YouMed

Gỡ rối thai kỳ: 10 câu hỏi quan trọng các mẹ nên hỏi khi đi khám thai

bác sĩ trần thế minh
Tác giả: BS.CKI Trần Thế Minh
Chuyên khoa: Sản phụ khoa

Mang thai lần đầu là một trải nghiệm hoàn toàn mới lạ và thú vị. Và dĩ nhiên, đây cũng là một giai đoạn nhiều biến đổi quan trọng của cơ thể và tâm lý người mẹ. Việc hiểu rõ về thai kỳ của mình có ý nghĩa quan trọng đối với mẹ và thai nhi. Không ít mẹ tỏ ra bối rối về các vấn đề trong thai kỳ nhưng không biết phải hỏi bác sĩ như thế nào.  Bỏ túi ngay 10 câu hỏi cần hỏi bác sĩ sản khoa dưới đây để luôn trong tư thế chủ động bạn nhé!

1. Thai kỳ của tôi có dấu hiệu bất thường gì hay không?

Có nhiều vấn đề có thể diễn ra trong thai kỳ. Ba tháng đầu, vấn đề tầm soát dị tật thai nhi được đặt lên hàng đầu. Với ba tháng giữa, đó là tình trạng phát triển của thai nhi, các vấn đề về rối loạn đường huyết và huyết áp thai kỳ. Trong khi đó, với ba tháng cuối, kế hoạch chuyển dạ sẽ là mối quan tâm đặc biệt.

“Thai kỳ của tôi có dấu hiệu bất thường gì không?”. Câu hỏi này quan trọng ở mỗi lần khám thai của bạn. Hãy đảm bảo rằng bạn hiểu được các vấn đề xuất hiện trong thai kỳ. Việc này sẽ giúp bạn nắm rõ và luôn chủ động trước các tình huống bất ngờ có thể xảy ra.

Xem thêm: Khám thai như thế nào để đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh?

2. Những loại thuốc nào tôi có thể dùng hoặc nên dùng trong thai kỳ?

Đối với các loại thuốc không kê toa, có một số loại thuốc bạn có thể dùng nếu cần thiết ở thai kỳ của mình. Chẳng hạn như thuốc giảm triệu chứng đau đầu hoặc ợ nóng. Bạn có thể đề nghị bác sĩ sản khoa của mình cung cấp danh sách các loại thuốc không kê toa có thể dùng.

Đối với các loại thuốc kê toa, bạn cần thảo luận với bác sĩ để xem xét tất cả các tình trạng hiện tại của bạn. Bác sĩ sẽ quyết định xem có nên sử dụng hay không.

Hãy cẩn thận khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào trong thai kỳ!
Hãy cẩn thận khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào trong thai kỳ!

Riêng với các loại vitamin, thuốc sắt, acid folic, việc bổ sung trước và trong thai kỳ là điều cần thiết ngay cả với những thai kỳ bình thường. Tuy nhiên, hãy hỏi bác sĩ sản khoa của bạn về việc sử dụng các loại thuốc này như thế nào và liều lượng bao nhiêu là đủ.

Xem thêm: Siêu âm thai: Mẹ cần biết gì?

Luôn ghi nhớ một điều rằng: dù bất kỳ loại thuốc nào, kể cả thuốc không kê toa đều có một số nguy cơ nhất định đối với thai kỳ của bạn. Nó bao gồm các dị tật thai nhi và sức khỏe người mẹ. Vì vậy, cần hạn chế việc sử dụng các loại thuốc không cần thiết. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ sản khoa của bạn khi có ý định sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.

3. Có cần phải tiêm vắc xin không? Nếu cần, tôi phải tiêm những loại vắc xin nào và vào thời điểm nào?

Trong thời gian mang thai, sản phụ được chỉ định tiêm vắc xin ngừa bệnh uốn ván. Vắc xin sẽ giúp bảo vệ thai kỳ của bạn tránh được tác nhân gây hại bên ngoài, nhất là khi chuyển dạ. Vắc xin uốn ván thường được tiêm 2 mũi, cách nhau ít nhất 1 tháng vào 3 tháng giữa thai kỳ đầu tiên. Đối với các lần mang thai sau sẽ cần 1 mũi nhắc trong thai kỳ.

Ngoài ra, trong quá trình mang thai, mẹ bầu cũng có thể tiêm vắc xin cúm, vắc xin ngừa viêm gan B nếu có chỉ định. Tuy nhiên, tốt nhất 2 vắc xin này nên được chủ động tiêm ngừa trước khi có thai.

Xem thêm: Tiêm phòng khi mang thai: Những loại vaccine nào cần thiết?

4. Tôi cần phải có chế độ ăn như thế nào trong thai kỳ? Tăng cân như thế nào là phù hợp?

Hãy hỏi bác sĩ sản khoa của bạn để được hướng dẫn chế độ ăn phù hợp với cơ thể bạn. Việc này phụ thuộc vào cân nặng hiện tại, tình trạng sức khỏe của bạn. Và nếu bạn có biểu hiện rối loạn đường huyết trong thai kỳ thì chế độ ăn cũng cần có sự thay đổi.

Lựa chọn thực phẩm phù hợp và an toàn trong thai kỳ
Lựa chọn thực phẩm phù hợp và an toàn trong thai kỳ

Ở mỗi giai đoạn của thai kỳ sẽ có một mức độ tăng cân khác nhau ở sản phụ. Việc theo dõi cân nặng là cần thiết để biết liệu chế độ ăn của bạn có phù hợp hay không? Và liệu cân nặng hiện tại có phản ánh sự phát triển đầy đủ của thai nhi?

Xem thêm: Chế độ ăn uống khi mang thai thế nào là hợp lý?

5. Tôi có thể tập thể thao hay không? Nghỉ ngơi như thế nào là đủ?

Việc xây dựng một chế độ sinh hoạt, vận động phù hợp là rất cần thiết. Nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe mẹ và thai nhi. Sẽ tốt hơn nếu bạn bày tỏ mong muốn của bạn về môn thể thao bạn muốn tập với bác sĩ trong các buổi khám thai. Họ sẽ cho bạn biết liệu nó có phù hợp hay cần thay đổi gì không.

6. Liệu có thể quan hệ tình dục trong khi mang thai được không?

Quan hệ tình dục trong thai kỳ có thể diễn ra bình thường nếu như thai kỳ có bạn không có bất thường. Tuy nhiên, bạn vẫn cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo không có bất kỳ vấn đề nào có thể ảnh hưởng đến thai kỳ của bạn.

7. Tôi có thể làm gì để giảm các triệu chứng thai nghén?

Buồn nôn, nôn, đau đầu, đầy bụng, khó tiêu và nhiều triệu chứng ốm nghén khác có thể xảy ra trong thai kỳ của bạn. Việc này có thể ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe của mẹ và thai nhi. Hãy tận dụng các buổi khám thai để hỏi bác sĩ của bạn. Họ sẽ đưa ra các biện pháp có thể hỗ trợ bạn đấy!

8. Làm sao để biết các triệu chứng đang có là bình thường? Khi nào tôi nên đến gặp bác sĩ ngay?

Các triệu chứng trong thai kỳ có thể thay đổi tùy thuộc vào mỗi giai đoạn. Ba tháng đầu, bạn có thể buồn nôn, nôn, mệt mỏi hoặc đau vú. Ba tháng giữa, có thể xuất hiện các triệu chứng đầy bụng, cảm giác trằn bụng dưới.

Và ba tháng cuối, bạn sẽ nhận thấy sự xuất hiện của các cơn co thắt. Đây là thời điểm bạn cần chú ý các triệu chứng báo hiệu của chuyển dạ. Các cơn co thắt tăng về mức độ và cường độ, vỡ ối hoặc xuất hiện dịch nhầy, máu âm đạo có thể là dấu hiệu của chuyển dạ.

Dù sao đi nữa, đừng ngại hỏi bác sĩ của bạn nếu bạn không chắc chắn về bất cứ điều gì. Họ biết đây có thể là một trải nghiệm mới cho bạn, và có thể giúp bạn tìm ra những gì bình thường và những gì không.

9. Chúng ta nên thảo luận về kế hoạch sinh nở chứ nhỉ?

Bạn cần biết về ngày dự sinh của mình, làm sao để xác định nó. Việc này sẽ giúp bạn chủ động sắp xếp thời gian, công việc, tiền bạc,…

Ngoài ra, hãy trao đổi về các nguyện vọng của bạn để giúp bác sĩ hiểu và chủ động hỗ trợ cho bạn hơn. Bạn có thể cho họ biết về kinh nghiệm ở những thai kỳ trước, lo ngại của bản thân,..

Tất nhiên, bác sĩ cũng cần thảo luận với bạn về các khả năng có thể xảy ra khi chuyển dạ. Đặc biệt nếu bạn có một thai kỳ nguy cơ cao, sẽ cần chú ý đến nhiều hạn chế hơn để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi.

Cùng thảo luận với bác sĩ sản khoa về kế hoạch sinh mong muốn của bạn
Cùng thảo luận với bác sĩ sản khoa về kế hoạch sinh mong muốn của bạn

10. Khi nào tôi cần quay lại khám thai?

Đây là câu hỏi quan trọng trước khi kết thúc bất kỳ buổi khám thai nào của bạn. Để chắc chắn, hãy hỏi bác sĩ của bạn thời điểm cần quay lại để kiểm tra hoặc làm các xét nghiệm cần thiết. Sẽ thuận lợi hơn nếu bạn có thể sắp xếp thời gian của mình phù hợp với lịch khám của bác sĩ.

Như vậy, với bài viết này, Bác sĩ đã cung cấp cho bạn 10 câu hỏi quan trọng bạn nên hỏi bác sĩ sản khoa của bạn trong mỗi lần khám thai. Hãy bỏ túi ngay những câu hỏi này nhé!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Questions to Ask Your Doctor About Pregnancyhttps://www.webmd.com/baby/questions-about-pregnancy

    Ngày tham khảo: 08/03/2020

  2. Tài liệu Sản phụ khoa Đại học Y dược TPHCM (2018). "Làm mẹ an toàn".

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người