Chụp cộng hưởng từ (MRI) là gì? Quy trình và chi phí thực hiện
Ngày nay, chụp cộng hưởng từ (chụp MRI) được sử dụng rộng rãi để chẩn đoán bệnh bởi tính chi tiết về hình ảnh của phương tiện hình ảnh này. Song song với sự phổ biến của phương tiện này là nhiều băn khoăn của người bệnh về nó: Cộng hưởng từ là gì? Thường được sử dụng khi nào? Cần chuẩn bị gì trước, trong và sau khi chụp không? Mang thai có được chụp MRI, chụp MRI có hại gì không? Bài viết này, hãy cùng Bác sĩ Phạm Thị Hoài Thương giải đáp được các thắc mắc của người bệnh khi được bác sĩ cho chỉ định chụp MRI.
Nội dung bài viết
Chụp cộng hưởng từ là gì?
Chụp cộng hưởng từ (tên tiếng anh là Magnetic Resonance Imaging – MRI) là phương pháp sử dụng từ trường mạnh và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh chi tiết về các cơ quan trong cơ thể chúng ta.1 MRI là một cách không xâm lấn để bác sĩ kiểm tra các cơ quan, mô và hệ thống xương của bạn. Nó tạo ra hình ảnh có độ phân giải cao về các chi tiết cơ thể giúp chẩn đoán nhiều vấn đề khác nhau.2
Máy MRI hoạt động bằng cách tạo ra một từ trường mạnh bên trong cơ thể bạn. Máy tính sẽ lấy tín hiệu từ MRI để tạo ra hàng loạt các hình ảnh, mỗi bức ảnh sẽ thể hiện một lát mỏng trong cơ thể của bạn.3

Ứng dụng của chụp cộng hưởng từ
MRI có thể được sử dụng để kiểm tra hầu hết các cơ quan trong cơ thể chúng ta, bao gồm:2
MRI não và tủy sống
MRI là phương tiện hình ảnh được sử dụng thường xuyên trong chẩn đoán các bệnh liên quan tới não và tủy sống. Nó thường được thực hiện để giúp chẩn đoán các bệnh như:
- Phình động mạch não.
- Rối loạn mắt và tai trong.
- Xơ cứng rải rác.
- Bệnh liên quan tới tủy sống.
- Đột quỵ.
- Khối u.
- Chấn thương não.
Một loại MRI đặc biệt là MRI chức năng não (tên tiếng anh là Funtion Magnetic Resonance Imaging – fMRI). fMRI sẽ đo hoạt động của não dựa trên sự phát hiện những thay đổi liên quan tới lượng máu tới não. Khi một vùng não được sử dụng, lưu lượng máu đến vùng đó sẽ tăng lên từ đó nó tạo ra hình ảnh của dòng máu đến các khu vực nhất định của não.3
fMRI có thể được sử dụng để kiểm tra giải phẫu của não và xác định phần nào của não đang xử lý các chức năng quan trọng. MRI chức năng cũng có thể được sử dụng để đánh giá tổn thương do chấn thương đầu hoặc do các rối loạn như bệnh Alzheimer…

MRI tim và mạch máu
Ở lĩnh vực tim và mạch máu, MRI có thể được dùng để đánh giá:
- Kích thước và chức năng của các buồng tim.
- Độ dày và sự di động của thành tim.
- Bất thường về cấu trúc của động mạch chủ như phình động mạch chủ, bóc tách động mạch chủ.
- Mức độ ảnh hưởng của nhồi máu cơ tim và các bệnh tim khác.
- Tình trạng viêm và tắc nghẽn mạch máu.
MRI xương và dây chằng
MRI có thể giúp đánh giá:
- Các bất thường về khớp gây ra do chấn thương hoặc chấn thương lặp đi lặp lại, ví dụ như rách dây chằng, rách sụn.
- Bất thường liên quan đĩa đệm cột sống.
- Nhiễm trùng xương.
- Khối u của xương và mô mềm.
MRI vú
MRI có thể được sử dụng chung với nhũ ảnh để phát hiện ung thư vú, đặc biệt ở những người có nguy cơ cao.
MRI các cơ quan khác
MRI có thể được dùng để đánh giá các cơ quan khác như:

Chỉ riêng về mảng ung thư, MRI được sử dụng rộng rãi để tìm và xác định chính xác nhiều loại ung thư. Không dừng lại ở tìm ra, MRI còn giúp bác sĩ đánh giá mức độ lan tràn của ung thư này (hay nói cách khác là sự di căn của ung thư), từ đó giúp bác sĩ đưa ra kế hoạch điều trị, như phẫu thuật hoặc xạ trị hoặc kết hợp nhiều phương pháp khác nhau.4
Ưu và nhược điểm của chụp cộng hưởng từ
Ưu điểm5
Chụp MRI là một trong những phương pháp chẩn đoán bệnh chuyên sâu có nhiều ưu điểm vượt trội:
- Cho phép bác sĩ đánh giá bên trong cơ thể con người không xâm lấn và gần như máy MRI không gây hại hoặc nguy hiểm cho người bệnh trong suốt quá trình chụp
- Phương tiện hình ảnh không dùng tia X để tạo hình vì thế có thể dùng cho phụ nữ có thai ở tuổi thai cho phép và các phương tiện khác không để chẩn đoán được vấn đề của thai phụ này.
- Sự chi tiết trong hình ảnh tạo ra.
Nhược điểm5
Cũng như các loại thiết bị y tế khác, máy chụp cộng hưởng từ cũng có một số nhược điểm đó là:
- Đòi hỏi bệnh nhân gần như bất động tuyệt đối để cho hình ảnh tốt nhất không bị xảo ảnh: bệnh nhân được yêu cầu tuyệt đối bất động trong suốt quá trình quét, vì chỉ một cử động nhỏ cũng có thể khiến toàn bộ hình ảnh bị biến dạng. Một khi hình ảnh bị biến dạng hình ảnh mang lại sẽ bị sai lệch, có khi phải quét lại từ đầu.
- Một lần chụp MRI diễn ra khá lâu, nên chẩn đoán hình ảnh này không thích hợp áp dụng cho trường hợp cấp cứu
- Quét MRI gây ra tiếng ồn rất lớn. Vì thế, đôi lúc người bệnh cần sử dụng nút bịt tai hoặc tai nghe trong quá trình chụp.
Đối tượng nào không được chụp cộng hưởng từ?
Mặc dù MRI không sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh như X-quang hay chụp cắt lớp vi tính (CLVT), nhưng nó sử dụng một từ trường rất mạnh. Từ trường ngày vượt ra ngoài khung máy MRI và tác động một lực mạnh lên các vật bằng sắt, một số vật bằng thép và các vật có thể nhiễm từ khác.4 Từ trường của máy quét MRI sẽ kéo các vật liệu có tính từ và có thể gây ra chuyển động không mong muốn của thiết bị y tế.5
Bên cạnh đó, năng lượng tạo ra từ cơ chế hoạt động của chụp MRI có thể gây nóng thiết bị y tế cấy ghép và mô xung quanh nó, từ đó dẫn đến bỏng, làm cho các thiết bị y tế di lệch sai vị trí hoặc hoạt động sai so với ban đầu.
Ngoài ra sự hiện diện của thiết bị y tế sẽ làm giảm chất lượng của hình ảnh MRI, có thể làm cho quá trình quét MRI không chính xác hoặc có thể dẫn đến chẩn đoán lâm sàng không chính xác.5
Chính vì thế bệnh nhân nên báo với bác sĩ khi có những thiết bị trong người như:
- Đặt máy tạo nhịp tim nhân tạo.
- Các thiết bị điện tử được lắp trong cơ thể như máy trợ thính, máy bơm thuốc…
- Các kẹp (clips), vật kim loại nội sọ.
- Các vật kim loại trong hốc mắt.
- Các mảnh kim khí trong cơ thể.
- Các bộ phận kim loại trong cơ thể như khớp giả, răng giả, nẹp xương, đinh nội tủy…
- Dụng cụ kim loại trong can thiệp mạch máu đặt stent mạch máu, coils.
Đối tượng cần lưu ý khi chụp MRI là phụ nữ mang thai. Thai phụ không nên chụp MRI trong tam cá nguyệt I (3 tháng đầu thai kì – tuần 1 – 13). Vì đây là giai đoạn thai nhi đang hình thành cơ các cơ quan chụp MRI thời điểm này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi vì thế khi được chỉ định MRI phải báo với bác sĩ nếu mình có thai hoặc nghi ngờ có thai.
Một số các bệnh khác như suy thận, hội chứng sợ không gian kín, dị ứng với thức ăn, thuốc hoặc thuốc tương phản trong lần chụp MRI trước đó, hãy thông báo với bác sĩ của bạn để được xem xét, đánh giá và chuẩn bị kĩ hơn cho cuộc chụp.
Quy trình chụp cộng hưởng từ
Trước khi chụp2
Trước khi chụp MRI bạn cần thảo luận với bác sĩ của mình để biết mục đích cuộc chụp và những điều cần lưu ý trước trong và sau cuộc chụp. Ví dụ như nếu bạn là một người sợ bị nhốt kín, sợ ở trong không gian nhỏ và kín, bạn nên trao đổi với bác sĩ của mình để được tư vấn, chấn an hoặc bạn có thể được quan sát máy MRI trước khi chụp để bạn bình tĩnh hơn. Đôi khi bạn cần dùng thuốc an thần để thư giãn trong cuộc chụp.
Nhớ rằng hãy cho bác sĩ bạn biết nếu bạn:
- Đang mắc một bệnh mạn tính nào đó.
- Có những thiết bị bằng kim loại cấy ghép trong người.
- Dị ứng với thức ăn hay thuốc.
- Đang mang thai hoặc có khả năng mang thai.
- Trước khi vô chụp MRI, bạn vẫn ăn uống và dùng thuốc như thường ngày. Trong một vài trường hợp bác sĩ có thể yêu cần bạn nhịn ăn ít nhất 4 tiếng trước khi chụp hay uống nước trước khi chụp, tùy vào mục đích cuộc chụp, những điều đặc biệt này sẽ được bác sĩ thông báo với bạn.
Tiếp đó, bạn sẽ được yêu cầu thay trang phục và loại bỏ những thứ có thể ảnh hưởng đến hình ảnh từ tính, chẳng hạn như:
- Trang sức: nhẫn, vòng cổ, lắc tay.
- Khuyên tai, khuyên mũi.
- Răng giả.
- Máy trợ thính.
- Áo lót có gọng.
- Đồng hồ.
Trong lúc chụp1
Khi mọi thứ đã sẵn sàng bạn sẽ nằm trên một chiếc giường có động cơ di chuyển bên trong máy quét. Bạn sẽ được đưa vào máy quét bằng đầu hoặc bằng chân trước, tùy thuộc vào phần cơ thể bạn cần khảo sát.
Cùng lúc này một máy tính được sử dụng để vận hành máy quét MRI, được đặt trong một phòng khác để tránh xa từ trường do máy quét tạo ra. Nhân viên chụp sẽ vận hành máy tính và họ cũng sẽ ở trong một phòng riêng biệt với bạn. Nhưng bạn sẽ có thể nói chuyện với họ, thường là qua hệ thống liên lạc nội bộ và họ sẽ có thể nhìn thấy bạn mọi lúc trên màn hình TV và qua cửa sổ trong suốt quá trình quét.
Một người bạn hoặc thành viên gia đình có thể được phép ở lại với bạn trong khi bạn đang quét. Trẻ em thường có thể có cha mẹ đi cùng. Bất kỳ ai ở lại với bạn sẽ được hỏi xem họ có máy tạo nhịp tim hoặc bất kỳ đồ vật kim loại nào khác trong người không. Họ cũng sẽ phải tuân theo các nguyên tắc tương tự liên quan đến quần áo và loại bỏ các đồ vật bằng kim loại.
Để tránh hình ảnh không chính xác, điều rất quan trọng là phải giữ yên toàn bộ cơ thể của bạn trong suốt quá trình quét cho đến khi được yêu cầu thư giãn. Một lần quét có thể mất từ vài giây đến 3 hoặc 4 phút. Bạn có thể được yêu cầu nín thở trong quá trình quét trong một khoảng thời gian ngắn. Tùy thuộc vào kích thước của khu vực được quét và số lượng hình ảnh được chụp, toàn bộ quy trình sẽ mất từ 15 đến 90 phút.
Sau khi chụp
Sau khi quét, bạn có thể tiếp tục các hoạt động bình thường ngay lập tức. Nhưng nếu bạn đã dùng thuốc an thần, bạn bè hoặc người thân sẽ cần đưa bạn về nhà và ở bên bạn trong 24 giờ đầu tiên. Không nên lái xe, vận hành máy móc hạng nặng hoặc uống rượu trong 24 giờ sau khi dùng thuốc an thần.
Một vài bệnh nhân lo lắng nhiều về tác dụng phụ của thuốc tương phản từ, tuy nhiên phản ứng dị ứng với chất tương phản là cực kỳ hiếm nếu trước đó bạn không có tiền căn dị ứng. Điều quan trọng là bạn phải theo dõi bản thân mình, nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào như phát ban, nổi mề đay hoặc khó thở trước khi rời khỏi cơ sở, hãy thông báo ngay cho kỹ thuật viên hoặc bác sĩ, hoặc gọi cho bác sĩ của bạn hoặc đến bệnh viện gần nhất nếu bạn đã rời khỏi bệnh viện để về nhà.7
Sau khi chụp, bác sĩ sẽ phân tích hình ảnh của bạn và trả kết quả sau đó. Thường mất vài ngày thậm chí một hoặc vài tuần tùy thuộc vào từng cơ sở y tế khác nhau.
Chụp cộng hưởng từ có ảnh hưởng đến sức khỏe không?
Các sự kiện bất lợi khi chụp MRI là rất hiếm. Hàng triệu lượt quét MRI được thực hiện ở Mỹ mỗi năm và FDA nhận được khoảng 300 báo cáo về sự cố bất lợi đối với máy quét và cuộn dây MRI mỗi năm từ các nhà sản xuất, nhà phân phối, cơ sở người dùng và bệnh nhân.
Phần lớn các báo cáo này mô tả tình trạng nóng và / hoặc bỏng (chấn thương do nhiệt). Bỏng độ hai là vấn đề bệnh nhân được báo cáo phổ biến nhất.
Các vấn đề khác được báo cáo bao gồm:
- Chấn thương do các sự kiện đạn bắn (vật thể bị hút về phía máy quét MRI).
- Ngón tay bị nghiền nát và bị chèn ép từ bàn bệnh nhân của máy MRI.
- Bệnh nhân bị ngã và mất thính lực hoặc ù tai (ù tai).
Vậy cần tuân thủ đúng các chỉ định và chống chỉ định thì chụp MRI tương đối an toàn.5
Phân biệt giữa chụp cộng hưởng từ và chụp cắt lớp vi tính (CLVT)
Chụp CT và MRI đều được sử dụng để ghi lại hình ảnh bên trong cơ thể bạn, tuy nhiên chúng khác nhau ở nhiều khía cạnh từ việc cách tạo ra hình ảnh đến mục đích chụp. Sự khác biệt lớn nhất là MRI (chụp cộng hưởng từ) sử dụng sóng vô tuyến và từ trường trong khi CLVT sử dụng tia X để tạo hình. Chụp CT được sử dụng rộng rãi hơn MRI và thường ít tốn kém hơn. Tuy nhiên, MRI được cho là vượt trội hơn về độ chi tiết của hình ảnh.8
Những khác biệt khác giữa chụp MRI và CT bao gồm rủi ro và lợi ích của chúng. Cả chụp CT và MRI đều tiềm ẩn một số rủi ro khi sử dụng. Các rủi ro dựa trên loại hình ảnh cũng như cách thức chụp ảnh được thực hiện.
Rủi ro chụp CT
- Gây hại cho thai nhi.
- Một phản ứng tiềm tàng như phản vệ đối với việc sử dụng thuốc tương phản.
Rủi ro MRI
- Phản ứng có thể xảy ra với kim loại do từ trường.
- Tiếng ồn lớn từ máy gây ra các vấn đề về thính giác.
- Tăng nhiệt độ cơ thể khi chụp MRI kéo dài.
- Sợ hãi khi phải nằm trong không gian kín.
Về mặt lợi ích
Cả MRI và CT scan đều có thể xem các cấu trúc bên trong cơ thể. Tuy nhiên, chụp CT nhanh hơn và có thể cung cấp hình ảnh của các mô, cơ quan và cấu trúc xương. MRI rất ưu thế trong việc ghi lại hình ảnh giúp bác sĩ xác định xem có các mô bất thường trong cơ thể hay không.
Lựa chọn CT hay MRI tùy thuộc vào triệu chứng của bạn và những chẩn đoán có thể xảy ra cũng như cần làm rõ và loại trừ của bạn. Bác sĩ cần một hình ảnh chi tiết hơn về mô mềm, dây chằng hoặc các cơ quan của bạn, họ sẽ đề nghị chụp MRI.8
Trên đây là thông tin về chụp cộng hưởng từ (MRI). Mọi thông tin trong bài viết mang tính chất tham khảo, các bạn nên đến gặp bác sĩ để được chỉ định, chẩn đoán chính xác và điều trị sớm.
Cài đặt ngay ứng dụng YouMed để đặt khám tiện lợi, không chờ đợi tại hơn 25 bệnh viện, 475 bác sĩ và 50 phòng khám đa khoa liên kết chính thức với YouMed. Hotline tư vấn 1900 2805 .
Các tính năng rất hữu ích của ứng dụng đặt khám YouMed

Lấy số thứ tự trước, khám đúng khung giờ

Chat miễn phí
với bác sĩ

Video call
với bác sĩ

Nhận và lưu trữ hồ sơ, toa thuốc, lịch sử khám

Mua trực tuyến các sản phẩm y tế, sức khỏe chính hãng

Đọc tin y tế
chính thống
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
MRI scanhttps://www.nhs.uk/conditions/mri-scan/
Ngày tham khảo: 05/09/2022
-
MRIhttps://www.mayoclinic.org/tests-procedures/mri/about/pac-20384768
Ngày tham khảo: 05/09/2022
-
MRI: What You Need to Knowhttps://www.webmd.com/a-to-z-guides/what-is-an-mri
Ngày tham khảo: 05/09/2022
-
Magnetic Resonance Imaging (MRI)https://www.nibib.nih.gov/science-education/science-topics/magnetic-resonance-imaging-mri
Ngày tham khảo: 05/09/2022
-
Benefits and Riskshttps://www.fda.gov/radiation-emitting-products/mri-magnetic-resonance-imaging/benefits-and-risks
Ngày tham khảo: 05/09/2022
-
Association Between MRI Exposure During Pregnancy and Fetal and Childhood Outcomeshttps://jamanetwork.com/journals/jama/fullarticle/2547756#
Ngày tham khảo: 05/09/2022
-
Prepare for Magnetic Resonance Imaging (MRI)https://radiology.ucsf.edu/patient-care/prepare/mri#accordion-learning-your-results
Ngày tham khảo: 05/09/2022
-
CT Scan vs. MRIhttps://www.healthline.com/health/ct-scan-vs-mri
Ngày tham khảo: 05/09/2022