YouMed

Ung thư dạ dày: Dấu hiệu, nguyên nhân và điều trị

Bác sĩ Võ Hoài Nam
Tác giả: Bác sĩ Võ Hoài Nam
Chuyên khoa: Ung thư

Ung thư dạ dày là một trong 5 căn bệnh ung thư phổ biến ở Việt Nam, nhưng thường bệnh nhân đến với giai đoạn trễ khiến hiệu quả điều trị bệnh không còn khả quan. Nhận biết sớm các dấu hiệu, cũng như phòng tránh các yếu tố nguy cơ là quan trọng để nâng cao sức khỏe cộng đồng. Các phương thức điều trị cũng đa dạng, tùy thuộc vào nhiều yếu tố mà được Bác sĩ lựa chọn cho mỗi bệnh nhân cụ thể. Các bạn hãy cùng Bác sĩ Võ Hoài nam tìm hiểu vấn đề này qua bài viết sau đây.

Ung thư dạ dày là gì?

Dạ dày là đoạn phình to của ống tiêu hóa, nằm giữa thực quản bên trên và tá tràng bên dưới. Chức năng quan trọng nhất của dạ dày là chứa đựng và nhào trộn thức ăn với các men tiêu hóa. Ngoài ra, dạ dày còn giúp diệt khuẩn nhờ độ pH thấp, giúp kích thích tạo máu nhờ tăng hấp thụ vitamin B12.

Giải phẫu của dạ dày bình thường ở người
Giải phẫu của dạ dày bình thường ở người

Ung thư dạ dày đa phần (> 90%) xuất phát từ lớp biểu mô dạ dày, nên được gọi là carcinôm dạ dày. Các dạng mô học khác rất hiếm gặp như sarcôm dạ dày, lymphôm dạ dày, melanôm dạ dày… Trong carcinôm dạ dày thì đa phần là carcinôm dạng tuyến, thỉnh thoảng có thể gặp carcinôm tế bào hình nhẫn (thể bệnh có độ ác tính rất cao, nên tiên lượng rất xấu).1 2

Biểu đồ: Tỉ lệ mới mắc của các loại ung thư ở Việt Nam (Theo GLOBOCAN 2020).

Biểu đồ: Tỉ lệ mới mắc của các loại ung thư ở Việt Nam (Theo GLOBOCAN 2020)

Đa phân ung thư biểu mô dạ dày (carcinôm dạ dày) xuất phát từ đoạn 2/3 dưới của dạ dày, còn lại là vùng thân vị, đáy vị, tâm vị. Đôi khi ung thư dạ dày còn được chia thành týp ruột (tiên lượng tốt hơn) hoặc týp thâm nhiễm (tiên lượng xấu hơn).1 2

Các giai đoạn bệnh ung thư dạ dày bao gồm: ung thư giai đoạn 0, giai đoạn 1, giai đoạn 2, giai đoạn 3 và giai đoạn 4.

các giai đoạn ung thư dạ dày
Các giai đoạn ung thư dạ dày

Ung thư dạ dày sống được bao lâu?

Tiên lượng của ung thư dạ dày phụ thuộc nhiều vào giai đoạn bệnh ban đầu, từ rất tốt nếu giai đoạn rất sớm (giai đoạn 0), cho đến khá tốt (giai đoạn I), cho đến rất xấu nếu bệnh đã tiến xa (II, III) hoặc di căn xa (IV).

Bảng: Tỉ lệ sống còn 5 năm của ung thư dạ dày.3

Giai đoạn bệnh

Tỉ lệ sống còn sau 5 năm

I

70%

II – III

32%

IV

6%

Xem thêm: Ung thư dạ dày sống được bao lâu? Câu trả lời từ bác sĩ

Nguyên nhân ung thư dạ dày

Ngoại trừ vi khuẩn Helicobacter pylori (Hp) thì vẫn chưa rõ nguyên nhân cụ thể gây ung thư dạ dày. Cơ chế sinh ung do vi khuẩn Hp gây ra đã được biết rõ nên điều trị triệt căn Hp (nếu có chỉ định) giúp giảm nguy cơ mắc ung thư dạ dày đáng kể, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Ngoài ra, nhiều yếu tố nguy cơ khác cũng được ghi nhận qua các nghiên cứu dịch tễ như:1 2 4

  • Ăn nhiều thực phẩm lên men, muối mặn.
  • Tiêu thụ nhiều thịt đỏ, mỡ béo.
  • Ít ăn rau củ quả.
  • Thuốc lá.
  • Rượu bia.
  • Lạm dụng thuốc PPI (thuốc ức chế bơm Proton), đặc biệt dùng lâu dài mà không có chỉ định từ bác sĩ.
  • Giới tính nam.

Dấu hiệu ung thư dạ dày

Dấu hiệu bệnh giai đoạn sớm1 2 4

Tại thời điểm này, nhiều trường hợp không có bất kỳ triệu chứng nào. Nếu có thì sẽ gặp các triệu chứng ít đặc hiệu (giống với nhiều bệnh lành tính khác) bao gồm:

  • Khó chịu/ Đau mơ hồ vùng bụng trên.
  • Chán ăn/ Khó tiêu với các thực phẩm thường ngày.
  • Buồn nôn.
  • Tiêu phân đen, hoặc dấu hiệu thiếu máu do mất máu rỉ rả từ bướu dạ dày.

Dấu hiệu bệnh giai đoạn muộn1 2 4

Tại thời điểm này đa phần sẽ có nhiều triệu chứng hơn, nhưng cũng không hẳn đặc hiệu cho ung thư dạ dày và vẫn cần được chẩn đoán chính xác bởi bác sĩ, bao gồm:

  • Đau ở vùng thượng vị.
  • Nôn ói sau ăn, nếu có biến chứng hẹp môn vị do bướu.
  • Chán ăn – Sụt cân không rõ nguyên nhân.
  • Nôn ra máu/ Tiêu phân đen do chảy máu từ bướu dạ dày.
  • Nổi hạch ở các vùng cổ trái, vùng nách trái, vùng rốn nếu ung thư đã di căn xa.
  • Đau tức sườn phải nếu đã di căn tới gan.
  • Đau nhức xương cột sống nếu đã di căn xương.
  • Đau nhức đầu, nôn ói nếu đã di căn não.
  • Khó thở, ho khan, ho ra máu nếu đã di căn phổi – màng phổi.

Ung thư dạ dày có chữa được không?

Ung thư dạ dày là căn bệnh điều trị rất hiệu quả, nếu bệnh được phát hiện vào giai đoạn sớm (giai đoạn 0 và I), vì tỉ lệ khỏi bệnh lâu dài hơn 70 – 90% chỉ với phẫu thuật đơn thuần. Khi bệnh ở giai đoạn tiến xa (giai đoạn II, III) thì tỉ lệ khỏi bệnh lâu dài chỉ còn 33%, đồng nghĩa nhiều trường hợp sẽ tái phát bệnh. Ung thư dạ dày giai đoạn IV là tình huống hầu như không còn khả năng khỏi bệnh, với sống còn rất kém (6%).3

Ngoài ra, thể trạng tốt, ít bệnh nền, điều kiện kinh tế phù hợp sẽ giúp bệnh nhân có những cơ hội điều trị tốt hơn, đặc biệt dưới sự tư vấn của các Bác sĩ chuyên khoa Ung thư.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu gặp các triệu chứng sau kéo dài trên 4 – 8 tuần thì bạn cần gặp bác sĩ:2 5

  • Đau vùng thượng vị âm ỉ.
  • Khó tiêu, nôn ói sau ăn.
  • Chán ăn, mệt mỏi.
  • Ói ra máu, hoặc đi tiêu phân đen.
  • Sụt cân hơn 5 – 10% cân nặng mà không rõ nguyên nhân.
  • Bụng căng trướng.
  • Dấu hiệu di căn xa: đau vùng sườn phải (di căn gan), đau nhói ngực (phổi – màng phổi), nổi hạch cổ, đau nhức đầu (di căn não), đau nhức xương cột sống (di căn xương),…

Chẩn đoán

Tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán ung thư dạ dày là Nội soi dạ dày kèm bấm sinh thiết giúp chẩn đoán bản chất mô học của tổn thương. Tuy vậy, cho dù kết quả sinh thiết ra “mô viêm lành tính” nhưng bác sĩ vẫn còn nghi ngờ ung thư dựa vào các đặc điểm khác thì có thể bạn được đề nghị Nội soi dạ dày – Bấm sinh thiết lần 2 để xác định chẩn đoán.1 4

Tổn thương chồi sùi của ung thư dạ dày trên nội soi ống tiêu hóa.
Tổn thương chồi sùi của ung thư dạ dày trên nội soi ống tiêu hóa

Chẩn đoán giai đoạn bệnh là rất quan trọng với ung thư dạ dày, vì giúp tiên lượng bệnh và lựa chọn phương pháp điều trị tối ưu từ ban đầu (phẫu thuật, hóa trị, liệu pháp trúng đích, liệu pháp miễn dịch hoặc chăm sóc giảm nhẹ đơn thuần), tránh các điều trị quá mức và dưới mức cho người bệnh.

1. CT Scan

CT scan ở vùng bụng chậu có cản quang thường được sử dụng để chẩn đoán giai đoạn bệnh, nghĩa là xem khối bướu dạ dày còn tại chỗ hay đã di căn tới các hạch vùng bụng, hoặc di căn đến cơ quan xa (gan, tuyến thượng thận, xương,…).

CT scan có cản quang thấy thành dạ dày có hiện tượng dày lên bất thường, dấu hiệu của sự thâm nhiễm lan tỏa bướu dạ dày.
CT scan có cản quang thấy thành dạ dày có hiện tượng dày lên bất thường, dấu hiệu của sự thâm nhiễm lan tỏa bướu dạ dày

2. MRI

MRI vùng bụng chậu có cản từ cũng hữu ích trong các tình huống không thể chụp CT scan bụng chậu cản quang.

3. Siêu âm bụng chậu doppler

Siêu âm bụng chậu doppler có thể được sử dụng như tiếp cận ban đầu hỗ trợ chẩn đoán.

4. PET/CT scan 

PET/CT scan được đề nghị khi bác sĩ vẫn không rõ bản chất của các tổn thương hạch, hoặc tổn thương cơ quan xa đang nghi ngờ bị di căn, dù đã chụp CT scan hoặc MRI. PET/CT scan sẽ cho thêm thông tin chuyển hóa FDG-18 góp phần gợi ý bản chất lành hoặc ác của các tổn thương này.

5. Xạ hình xương 

Xạ hình xương được chỉ định khi bệnh nhân có các triệu chứng đau nhức xương, hoặc có hình ảnh tổn thương nghi ngờ di căn xương trên CT scan, MRI…

6. Xét nghiệm khác

Xét nghiệm dấu ấn bướu trong huyết thanh như CEA, CA 72.4, CA 19.9. Các dấu ấn này chỉ có vai trò gợi ý chẩn đoán khi kết hợp với các xét nghiệm khác, chứ không có giá định khẳng định hay loại trừ hoàn toàn ung thư dạ dày khi dùng đơn độc. Không có chỉ định dùng các dấu ấn bướu này trong mục đích tầm soát ung thư dạ dày cho tới thời điểm hiện tại.

Những cách điều trị

Các phương pháp điều trị ung thư dạ dày là phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, liệu pháp nhắm trúng đích và liệu pháp miễn dịch ung thư. Bác sĩ sẽ cân nhắc nhiều yếu tố để lựa chọn phương pháp điều trị tối ưu cho mỗi tình huống cụ thể, bao gồm:

  • Giai đoạn bệnh.
  • Tuổi.
  • Các bệnh nền kèm theo.
  • Điều kiện kinh tế.
  • Sở thích và nguyện vọng người bệnh.
  • Khả năng của cơ sở y tế.

Mỗi phương pháp điều trị lại có ưu và nhược điểm riêng cần lưu ý như sau:1 4

1. Phẫu thuật

Phương pháp lựa chọn chủ yếu khi bệnh ở giai đoạn sớm (phẫu thuật cắt bán phần hoặc toàn bộ dạ dày, kèm theo nạo hạch vùng D2). Đặc biệt nếu bệnh nhân ung thư dạ dày với giai đoạn rất sớm (bướu chỉ ở lớp niêm mạc dạ dày thì có thể cắt bướu qua ngã nội soi dạ dày là đủ). Nếu bệnh nhân có nhiều yếu tố nguy cơ tái phát sau mổ thì có thể được đề nghị hóa trị +/- xạ trị thêm sau mổ.

2. Hóa trị

Phương pháp lựa chọn để hỗ trợ cho phẫu thuật, giúp co nhỏ khối bướu trước khi mổ, hoặc giúp tiêu diệt các tế bào bướu vi thể có thể còn sót sau phẫu thuật, từ đó làm giảm khả năng tái phát lại bệnh.

3. Xạ trị

Phương pháp được lựa chọn hỗ trợ cho phẫu thuật nếu như cuộc mổ ban đầu chưa thể nạo đủ hạch tiêu chuẩn (D2), thì xạ trị giúp giảm tái phát và tăng sống còn sau mổ. Xạ trị có thể hữu ích trong một vài tình huống giảm nhẹ như ung thư di căn xương, não, giúp giảm nhẹ triệu chứng và biến chứng có thể xảy ra.

4. Liệu pháp nhắm trúng đích

Liệu pháp nhắm trúng đích (kháng HER2) được lựa chọn chỉ khi bệnh đã di căn xa (giai đoạn IV) và có tăng biểu hiện thụ thể HER2 quá mức (+). Với thuốc kháng HER2 tuy bệnh nhân không khỏi bệnh nhưng sống còn được kéo dài hơn đáng kể, so với việc chỉ được hóa trị đơn thuần.

5. Liệu pháp miễn dịch ung thư 

Đây là một lựa chọn mới gần đây, khi khối bướu có biểu hiện PD-L1(+). Đây là thuốc giúp phục hồi lại miễn dịch chống bướu của cơ thể chủ, thúc đẩy quá trình tiêu diệt khối bướu dạ dày của chính hệ thống miễn dịch cơ thể. Vì đây là dòng thuốc mới nên kinh phí còn là một rào cản khá lớn trên thực tế.

6. Người bị ung thư dạ dày có nên mổ không?1 4

Tùy vào giai đoạn bệnh, thể trạng và bệnh nền kèm theo mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp phù hợp cho mỗi bệnh nhân. Nếu bệnh nhân không quá lớn tuổi, ít bệnh nền, giai đoạn bệnh < IV, thì phẫu thuật triệt căn là mô thức điều trị khỏi bệnh lâu dài.

Ngược lại, bệnh nhân lớn tuổi, nhiều bệnh nền (tăng huyết áp, đái tháo đường, tai biến mạch máu não,…), giai đoạn IV thì phẫu thuật không còn phù hợp, mà lựa chọn sẽ là điều trị thuốc toàn thân (hóa trị, liệu pháp nhắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch ung thư) hoặc chỉ chăm sóc giảm nhẹ đơn thuần.

Người ung thư dạ dày nên ăn gì?

Tùy vào giai đoạn bệnh và loại điều trị bạn đã trải qua mà chế độ ăn có thể khác nhau. Nếu như bạn đã phẫu thuật cắt dạ dày triệt căn thì thể tích dạ dày bị thu nhỏ đáng kể nên chế độ ăn nên có lượng ít hơn bình thường, chia nhỏ thành nhiều cử ăn nhỏ trong ngày, và thực phẩm nên mềm và dễ tiêu hóa. Nếu bạn giai đoạn muộn không thể phẫu thuật dạ dày triệt căn, thì có thể bác sĩ sẽ nuôi ăn qua ống sonde tiêu hóa, hoặc phẫu thuật nối dạ dày – ruột non để làm thông đường tiêu hóa. Nếu nuôi ăn qua sonde tiêu hóa thì thức ăn thường lỏng, loãng và chia làm nhiều cử trong ngày.1 4

Đặc biệt, bệnh nhân ung thư dạ dày không nên kiêng cử thịt đỏ, vì đây là nguồn cung cấp đạm và Fe cho quá trình tạo máu của cơ thể, và thực phẩm này không làm nặng thêm căn bệnh ung thư như lời đồn đại. Hầu như các thành phần thực phẩm của người ung thư dạ dày cũng không khác biệt nhiều so với người bình thường, với mục tiêu đạt được nguồn năng lượng và dinh dưỡng đầy đủ nhất, và điều này có thể giúp bệnh nhân hoàn tất được chế độ điều trị ung thư.1 4

Xem thêm: Lời khuyên của bác sĩ về ung thư dạ dày nên ăn gì?

Biện pháp phòng ngừa

Tuy ung thư dạ dày giai đoạn sớm có khả năng khỏi bệnh khá cao, nhưng đa phần bệnh nhân đến vào giai đoạn trễ hoặc di căn xa (IV) nên hiệu quả điều trị không được khả quan. Vì thế mà phòng ngừa ung thư dạ dày là điều quan trọng giúp giảm gánh nặng y tế nói chung. Có nhiều cách thức để phòng ngừa ung thư dạ dày bằng cách giảm thiểu tối đa các yếu tố nguy cơ dẫn tới ung thư dạ dày như:

  • Tránh ăn thực phẩm lên men, muối mặn.
  • Hạn chế chế độ ăn thịt đỏ, tăng cường chế độ rau xanh.
  • Tuân thủ điều trị tiệt khuẩn Hp nếu có chỉ định điều trị.
  • Ăn uống sạch sẽ, hạn chế dùng chung chén đũa giúp giảm khả năng nhiễm Hp
  • Hạn chế sử dụng rượu bia và không hút thuốc lá.
  • Hạn chế tự ý dùng thuốc PPI (Thuốc ức chế bơm Proton) mà không có chỉ định của Bác sĩ, vì dùng lâu dài làm kiềm hóa dạ dày, thúc đẩy chuyển sản ruột, tăng nguy cơ ung thư dạ dày thể ruột.

Ung thư dạ dày là bệnh lý gây tỉ lệ tử vong cao. Vì vậy chủ động phòng ngừa bệnh là biện pháp thiết thực nhất. Thông qua cách ăn uống hợp lý và tầm soát bệnh thường xuyên. Sớm phát hiện yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh hay các dấu hiệu ung thư dạ dày khi còn ở giai đoạn đầu giúp ích cho điều trị lạc quan và hiệu quả hơn.

Câu hỏi thường gặp

Lá đu đủ chữa ung thư dạ dày có đúng không?

Hiện tại, theo quan điểm Tây y thì chưa có bằng chứng cho thấy lá đu đủ có hiệu quả chữa ung thư dạ dày. Ngược lại, nhiều trường hợp sau dùng lá đu đủ có thể dẫn tới suy gan hoặc suy thận cấp, làm giới hạn cơ hội điều trị ung thư cho chính người bệnh. Tuyệt đối không nên tự ý sử dụng mà không tham khảo ý kiến của các Bác sĩ Tây Y hoặc Đông Y.4

Tầm soát ung thư dạ dày bao nhiêu tiền?

Tầm soát nghĩa là tìm kiếm nhằm phát hiện sớm các tổn thương tiền ung thư (chưa phải là ung thư) khi bạn không hề có bất kỳ triệu chứng nào. Khi bạn có triệu chứng bất thường và được làm xét nghiệm thì gọi là quá trình chẩn đoán. Hiện tại chưa có chương trình tầm soát ung thư dạ dày thường quy tại Việt Nam, vì chưa có bằng chứng có lợi hơn là có hại.1

Việc phát hiện ra ung thư dạ dày sẽ dựa trên các xét nghiệm chẩn đoán chứ không có chương trình tầm soát bệnh. Do đó, không thể xác định chi phí tầm soát ung thư dạ dày.

Ung thư dạ dày có nguy hiểm không?

Tùy vào giai đoạn bệnh mà độ nguy hiểm có thể khác nhau. Nếu ở giai đoạn sớm (giai đoạn 0 – I) thì hầu như không nguy hiểm, nếu giai đoạn tiến xa (giai đoạn II – III) nhưng nếu điều trị thích hợp thì vẫn có cơ hội khỏi bệnh, nếu giai đoạn di căn (giai đoạn IV) thì hầu như không thể khỏi bệnh.

Ung thư dạ dày di căn sống được bao lâu?

Sống còn của ung thư dạ dày di căn thường ngắn (< 1 – 2 năm), dù cũng nhiều tiến bộ điều trị gần đây. Nói cách khác, chỉ 6% trường hợp ung thư dạ dày di căn còn sống sau 5 năm từ lúc chẩn đoán ban đầu.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Gastric cancer: ESMO Clinical Practice Guideline for diagnosis, treatment and follow-uphttps://www.annalsofoncology.org/article/S0923-7534(22)01851-8/fulltext

    Ngày tham khảo: 07/10/2022

  2. Gastric cancer: ESMO Clinical Practice Guidelines for diagnosis, treatment and follow-uphttps://www.annalsofoncology.org/article/S0923-7534(19)31648-5/fulltext

    Ngày tham khảo: 07/10/2022

  3. Stomach Cancer Survival Rates.https://www.cancer.org/cancer/stomach-cancer/detection-diagnosis-staging/survival-rates.html

    Ngày tham khảo: 07/10/2022

  4. Vincent T. DeVita, Theodore S. Lawrence, Steven A. Rosenberg (2019). DeVita, Hellman, and Rosenberg's cancer: Principles & practice of oncology. 11th edition., Wolters Kluwer, Philadelphia.

  5. Pan-Asian adapted ESMO Clinical Practice Guidelines for the management of patients with metastatic gastric cancer: a JSMO-ESMO initiative endorsed by CSCO, KSMO, MOS, SSO and TOShttps://www.annalsofoncology.org/article/S0923-7534(19)31003-8/fulltext

    Ngày tham khảo: 07/10/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người