Cây Kế sữa: Thần dược bảo vệ gan
Nội dung bài viết
Kế sữa hay còn gọi là Kế thánh, Cúc gai. Là loại cây thân thảo mọc hoang dã ở nhiều nơi trên thế giới. Silymarin – hoạt chất sinh học quan trọng của cây là một flavonoid có đặc tính chống oxi hóa và được sử dụng hỗ trợ điều trị các bệnh về gan. Bài viết điểm qua một số nghiên cứu tác dụng dược lý của cây Kế sữa trong những năm gần đây.
1. Giới thiệu chung về cây Kế sữa
Cây Kế sữa còn có tên là cây Đức mẹ, cây Kế thánh hay Cúc gai.
- Tên khoa học: Silybum marianum (L) Gaertn.
- Họ: Cúc Asteraceae.
- Bộ phận dùng: Toàn cây hoặc quả, hạt.
Cây có nguồn gốc ở Địa Trung Hải. Mọc hoang dại ở nhiều nơi trên thế giới như miền Nam và Trung Âu, Bắc Phi, Trung Đông, Ấn Độ, Trung Quốc, Bắc và Nam Mỹ.
2. Mô tả dược liệu
Kế sữa (Sylibum marianum (L.) Gaernt) là môṭ loài thưc vật có hoa thuộc ho ̣Cúc.
Kế sữa là một loại cây thân thảo sống một hoặc ̣hai năm, cao 30 – 150 cm. Thân thẳng và phân nhánh. Lá xanh, không có lá kèm, bóng láng, thường có nhiều đốm trắng dọc theo các gân. Mép có răng dạng gai, gai màu vàng và rất nhọn. Các lá phía trên và ở giữa ôm lấy thân. Các lá ở dưới rất to, có phiến chia thuỳ và có cuống. Cụm hoa đầu đơn độc, rộng 3 – 10cm. Lá bắc ngoài và giữa có một phần phụ hình tam giác màu lục thu lại thành một gai to, ở gốc có 4 – 6 gai nhỏ, ngắn hơn, ở mỗi bên.
Hoa màu tím, hiếm gặp màu trắng, hơi giống nhau, đều có 5 cánh hoa, 5 nhị và bầu 1 ô với 2 lá noãn và 2 vòi nhuỵ phình ở gốc.
Quả bế hình bầu dục thuôn, dài 7 – 8mm, màu đen bóng có vân vàng nhiều hoặc ít, tùy thuộc vào nguồn giống S.marianum và điều kiên canh tác. Ra hoa vào tháng 5 đến tháng 8 của năm thứ hai.
3. Lịch sử cây Kế sữa
Cây Kế sữa đã được sử dụng như một cây thuốc trong nhiều thế kỷ trên toàn thế giới. Theo truyền thống dân gian, hoa tím đặc trưng và lá có gân trắng đến từ sữa của Đức Trinh Nữ Maria. Cây có nguồn gốc từ Địa Trung Hải và là thành viên của họ Cúc (Asteraceae).
Nhà thực vật học người Hy Lạp, Dioscorides là người đầu tiên mô tả các đặc tính chữa bệnh của cây Kế sữa. Vào năm 1597, John Gerard lưu ý rằng cây Kế sữa là phương thuốc tốt nhất chống lại bệnh u sầu. Gần đây, một nghiên cứu ngẫu nhiên nhỏ từ Iran đã cho thấy những cải thiện tương tự. Nghiên cứu tiến hành ở những bệnh nhân mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế sử dụng fluoxetine hoặc chiết xuất từ lá của cây Kế sữa.
4. Thành phần hóa học trong cây
Thành phần hoạt động chủ yếu của cây kế sữa là silybin. Nó còn được gọi là silybinin, thường được lấy từ hạt của cây. Silymarin là một phức hợp các hợp chất sinh học (flavolignans). Các hợp chất này được biết đến là chất chống oxi hóa, ngoài ra còn có một số tính chất sinh học khác. Bạn có thể tham khảo thêm bài viết sau: Thuốc silymarin: Giải pháp bảo vệ và phục hồi chức năng gan
Chiết xuất cây kế sữa (từ hạt), chứa khoảng 4% – 6% silymarin. Chiết xuất bao gồm khoảng 65 – 80% silymarin (một phức hợp flavonolignan) và 20% axit linoleic. Silymarin là một hỗn hợp phức tạp của các phân tử polyphenolic, bao gồm bảy flavonolignans có liên quan chặt chẽ. Chúng bao gồm: (Silybin A, Silybin B, isosilybin A, B isosilybin, silychristin, isosilychristin, silydianin) và một flavonoid (taxifolin). Silibinin một phần bán thành phần của silymarin, chủ yếu là hỗn hợp của 2 diastereoisome, silybin A và silybin B, theo tỷ lệ xấp xỉ 1: 1.
5. Tác dụng dược lý
5.1. Tác dụng bảo vệ tế bào gan
Nghiên cứu cho thấy silymarin từ cây kế sữa là chất bảo vệ gan được sử dụng phổ biến nhất tại các phòng khám tiêu hóa ở Hoa Kỳ. Tại Đức, thành phẩm từ kế sữa dùng để điều trị chứng khó tiêu và tổn thương gan.
Một số nghiên cứu nhỏ hơn cũng cho thấy các hợp chất của cây kế sữa có thể có tác dụng kháng virus và chống viêm. Đặc biệt, chiết xuất từ Kế sữa có thể điều trị viêm gan C một cách chủ động. Tuy nhiên, một nghiên cứu lớn hơn trên 154 bệnh nhân bị viêm gan C mãn tính cho thấy mặc dù silybinin được báo cáo là an toàn, nhưng nó không có tác dụng đáng kể đối với men gan ở bệnh nhân so với giả dược.
5.3. Tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư
Nhiều nỗ lực khác trong nghiên cứu tác dụng bảo vệ gan của cây Kế sữa được tiến hành. Đặc biệt trên những bệnh nhân đang trải qua hóa trị. Một nghiên cứu RCT về cây Kế sữa ở trẻ em đang trải qua hóa trị tích cực cho bệnh bạch cầu cấp tính. Kết quả cho thấy rằng cây Kế sữa đã cải thiện chức năng gan ở một số trẻ.
Các hợp chất của cây Kế sữa cũng cho thấy các hoạt động chống ung thư trực tiếp trên các mô hình tiền lâm sàng. Các tác dụng bao gồm gây chết các tế bào ung thư đại tràng, gây lão hóa tế bào ung thư vú. Ngoài ra, Kế sữa còn ngăn chặn sự hình thành mạch trong mô hình ung thư tuyến tiền liệt.
Chiết xuất Kế sữa bôi trên da chuột tiếp xúc với UVB cũng ngăn ngừa sự phát triển của ung thư da. Trong nghiên cứu trên, tác dụng bảo vệ da của cây Kế sữa được chứng minh khi sử dụng trước hoặc sau khi tiếp xúc với UVB. Một số người bôi cây kế sữa trực tiếp lên da để làm giảm tổn thương da do bức xạ.
5.4. Một số tác dụng khác
Việc sử dụng cây Kế sữa có từ lâu đời. Từ tác dụng chống nôn cho đến khả năng cứu sống những bệnh nhân đã ăn nấm độc. Trong đó, đặc biệt nhất là nấm amanita (deathcap).
Một đánh giá của hơn 2000 bệnh nhân tiếp xúc với nấm amanita ở châu Âu và Bắc Mỹ. Kết quả cho rằng silybinin tiêm tĩnh mạch là liệu pháp hiệu quả nhất hiện có để chống lại độc tố này.
Hiện nay, silymarin đang được ghi nhận tốt khi điều trị một loại ngộ độc nấm Amanita phalloides. Hay còn được gọi là nấm tử thần. Nấm này là nguyên nhân cho cho hầu hết các trường hợp tử vong do ăn nấm trên toàn thế giới. Ăn Amanita phalloides có thể dẫn đến tổn thương gan và thậm chí suy gan. Các điều trị bằng silymarin rất hữu ích, nhưng vẫn đang được tiếp tục thử nghiệm lâm sàng..
6. Độc tính của dược liệu
Các nghiên cứu độc tính trường diễn không cho thấy bằng chứng thúc đẩy ung thư, suy gan – thận. Các tương tác có hại đối với các thành phần của cây Kế sữa ở người thường nhẹ. Một số tác dụng phụ có thể gặp bao gồm tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa và tăng nồng độ men gan tạm thời. Các hợp chất của cây Kế sữa có thể ảnh hưởng đến sự chuyển hoá một số enzyme.
Kế sữa là loại cây thân thảo mọc hoang dã ở nhiều nơi trên thế giới. Silymarin – hoạt chất sinh học quan trọng của cây là một flavonoid có tính chống oxi hóa, được sử dụng hỗ trợ điều trị các bệnh về gan. Bên cạnh đó là tác dụng trên da liễu và một số bệnh ung thư.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Post-White J, Ladas E J, Kelly K M, (2007), "Advances in the use of milk thistle (Silybum marianum)", Integr Cancer Ther, 6 (2), pp. 104-109.
- Rose, Francis., (1981), The Wild Flower Key, pp. 388–9.
- Prasain J K, Barnes S, (2007), "Metabolism and bioavailability of flavonoids in chemoprevention: current analytical strategies and future prospectus", Mol Pharm, 4 (6), pp. 846-864.
- Kroll D J, Shaw H S, Oberlies N H, (2007), "Milk thistle nomenclature: why it matters in cancer research and pharmacokinetic studies", Integr Cancer Ther, 6 (2), pp. 110-119.
- Mengs U, Pohl R T, Mitchell T, (2012), "Legalon(R) SIL: the antidote of choice in patients with acute hepatotoxicity from amatoxin poisoning", Curr Pharm Biotechnol, 13 (10), pp. 1964-1970.
- Agarwal R, Agarwal C, Ichikawa H, Singh R P, et al, (2006), "Anticancer potential of silymarin: from bench to bed side", Anticancer Res, 26 (6b), pp. 4457-4498.