Thiếu vitamin D: Dấu hiệu, rủi ro, điều trị và phòng ngừa
Nội dung bài viết
Thiếu vitamin D là một tình trạng khá phổ biến trong dân số. Tuy nhiên nó khá âm thầm và rất ít người nhận biết được nó. Thiếu vitamin D đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Do đó, quan trọng là bạn cần phải biết được dấu hiệu cũng như các cách điều trị, phòng ngừa thiếu vitamin D. Hãy đọc ngay bài viết dưới đây bạn nhé!
Tại sao bạn cần vitamin D?
Vitamin D là một loại vitamin cực kỳ quan trọng. Nó có tác dụng mạnh mẽ đối với một số hệ thống trong toàn bộ cơ thể của bạn. Vitamin D giúp cơ thể bạn hấp thụ canxi. Canxi là một trong những thành phần chính giúp hình thành xương. Vitamin D cũng có một vai trò trong hệ thống thần kinh, cơ và miễn dịch của bạn.
Ai có nguy cơ bị thiếu vitamin D
Vitamin D là một loại vitamin tan trong chất béo và có rất ít thực phẩm giàu vitamin này. Vì vậy, tỷ lệ người bị thiếu vitamin D hiện nay là rất cao. Tuy nhiên trong số đó, một số người có nguy cơ thiếu vitamin này cao hơn, đó là:
- Trẻ sơ sinh bú sữa mẹ;
- Người lớn tuổi;
- Những người có làn da sẫm màu;
- Những người bị các bệnh rối loạn như: bệnh Crohn hoặc bệnh celiac;
- Những người bị béo phì;
- Những người đã phẫu thuật cắt bỏ dạ dày;
- Người bị loãng xương;
- Người bị bệnh gan hoặc thận mãn tính;
- Những người bị cường cận giáp;
- Những người dùng thuốc ảnh hưởng đến chuyển hóa vitamin D. Chúng bao gồm các thuốc: cholestyramine, thuốc chống động kinh, glucocorticoid, thuốc chống nấm và thuốc điều trị HIV/AIDS.
Dấu hiệu thiếu vitamin D
Hầu hết mọi người không nhận ra rằng họ đang thiếu chất, vì các triệu chứng thường rất tinh vi. Dưới đây là một vài triệu chứng bạn có thể để ý:
Thường xuyên bị ốm hoặc bị nhiễm bệnh
Một trong những vai trò quan trọng nhất của vitamin D là tăng cường hệ thống miễn dịch. Từ đó giúp bạn có thể chống lại vi rút và vi khuẩn gây bệnh.
Nếu bạn thường xuyên bị ốm, đặc biệt là khi bị cảm lạnh hoặc cúm, thì có thể bạn đang bị thiếu vitamin D. Đây cũng là một trong những dấu hiệu trẻ thiếu vitamin D phổ biến.
Mệt mỏi
Cảm thấy mệt mỏi có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Và thiếu vitamin D có thể là một trong số các nguyên nhân đó. Thật không may, nhiều người không để ý và bỏ qua nó.
Các nghiên cứu điển hình đã chỉ ra rằng, lượng vitamin D trong máu rất thấp có thể gây ra mệt mỏi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.
Uống thực phẩm chức năng có thể giúp cải thiện năng lượng trong cơ thể.
Đau lưng và đau xương
Đau xương và đau lưng dưới có thể là triệu chứng thiếu vitamin D. Bởi vì vitamin D giúp duy trì sức khỏe của xương bằng hỗ trợ sự hấp thụ canxi của cơ thể bạn.
Trong một nghiên cứu, những người bị thiếu vitamin D có nguy cơ bị đau xương ở chân, xương sườn hoặc khớp cao hơn gần gấp đôi so với những người có nồng độ vitamin trong máu ở mức bình thường.
Suy nhược
Tâm trạng chán nản cũng có thể là dấu hiệu của sự thiếu hụt vitamin D. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc cung cấp vitamin D cho những người bị thiếu hụt sẽ giúp cải thiện chứng trầm cảm, bao gồm cả chứng trầm cảm theo mùa.
Chậm lành vết thương
Một trong những dấu hiệu thiếu vitamin D đó là vết thương chậm lành sau phẫu thuật hoặc chấn thương.
Người ta cũng cho rằng, vai trò của vitamin D trong việc kiểm soát chứng viêm và chống lại nhiễm trùng là rất quan trọng để chữa một số bệnh.
Mất xương
Vitamin D đóng một vai trò quan trọng trong việc hấp thụ canxi và chuyển hóa xương. Nhiều người lớn tuổi bị chứng mất xương thường bổ sung thêm canxi. Tuy nhiên, nguyên nhân cũng có thể là do thiếu vitamin D.
Mật độ khoáng xương thấp là một dấu hiệu cho thấy xương của bạn đã mất canxi và các khoáng chất khác. Điều này khiến người lớn tuổi, đặc biệt là phụ nữ, tăng nguy cơ gãy xương. Vì vậy, việc bổ sung đủ lượng vitamin D là rất quan trọng để duy trì khối lượng xương khi bạn già đi.
Rụng tóc
Rụng tóc ở phụ nữ có liên quan đến mức vitamin D thấp, mặc dù có rất ít nghiên cứu về điều này. Mức vitamin D thấp có liên quan đến chứng rụng tóc từng mảng và có thể là một yếu tố nguy cơ phát triển bệnh.
Đau cơ
Nguyên nhân của đau cơ thường khó xác định. Có một số bằng chứng cho thấy sự thiếu hụt vitamin D có thể là nguyên nhân tiềm ẩn của đau cơ ở trẻ em và người lớn.
Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, bổ sung vitamin D liều cao có thể làm giảm các loại đau khác nhau ở những người bị thiếu hụt.
Thiếu vitamin D gây bệnh gì?
Thiếu vitamin D có thể dẫn đến giảm mật độ xương, góp phần gây loãng xương và gãy xương.
Thiếu vitamin này nghiêm trọng cũng có thể dẫn đến các bệnh khác. Ở trẻ em, nó có thể gây ra còi xương. Còi xương là một căn bệnh hiếm gặp, khiến xương trở nên mềm và cong. Ở người lớn, thiếu vitamin quan trọng này trầm trọng dẫn đến nhuyễn xương. Chứng nhuyễn xương gây yếu xương, đau nhức xương và yếu cơ.
Các nhà nghiên cứu đang nghiên cứu về mối liên hệ giữa vitamin D và một số tình trạng y tế như: tiểu đường, huyết áp cao, ung thư và bệnh đa xơ cứng. Tuy nhiên, vẫn chưa thể đưa ra được kết luận.
Điều trị thiếu vitamin D
Hiện nay, mức vitamin D cần thiết cho sức khỏe tối ưu vẫn chưa được thống nhất. Tuy nhiên nồng độ vitamin D trong máu dưới 20 ng/ml thường được coi là không đủ và cần phải điều trị. Điều trị thiếu hụt vitamin D bao gồm việc bổ sung thêm vitamin D thông qua chế độ ăn uống và thực phẩm chức năng.
Các hướng dẫn từ Viện Y học đã tăng lượng vitamin D được khuyến nghị trong chế độ ăn uống lên 600 đơn vị quốc tế (IU) cho mọi người từ 1-70 tuổi và nâng lên 800 IU cho người lớn trên 70 tuổi để tối ưu hóa sức khỏe của xương. Giới hạn trên an toàn cũng được nâng lên 4.000 IU. Các bác sĩ có thể kê đơn hơn 4.000 IU để điều trị tình trạng thiếu hụt vitamin D.
Nếu bạn không tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời hoặc luôn phải che chắn da cẩn thận, bạn nên nói chuyện với bác sĩ về việc bổ sung vitamin D, đặc biệt nếu bạn có các yếu tố nguy cơ thiếu vitamin này.
Phòng ngừa thiếu vitamin D
Để phòng ngừa thiếu vitamin này, bạn nên có các biện pháp bổ sung vitamin D như sau:
- Tắm nắng trong khoảng 15 phút từ 11 giờ trưa đến 3 giờ chiều 3 lần trong tuần là bạn có thể bổ sung đủ lượng vitamin D cần thiết.
- Tiêu thụ các loại thực phẩm tự nhiên giàu vitamin D. Chúng bao gồm: cá béo (cá hồi, cá ngừ, cá thu), gan bò, phô mai, nấm, lòng đỏ trứng,…
- Sử dụng thực phẩm tăng cường. Người ta thường bổ sung vitamin D vào các thực phẩm sau: sữa, ngũ cốc ăn sáng, nước cam, các sản phẩm từ sữa khác,… Hãy xem nhãn sản phẩm để biết thực phẩm có chứa bao nhiêu vitamin D bạn nhé.
- Ngoài ra còn có các thực phẩm bổ sung vitamin D. Chúng có ở cả dạng viên và dạng lỏng cho trẻ sơ sinh.
Tóm lại, thiếu vitamin D là vô cùng phổ biến và hầu hết mọi người đều không để ý. Nếu bạn nghĩ rằng mình đang thiếu vitamin quan trọng này, hãy nói chuyện với bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị hiệu quả, kịp thời bạn nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.