Helicobacter pylori: Kẻ thù thầm lặng của sức khỏe
Nội dung bài viết
Helicobacter pylori (hay còn gọi là H.Pylori) là một loại vi khuẩn sống ở dạ dày, lây truyền từ người sang người qua đường tiếp xúc, ăn uống không đảm bảo vệ sinh. Hầu hết những người bị nhiễm thường không có bất kỳ biểu hiện nào. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta có thể xem thường chúng. Vậy làm sao để có một cái nhìn đúng đắn hơn về điều này? Mời bạn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Thái Việt Nguyên tìm hiểu qua bài viết ngay sau đây nhé.
Những điều cần biết về Helicobacter pylori
Helicobacter pylori (hay còn gọi là H.Pylori) là một loại vi khuẩn có khả năng xâm nhập vào cơ thể và sống được trong môi trường khắc nghiệt của dạ dày.
Nhiễm H. pylori rất phổ biến. Khoảng một nửa dân số thế giới có nó bên trong cơ thể. Các vi khuẩn này được cho là lây lan qua nguồn nước bị ô nhiễm hay dịch tiết của những người lành mang trùng (chẳng hạn như nước bọt, phân,…). Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng được mắc phải trong thời thơ ấu, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.
Nhiễm H.Pylori đơn thuần thường không gây ra bất kỳ triệu chứng khó chịu nào trong phần lớn các trường hợp. Tuy nhiên, ở một số ít người bệnh, chúng có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như:
- Viêm dạ dày.
- Loét dạ dày.
- Ung thư dạ dày.
Những ai có nguy cơ nhiễm phải vi khuẩn này?
Vi khuẩn có thể truyền từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của người nhiễm (ví dụ như nước bọt, chất nôn,…). Ngoài ra, vi khuẩn cũng có thể lây lan qua thực phẩm hoặc nguồn nước bị ô nhiễm.
Do đó, các yếu tố nguy cơ nhiễm H. pylori thường có liên quan đến điều kiện sống không đảm bảo, chẳng hạn như sinh sống ở:
- Các đất nước đang phát triển.
- Những nơi đông đúc, kém vệ sinh.
- Nơi không có nguồn cung cấp nước sạch đáng tin cậy.
- Sống chung với người bị nhiễm H. pylori.
Nhiễm Helicobacter pylori gây ra triệu chứng như thế nào?
Hầu hết những người bị nhiễm H. pylori đơn thuần không có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào để gợi ý. Tuy nhiên, nếu bạn bị loét do H.Pylori, bạn có thể cảm thấy:
Đau âm ỉ ở vùng trên rốn, liên tục hay từng cơn, và nặng nề hơn khi dạ dày trống, chẳng hạn như giữa các bữa ăn hoặc vào giữa đêm. Cơn đau có thể kéo dài trong vài phút hoặc trong nhiều giờ và cải thiện sau khi ăn hoặc sử dụng thuốc kháng axit.
Đau bụng vùng trên rốn là triệu chứng thường gặp khi người bệnh bị loét do H.Pylori:
- Đầy hơi, ợ chua.
- Buồn nôn, nôn.
- Giảm cân không có chủ ý.
Tệ hơn, vết loét có thể gây chảy máu vào dạ dày hoặc ruột của bạn, nguy hiểm đến sức khỏe. Liên hệ ngay với các cơ sở y tế nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào sau đây:
- Phân có màu máu, đỏ sẫm hoặc đen, sệt, có mùi tanh hôi.
- Khó thở.
- Nôn ra máu hoặc trông giống như bã cà phê.
- Đau bụng dữ dội.
- Chóng mặt hoặc ngất xỉu.
- Thường xuyên mệt mỏi.
- Da niêm nhợt nhạt.
Helicobacter pylori được chẩn đoán như thế nào?
Để chẩn đoán xác định vi khuẩn, chúng ta phải cần đến các xét nghiệm hỗ trợ như:
- Xét nghiệm máu (xét nghiệm huyết thanh học hoặc kháng thể) hiện không còn được sử dụng nhiều vì độ chính xác không cao. Hơn nữa, xét nghiệm máu cũng không thể giúp bạn phân biệt một nhiễm trùng trong quá khứ hay một nhiễm trùng đang hoạt động ở hiện tại.
- Xét nghiệm phân.
- Test hơi thở. Đầu tiên, bạn nuốt một viên thuốc hoặc chất lỏng có chứa các phân tử carbon được đánh dấu. Sau đó là thở vào một cái túi (hoặc một cái bong bóng) và phòng thí nghiệm sử dụng một thiết bị đặc biệt để phát hiện các phân tử carbon đã được đánh dấu này. Nếu phát hiện được nghĩa là bạn đang bị nhiễm H.Pylori và ngược lại. Xét nghiệm này có thể sử dụng cho cả người lớn và trẻ em.
Lưu ý: Để cả hai xét nghiệm trên cho kết quả đáng tin cậy, cần phải ngừng dùng các loại thuốc giảm tiết axit (như Prilosec, Nexium, Protonix) trong hai tuần và tránh các sản phẩm chứa bismuth (như Pepto-Bismol) hoặc kháng sinh cho bốn tuần trước khi thử nghiệm.
- Nội soi tiêu hóa trên và sinh thiết. Tuy có độ chính xác cao và xem trực tiếp được bề mặt đường tiêu hóa, xét nghiệm này thường không được sử dụng chỉ để chẩn đoán nhiễm H. pylori đơn thuần vì nó xâm lấn hơn so với xét nghiệm khác.
Tất cả mọi người đều cần làm xét nghiệm chẩn đoán đúng không?
Câu trả lời là KHÔNG, không phải tất cả mọi người. Xét nghiệm được xem xét trong các trường hợp cụ thể sau đây:
- Nếu bạn có triệu chứng – Nên xét nghiệm chẩn đoán nhiễm H. pylori nếu bạn đang bị loét dạ dày hoặc tá tràng hoạt động hoặc đã bị loét trong quá khứ nhưng chưa điều trị khỏi.
- Nếu bạn không có triệu chứng – Xét nghiệm H. pylori thường không được khuyến nghị nếu bạn không có triệu chứng và không có tiền sử bệnh loét dạ dày. Tuy nhiên, nó có thể được xem xét cho những trường hợp đặc biệt, chẳng hạn như những người có tiền sử gia đình hoặc lo lắng về ung thư dạ dày, đặc biệt là những người gốc Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản hoặc Trung Mỹ vì những nhóm người này có tỷ lệ mắc ung thư dạ dày cao hơn.
Tốt nhất là hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn để tìm ra được kế hoạch chẩn đoán, điều trị và theo dõi thích hợp nhất cho từng trường hợp cụ thể.
Điều trị nhiễm Helicobacter pylori như thế nào?
Điều trị nhiễm H.pylori là một thách thức. Nếu bạn bị loét do H. pylori, bạn sẽ cần điều trị để tiêu diệt vi trùng, chữa lành niêm mạc dạ dày và ngăn vết loét quay trở lại bằng cách sử dụng kết hợp ba hoặc bốn loại thuốc, nhiều lần một ngày, trong vòng 14 ngày.
Tình trạng kháng kháng sinh ngày càng tăng khiến việc điều trị nhiễm trùng ngày càng khó khăn. Phương pháp điều trị có hiệu quả khoảng 80%, nhưng tỷ lệ chữa khỏi phụ thuộc vào việc lựa chọn kết hợp đúng thuốc, uống đúng cách và tuân thủ toàn bộ quá trình điều trị.
Các nhóm thuốc thường được lựa chọn bao gồm:
- Thuốc kháng sinh – để tiêu diệt vi khuẩn trong cơ thể bạn, chẳng hạn như amoxicillin, clarithromycin (Biaxin), metronidazole (Flagyl), tetracycline (Sumycin) hoặc tinidazole (Tindamax)…
- Bismuth subsalicylate – cũng có thể giúp tiêu diệt H. pylori cùng với thuốc kháng sinh.
- Thuốc ức chế kênh proton (PPI) – làm giảm lượng axit trong dạ dàybằng cách ngăn chặn các máy bơm nhỏ tạo ra nó. Các tên thường gặp như esomeprazole (Nexium), omeprazole (Prilosec) hoặc pantoprazole (Protonix),…
- Thuốc kháng thụ thể histamine, khiến dạ dày của bạn tạo ra ít axit hơn. Chúng bao gồm các loại là: cimetidine (Tagamet), famotidine (Fluxid, Pepcid), nizatidine (Axid) hoặc ranitidine (Zantac).
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là không nên tự ý kết hợp các loại thuốc kể trên mà không có sự cho phép của bác sĩ. Sử dụng một cách bừa bãi có thể mang lại các tác dụng phụ không mong muốn.
Theo dõi sau khi điều trị như thế nào?
Hầu hết các chuyên gia khuyên nên xét nghiệm lại ở thời điểm từ bốn tuần trở lên sau khi kết thúc điều trị để xác nhận xem nhiễm trùng đã được chữa khỏi hay chưa.
Nếu điều trị thất bại lần đầu tiên, chúng ta cần thử lại bằng một sự kết hợp các loại thuốc kháng sinh và ức chế acid khác. Còn nếu sau nhiều lần điều trị vẫn thất bại thì lúc này có thể phải dùng đến nội soi và thực hiện kháng sinh đồ để xác định chính xác loại kháng sinh nào có khả năng tiêu diệt được vi khuẩn.
Tôi có thể làm gì để hạn chế lây nhiễm H.Pylori?
Bạn có thể hạn chế bản thân khỏi bị nhiễm H. pylori với các bước đơn giản sau đây:
- Rửa tay sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn hay nấu thức ăn.
- Tránh thức ăn hoặc nguồn nước không đảm bảo.
- Ăn chín, uống sôi.
- Không dùng chung đồ ăn với người khác.
Helicobacter Pylori là một kẻ thù thầm lặng của sức khỏe. Tuy nhiên không phải ai cũng cần phải thực hiện các xét nghiệm để tầm soát vi khuẩn này. Chỉ những trường hợp đã hoặc đang có biểu hiện loét mới cần được chẩn đoán và điều trị. Điều trị H.Pylori thực sự là một thách thức, người bệnh cần hết sức tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ để đạt được hiệu quả mong muốn và hạn chế tình trạng kháng thuốc.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
H. pylori, a true stomach “bug”: Who should doctors test and treat?https://www.health.harvard.edu/blog/h-pylori-a-true-stomach-bug-who-should-doctors-test-and-treat-2017040511328
Ngày tham khảo: 25/03/2020
-
Helicobacter Pylori (H.pylori) infection: symptoms and causeshttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/h-pylori/symptoms-causes/syc-20356171
Ngày tham khảo: 25/03/2020
-
Helicobacter Pylori (H.pylori) infection: diagnosis and treatmenthttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/h-pylori/diagnosis-treatment/drc-20356177
Ngày tham khảo: 25/03/2020
-
H.pylori: Causes, Symptoms, Treatmenthttps://www.webmd.com/digestive-disorders/h-pylori-helicobacter-pylori
Ngày tham khảo: 25/03/2020
-
Helicobacter pylori infection and treatment (Beyond the Basics)https://www.uptodate.com/contents/helicobacter-pylori-infection-and-treatment-beyond-the-basics?search=helicobacter%20pylori&source=search_result&selectedTitle=2~150&usage_type=default&display_rank=2#H6
Ngày tham khảo: 25/03/2020