YouMed

Hạ kali máu có nguy hiểm không?

bác sĩ vũ thành đô
Tác giả: ThS.BS Vũ Thành Đô
Chuyên khoa: Tim - Thận - Khớp - Nội tiết

Hạ kali máu là tình trạng kali trong máu ở ngưỡng quá thấp. Triệu chứng của hạ kali máu rất đa dạng, đôi khi không quá rõ ràng, nhưng cũng có khi xuất hiện suy hô hấp hoặc loạn nhịp tim làm đe dọa tính mạng. Vậy làm sao để chẩn đoán và điều trị hạ Kali máu, bạn hãy cùng Youmed tìm hiểu nhé.

Hạ kali máu là gì?

Hạ kali máu xảy ra khi nồng độ kali trong máu quá thấp. Kali là một chất điện giải quan trọng trong dẫn truyền thần kinh đến các cơ, đặc biệt là cơ tim. Thận là cơ quan giúp điều hòa thăng bằng kali trong cơ thể, và một phần kali thất thoát qua nước tiểu và mồ hôi.

Hạ kali máu mức độ nhẹ thường không có triệu chứng rõ. Một số trường hợp hạ kali máu gây loạn nhịp tim cũng như là yếu cơ. Những triệu chứng này sẽ mất đi sau khi tình trạng hạ kali máu đã được điều trị.

Triệu chứng Hạ kali máu

Hạ kali máu mức độ nhẹ thường không có triệu chứng. Thực tế, người bị hạ kali máu thường không có triệu chứng gì cho đến khi kali máu hạ rất thấp. Kali máu bình thường khoảng 3.6-5.2 mmol/L.

Các triệu chứng giúp gợi ý hạ Kali máu gồm:

  • Yếu cơ
  • Mệt mỏi
  • Táo bón
  • Chuột rút
  • Hồi hộp đánh trống ngực

Kali khi thấp hơn 3.6 gọi là hạ, còn thấp hơn 2.5 mmol/L thì có thể đe dọa tính mạng. Ở ngưỡng này, các triệu chứng gồm:

  • Liệt
  • Suy hô hấp
  • Ly giải cơ
  • Tắc ruột

Một số trường hợp nặng hơn, có xuất hiện loạn nhịp tim. Tình trạng này thường gặp nhất ở người đang uống thuốc digitalis (digoxin) hoặc có tình trạng rối loạn nhịp như:

  • Rối loạn dẫn truyền, ở nhĩ hoặc thất
  • Nhịp tim nhanh
  • Nhịp tim chậm
  • Ngoại tâm thu

Các triệu chứng khác gồm chán ăn, buồn nôn và nôn ói

Nguyên nhân nào gây ra Hạ kali máu?

Các nguyên nhân có thể gồm kali mất qua nước tiểu, mồ hôi hoặc mất qua đường tiêu hóa. Nguyên nhân khác là do ăn không đủ kali hoặc do hạ magie máu. Hạ kali máu cũng có thể là hệ quả của một bệnh lí khác hoặc do một thuốc nào đó đang dùng bao gồm:

  • Hội chứng Bartter, bệnh thận do di truyền hiếm gặp, gây ra sự mất muối và kali
  • Người mắc hội chứng Gitelman, bệnh thận do di truyền hiếm gặp gây mất thăng bằng ion trong cơ thể.
  • Hội chứng Liddle, là một bệnh hiếm gặp gây ra tăng huyết áp và hạ kali máu
  • Hội chứng Cushing, nguyên do là sử dụng quá nhiều cortisol
  • Dùng những thực phẩm chứa cam thảo (nước súc miệng thiên nhiên hay nhai thuốc lá) và đất sét
  • Uống thuốc lợi tiểu thải kali, như Thaizides, lợi tiểu quai và lợi tiểu thẩm thấu
  • Sử dụng dài ngày các thuốc nhuận tràng
  • Dùng penicillin liều cao
  • Đái tháo đường toan cetoan
  • Truyền dịch quá nhiều gây hạ kali máu do pha loãng
  • Hạ Magie máu
  • Bệnh lí tuyến thượng thận
  • Suy dinh dưỡng
  • Giảm khả năng hấp thu
  • Cường giáp
  • Sảng rượu
  • Toan hóa ống thận type 1 và 2
  • Tăng cao catecholamine, như trong nhồi máu cơ tim
  • Thuốc như insulin hoặc đồng vận beta 2 trong điều trị COPD và hen
  • Ngộ độc barium
  • Hạ kali máu gia đình

Yếu tố nguy cơ

Nguy cơ hạ kali máu tăng cao ở những người:

  • Đang dùng loại thuốc gây hạ kali, đặc biệt thuốc lợi tiểu thải kali
  • Tình trạng nôn ói hay tiêu chảy dài ngày
  • Mắc bệnh như đã liệt kê ở trên

Người mắc bệnh tim mạch có nguy cơ xuất hiện các biến chứng của hạ kali máu cao hơn. Thậm chí chỉ hạ một ít kali trong máu cũng có thể làm xuất hiện rối loạn nhịp. Do đó, ở những người suy tim sung huyết, rối loạn nhịp hay có tiền căn nhồi máu cơ tim, tốt nhất nên duy trì kali máu khoảng 4 mmol/L.

Chẩn đoán Hạ kali máu

Bác sĩ khi nghi ngờ bạn có nguy cơ hạ kali máu sẽ đề nghị lấy mẫu máu và nước tiểu để xét nghiệm. Một số xét nghiệm khác giúp đánh giá nồng độ các khoáng chất và vitamin trong máu, bao gồm cả nồng độ kali. Bác sĩ có thể đề nghị bạn làm thêm ECG (Đo điện tim), nhằm giúp phát hiện có hay không rối loạn nhịp do hạ kali máu hoặc bất thường tim mạch khác.

Điều trị Hạ kali máu như thế nào?

Một số người hạ kali máu và có triệu chứng cần phải nhập viện. Lúc này bác sĩ sẽ đo điện tim và theo dõi để xem có bất thường nhịp tim nào không.

Các bước điều trị hạ kali máu gồm:

  • Loại bỏ nguyên nhân gây hạ kali máu. Sau khi đã xác định được nguyên nhân, bác sĩ sẽ định hướng cần làm gì để điều trị tốt nhất. Ví dụ, bác sĩ có thể cân nhắc dùng thuốc giảm tiêu chảy và nôn ói, hoặc đổi thuốc bạn đang dùng
  • Bồi hoàn lượng kali đã mất. Thường bác sĩ cho bạn dùng một số thuốc giúp bồi hoàn lượng kali để đưa về ngưỡng bình thường. Tuy vậy, việc bù kali không nên bù quá nhanh, vì có thể gây ra các rối loạn nhịp khác. Thường bác sĩ sẽ cho truyền kali đường tĩnh mạch với tốc độ truyền dịch chảy chậm
  • Theo dõi Kali tại bệnh viện. Nếu ở bệnh viện, bác sĩ sẽ đo lại lượng kali máu sau bồi hoàn nhằm phòng ngừa tình trạng tăng kali máu. Kali máu tăng có thể gây ra nhiều biến chứng rất nghiêm trọng.
  • Sau khi bạn xuất viện, bác sĩ sẽ dặn dò về chế độ ăn giàu kali. Ngoài ra, có thể bác sĩ sẽ cho bạn dùng thêm thuốc bổ sung kali, dùng trong hoặc sau bữa ăn. Có thể bác sĩ sẽ kê cho bạn thuốc Magie, bởi vì hạ Magie cũng có thể hạ kali
Rau xanh thường rất giàu kali
Rau xanh thường rất giàu kali

Tóm lại, hạ kali máu là một tình trạng bệnh có thể gặp ở bất kì ai. Nếu bạn nghi ngờ bản thân có nguy cơ hạ kali máu hoặc có các triệu chứng như kể trên, bạn nên đi khám bác sĩ ngay. Nếu bạn cảm thấy bài viết trên hữu ích, bạn hãy chia sẻ với mọi người xung quanh nhé.

>> Xem thêm:

Những câu hỏi thường gặp về tình trạng tăng kali máu  

Thuốc Kaldyum trong việc bổ sung Kali và những điều bạn cần biết

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. https://www.healthline.com/health/hypokalemia

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người