Hiểu đúng về nguyên nhân gây ra bệnh viêm da cơ địa
Nội dung bài viết
Viêm da cơ địa hay tiếng anh còn có tên gọi là Atopic dermatitis là một bệnh phổ biến. Tuy nhiên, có rất nhiều bạn vẫn còn chưa thật sự biết rõ đây là một bệnh lý như thế nào. Từ đó các bạn có suy nghĩ rất sai lầm rằng đây là một bệnh có khả năng lây nhiễm. Vậy đâu là nguyên nhân thật sự của bệnh viêm da cơ địa? Bệnh viêm da cơ địa liệu có lây không? Hãy cùng bác sĩ Nguyễn Thị Thảo tìm hiểu rõ hơn thông qua bài viết dưới đây nhé!
Viêm da cơ địa và bệnh chàm
Viêm da cơ địa còn có tên gọi khác là bệnh chàm. Vốn là một bệnh viêm da mãn tính phổ biến. Bệnh thường xảy ra nhất là ở trẻ em nhưng vẫn có thể ảnh hưởng đến cả người lớn.
Nguyên nhân gây ra bệnh viêm da cơ địa
Nguyên nhân của bệnh viêm da cơ địa khá phức tạp. được cho là do quá trình phản ứng của da trên 1 cơ địa đặc biệt dễ phản ứng với dị nguyên ở trong hay ngoài cơ thể.
Trong đó có 2 yếu tố vô cùng quan trọng góp phần gây ra bệnh viêm da cơ địa. Bao gồm cơ địa dị ứng và tác động của tác nhân kích thích.
Cơ địa dị ứng:
- Di truyền nhiều kiểu gen và kèm theo kích thích bên trong
- Da kém bền vững do tổn thương lớp hạt, da khô do tuyến bã kém hoạt động (dẫn đến sự suy yếu của da)
- Thay đổi miễn dịch.
Tác nhân kích thích:
- Nội sinh bao gồm stress, rối loạn chuyển hoá, thay đổi nội tiết.
- Ngoại sinh: thức ăn (tôm, cua…), dị nguyên hít (phấn hoa, nấm mốc, bụi,..), tiếp xúc (thuốc bôi, phấn, son,….)
Viêm da cơ địa có lây không?
Trong một số trường hợp nhiều bạn có thể thấy sang thương da của bệnh viêm da cơ địa và nhầm lẫn với các bệnh da có khả năng lấy nhiễm khác. Từ đó rất sợ hãi khi tiếp xúc với các bệnh nhân bị chàm.
Tuy nhiên qua các phân tích ở trên về nguyên nhân gây ra bệnh viêm da cơ địa, các bạn hoàn toàn có thể thấy được viêm da cơ địa hoàn toàn không có khả năng lây nhiễm.
Chính vì vậy các bạn hoàn toàn có thể yên tâm khi tiếp xúc với các bệnh nhân bị viêm da cơ địa mà không sợ bị lây nhiễm.
Ngoài ra các bạn cũng có thể tham khảo cách nhận biết các biểu hiện của bệnh viêm da cơ địa ở bên dưới. Để từ đó có thể nhận biết đâu là sự khác biệt của bệnh viêm da cơ địa với các bệnh có thể lây nhiễm khác.
Các biểu hiện giúp nhận biết bệnh viêm da cơ địa
Các biểu hiện đặc trưng của bệnh viêm da cơ địa là mảng hồng ban, mụn nước, kèm theo ngứa dữ dội, dễ trở thành mãn tính. Bệnh thường tiến triển từng đợt và gây ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người bệnh.
Các vị trí thường xuất hiện của bệnh là:
- Da đầu.
- Mặt.
- Bàn tay.
- Bàn chân.
- Bìu.
- âm hộ.
Đặc biệt vùng không bao giờ bị chàm là vùng niêm mạc. Và bán niêm mạc như môi, qui đầu vẫn có thể bị.
Các triệu chứng của bệnh sẽ khác nhau tùy theo giai đoạn của bệnh viêm da cơ địa. Bệnh viêm da cơ địa sẽ tiến triển qua 6 giai đoạn, bao gồm:
- Hồng ban
- Mụn nước
- Chảy nước, đóng mài
- Lên da non
- Tróc vẩy
- Lichen hóa, vết hằn cổ trâu
6 giai đoạn trên sẽ ứng với 3 giai đoạn lâm sàng là cấp, bán cấp và mạn tính:
Giai đoạn cấp tính
Trong giai đoạn cấp tính viêm da cơ địa sẽ biểu hiện chủ yếu là những vùng đỏ da, nổi mụn nước hoặc bóng nước. Kèm theo rịn, chảy nước.
Tuy nhiên trên thực tế, các bệnh nhân có biểu hiện viêm da cơ địa có thể sẽ có giai đoạn mụn nước thoáng qua cực nhanh (đặc biệt là ở trẻ em).
Mà nhiều biểu hiện của viêm da cơ địa thấy ở giai đoạn cấp đa phần sẽ là bề mặt ửng đỏ lên và lấm tấm rỉ dịch.
Giai đoạn bán cấp
Trong giai đoạn bán cấp các biểu hiện chủ yếu là những vẩy da, da non lên, và vùng sang thương da sẽ khô hơn so với giai đoạn cấp tính.
Ngoài ra trong giai đoạn này các bạn có thể thấy các sang thương biểu hiện của bệnh viêm da cơ địa không còn mụn nước li ti, đã khô. Và đặc biệt là khác với mụn nước bị cào gãi ở giai đoạn cấp còn rịn nước.
Giai đoạn mạn tính
Trong bệnh viêm da cơ địa biểu hiện ngứa là triệu chứng xuyên suốt.
Do đó trong giai đoạn mãn tính của bệnh vùng da bị cào gãi nhiều lần sẽ tiến triển thành những mảng da dầy lên với bề mặt da có những nếp da hằn rõ ra (hay còn gọi là vết lichen hoá, hằn cổ trâu).
Điều trị bệnh viêm da cơ địa
Các phương pháp chủ yếu để giúp điều trị bệnh viêm da cơ địa là:
- Chăm sóc da để tăng chức năng của hàng rào bảo vệ, không dùng quá nhiều các chất tẩy rửa, hóa chất, xà phòng
- Hạn chế tiếp xúc yếu tố bộc phát bệnh (các kích thích, sạch bụi, lông động vật, thức ăn,…)
- Tránh cào gãi, chà xát
- Chống nhiễm trùng, bội nhiễm: Tắm thuốc tím
- kháng viêm tại chỗ tùy theo giai đoạn (cấp-bán cấp-mạn)
- Chống ngứa: Kháng histamine
- Bổ sung Vit C, E, Kẽm
- Kháng sinh khi có nhiễm trùng
- Kháng viêm
- ….
Những điều bệnh nhân khi điều trị bệnh viêm da cơ địa cần chú ý
Do bệnh viêm da cơ địa rất dễ trở nên mãn tính. Do đó khi điều trị bệnh các bạn nên chú ý một số điểm như:
- Tuyệt đối tuân theo các chỉ định của bác sĩ khi điều trị, không được tự ý ngưng trị liệu khi thấy bệnh thuyên giảm
- Không tự ý mua thuốc điều trị bằng các loại thuốc đông y không rõ nguồn gốc trên thị trường.
- Cố gắng giữ ẩm cho làn da và hạn chế tiếp xúc với các yếu tố bộc phát bệnh
Bệnh viêm da cơ địa hoàn toàn không có khả năng lây nhiễm. Chính vì vậy khi có người thân hay bạn bè mắc bệnh, các bạn có thể hoàn toàn yên tâm. Mặt khác, các bạn nên khuyên người thân hay bạn bè khi mắc bệnh hãy đến ngay các bác sĩ chuyên khoa để được điều trị đúng cách và kịp thời.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Atopic dermatitis (eczema): Pathogenesis, clinical manifestations, and diagnosishttps://www.uptodate.com/contents/atopic-dermatitis-eczema-pathogenesis-clinical-manifestations-and-diagnosis
Ngày tham khảo: 16/06/2021