YouMed

Hạ canxi máu (tụt canxi) là bệnh gì? Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

bác sĩ vũ thành đô
Tác giả: ThS.BS Vũ Thành Đô
Chuyên khoa: Tim - Thận - Khớp - Nội tiết

Canxi là một loại chất khoáng thiết yếu trong cơ thể. Chúng tham gia vào các hoạt động của tim và cơ bắp. Do đó, nếu không đủ lượng canxi thì có nguy cơ mắc các bệnh như loãng xương, hạ canxi máu. Vậy lượng canxi bao nhiêu là đủ và các bệnh liên quan đến canxi như hạ canxi máu là như thế nào? Mời bạn cùng tìm hiểu trong bài viết sau đây của ThS.BS Vũ Thành Đô.

Tổng quan về bệnh hạ canxi máu

Sự điều hòa canxi trong cơ thể

Canxi là một thành phần thiết yếu để cấu tạo nên xương và răng. Canxi cũng được tìm thấy trong máu và bên trong các tế bào của cơ thể bạn. Canxi tham gia vào nhiều quá trình sinh học quan trọng trong cơ thể. Chẳng hạn nó đóng vai trò trong quá trình đông máu và giúp một số enzym hoạt động. Nó cũng rất quan trọng để truyền tín hiệu cho các dây thần kinh và cơ hoạt động. Trong đó có cơ tim.

Do đó, cơ thể cần hoạt động để điều hòa lượng canxi có trong máu. Nếu mức canxi quá cao, cơ thể sẽ có cơ chế điều hòa để giảm xuống và ngược lại. Cụ thể, nếu lượng canxi trong máu quá thấp, các tuyến cận giáp sẽ tiết ra hormone tuyến cận giáp (PTH). Hormone này có tác dụng làm tăng lượng canxi bằng nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như giảm lượng canxi thải ra ngoài qua nước tiểu.

Thông thường, hoạt động của PTH sẽ đưa canxi máu về lại mức bình thường nhưng nếu có sự bất thường trong cơ chế điều hòa canxi thì có thể dẫn đến tình trạng hạ canxi máu.

Hạ canxi máu là bệnh gì?

Hạ canxi máu là tình trạng nồng độ canxi trong huyết thanh thấp hơn bình thường. Chính xác hơn, hạ canxi máu được định nghĩa là nồng độ canxi trong huyết thanh toàn phần ≤ 8.8 mg/dl (2.2 mmol/l). Nhưng với điều kiện là lượng protein huyết tương bình thường, hay nồng độ canxi ion hóa < 4.7 mg/dl (1.17 mmol/l).

Hạ canxi máu có thể gây ra triệu chứng ở cả trẻ em và người lớn. Dấu hiệu trẻ bị thiếu canxi là còi xương, chậm phát triển chiều cao, hay khóc đêm, vã mồ hôi trộm. Còn ở người lớn thì sự hạ canxi trong máu có thể dẫn đến loãng xương, thoái hóa cột sống.

Nguyên nhân gây hạ canxi máu

1. Độ tuổi

Nguy cơ hạ canxi máu sẽ càng tăng lên theo tuổi. Sự hạ canxi máu này có thể do nhiều yếu tố, bao gồm:

  • Hấp thu canxi kém trong thời gian dài, đặc biệt là trong thời thơ ấu (trẻ nhỏ).
  • Một số thuốc làm giảm hấp thu canxi.
  • Chế độ ăn uống không có phẩm giàu canxi.
  • Thay đổi nội tiết tố, đặc biệt là ở phụ nữ mãn kinh.
  • Một số yếu tố di truyền.

Điều quan trọng là phải đảm bảo lượng canxi đủ mỗi ngày. Mỗi độ tuổi sẽ cần có lượng canxi được khuyến nghị kkhác nhau. Bảng dưới đây theo khuyến nghị từ Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ:1

Đối tượng Lượng canxi hàng ngày được khuyến cáo
Trẻ em từ 0 – 6 tháng tuổi 200 mg
Trẻ em từ 7 – 12 tháng tuổi 260 mg
Trẻ em từ 1 – 3 tuổi 700 mg
Trẻ em từ 4 – 8 tuổi 1000 mg
Trẻ em từ 9 – 18 tuổi 1300 mg
Người lớn từ 19 – 30 tuổi 1000 mg
Người lớn từ 31 – 50 tuổi 1000 mg
Người lớn từ 51 – 70 tuổi 1000 – 1200 mg
Người lớn trên 70 tuổi 1000 – 1200 mg

2. Suy cận giáp

Do vai trò quan trọng của PTH nên tình trạng suy tuyến cận giáp sẽ làm ảnh hưởng đến lượng hormone được sản xuất. Suy cận giáp là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng tụt canxi. Một số nguyên nhân gây suy tuyến cận giáp, bao gồm:

  • Chấn thương tuyến cận giáp do phẫu thuật hoặc xạ trị.
  • Bệnh tự miễn.
  • Do di truyền.

3. Thiếu hụt vitamin D

Thiếu vitamin D cũng là một nguyên nhân quan trọng khác của hạ canxi máu. Vitamin D đóng vai trò quan trọng trong khả năng hấp thụ và sử dụng canxi của cơ thể. Vitamin D thấp có thể do một số vấn đề như:

  • Chế độ ăn nghèo vitamin D.
  • Ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời (vì đây là nguồn vitamin D dồi dào).
  • Khả năng hấp thu vitamin D của cơ thể kém.
  • Người bị bệnh thận, bệnh gan tiến triển.

4. Do thuốc

Một số loại thuốc có thể gây ra tác dụng phụ hạ canxi máu. Chẳng hạn như các thuốc sau:

  • Thuốc điều trị loãng xương.
  • Thuốc chống động kinh.
  • Một số loại thuốc hóa trị, ví dụ: cisplatin.
  • Thuốc lợi tiểu.
  • Thuốc ức chế bơm proton.

Vì nhiều lý do, những người có bệnh lý nền nặng có nguy cơ bị hạ canxi cao hơn. Điều này có thể là do các vấn đề như nhiễm trùng huyết, rối loạn điện giải,… ảnh hưởng đến nồng độ canxi trong huyết thanh.

Triệu chứng hạ canxi máu

Nếu lượng canxi chỉ bị hạ một chút thì có thể không nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào. Trường hợp hạ canxi quá nặng có thể gây ra một số triệu chứng như:

  • Cảm giác tê, ngứa ran ở tay, chân.
  • Chuột rút, co thắt hoặc yếu cơ
  • Móng tay dễ gãy.
  • Khó thở và thở khò khè.
  • Co giật
  • Các vấn đề về nhịp tim như bệnh cơ tim
  • Mệt mỏi
  • Rối loạn tâm thần: lo lắng, bối rối.

Như đã nói ở trên, không phải tất cả các trường hợp đều có những triệu chứng này. Có trường hợp không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ nhưng cũng có trường hợp nặng gây nguy hiểm đến tính mạng.

Móng tay dễ gãy là một trong những triệu chứng của hạ canxi máu
Móng tay dễ gãy là một trong những triệu chứng của hạ canxi máu

Đối tượng dễ bị hạ canxi máu

Những người bị thiếu vitamin D hoặc thiếu magiê có nguy cơ cao bị hạ canxi máu. Các yếu tố nguy cơ khác dễ dẫn đến hạ canxi máu bao gồm:

  • Người có tiền sử rối loạn tiêu hóa.
  • Bệnh nhân viêm tụy.
  • Người bị suy thận, suy gan.
  • Người bị rối loạn lo âu.
  • Trẻ sơ sinh có nguy cơ mắc bệnh cao vì cơ thể trẻ chưa có cơ chế điều hòa canxi hoàn thiện.

Chẩn đoán hạ canxi máu

Việc chẩn đoán sẽ dựa trên hỏi tiền sử bệnh và thực hiện một số xét nghiệm đánh giá.

Các xét nghiệm gồm:

  • Đo nồng độ canxi toàn bộ.
  • Nồng độ albumin (albumin là một loại protein có khả năng gắn kết với canxi do đó vận chuyển canxi trong máu).
  • Nồng độ canxi tự do trong máu.

Thông thường, nồng độ canxi máu ở người lớn từ 8.8 – 10.4 mg/dL.2 Nếu nồng độ canxi trong huyết thanh < 8.8 mg/dL được chẩn đoán là hạ canxi máu.

Điều trị hạ canxi máu

1. Hạ canxi máu nặng có triệu chứng

Khi có các triệu chứng như tetani, co giật, loạn nhịp tim, cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Bác sĩ sẽ điều trị bằng cách tiêm tĩnh mạch chậm ngay calci gluconat 10% trong vòng 10 – 15 phút.

Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra nồng độ canxi máu 4 – 6 giờ một lần để điều chỉnh nồng độ trong khoảng 7 – 8,5 mg/100 ml (70 – 85 mg/L).

Dấu hiệu đặc trưng của một cơn tetani bao gồm: dị cảm ở môi, lưỡi, đầu chi, bàn chân duỗi như đạp xe, đau cơ toàn thân, co giật các cơ mặt.

2. Hạ canxi máu không có triệu chứng

Nếu hạ canxi máu không có triệu chứng thì việc điều trị chủ yếu là bổ sung canxi, thường dùng là viên uống bổ sung canxi và vitamin D. Hạ canxi máu do hạ albumin thì không cần bổ sung canci. Nếu có giảm magie máu kết hợp thì cần điều trị để làm tăng nhanh calci máu.

Cần lưu ý rằng có một số loại thuốc tương tác với chế phẩm bổ sung canxi, bao gồm:

  • Thuốc chẹn beta trong điều trị tăng huyết áp. 
  • Thuốc kháng acid (antacid) trong điều trị bệnh dạ dày. 
  • Chất tăng tổng hợp acid mật từ cholesterol như colestipol. Thuốc này làm giảm khả năng hấp thu canxi và tăng thải canxi qua nước tiểu.
  • Thuốc chứa estrogen làm tăng nồng độ canxi trong máu.
  • Thuốc lợi tiểu.
  • Một số loại thuốc kháng sinh có thể làm giảm hấp thu canxi.

Do đó, dù không có triệu chứng hạ canxi máu nhưng nếu muốn bổ sung canxi, người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ. 

Phòng ngừa hạ canxi máu

Bổ sung các thực phẩm giàu canxi 

Bạn có thể phòng ngừa thiếu canxi bằng cách bổ sung các thực phẩm giàu canxi. Tuy nhiên, cần biết rằng những thực phẩm giàu canxi như sữa và các chế phẩm từ sữa có thể chứa nhiều chất béo bão hoà và chất béo trans.  Đây là một loại acid béo chuyển hoá không tốt cho cơ thể.

Nên chọn các thực phẩm có ít hoặc không có chất béo để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là không nên nạp vào cơ thể quá nhiều canxi. Tham khảo mức canxi được khuyến nghị hàng ngày ở bảng trên.

Bổ sung thực phẩm giàu canxi vào thực đơn hằng ngày
Bổ sung thực phẩm giàu canxi vào thực đơn hằng ngày

Bổ sung vitamin D

Vitamin D đóng vai trò quan trọng trong việc tăng khả năng hấp thu canxi vào máu. Do đó, bạn có bổ sung vitamin D qua các thực phẩm như:

  • Các loại cá: cá hồi,cá ngừ
  • Nước cam.
  • Sữa.
  • Trứng.
  • Nấm portobello (nấm bàn).

Ngoài ra, ánh nắng mặt trời cũng giúp cơ thể tạo vitamin D. Do đó việc tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng mặt trời cũng giúp tăng cường vitamin D trong cơ thể.

Thay đổi lối sống

Bên cạnh việc duy trì nồng độ canxi và vitamin D, bác sĩ cũng khuyến cáo nên duy trì một số thói quen tốt để phòng ngừa hạ canxi máu:

  • Duy trì cân nặng hợp lý.
  • Thường xuyên vận động, tập thể dục thể thao hợp lý. 
  • Hạn chế hút thuốc lá, uống rượu bia cũng như các chất kích thích.

Hạ canxi máu có thể gây ra những triệu chứng như tê và ngứa, ảo giác hay thậm chí co giật. Khi xuất hiện những triệu chứng trên, bạn cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời. Hy vọng qua bài viết trên bạn đã có những thông tin cần thiết về tình trạng hạ canxi.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Calciumhttps://ods.od.nih.gov/factsheets/Calcium-HealthProfessional/

    Ngày tham khảo: 31/05/2023

  2. Overview of Disorders of Calcium Concentrationhttps://www.merckmanuals.com/professional/endocrine-and-metabolic-disorders/electrolyte-disorders/overview-of-disorders-of-calcium-concentration

    Ngày tham khảo: 31/05/2023

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người