YouMed

Hương nhu tía: Tìm hiểu công dụng của cây thuốc trong vườn nhà

Bác sĩ BÙI KHÁNH HÀ
Tác giả: Bác sĩ Bùi Khánh Hà
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Hương nhu vốn là một loại cây cỏ rất quen thuộc trong đời sống người dân chúng ta. Một nắm lá Hương nhu giải cảm cúm, hay nồi nước lá Hương thu thơm lừng nuôi mái tóc dài thơm cho người con gái,… Những điều này đã trở nên một điều tự nhiên với mỗi người dân quê.

Hương nhu vốn có nhiều loại: Hương nhu trắng, Hương nhu tía,… Công dụng và đặc điểm có phần khác nhau. Bài viết hôm nay muốn tập trung đề cập đến vị thuốc Hương nhu tía. Vậy đặc điểm của dược liệu này thế nào? Chúng ta hãy đón xem trong bài viết dưới đây nhé

Hương nhu tía là gì?

Hương nhu tía còn thường được gọi với cái tên É tía. Nó có tên khoa học Ocimum sanctum L., thuộc họ Hoa môi (Lamiaceae).

Đặc điểm thực vật

Đây là loại cây thân thảo nhỏ. Sống hàng năm hoặc có thể lâu hơn. Chiều cao trung bình trên dưới 1m. Thân, cành có màu đỏ tía, có lông. Lá mọc đối, thuôn hình mác hoặc hình trứng. Nó thường màu nâu đỏ, có cuống khá dài, mép hơi khía răng, hai mặt đều có lông, gân lá hình lông chim, có các tuyến nhỏ lõm xuống. Hoa màu tím, mọc thành bông xim co ở đầu cành. Hoa xếp thành vòng gồm 6 – 8 bông, ít phân nhánh. Đài hoa tồn tại đựng quả bế. Toàn cây có mùi thơm dễ chịu.

Cây được trồng bằng hạt vào mùa xuân. Ra hoa vào tháng 5 – 6.

Phân bố

Hương nhu tía thường mọc hoang khắp nơi hoặc được trồng trong vườn nhà để làm thuốc.

Trên thế giới, nó được trồng nhiều ở Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia, Philippines,… để lấy tinh dầu, làm hương liệu,…

Cây ưa khí hậu nhiệt đới nóng và ẩm; nhiệt độ trung bình năm khoảng 25 – 30 độ C; lượng mưa 1800 – 2600 mm/năm. Ở các vùng núi cao có khí hậu cận nhiệt đới và hơi lạnh, không thấy trồng.

Cây Hương nhu tía
Cây Hương nhu tía có thân cành màu đỏ tía

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản

Bộ phận dùng: thân, cành mang lá, hoa.

Thu hái: cây Hương nhu tía thường được thu hái khi đang vào mùa ra hoa tầm tháng 5 – 6.

Chế biến: Cây hái về đem rửa sạch, có thể dùng tươi trực tiếp hoặc phơi khô trong bóng râm để dùng dần. Lưu ý không phơi thuốc dưới ánh nắng trực tiếp sẽ làm mất tinh dầu trong thuốc.

Bảo quản: Bảo quản thuốc nơi khô ráo, thoáng mát, có thể bỏ bịch ni lông cột kín. Tránh những nơi ẩm ướt, tránh ánh nắng mặt trời chiếu vào thuốc sẽ làm hư hại, giảm chất lượng dược liệu.

Tác dụng của Hương nhu tía

Thành phần hóa học trong dược liệu

  • Tinh dầu là thành phần đáng chú ý và có giá trị nhất trong Hương nhu tía. Theo Dược điện Việt Nam IV, dược liệu phải chứa ít nhất 0,5% tinh dầu (tính theo dược liệu khô tuyệt đối). Trong tinh dầu,  thành phần chính là eugenol (trên 70%), methyleugenol (trên 12%) và β-caryophylen.
  • Các hợp chất thuộc nhóm flavonoid: apigenin, luteolin, apigenin-7-glucuronid, luteolin-7-glucuronid, orientin.
  • Các hợp chất thuộc nhóm polyphenol: acid galic, acid galic methylester, acid galic ethylester, acid protocatechic, acid rosmarinic.
  • Acid ursolic cũng là một thành phần quan trọng và có hàm lượng cao trong Hương nhu tía.

Tác dụng dược lý của dược liệu

Nghiên cứu tác dụng của acid ursolic trong dược liệu, người ta thấy nó có những tác dụng:

  • Chống viêm.
  • Bảo vệ gan.
  • Chống khối u.
  • Hạ lipid máu.

Tác dụng của Hương nhu tía theo Y học cổ truyền

Theo Đông y, vị thuốc vị cay, tính ấm, có những công dụng:

  • Làm ra mồ hôi, giải cảm.
  • Trừ hơi nắng, thời tiết nhiều ẩm thấp của mùa hè.
  • Chữa cảm nắng, nhức đầu.
  • Trị đau bụng, đi ngoài.
  • Chữa tức ngực.
  • Chữa nôn mửa.
  • Trị chuột rút.
  • Trị phù thũng ứ nước.
  • Chữa hôi miệng.

Cách dùng

Cách dùng: Có thể dùng dưới dạng thuốc sắc hoặc nấu nước xông. Dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.

Liều lượng: Nước xông: 50 – 100g dùng tươi. Nước sắc 6 – 12g/ 1 ngày.

Một số bài thuốc từ Hương nhu tía

Bài thuốc chữa nóng sốt do mắc mưa, nắng, gió lạnh, người sốt không có mồ hôi

Hương nhu tía 12g, Đậu ván trắng 16g, Hoắc hương 12g, Củ sắn dây 12g, Lá tre gai 12g, Quả dành dành (sao vàng) 12g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Bài thuốc chữa ho nhiều đờm đặc, ăn ít, người gầy yếu

Hương nhu tía 8g, Vỏ quýt 8g, Rễ cam vàng 8g. Các vị thuốc đem sao vàng, sắc với Thuốc dòi tía 8g. Uống mỗi ngày 1 thang.

Bài thuốc chữa trẻ chậm mọc tóc

Hương nhu tía sắc đặc với mỡ lợn bôi hàng ngày.

Bài thuốc chữa chứng hôi miệng

Lá Hương nhu tía sắc lấy nước đặc, ngậm nhiều lần trong ngày.

Lưu ý

  • Những người hay ra nhiều mồ hôi không nên dùng Hương nhu tía.
  • Phân biệt Hương nhu tía và Hương nhu trắng. Hương nhu trắng (é lớn) thường cao hơn Hương nhu tía (é tía). Lá mọc đối, có cuống, phiến lá dài 5-10cm, hình trứng nhọn, phía cuống thon, mép khía tai bèo hay răng cưa thô. Trên gân chính của lá có lông. Hoa nhỏ mọc thành xim đơn 6 hoa, xếp thành chùm, đôi khi ở phía dưới có phân nhánh. Hương nhu trắng có hàm lượng tinh dầu cao hơn Hương nhu tía, nên có mùi hắc và khó uống. Trong khi Hương nhu tía thường được dùng làm thuốc trong Đông y, Hương nhu trắng chủ yếu được khai thác để cất tinh dầu.

Hương nhu tía là vị thuốc dễ trồng, dễ dùng. Tuy nhiên cũng như bất kì vị thuốc nào, người bệnh không nên tự ý sử dụng một cách bừa bãi, để tránh những hậu quả không mong muốn. Khi có bệnh, bệnh nhân nên đi thăm khám để nhận được sự tư vấn từ thầy thuốc. YouMed luôn sẵn sàng hỗ trợ các bạn

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. PGS.TS. Nguyễn Viết Thân. Cây thuốc Việt Nam và những bài thuốc thường dùng, tập III. NXB Y học.

  2. Lương y, Thầy thuốc Ưu tú Lê Trần Đức. Cây thuốc Việt Nam - trồng hái chế biến trị bệnh ban đầu. NXB Dân Trí.

  3. Nguyễn Ngọc Hiếu - Bộ Y tế. Đề tài: "Nghiên cứu thành phần hóa học của cây Hương nhu tía (Octimum Sanctum L.). Trường Đại học Dược Hà Nội.

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người