YouMed

Hội chứng FOMO và những thông tin bạn cần biết

bác sĩ nguyễn hồng tú
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Hồng Tú
Chuyên khoa: Dinh dưỡng

Lướt mạng xã hội, bạn bắt gặp hình ảnh nhóm bạn đang đi du lịch và thấy thật tiếc nuối vì đã từ chối dù bạn thật sự không thích đi. Bạn cảm thấy buồn bực cả một ngày và lo lắng có khi bạn đã bỏ lỡ câu chuyện nào đó rồi chăng? Hay thấy bạn bè chụp ảnh với chiếc túi mới sành điệu, bạn vội đặt mua ngay dù rất ít khi xài tới. Có thể bạn đã mắc phải một hiện tượng tâm lý mang tên hội chứng FOMO. Vậy hội chứng này là gì? Nguyên nhân và biểu hiện của nó như thế nào? Cùng bác sĩ Nguyễn Hồng Tú tìm hiểu về hội chứng FOMO qua bài viết ngay sau đây.

Hội chứng FOMO là gì?

FOMO (Fear Of Missing Out) là một hiện tượng tâm lý biểu hiện bằng sự lo sợ bỏ lỡ. Người mang hội chứng này thường căng thẳng, lo lắng bản thân mình sẽ lỡ mất điều gì đó.

Trong FOMO, nỗi buồn của việc khi ta bỏ lỡ một thứ gì đó có thể tác động sâu sắc hơn niềm vui khi ta đạt được nó. Bạn quan tâm đến những việc người khác đang làm hơn những gì trong cuộc sống của chính mình.

Ngày nay, sự bùng nổ công nghệ truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội mang đến tác động lớn. Theo đó, mỗi người trong chúng ta ít hay nhiều có thể mang hội chứng FOMO.1

Hội chứng FOMO thường bao gồm 2 giai đoạn: lo sợ bỏ lỡ dẫn đến hành vi cưỡng chế. Cảm giác sợ hãi này ám ảnh tâm trí rằng người xung quanh luôn hơn mình. Họ sẽ đạt được thứ gì đó mà bản thân mình không đạt được.2

Người mang hội chứng FOMO luôn nghi ngờ mọi người biết được điều gì hay ho mà mình chưa từng nghe qua. Điều này thôi thúc họ có những hành động thiếu lí trí, quyết định sai lầm gây ít nhiều hậu quả.

FOMO gây ra những ảnh hưởng xấu đến giấc ngủ, giảm sút sức khỏe tinh thần tổng thể. Từ đó, làm giảm hiệu suất và năng lực học tập, làm việc. Sự kém chú ý có thể dẫn đến tai nạn khi tham gia giao thông. Không chỉ thế, hội chứng này tạo ra tác động tồi tệ hơn ở những người có vấn đề sức khỏe tâm thần.3 4

FOMO (Fear of Missing Out) có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực về tinh thần
FOMO (Fear of Missing Out) có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực về tinh thần

Biểu hiện của hội chứng FOMO

Cảm thấy buồn và thiếu sót khi bỏ lỡ một sự kiện

Bạn thấy buồn khi thấy hội bạn đăng hình vui chơi, dù bạn có thể không hợp và không thích cuộc hội họp như thế. Bạn không thích sự kiện đó nhưng vẫn đi một cách gượng ép vì sợ bỏ lỡ điều gì hay cơ hội nào đó. Bạn quyết định “hành động” mà lờ đi rằng điều mình bỏ lỡ có thể không có ý nghĩa với bản thân.

Liên tục kiểm tra điện thoại và các trang mạng xã hội

Chúng ta kiểm tra điện thoại từng phút dù không có thông báo nào, vì sợ không bắt kịp thông tin hay trào lưu mới. Điện thoại trở thành vật bất ly thân không phải vì những giá trị thực sự của nó. Đó là vì nỗi sợ bỏ lỡ của bản thân.

Mua sắm vô tội vạ

Sự sợ hãi không bắt kịp xu thế dẫn đến sự mua sắm vô tội vạ dù thực tế chúng ta không có nhu cầu về món đồ đó. Những người này lo lắng về cái nhìn, ý kiến của người khác hơn là bản thân mình.

Tự ti về bản thân

Người mang hội chứng FOMO thường nhận thức bản thân mình kém cỏi sinh ra sự lo lắng và tự ti. Họ sợ bị người xung quanh lãng quên. Trong một tập thể, những người FOMO thường cảm thấy bản thân thua kém, ám ảnh này kéo dài có thể dẫn đến tác hại tiêu cực, stress, trầm cảm.2

Luôn nói “Có”, luôn đưa ra lựa chọn mở

FOMO khiến con người lo sợ lựa chọn. Họ tránh sự bỏ lỡ, thiệt thòi cho bản thân nên đưa ra lựa chọn mở, cái nào cũng được. Họ cũng thường đồng ý với mọi việc. Người mang FOMO vừa muốn là người quyết định, vừa muốn không phải chịu trách nhiệm, chừa đường lui cho bản thân.

Nguyên nhân của hội chứng FOMO

Theo các chuyên gia nghiên cứu, FOMO có thể đã xuất hiện từ rất lâu. Tuy nhiên, sự bùng nổ của thông tin ở hiện tại khiến FOMO trở nên rõ ràng và đáng chú ý. Một số nguyên nhân có thể dẫn đến hội chứng FOMO như:3

Sự thiếu niềm tin

FOMO là một cảm giác lo lắng xuất phát từ sự thiếu niềm tin. Những người mang hội chứng FOMO thường là những người có lòng tự trọng thấp, cảm thấy mình thua kém người khác và không coi trọng bản thân.

Sự so sánh

Nỗi sợ bỏ lỡ được hình thành từ cảm giác so sánh. Sợ mình không có những gì người khác có, không trải qua những gì người khác trải qua.

Dưới sự phát triển của mạng xã hội, con người nhận thấy mình “thiếu” nhiều hơn. Họ đem nhận thức sai lệch về cuộc sống đã qua chỉnh sửa của người khác áp lên bản thân. Sự truy cập liên tục dẫn đến sự so sánh liên tục, tạo ra những kì vọng không hợp lý. Điều này gây ảnh hưởng xấu, tạo cảm xúc tiêu cực, rối loạn, nặng hơn là trầm cảm.

Xem thêm: Tại sao “não bộ” có khuynh hướng tiêu cực? (Phần 1)

Sự thiếu hạnh phúc

Hội chứng FOMO xuất hiện nhiều ở những người dùng mạng xã hội thường xuyên. Họ thường cầm điện thoại ngay khi thức dậy, trước khi đi ngủ và giữa các bữa ăn.

Những điều ở hiện tại không đủ làm họ hạnh phúc và hài lòng. Vì vậy, những người này tìm đến mạng xã hội để thấy tốt hơn. Công nghệ này giúp bạn có thể tương tác tức thời với mọi người qua mạng xã hội. Nhưng nghiên cứu và thực tế cho thấy điều này làm những người trẻ rơi vào trạng thái cô đơn, lạc lõng hơn bao giờ hết.4

Cuộc sống xoay quanh mạng xã hội của những người mang hội chứng FOMO
Cuộc sống xoay quanh mạng xã hội của những người mang hội chứng FOMO

Hội chứng FOMO có chữa được không?

Chuyển hướng sự tập trung3

Thay vì tập trung vào những điều mình thấy thiếu, hãy cố gắng tập trung vào những gì mình đang có. Sử dụng mạng xã hội một cách thông minh có thể giúp bạn vượt qua hiện tượng FOMO này. Bạn có thể lựa chọn hiển thị những nội dung tạo động lực và niềm tin cho mình, và hạn chế những nội dung có thể gây ra trạng thái tiêu cực cho bản thân.

Viết nhật ký3

Viết nhật ký và lưu giữ những hình ảnh có thể giúp bạn lưu giữ lại những điều thú vị bạn đã làm qua. Những nội dung này có thể được đăng tải trên trang cá nhân hoặc viết vào sổ cho riêng mình. Việc này giúp bạn nhận thấy và tập trung vào những giá trị sống của riêng mình.

Tạo ra kết nối thật sự3

Sự tiện lợi của mạng xã hội khiến chúng ta “lười” hơn trong các mối quan hệ của mình. Chúng ta chờ đợi sự tương tác, trầm trồ của những người bạn “ảo” nhiều hơn. Từ đó, những mối quan hệ thật sự bị thu hẹp dẫn đến cảm giác lạc lõng, cô đơn nhiều hơn.

Thay vào đó, hãy lên kế hoạch những cuộc hẹn với bạn bè và tham gia các hoạt động yêu thích của bản thân. Việc này giúp bạn tạo ra những kết nối tinh thần và tập trung vào những giá trị quan trọng. Ngay cả khi không có thời gian ra ngoài, bạn có thể thông qua mạng xã hội để trò chuyện và chia sẻ với một vài người bạn thật sự. Điều này vẫn tốt hơn là chờ đợi những phản hồi mang tính “xã giao”.

Kết nối và chia sẻ với những người bạn thật sự giúp bạn tận hưởng và tập trung vào cuộc sống của chính mình
Kết nối và chia sẻ với những người bạn thật sự giúp bạn tận hưởng và tập trung vào cuộc sống của chính mình

Tập trung vào lòng biết ơn3

Lòng biết ơn thể hiện sự ghi nhận và đánh giá cao của bạn với những sự việc và những người xung quanh. Điều này giúp bạn nhận thức và làm “đầy” những giá trị mà bạn đang có. Từ đó, sự biết ơn nâng cao cảm giác hài lòng và hạnh phúc trong cuộc sống của bạn.5

Thay vì chìm sâu trong tiêu cực với sự thiếu thốn mà FOMO mang lại, bạn đối diện với nghịch cảnh sẽ tốt hơn. Vì nó có thể giúp bạn nhận ra những giá trị của bản thân mình. Bạn nhận ra những gì bạn có, nhận ra cuộc sống thực sự mà bạn cần.

Xem thêm: Để sống hạnh phúc rất đơn giản, chỉ cần bạn thực hiện ngay 6 điều này

Hi vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về hội chứng FOMO. Cuộc sống hiện đại mang đến cho chúng ta quá nhiều lựa chọn, có quá nhiều thứ xảy ra nên hầu như chúng ta lúc nào cũng bỏ lỡ. Luyện tập sự tập trung vào những điều thật sự giá trị và ý nghĩa giúp chúng ta vượt qua hội chứng FOMO và có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Problematic smartphone use and relations with negative affect, fear of missing out, and fear of negative and positive evaluationhttps://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0165178117309010?via%3Dihub

    Ngày tham khảo: 01/06/2022

  2. Fear of missing out: A brief overview of origin, theoretical underpinnings and relationship with mental healthhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8283615/

    Ngày tham khảo: 01/06/2022

  3. How to deal with FOMO in your life?https://www.verywellmind.com/how-to-cope-with-fomo-4174664#:~:text=What%20Is%20FOMO%3F,sites%20like%20Instagram%20and%20Facebook.

    Ngày tham khảo: 01/06/2022

  4. Motivational, emotional, and behavioral correlates of fear of missing outhttps://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0747563213000800?via%3Dihub

    Ngày tham khảo: 01/06/2022

  5. Positive Psychology and Gratitude Interventions: A Randomized Clinical Trialhttps://www.frontiersin.org/articles/10.3389/fpsyg.2019.00584/full

    Ngày tham khảo: 01/06/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người