Hẹp bao quy đầu có nguy hiểm không?
Nội dung bài viết
Hẹp bao quy đầu là tình trạng bao quy đầu không thể rút lại (kéo về phía sau) từ xung quanh đầu dương vật. Hẹp bao quy đầu là tình trạng khá thường gặp ở nam giới. Tuy không được xem là một bệnh lý nghiêm trọng nhưng nhiều người vẫn luôn bận tâm rằng “Hẹp bao quy đầu có nguy hiểm không?”. Hãy cùng Bác sĩ Phan Văn Giáo tháo gỡ mối bận tâm này cho bạn, cũng như tìm hiểu về những ảnh hưởng của bệnh và cách điều trị hiệu quả qua bài viết dưới đây.
Nguyên nhân hẹp bao quy đầu
Hẹp bao quy đầu là bình thường ở trẻ chưa cắt bao quy đầu và trẻ mới biết đi, vì bao quy đầu vẫn còn dính vào quy đầu. Nó sẽ bắt đầu tách ra một cách tự nhiên từ 2 đến 6 tuổi, mặc dù nó có thể xảy ra muộn hơn. Bao quy đầu có thể tự tuột vào khoảng 10 tuổi, ở một số bé trai.1
Hẹp bao quy đầu có thể xảy ra tự nhiên. Có thể xuất hiện ở bé này nhưng một số bé thì không có. Tình trạng này cũng có thể xảy ra nếu bao quy đầu bị chấn thương. Điều này có thể gây hại cho da và để lại sẹo, khiến cho việc kéo bao quy đầu trở nên khó khăn hơn sau này.2
Ngoài ra một số nguyên nhân hẹp bao quy đầu có thể là:
- Nhiễm trùng đường tiết niệu lặp đi lặp lại
- Nhiễm trùng bao quy đầu
- Nhiều lần xử lý thô bạo với bao quy đầu
Hẹp bao quy đầu có thể do tình trạng da bao gồm:
- Bệnh chàm gây ngứa, đỏ, khô và nứt nẻ
- Bệnh vảy nến dẫn đến mảng da bóng tróc và đóng vảy
- Phát ban ngứa
- Sẹo trên bao quy đầu
Hẹp bao quy đầu có nguy hiểm không?
Theo các chuyên gia, nếu hẹp bao quy đầu không được phát hiện sớm và chữa trị kịp thời sẽ gây ra nhiều vấn đề nguy hiểm. Đa phần các biến chứng của bệnh lý này ở mọi độ tuổi đều không có nhiều khác biệt. Ngoài đau buốt, khó chịu, tình trạng này còn gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng khác như:
Bệnh viêm nhiễm sinh dục
Đây là tác hại chủ yếu và dễ nhận biết nhất. Vòng bao bị hẹp cản trở hoạt động của hệ bài tiết và làm chất bẩn tích tụ. Nước tiểu, bã nhờn kèm tế bào chết đọng lại lâu ngày tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, vi nấm sinh sản và gây tình trạng viêm nhiễm. Nhiễm khuẩn bộ phận sinh dục là bước đầu của các bệnh lý nguy hiểm về sau như viêm bao quy đầu, viêm quy đầu hoặc viêm niệu đạo.
Sẹo xơ trên bao
Nam giới có bao quy đầu hẹp thường cố lộn ngược vòng bao để vệ sinh mà không chú ý đến lực sử dụng. Do đó, lớp bao dễ hình thành sẹo xơ do tổn thương và ngày càng kém đàn hồi. Nếu tình trạng này kéo dài, lớp bao sẽ rất khó lộn ngược.
Nghẹt quy đầu
Vòng bao không tuột xuống được làm quy đầu bị nghẹt, ngăn cản máu lưu thông đến dương vật. Lâu ngày, trạng thái này sẽ làm các mô tại đó bị hoại tử nghiêm trọng.
Ung thư dương vật
Nếu mắc hẹp bao quy đầu nhưng không vệ sinh bộ phận sinh dục thường xuyên, nam giới sẽ có nguy cơ cao bị viêm mãn tính. Hậu quả của quá trình viêm nhiễm là các tế bào bị biến đổi, dẫn đến tăng khả năng mắc ung thư dương vật. Theo chuyên gia, hẹp bao quy đầu có liên quan tới 90% các trường hợp ung thư dương vật.
Do đó, vệ sinh dương vật đúng cách là yếu tố tiên quyết giúp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm liên quan tới bao quy đầu.
Vô sinh
Khi lớp bao bị viêm, ổ viêm có thể lây lan xuống tuyến tiền liệt hoặc tinh hoàn. Hoạt động sản xuất, nuôi dưỡng và vận chuyển tinh trùng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Từ đó, số lượng cũng như chất lượng tinh trùng suy giảm đáng kể và làm tăng nguy cơ vô sinh ở nam giới trưởng thành.
Hẹp bao quy đầu có ảnh hưởng gì không?
Để trả lời câu hỏi “Hẹp bao quy đầu có nguy hiểm không?”, bạn cũng cần biết về những tác hại của bệnh đến chất lượng cuộc sống. Khác với các biến chứng, những ảnh hưởng này sẽ có sự khác nhau tùy vào độ tuổi.
Đối với trẻ em
Dương vật chậm phát triển
Do lỗ bao tương đối hẹp nên dương vật của bé không thể chui ra ngoài một cách tự nhiên. Hiện tượng này sẽ làm dương vật ngắn đi và nhỏ hơn so với kích thước thông thường. Khi bộ phận sinh dục phát triển kém so với bạn bè, trẻ thường dễ bị tự ti, mặc cảm.
Đi tiểu khó
Hẹp bao quy đầu cũng thường gây cảm giác đau buốt, khó chịu khi đi vệ sinh. Đôi khi, bé có cảm giác mót tiểu dù bàng quang rỗng. Vì vậy, “Hẹp bao quy đầu có nguy hiểm không?” luôn là thắc mắc lớn của rất nhiều bậc phụ huynh có con mắc tình trạng này.
Đối với người lớn
Ngoài những ảnh hưởng như ở trẻ em, nam giới trưởng thành có lớp bao quy đầu hẹp còn gặp nhiều khó khăn khác như:
Gây mất thẩm mỹ
Hẹp bao quy đầu làm lớp da không thể tuột xuống nên quy đầu không được phát triển một cách hoàn thiện. Nam giới cũng vì vậy mà thường tự ti về bộ phận sinh dục của mình.
Hẹp bao quy đầu và khả năng chăn gối
“Hẹp bao quy đầu có quan hệ được không?” hiện là nỗi băn khoăn của rất nhiều đấng mày râu. Bởi lẽ, theo các bác sĩ, tình trạng trên có thể gây sưng đau, lột da hoặc mất đi khoái cảm khi quan hệ tình dục. Nam giới sẽ bị đau buốt khi dương vật cương cứng hoặc xuất tinh. Ở những trường hợp nặng, bộ phận sinh dục không thể cương, về lâu dài còn gây nên trạng thái bất lực.
Quy đầu là bộ phận rất nhạy cảm. Khi bao quy đầu bị hẹp, dương vật sẽ nhạy cảm hơn bình thường, dễ xuất tinh dù chỉ có những kích thích nhẹ. Về lâu dài, việc này còn ảnh hưởng đến khả năng có con.
Trên thực tế, khả năng quan hệ phụ thuộc vào mức độ tiến triển của bệnh. Đa phần nam giới chỉ hẹp bao quy đầu nhẹ nên vẫn có thể quan hệ tình dục và xuất tinh bình thường. Tuy nhiên, chuyên gia khuyên người bệnh nên dùng bao cao su và chất bôi trơn để giúp xoa dịu cảm giác khó chịu nơi dương vật.
Cách điều trị hẹp bao quy đầu
Khi phát hiện những dấu hiệu hẹp bao quy đầu, nam giới trưởng thành nên tìm đến các phương pháp điều trị sớm nhất có thể. Đồng thời, phụ huynh nên thường xuyên chú ý tới tình trạng sức khỏe và cơ thể của con trẻ.
Một số phương pháp điều trị chứng hẹp bao quy đầu phổ biến như kéo da quy đầu, dùng thuốc bôi, cắt hoặc nong bao quy đầu. Thông thường, bệnh nhân được khuyên áp dụng các biện pháp bảo tồn như kéo da và kết hợp dùng thuốc trước. Nếu kết quả không cải thiện sau 4-8 tuần, phẫu thuật sẽ được cân nhắc.
Khi kéo da quy đầu bằng tay cho bé, ba mẹ lưu ý phải thật nhẹ nhàng. Trong quá trình thao tác, phụ huynh có thể kết hợp thêm vaseline, dầu dưỡng hoặc bôi thuốc để làm da mềm hơn.
Nếu các biện pháp khác không thành công, bác sĩ sẽ cân nhắc tiểu phẫu nong hoặc cắt bao quy đầu. Bạn nên lựa chọn những cơ sở khám chữa bệnh uy tín để giảm thiểu những rủi ro đáng tiếc.
“Hẹp bao quy đầu có nguy hiểm không?” là mối lo lớn nhất với những đấng mày râu hoặc phụ huynh có con mắc phải tình trạng này. Tuy nhiên, bệnh sẽ không quá nguy hiểm nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. Do đó, khi có những dấu hiệu của bệnh, bạn nên đến gặp bác sĩ để được hỗ trợ.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
What is phimosis?https://www.medicalnewstoday.com/articles/319993#causes-and-risk-factors
Ngày tham khảo: 02/12/2021
-
Everything You Should Know About Phimosishttps://www.healthline.com/health/mens-health/phimosis
Ngày tham khảo: 02/12/2021