Các xét nghiệm khi mang thai là một vấn đề y khoa cần thiết dành cho các mẹ bầu. Mang thai là một quá trình không hề ngắn, kéo dài đến tận 40 tuần. Chính vì vậy, việc thăm khám cũng như thực hiện các xét nghiệm không hề tỏ ra dư thừa. Vậy thì trong suốt quá trình mang thai, mẹ bầu nên thực hiện những xét nghiệm nào? Nó có vai trò gì? Hãy cùng YouMed đi tìm câu trả lời qua bài viết sau đây nhé!
Nội dung bài viết
- 1. Các xét nghiệm khi mang thai có vai trò như thế nào?
- 2. Các xét nghiệm khi mang thai phổ biến nhất
- 3. Các xét nghiệm cần thiết trong tam cá nguyệt thứ nhất
- 4. Những xét nghiệm cần thiết trong tam cá nguyệt thứ hai
- 5. Những xét nghiệm cần thiết của tam cá nguyệt cuối
- 6. Một vài xét nghiệm ít phổ biến khác
1. Các xét nghiệm khi mang thai có vai trò như thế nào?
Các xét nghiệm khi mang thai còn gọi là những cận lâm sàng mà mẹ bầu cần làm khi mang thai. Những xét nghiệm cần thiết ấy có vai trò:
- Phát hiện những bệnh lý xảy ra trong quá trình mang thai. Từ đó, các bác sĩ sẽ có hướng điều trị kịp thời.
- Biết được những bệnh lý truyền nhiễm ở người mẹ có thể lây truyền cho thai nhi. Từ đó có biện pháp dự phòng cần thiết.
- Phát hiện những bất thường của thai nhi. Chẳng hạn như nguy cơ mắc bệnh Down, bệnh tim bẩm sinh, dị tật ống thần kinh,… Từ đó hướng điều trị hoặc chấm dứt thai kỳ.
- Theo dõi sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ.
- Phát hiện những bất thường trong thai kỳ như: đa ối, thiểu ối, thai trứng, thai ngoài tử cung,…
>> Tim bẩm sinh là một trong những bất thường nghiêm trọng của thai nhi. Vậy bệnh tim bẩm sinh ở trẻ là gì? Có chữa được không?
2. Các xét nghiệm khi mang thai phổ biến nhất
Hiện nay, theo các bác sĩ chuyên khoa thì các xét nghiệm khi mang thai phổ biến nhất bao gồm:
- Siêu âm theo dõi thai, siêu âm đo độ mờ da gáy.
- Xét nghiệm Triple test nhằm kiểm tra bất thường nhiễm sắc thể.
- Siêu âm hiện đại 4D.
- Xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu.
- Cấy dịch âm đạo để phát hiện liên cầu khuẩn beta tan huyết.
- Xét nghiệm AFP, HCG.
- Chọc dò ối, chọc dò cuống rốn,…
3. Các xét nghiệm cần thiết trong tam cá nguyệt thứ nhất
Xét nghiệm sàng lọc trong tam cá nguyệt thứ nhất là sự kết hợp giữa siêu âm thai và xét nghiệm máu ở người mẹ. Quá trình sàng lọc này có thể giúp xác định nguy cơ dị tật bẩm sinh ở thai nhi.
>> Xem thêm bài viết cùng chủ đề: Siêu âm khi mang thai – Mẹ bầu cần biết những gì?
Các xét nghiệm khi mang thai trong tam cá nguyệt đầu tiên với mục đích:
- Xác định thai nằm trong hay ngoài tử cung.
- Thai phát có phát triển bình thường trong tử cung hay không.
- Tính tuổi thai để dự kiến ngày sinh.
- Số lượng thai.
- Phát hiện các bất thường như: u nang buồng trứng, u xơ tử cung.
- Siêu âm vào tuần thứ 12- 13 đo độ mờ da gáy, dấu hiệu bất thường nhiễm sắc thể.
- Phát hiện những di tật sớm như: thai vô sọ, hở cột sống, hở thành bụng, thoát vị rốn,…
>> Thoát vị rốn là một tình trạng thường gặp ở trẻ em, tìm hiểu ngay thoát vị rốn là gì để ngăn ngừa biến chứng cho trẻ!
Những xét nghiệm phổ biến trong tam cá nguyệt đầu tiên bao gồm:
- Siêu âm thai (chủ yếu).
- Xét nghiệm máu: định lượng protein thai kỳ PAPP-A và đo nồng độ Free Beta HCG.
4. Những xét nghiệm cần thiết trong tam cá nguyệt thứ hai
Một vài xét nghiệm cần thiết trong tam cá nguyệt thứ hai bao gồm:
- Siêu âm thai.
- Xét nghiệm nước tiểu để: đo nồng độ Glucose, protein, hồng cầu, bạch cầu,…
- Xét nghiệm sàng lọc đa chất chỉ điểm MMS, AFP.
- Rút dịch màng ối (tuần thứ 16 đến 20).
- Xét nghiệm máu nhằm: Đo nồng độ Glucose, sàng lọc kháng thể Rh.
>> Có thể bạn quan tâm: Những điều bạn cần biết về tiêm phòng khi mang thai
Mục đích của các xét nghiệm khi mang thai tam cá nguyệt thứ hai:
- Theo dõi sự phát triển của thai.
- Tầm soát những dị tật bẩm sinh nếu tam cá nguyệt thứ nhất, mẹ bầu chưa làm xét nghiệm.
- Xác định số lượng thai nhi và kiểm tra cấu trúc của nhau thai.
- Kiểm tra lượng nước ối
- Kiểm tra mô hình của lưu lượng máu
- Quan sát hành vi và hoạt động của thai nhi trong bụng mẹ
- Đo chiều dài của cổ tử cung.
- Chẩn đoán bệnh đái tháo đường thai kỳ.
5. Những xét nghiệm cần thiết của tam cá nguyệt cuối
Trong tam cá nguyệt sau cùng, những xét nghiệm cần thiết nhất bao gồm:
- Siêu âm thai.
- Xét nghiệm máu.
- Xét nghiệm nước tiểu.
- Làm xét nghiệm Non-Stress-Test.
- Đo monitoring sản khoa.
- Đo điện tim.
>> Mẹ bầu cần nắm vững 10 câu hỏi quan trọng các mẹ nên hỏi khi khám thai để có một thai kỳ khỏe mạnh hơn!
Mục đích của các xét nghiệm khi mang thai 3 tháng cuối:
- Theo dõi thai nhi, xác định ngôi thai.
- Phát hiện và điều trị những bệnh lý như: Đái tháo đường hoặc tăng huyết áp thai kỳ, nhiễm trùng cơ quan tiết niệu, sinh dục.
- Đo độ dài tử cung để đánh giá nguy cơ sinh non.
- Xác định vị trí nhau bám cũng như độ trưởng thành của bánh nhau.
- Ước lượng cân nặng của thai nhi.
- Kiểm tra sức khỏe của thai nhi, đồng thời kiểm tra xem em bé có nhận đủ oxy hay không (thông qua xét nghiệm Non-Stress-Test).
6. Một vài xét nghiệm ít phổ biến khác
Các xét nghiệm khi mang thai ít phổ biến hơn bao gồm:
Xét nghiệm Chorionic Villus Sampling (CVS – xét nghiệm màng đệm nhau thai)
CVS là một xét nghiệm liên quan đến việc lấy mẫu của một số mô nhau thai. Mô này chứa chất liệu di truyền tương tự như thai nhi. Từ đó có thể kiểm tra những bất thường nhiễm sắc thể và các vấn đề di truyền bất thường khác.
Test nuôi cấy vi khuẩn liên cầu nhóm B
Liên cầu khuẩn nhóm B là một loại vi khuẩn thường được tìm thấy ở đường sinh dục dưới. Nó xuất hiện trong khoảng 20 % ở tất cả phụ nữ. Nhiễm liên cầu nhóm B thường không gây ảnh hưởng nhiều đến phụ nữ trước khi mang thai. Tuy nhiên, nó có thể gây ra bệnh cảnh nặng ở các bà mẹ khi mang thai. Liên cầu nhóm B có thể gây nhiễm trùng nghiêm trọng các mô nhau thai và nhiễm trùng sau sinh.
Một vài xét nghiệm máu khác như:
- Kháng thể Rubella.
- VDRL (tầm soát bệnh giang mai).
- Tìm kháng thể kháng Cytomegalovirus, virus HIV.
- HbsAg (tầm soát viêm gan B).
- Anti HCV (tầm soát viêm gan C).
- Xét nghiệm tầm soát bệnh lao.
- Tầm soát virus Zika.
Với những thông tin mà bài viết đã cung cấp, YouMed hy vọng sẽ giúp ích cho bạn đọc. Đặc biệt là những chị em phụ nữ đang mang thai hoặc có ý định mang thai. Từ đó, các bạn hãy thực hiện đầy đủ các xét nghiệm khi mang thai cần thiết cùng những xét nghiệm hỗ trợ khác. Mục tiêu chủ yếu là để có một thai kỳ an toàn và khỏe mạnh.
Bác sĩ Nguyễn Lâm Giang