Hội chứng chuyển hóa: Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị
Nội dung bài viết
Hội chứng chuyển hóa là một nhóm các bệnh xảy ra đồng thời. Những bệnh xuất hiện trong hội chứng này có khả năng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch, tai biến mạch máu não và đái tháo đường type 2. Dưới đây, ThS.BS Vũ Thành Đô sẽ cung cấp cho bạn một số thông tin cơ bản về hội chứng này, cũng như cách phòng ngừa và thay đổi lối sống.
1. Thế nào là hội chứng chuyển hóa?
Các tình trạng bệnh xuất hiện trong hội chứng chuyển hóa được nhắc đến bao gồm:
- Tăng huyết áp
- Đường huyết cao
- Tập trung nhiều mỡ thừa ở vùng bụng, eo
- Gia tăng bất thường lượng cholesterol hoặc triglyceride trong máu
Chỉ có một trong những tình trạng này không có nghĩa là bạn đang mắc hội chứng chuyển hóa. Nhưng điều đó có ý nghĩa là bạn đang có nguy cơ mắc các bệnh này cao hơn. Và nếu bạn có nhiều hơn những tình trạng bệnh này thì nguy cơ mắc biến chứng sẽ cao hơn. Các biến chứng được nhắc đến là: Đái tháo đường type 2, bệnh lý tim mạch,…
Hiện nay, hội chứng chuyển hóa đang ngày càng phổ biến hơn và có tới một phần ba người trưởng thành ở Hoa Kỳ mắc chứng bệnh này. Nếu bạn mắc hội chứng chuyển hóa hoặc bất kỳ tình trạng bệnh nào của nó, hãy đến với Youmed. Tại đây, bạn sẽ được tư vấn, thăm khám và điều trị bởi các bác sĩ. Đồng thời thay đổi lối sống tích cực có thể trì hoãn hoặc thậm chí ngăn chặn sự tiến triển nặng của những vấn đề về sức khỏe.
2. Triệu chứng của hội chứng chuyển hóa
Đa số bệnh liên quan đến hội chứng chuyển hóa không có triệu chứng nhìn thấy được từ bên ngoài. Một dấu hiệu có thể nhìn thấy được là vòng eo có chu vi lớn. Và nếu đường huyết cao, bạn có thể có các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh đái tháo đường. Các triệu chứng ví dụ như: Hay khát nước, số lần đi tiểu tăng, mệt mỏi, và nhìn mờ,…
Khi nào cần đến khám bác sĩ?
Nếu bạn nghi ngờ mình đang có ít nhất một trong các tình trạng của hội chứng chuyển hóa, hãy đến YouMed để nhận được sự hỗ trợ chuyên nghiệp của đội ngũ nhân viên và bác sĩ tại đây. Đồng thời, bạn có thể sẽ được làm các xét nghiệm để kiểm tra các yếu tố nguy cơ khác.
3. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây bệnh:
3.1. Nguyên nhân gây bệnh:
Hội chứng chuyển hóa có liên quan mật thiết đến tình trạng thừa cân, béo phì và lối sống ít vận động.
Bệnh cũng liên quan đến một tình trạng khác, được gọi là đề kháng insulin. Thông thường, hệ thống tiêu hóa sẽ phân hủy các thức ăn bạn ăn thành đường. Insulin là một loại hoocmon được tạo ra từ tuyến tụy. Chính hoocmon này sẽ giúp phân tử đường đi vào tế bào, trở thành nhiên liệu tạo năng lượng.
Ở những người bị kháng insulin, tế bào không đáp ứng bình thường với insulin và phân tử đường không thể đi vào tế bào một cách dễ dàng. Từ đó, lượng đường trong máu (đường huyết) sẽ tăng lên. Dù cho cơ thể đã tăng tiết insulin để cố gắng làm giảm lượng đường nhưng cũng không thể khắc phục tình trạng này.
3.2. Yếu tố nguy cơ:
Những yếu tố được liệt kê sau đây làm bạn tăng nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa:
- Tuổi: Nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa tăng theo tuổi.
- Béo phì: Có cân nặng quá cao, đặc biệt là ở vùng bụng, làm tăng nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa.
- Đái tháo đường: Bạn sẽ có nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa cao hơn nếu bạn mắc bệnh đái tháo đường khi mang thai (Đái tháo đường thai kỳ) hoặc nếu bạn có tiền căn gia đình mắc bệnh đái tháo đường type 2.
- Bệnh lý khác: Nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa tăng lên nếu bạn mắc các bệnh lý khác. Ví dụ như: bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, hội chứng buồng trứng đa nang hoặc ngưng thở khi ngủ.
4. Biến chứng của hội chứng chuyển hóa
Người bệnh mắc hội chứng chuyển hóa có thể tăng nguy cơ mắc các bệnh sau đây:
- Đái tháo đường type 2: Nếu bạn không thay đổi lối sống để kiểm soát lượng cân dư thừa, bạn có thể sẽ bị kháng insulin. Tình trạng này có thể làm lượng đường trong máu tăng cao. Đến cuối cùng, tình trạng kháng insulin có thể dẫn đến bệnh đái tháo đường type 2.
- Bệnh lý tim mạch: Tăng cholesterol máu và tăng huyết áp có thể góp phần tích tụ các mảng bám bên trong động mạch của bạn. Những mảng bám này có thể làm hẹp và cứng động mạch của bạn. Sau đó, các mảng bám này có thể vỡ và gây đau tim hoặc tai biến mạch máu não.
5. Phòng ngừa mắc hội chứng chuyển hóa bằng cách nào?
Duy trì một lối sống lành mạnh có thể ngăn ngừa các tình trạng gây nên hội chứng chuyển hóa. Một lối sống lành mạnh bao gồm:
- Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, và thực hiện hầu hết các ngày trong tuần
- Chế độ ăn nhiều rau, trái cây, protein không mỡ và ngũ cốc
- Hạn chế chất béo bão hòa và muối trong chế độ ăn uống của bạn
- Duy trì cân nặng ở mức khuyến cáo
- Không hút thuốc
6. Chẩn đoán hội chứng chuyển hóa
Theo hướng dẫn chẩn đoán của Tổ chức y tế Thế giới (WHO), định nghĩa hội chứng chuyển hóa là khi có ba hoặc nhiều hơn các yếu tố sau, bao gồm cả yếu tố bạn đang dùng thuốc để kiểm soát:
- Chu vi vòng eo lớn: Lớn hơn ≥ 80 cm đối với phụ nữ và ≥ 90 cm đối với nam giới
- Tăng triglyceride máu: ≥ 150 mg/dL (1.7 mmol/L)
- Giảm HDL cholesterol: < 40 mg/dL (1.04 mmol/L) đối với nam hoặc < 50 mg/dL (1.3 mmol/L) đối với nữ
- Huyết áp cao: ≥ 130/85 mmHg
- Tăng đường huyết khi đói: ≥ 100 mg/dL (5.6 mmol/L)
7. Điều trị hội chứng chuyển hóa như thế nào?
Nếu việc thay đổi lối sống theo hướng tích cực (Ví dụ: chế độ ăn uống hợp lý, tập thể dục thường xuyên) vẫn không đủ, hãy đến gặp bác sĩ để nhận được sự hỗ trợ tốt nhất. Bác sĩ có thể kê một số thuốc để giúp bạn kiểm soát những vấn đề về sức khỏe. Từ đó, các chỉ số huyết áp, cholesterol máu và đường huyết sẽ trở nên ổn định hơn.
Thay đổi lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà
Nếu bạn đã được chẩn đoán mắc hội chứng chuyển hóa hoặc các tình trạng của bệnh, hãy thay đổi lối sống tích cực hơn để có thể ngăn hoặc làm chậm tiến triển của các bệnh lý nghiêm trọng (Ví dụ: Đau tim hoặc tai biến mạch máu não). Một lối sống tốt và tích cực, bao gồm:
7.1. Tập thể dục có điều độ
Các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo nên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày. Hãy tìm cách để bản thân vận động bất cứ khi nào bạn có cơ hội. Ví dụ như: Hãy đi bộ thay cho việc lái xe hoặc đi cầu thang bộ thay vì dùng thang máy.
7.2. Giảm cân
Giảm từ 7 đến 10% trọng lượng cơ thể có thể làm giảm tình trạng gây hại cho cơ thể. Chẳng hạn như: Tình trạng đề kháng insulin và huyết áp giảm, giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Việc giảm cân một cách ổn định là vô cùng quan trọng. Nếu bạn đang phải vật lộn với việc giảm cân và không có hiệu quả, hãy trao đổi với bác sĩ về những vấn đề của bạn để có thể tìm ra những biện pháp hỗ trợ (Ví dụ: Dùng thuốc hoặc phẫu thuật giảm cân).
7.3. Chế độ ăn uống lành mạnh
Những chế độ ăn uống lành mạnh, chẳng hạn như: Cách tiếp cận ăn uống để giảm tình trạng tăng huyết áp (chế độ ăn DASH) và chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải, nhấn mạnh việc ăn uống:
- Rau củ
- Trái cây
- Ngũ cốc nguyên chất
- Protein không mỡ
Và những chế độ ăn uống lành mạnh cũng khuyến cáo nên hạn chế:
- Đồ uống chứa nhiều đường
- Rượu
- Muối
- Đường
- Chất béo, đặc biệt là chất béo bão hòa (chất béo no) và chất béo chuyển hóa (chất béo công nghiệp)
7.4. Ngưng hút thuốc lá
Bỏ hút thuốc lá sẽ cải thiện một cách đáng kể sức khỏe của bạn. Trao đổi với bác sĩ của bạn trong trường hợp bạn cần sự giúp đỡ để bỏ thuốc lá.
7.5. Giảm hoặc kiểm soát những căng thẳng trong cuộc sống
Tham gia các hoạt động thể chất, thiền, tập yoga và các chương trình khác có thể giúp bạn kiểm soát được những căng thẳng, cải thiện cảm xúc và sức khỏe của bản thân.
Ngoài ra, khi có chỉ định của bác sĩ về kê đơn insullin, ta chú ý những điều sau
Nếu có bất kỳ vấn đề nào về sức khỏe hoặc gặp khó khăn trong quá trình thay đổi lối sống, hãy đến với Youmed. Tại Youmed, bạn sẽ nhận được sự hỗ trợ tốt nhất từ đội ngũ nhân viên với chuyên môn cao trong công tác chăm sóc và tư vấn về sức khỏe.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.