trình bày chi tiết qua bài viết sau đây.
Huyết áp bà bầu bao nhiêu là bình thường?
Tổng quan về huyết áp bà bầu
Trước khi tìm hiểu huyết áp của bà bầu bao nhiêu là bình thường, bạn đọc hãy tham khảo qua những nội dung tổng quan. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), chỉ số huyết áp của một người khỏe mạnh là không quá 120/80 mmHg.1 Trong thời kỳ mang thai, huyết áp của thai phụ nên nằm trong giới hạn bình thường. Huyết áp tăng cao hoặc hạ thấp đều cần phải được điều trị phù hợp.
Huyết áp bà bầu bao nhiêu là bình thường?
Theo nghiên cứu của ACOG – Trường Cao đẳng Sản phụ khoa Hoa Kỳ – huyết áp bình thường của bà bầu cũng phải không quá 120/80 mm Hg. Và huyết áp cũng phải không thấp hơn 90/60 mmHg.1
Nếu chỉ số huyết áp tăng cao hơn 120/80 mmHg, thai phụ rất dễ bị cao huyết áp thai kỳ. Tình trạng tăng huyết áp thai kỳ có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng như tiền sản giật, sản giật. Điều quan trọng là bạn cần theo dõi và quản lý huyết áp trong suốt quá trình mang thai.
Bên cạnh đó, huyết áp bà bầu cũng không nên thấp dưới 90/60 mmHg. Bởi vì huyết áp hạ quá thấp sẽ làm cho bà bầu dễ chóng mặt, mệt mỏi, đánh trống ngực. Đồng thời cũng có những ảnh hưởng nhất định đến thai nhi trong bụng.
Huyết áp không ổn định ảnh hưởng gì đến thai kỳ?
Một điều tất nhiên, khi huyết áp không ổn định thì sức khỏe của cả mẹ bầu và thai nhi đều sẽ bị ảnh hưởng. Bởi vì huyết áp biểu hiện sức khỏe của hệ tim mạch nói chung. Bất kỳ một chỉ số không bình thường nào của huyết áp đều nói lên sự rối loạn trong cơ thể. Những rối loạn ấy có thể khởi phát từ hệ tim mạch. Tuy nhiên cũng có thể xuất phát từ một hệ cơ quan khác gián tiếp ảnh hưởng đến huyết áp.
Ảnh hưởng của huyết áp không ổn định đến mẹ bầu
Sự ảnh hưởng của tình trạng huyết áp cao
Huyết áp cao trong thai kỳ có thể gây ra nhiều biến chứng. Hoặc cũng có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện các biến chứng, chẳng hạn như:
- Tiền sản giật, sản giật.2
- Suy thận cấp.
- Suy gan.
- Thị lực bị suy giảm.
- Đột quỵ nhồi máu não hoặc xuất huyết não.
- Nhồi máu cơ tim ở những người có bệnh tim mạch trước đó.
- Suy nhược, mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ,…
- Nhau bong non.2
Sự ảnh hưởng của tình trạng huyết áp thấp
AHA xác định rằng trong 6 tháng đầu của thai kỳ, huyết áp của mẹ bầu rất dễ hạ thấp. Khi ấy, huyết áp 90/60 khi mang thai báo hiệu một tình trạng hạ huyết áp sắp xảy ra. Huyết áp hạ khi mang thai sẽ ảnh hưởng đến mẹ bầu, gây ra tình trạng:3
- Xây xẩm, chóng mặt, dễ bị ngất xỉu.
- Thường xuyên mệt mỏi, buồn ngủ.
- Suy giảm khả năng tập trung.
- Da lạnh hoặc trở nên sần sùi.
- Mất nước.
- Xuất hiện các triệu chứng tâm thần như: Thay đổi tính cách, trầm cảm, lo âu, khó ngủ,…
Ảnh hưởng của huyết áp không ổn định đến thai nhi
Sự ảnh hưởng của tình trạng huyết áp cao
Huyết áp cao trong thai kỳ sẽ làm cho thai nhi bị ảnh hưởng, chẳng hạn như:2
- Sinh non, sinh mổ.
- Thai chết lưu.
- Hạn chế sự phát triển của thai nhi. Nguyên nhân là do tình trạng thiếu chất dinh dưỡng và oxy cung cấp cho thai do tình trạng huyết áp cao.
Sự ảnh hưởng của tình trạng huyết áp thấp
Tương tự như tình trạng huyết áp cao, huyết áp thấp trong thai kỳ cũng sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Điển hình như:
- Thai chậm phát triển trong bụng mẹ.
- Thai chết lưu.3
- Tình trạng thiểu ối do thiếu nước trong cơ thể người mẹ.
- Thai nhẹ cân, non tháng,…3
Cần có nhiều nghiên cứu hơn để hiểu tác động của huyết áp thấp trước khi sinh đối với sức khỏe của em bé.
Dấu hiệu huyết áp không ổn định cần gặp bác sĩ
Sau khi biết được huyết áp khi mang thai bao nhiêu là bình thường, bạn nên tìm hiểu về những dấu hiệu cần thiết. Mục đích là để biết được khi nào cần gặp bác sĩ. Bất cứ thai phụ nào băn khoăn về tình trạng huyết áp của mình thì nên gặp bác sĩ thường xuyên.
Những người bị tăng huyết áp hoặc có nhiều nguy cơ bị tăng huyết áp hơn nên thường xuyên theo dõi huyết áp tại nhà. Cách theo dõi là đo huyết áp bằng máy cơ hoặc máy đo huyết áp điện tử. Một khi huyết áp đo được nằm ngoài giới hạn bình thường, thai phụ nên đi khám ngay.
Hoặc khi mẹ bầu xuất hiện những triệu chứng gợi ý tình trạng huyết áp bất thường. Chẳng hạn như:
- Mệt mỏi, chóng mặt, xây xẩm.
- Đau đầu, khó ngủ, mất ngủ.
- Rối loạn thị lực.
- Ngất xỉu.
- Hồi hộp, đánh trống ngực,…
Những cách kiểm soát huyết áp thai kỳ
Sau đây là một số phương pháp để kiểm soát huyết áp thai kỳ một cách an toàn:1
- Khám thai định kỳ để sớm phát hiện tình trạng huyết áp bất thường.
- Uống thuốc điều trị tình trạng tăng huyết áp hoặc hạ huyết áp theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
- Thường xuyên theo dõi huyết áp tại nhà đối với những thai phụ có nhiều yếu tố nguy cơ.
- Ăn uống đầy đủ chất, nghỉ ngơi hợp lý. Hạn chế muối, mỡ động vật, thức ăn chứa nhiều tinh bột.
- Hạn chế uống rượu bia và các thức uống có cồn.
- Không nên hút thuốc lá, không sử dụng ma túy.
- Duy trì thói quen tập thể dục hàng ngày với những bài tập dành cho bà bầu.
Với những thông tin mà bài viết đã cung cấp, hy vọng bạn đọc sẽ biết được rõ hơn huyết áp bà bầu bao nhiêu là bình thường. Từ đó, các mẹ bầu sẽ biết cách kiểm soát huyết áp của mình tốt hơn. Mục đích là để duy trì sức khỏe cho cả bà mẹ và thai nhi.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Normal blood pressure during pregnancyhttps://www.medicalnewstoday.com/articles/normal-blood-pressure-pregnancy
Ngày tham khảo: 02/08/2021
-
High Blood Pressure During Pregnancyhttps://www.cdc.gov/bloodpressure/pregnancy.htm
Ngày tham khảo: 02/08/2021
-
Is It Dangerous to Have Low Blood Pressure During Pregnancy?https://www.healthline.com/health/pregnancy/low-blood-pressure-during-pregnancy
Ngày tham khảo: 02/08/2021