Giãn dây chằng: chấn thương thường gặp trong thể thao
Nội dung bài viết
Giãn dây chằng là một trong những chấn thương phần mềm rất hay gặp. Và có thể do nhiều nhiều nguyên nhân khác nhau. Đặc biệt là trong quá trình luyện tập thể dục thể thao. Vậy giãn dây chằng là gì? Các nguyên nhân gây ra giãn dây chằng? Tập luyện thể thao cần chú ý gì để không bị giãn dây chằng? Các bạn hãy cùng Bác sĩ Hồ Đức Việt tìm hiểu về vấn đề này nhé!
Giãn dây chằng là gì?
Dây chằng là những mô sợi liên kết có chức năng kết nối xương này với xương khác hoặc sụn tại khớp (dây chằng khớp).1
Chức năng của các dây chằng trong cơ thể con người là vô cùng quan trọng vì chúng giúp ổn định thụ động các khớp và giúp thực hiện các cử động một cách hiệu quả, cũng như là vai trò quan trọng trong chức năng thụ cảm.2
Giãn dây chằng (Bong gân – Sprain) là hiện tượng dây chằng bị kéo căng hoặc rách. Bong gân khác với căng cơ (Strain), mặc dù đôi khi các thuật ngữ có thể được sử dụng thay thế cho nhau.2
Những vị trí thường gặp chấn thương
Bạn có thể sẽ phải gặp tình trạng này ở bất kỳ vị trí khớp nào trên cơ thể. Tuy nhiên những vị trí có tần suất mắc bệnh cao hơn là những vị trí dễ gặp chấn thương trong lúc sinh hoạt, tập luyện. Có thể kể đến như:3
- Giãn dây chằng mắt cá chân.
- Giãn dây chằng đầu gối.
- Giãn dây chằng cổ tay, cổ chân.
Các mức độ giãn dây chằng thường gặp
Tuỳ theo tình trạng chấn thương là nặng hay nhẹ, cũng như vùng cơ thể bị tổn thương mà sẽ có các dạng chấn thương phần mềm và giãn dây chằng khác nhau. Nhưng nhìn chung 3 mức độ giãn dây chằng quan trọng nhất mà các bạn cần phải biết là:
Mức độ 1
Dây chằng, gân cơ bị kéo giãn/chùng. Tuy nhiên khớp cử động bình thường, số lượng bó sợi rách ≤ 25%.
Mức độ 2
Dây chằng (gân – cơ) bị rách từ 25 – 75% số lượng bó sợi. Ở mức độ này sẽ giới hạn một phần vận động của cơ hoặc mất vận động một phần của khớp.
Mức độ 3
Dây chằng đứt > 75%, có thể làm chỗ bám dây chằng vào xương khớp bị sứt dẫn đến mảnh xương bị sứt theo. Trong những trường hợp này bệnh nhân cực kỳ cần chú ý xử trí sơ cứu đúng cách và đến ngay bác sĩ do khớp xương lỏng lẻo kéo dài có thể dẫn đến hư/sai khớp, vô cùng nguy hiểm.
Nguyên nhân giãn dây chằng
Một số nguyên nhân chính có thể gây ra bệnh lý xương khớp này có thể kể đến như: Chấn thương, vận động sai tư thế, vận động quá sức, tuổi tác.
Như chúng ta cũng đã biết, trong quá trình luyện tập và thi đấu thể dục thể thao hay thậm chí trong các sinh hoạt hàng ngày thì chấn thương là điều hoàn toàn khó tránh khỏi. Trong chấn thương, các va chạm trực tiếp hay gián tiếp như vặn xoắn, kéo giãn, co rút đột ngột… gây tổn thương gân – cơ – dây chằng ở nhiều mức độ khác nhau (đụng dập – giãn – rách – đứt). Những tác động trên chính là những nguyên nhân gây ra giãn dây chằng. Thường gặp nhất là chấn thương do những tai nạn như:
- Tai nạn trong luyện tập thể thao: nguyên nhân gây chấn thương thường gặp nhất.
- Tai nạn trong sinh hoạt hàng ngày như (té ngã khi lên xuống cầu thang, trượt té ở bậc thềm).
- Tai nạn giao thông.
Trong các nguyên nhân gây ra giãn dây chằng ở trên các bạn cần chú ý nhất đến các nguyên nhân do chấn thương trong thể dục thể thao do đây là nguyên nhân phổ biến nhất. Cũng như hoàn toàn có thể phòng tránh được.
Giãn dây chằng do chấn thương trong thể dục thể thao
Các nguyên nhân từ bên ngoài
- Do phương pháp huấn luyện, giảng dạy không đúng nguyên tắc huấn luyện cơ bản: Đây là nguyên nhân thường gây nhiều ca chấn thương ở các môn thể thao khác nhau. Do đó mọi người cần phải chú ý tập luyện vừa sức, hệ thống bài tập khoa học, tăng dần lượng vận động, tăng dần độ khó động tác…
- Do các động tác không đúng của bản thân người tập luyện: đặc biệt là các môn thể thao thi đấu có tính đối kháng mạnh như bóng đá, bóng rổ, quyền anh, đô vật, các môn võ.
- Do các thiếu sót trong việc tổ chức tập luyện và thi đấu.
- Điều kiện cơ sở vật chất, khí hậu và vệ sinh không phù hợp: như việc chuẩn bị sân bãi, dụng cụ tập luyện không đầy đủ, bố trí không phù hợp, không đủ vệ sinh, ánh sáng không đáp ứng nhu cầu cần thiết, do nhiệt độ của phòng tập luyện quá nóng hoặc do quá lạnh.
- Do không tuân thủ những yêu cầu về y tế trong quá trình tập luyện.
- Do điều kiện khí hậu: ánh sáng không đảm bảo, độ thông gió kém, nhiệt độ của phòng tập cao, độ ẩm quá cao, gió mạnh và góc chiếu tia nắng mặt trời quá lớn… từ đó dễ gây ra tai nạn.
Các nguyên nhân bên trong
- Do những rối loạn về khả năng định hình trong không gian và sự giảm sút các phản ứng bảo vệ, sức tập trung chú ý của người tập thể thao: Đây là những nguyên nhân rất nguy hiểm thường xuất hiện do mệt mỏi quá độ gây ra, rối loạn khả năng phối hợp hoạt động của các nhóm cơ (phối hợp hoạt động, biên độ động tác, độ nhanh nhạy, khéo léo…).
- Do cấu trúc giải phẫu của cơ thể không phù hợp với yêu cầu kỹ thuật, chẳng hạn khối lượng vận động không phù hợp với sức khỏe và độ tuổi.
Tập luyện thể thao cần chú ý gì để không bị giãn dây chằng?
Trong quá trình luyện tập thể dục thể thao mọi người có thể chú ý một số điểm như sau để phòng tránh các chấn thương, cũng như hạn chế những nguyên nhân gây ra giãn dây chằng:
- Chú ý khởi động kỹ trước khi tập. Khi tập luyện nên tăng dần về cường độ và tần số. Tập luyện các bài tập có độ khó vừa phải với sức của bản thân (Chú ý: kéo giãn và căng cơ hết sức quan trọng).
- Chuẩn bị thể lực tốt trước và trong quá trình tập luyện.
- Hoàn thiện kỹ thuật của các bài tập cho đúng để hạn chế chấn thương.
- Chuẩn bị tâm lý tốt.
- Lịch thi đấu phù hợp (đối với vận động viên chuyên nghiệp).
- Không nên quá gắng sức khi bị quá tải trong quá trình tập.
- Điều trị thật tốt chấn thương cũ trước khi trở lại thi đấu và tập luyện.
- Dụng cụ thi đấu – dụng cụ bảo vệ – sân bãi phải phù hợp.
- Giáo dục tinh thần Fair Play.
- Chú ý vấn đề thời tiết.
- Chuẩn bị tốt cơ sở vật chất như: sân bãi, dụng cụ trước khi giảng dạy và tập luyện.
Nếu tiếp tục luyện tập thể thao không đúng cách điều gì sẽ xảy ra?
Thông thường trong các mức độ giãn dây chằng thì mức độ 1 (là giãn dây chằng hoặc rách rất nhẹ, ít hoặc không mất vững tại khớp) là phổ biến và tương đối nhẹ nhất. Ở mức độ này tình trạng giãn dây chằng đa phần đều hồi phục rất tốt sau vài ngày điều trị. Cũng như đa phần đều không để lại di chứng.
Tuy nhiên nếu tiếp tục luyện tập thể thao không đúng cách, người bệnh không khắc phục được những nguyên nhân gây giãn dây chằng. Tương lai sẽ rất dễ tiếp tục mắc phải giãn dây chằng ở mức độ nặng hơn, nguy cơ để lại di chứng cao.
Các triệu chứng giãn dây chằng
Chính vì nguyên nhân của giãn dây chằng là do những tác động của chấn thương gây ra. Do đó các triệu chứng cũng như biểu hiện cũng sẽ khác nhau ở từng mức độ. Nhưng nhìn chung các triệu chứng điển hình giúp người bệnh nhận biết tình trạng giãn dây chằng là:3
- Sưng đau nhiều ở vùng chấn thương (đầu gối, bả vai,…).
- Phù nề.
- Đau tăng khi ấn cùng vùng tổn thương.
- Bầm vùng tổn thương.
- Có thể có hoặc không giới hạn chuyển động của vùng (tuỳ theo mức độ tổn thương của dây chằng).
Chẩn đoán giãn dây chằng
Bệnh lý này có thể được chẩn đoán theo một số cách, bao gồm:3
Thông qua bác sĩ:
- Bác sĩ sẽ lấy tiền sử và khám sức khỏe để xem tiền sử và khám có phù hợp với chấn thương khớp có thể đã làm tổn thương dây chằng hay không.
- Một số kiểm tra sẽ được thực hiện như độ sưng, phạm vi chuyển động và độ ổn định của khớp.
Thông qua các xét nghiệm hình ảnh:
- Chụp X-quang để chắc chắn rằng không bị gãy xương. Mặc dù không thể nhìn thấy dây chằng trên phim X-quang, nhưng điều quan trọng là phải xem xét khoảng cách của khớp và loại trừ gãy xương.
- Tùy thuộc vào kết quả khám hoặc phản ứng của bạn với điều trị ban đầu, có thể yêu cầu hình ảnh cao hơn như siêu âm hoặc MRI để đánh giá thêm chấn thương của bạn.
Cách điều trị giãn dây chằng
Bác sĩ của bạn có thể sẽ khuyên bạn thực hiện theo phương pháp PRICE trong 24 – 48 giờ đầu tiên sau khi bị thương. PRICE là viết tắt của:4
- P (protection): sử dụng nẹp hoặc nạng để tránh tác động đến vùng bị thương.
- R (rest): nghỉ ngơi, khi bị chấn thương phải ngừng ngay tập luyện.
- I (ice): là phương pháp chườm lạnh bằng nước đá lên vị trí tổn thương ngay sau chấn thương, sẽ giúp người bệnh giảm đau. Đồng thời có tác dụng giảm sưng, đau, chảy máu, và chống viêm. 15 tới 20 phút mỗi tiếng.
- C (compression): để giảm phù nề nên đặt băng ép ở chỗ bị chấn thương. Băng ép có thể tiến hành đồng thời với chườm lạnh.
- E (elevation): Giữ phần cơ thể bị thương cao hơn đầu của bạn, nhằm giảm tích tụ dịch và máu xuất hiện do các mô và tổ chức bị tổn thương và viêm nhiễm. Giữ chỗ bị chấn thương ở tư thế nâng lên từ 24 – 72 giờ.
Sử dụng thuốc: thuốc chống viêm và thuốc giảm đau không kê đơn, uống khi cần thiết, có thể giúp giảm đau và sưng.
Di chứng của mức độ nặng hơn là độ 2 và 3 gây đau nhức, sưng nề kéo dài, hạn chế vận động.
Những điều các bạn cần lưu ý khi bị giãn dây chằng
Sau khi bị chấn thương người bệnh cần tuyệt đối lưu ý một số vấn đề sau:
- Tuyệt đối không được chườm nóng, xoa dầu nóng, rượu thuốc vì gây giãn mạch, kéo dài chảy máu sưng nề. Từ đó làm cho tổn thương nặng hơn và lâu hồi phục.
- Không vận động vùng tổn thương trong giai đoạn viêm tấy cấp tính.
- Có thể uống thuốc giảm đau, kháng viêm (aspirin, ibuprofen) để hỗ trợ nhưng tuyệt đối không được tiêm kháng viêm trực tiếp vào vùng tổn thương.
Cách phòng ngừa giãn dây chằng
Sau đây là một số lời khuyên giúp bạn tránh gặp phải tình trạng này:3
- Không tập thể dục hoặc vận động quá mức khi có các vấn đề về xương khớp.
- Duy trì lối sống khỏe mạnh với cân nặng hợp lý.
- Mang giày vừa vặn.
- Cần thận trọng trong tập luyện để hạn chế té ngã.
- Thực hiện các bài tập kéo dãn cơ hằng ngày hoặc trước khi tập vật lý trị liệu.
- Khởi động trước bất kỳ bài tập vận động nào.
Giãn dây chằng vốn là một trong nhưng chấn thương phần mềm phổ biến mà ai cũng có thể mắc phải. Do đó việc hiểu rõ như thế nào là giãn dây chằng cũng như việc xử trí đúng cách là vô cùng quan trọng. Hy vọng những thông tin do Bác sĩ Hồ Đức Việt đã cung cấp trong bài viết sẽ giúp bạn hiểu rõ về nguyên nhân, cách điều trị, cách phòng tránh bệnh lý này!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
What Are Ligaments?https://www.webmd.com/pain-management/ligaments-types-injuries
Ngày tham khảo: 01/10/2022
-
Ligament Sprainhttps://www.physio-pedia.com/Ligament_Sprain
Ngày tham khảo: 01/12/2022
-
Sprains of the Ankle, Knee and Wristhttps://my.clevelandclinic.org/health/diseases/15461-sprains-of-the-ankle-knee-and-wrist
Ngày tham khảo: 01/10/2022
-
Sports Injurieshttps://my.clevelandclinic.org/health/diseases/22093-sports-injuries#management-and-treatment
Ngày tham khảo: 01/10/2022