YouMed

Xét nghiệm HDL-Cholesterol: định nghĩa, mục đích, quy trình và kết quả

bác sĩ nguyễn lâm giang
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Lâm Giang
Chuyên khoa: Nội tổng quát

Xét nghiệm HDL-Cholesterol là một trong các xét nghiệm mỡ máu quan trọng. Bác sĩ sẽ dùng kết quả xét nghiệm và kết hợp thêm một số kiểm tra khác để đưa ra kết luận chính xác cho bạn. Đặc biệt, với thực trạng ngày càng nhiều người bị rối loạn mỡ máu, xơ vữa động mạch, máu đông, đột quỵ, ung thư,… thì việc tiến hành xét nghiệm này vô cùng quan trọng. Bài viết sau đây sẽ cung cấp cho bạn các thông tin về xét nghiệm HDL-Cholesterol.

Chỉ số HDL-Cholesterol là gì?

Chỉ số HDL-Cholesterol hay còn gọi là cholesterol lipoprotein mật độ cao (HDL – High Density Lipoprotein). Đây là loại cholesterol tốt vì nó giúp loại bỏ các dạng cholesterol “xấu” khỏi máu của bạn. Mức HDL-Cholesterol cao hơn có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Có được chức năng này nhờ HDL thu nạp cholesterol dư thừa trong máu và đưa nó về gan, tại đây chúng bị phân hủy và loại bỏ khỏi cơ thể.1 

hdl-CHOLESTEROL
HDL-Cholesterol giúp vận chuyển chất cặn bã về gan và thải ra khỏi cơ thể

Mục đích xét nghiệm HDL-Cholesterol

Xét nghiệm HDL-Cholesterol được chỉ định để đo mức độ cholesterol tốt trong máu. Thông qua xét nghiệm này, bác sĩ có thể xác định được nguy cơ mắc bệnh tim của một người. Ngoài ra, xét nghiệm này có thể là xét nghiệm tiếp theo nếu các kiểm tra cholesterol khác cho kết quả cao hơn bình thường.2 

Theo Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ, bất kỳ người trưởng thành nào từ 20 tuổi trở lên nên đi xét nghiệm HDL-Cholesterol định kỳ 4-6 năm 1 lần. Xét nghiệm này cũng nằm trong gói khám sức khỏe định kỳ. Một người nên khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng 1 lần. Người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao cũng cần được làm xét nghiệm này. Các yếu tố nguy cơ bao gồm:2

  • Mắc bệnh đái tháo đường.
  • Có tiền sử gia định bị bệnh tim.
  • Bị cao huyết áp.
  • Nam giới trên 45 tuổi.
  • Phụ nữ trên 55 tuổi.
  • Làm việc, sinh sống ở môi trường nhiều khói bụi.
  • Hút thuốc lá.
HDL-Cholesterol
Khói thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc các bệnh trên tim mạch

Ngoài ra, xét nghiệm này cũng dùng để theo dõi hiệu quả của quá trình điều trị hoặc các thay đổi lối sống như chế độ ăn uống, tập thể dục, bỏ thuốc lá có giúp giảm được mức cholesterol hay không.2 

Quy trình thực hiện xét nghiệm HDL-Cholesterol

Trước khi tiến hành xét nghiệm HDL-Cholesterol, bác sĩ sẽ dặn dò bạn nhịn ăn 12 tiếng và chỉ uống nước lọc. Bên cạnh đó, bạn cũng nên báo với bác sĩ những thuốc mà bản thân đang sử dụng. Một số thuốc ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm và cần ngưng trước đó.1 

Xét nghiệm HDL-Cholesterol diễn ra nhanh chóng và không gây đau. Nhân viên y tế sẽ lấy một mẫu máu bằng kim tiêm. Sau đó, máu được chứa trong một lọ kín khí gắn với kim và gửi đến phòng thí nghiệm. Bạn có thể thấy châm chích tại vị trí kim tiêm lấy máu. Đôi khi người được xét nghiệm cảm thấy choáng váng hoặc lâng lâng sau khi xét nghiệm. Điều này có thể được khắc phục bằng cách nghỉ ngơi, ăn nhẹ hoặc uống nước đường.1

Sau khi nhận được kết quả xét nghiệm HDL-Cholesterol, bác sĩ có thể tiến hành kiểm tra thêm các chỉ số khác như LDL-Cholesterol, Triglycerid, Cholesterol toàn phần để đưa ra kết luận chính xác nhất.1 

Kết quả chỉ số HDL-Cholesterol phản ánh điều gì?

Thông thường, mức HDL-Cholesterol khác nhau tùy theo độ tuổi và giới tính. Theo Tạp chí của Trường Cao đẳng Tim mạch Hoa Kỳ (JACC), chỉ số HDL-Cholesterol bình thường là:3

  • Nam giới: Từ 40 mg/dL.
  • Phụ nữ: Từ 50 mg/dL.
  • Trẻ em: Cao hơn 45 mg/dL.

Khi chỉ số này thấp hơn bình thường, bạn có nguy cơ cao mắc các bệnh trên tim mạch. Trong một vài nghiên cứu gần đây, chuyên gia chỉ ra rằng mức HDL-Cholesterol thấp có liên quan đến nguy cơ tử vong do các vấn đề trên tim mạch cao hơn. Tuy nhiên, một số người có mức HDL-Cholesterol trung bình lại có nguy cơ tử vong cao do ung thư và các nguyên nhân khác. Điều này cho thấy mức chỉ số này thấp không chỉ cảnh báo bệnh tim và còn nhiều vấn đề sức khỏe khác trong cơ thể.4

HDL-Cholesterol
Chỉ số HDL-Cholesterol bất thường cũng cảnh báo một số bệnh ung thư nguy hiểm

Những lưu ý về chỉ số HDL-Cholesterol

Bạn không nên xét nghiệm HDL-Cholesterol khi bị ốm. Mức cholesterol sẽ thấp tạm thời trong thời gian bị bệnh cấp tính, sau cơn đau tim, phẫu thuật, tai nạn. Do đó, bạn nên đợi ít nhất khoảng 6 tuần sau khi bị ốm rồi mới đi kiểm tra chỉ số cholesterol. Ở phụ nữ, HDL-Cholesterol cũng có thể thay đổi trong quá trình mang thai. Trường hợp này cũng cần đợi ít nhất sáu tuần sau khi sinh con trước khi xét nghiệm chỉ số này.  

Để có mức HDL-Cholesterol ổn định, bạn có thể thực hiện những việc sau:3

  • Tập thể dục, thể thao: Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến nghị mỗi người nên hoạt động thể chất tối 40 phút mỗi ngày từ khoảng 3 đến 4 lần trên tuần.
  • Chế độ ăn uống lành mạnh: hạn chế chất béo chuyển hóa (đồ nướng, chiên, bơ động vật, bơ thực vật) và chất béo bão hòa (sữa nguyên chất, thịt,…).
  • Ngưng hút thuốc lá: vì thuốc lá làm giảm HDL-Cholesterol. làm tăng LDL-Cholesterol và triglycerid.
  • Ngưng hoặc hạn chế uống rượu để đảm bảo các chỉ số lipid máu được ở mức bình thường. Tối đa một ly mỗi ngày đối với phụ nữ ở mọi lứa tuổi và nam giới trên 65 tuổi. Tối đa hai ly mỗi ngày đối với nam giới từ 65 tuổi trở xuống.

Xét nghiệm HDL-Cholesterol ở đâu?

Xét nghiệm HDL-Cholesterol được thực hiện tại nhiều bệnh viện trên toàn quốc. Bạn có thể tham khảo các bệnh viện sau đây:

Khu vực Bệnh viện Địa chỉ
Miền Bắc BV Bạch Mai 78 Giải Phóng, Đồng Tâm, Hai Bà Trưng, Hà Nội
BV Trung ương Quân đội 108 1B Trần Hưng Đạo Bạch Đằng, Hai Bà Trưng, Hà Nội
BV Đại học Y Hà Nội 1 P. Tôn Thất Tùng, Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội
Miền Nam BV Đại học Y Dược TPHCM 215, Hồng Bàng, phường 11, quận 5, TP. Hồ Chí Minh
BV Chợ Rẫy 201B, Nguyễn Chí Thanh, phường 12, quận , TP. Hồ Chí Minh
BV Nhân Dân Gia Định 1 Nơ Trang Long, phường 7, Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh

Thông qua bài viết, chúng ta có thể thấy được tầm quan trọng của xét nghiệm HDL-Cholesterol trong việc tầm soát các vấn đề sức khỏe “lớn”. Xét nghiệm này không quá phức tạp và được thực hiện ở nhiều cơ sở y tế, do đó, bạn hãy đến nơi gần nhất để tiến hành kiểm tra để luôn nắm vững tình hình sức khỏe của bản thân.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. HDL cholesterol: How to boost your 'good' cholesterolhttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/high-blood-cholesterol/in-depth/hdl-cholesterol/art-20046388

    Ngày tham khảo: 12/07/2022

  2. High-Density Lipoprotein (HDL) Cholesterol Testhttps://www.healthline.com/health/hdl-test

    Ngày tham khảo: 12/07/2022

  3. All About HDL Cholesterolhttps://www.healthline.com/health/cholesterol/hdl-cholesterol

    Ngày tham khảo: 12/07/2022

  4. Low levels of HDL (the "good" cholesterol) appear connected to may health risks, not just heart diseaehttps://www.health.harvard.edu/blog/low-levels-of-hdl-the-good-cholesterol-appear-connected-to-many-health-risks-not-just-heart-disease-2016110210626

    Ngày tham khảo: 12/07/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người