YouMed

Kem đánh răng và những điều bạn chưa biết

Bác sĩ Trương Mỹ Linh
Tác giả: Bác sĩ Trương Mỹ Linh
Chuyên khoa: Răng - Hàm - Mặt

Kem đánh răng là một phần quan trọng trong thói quen vệ sinh răng miệng hàng ngày của bạn. Sử dụng kem đánh răng đúng cách sẽ giúp loại bỏ các mảnh vụn thức ăn và mảng bám trên răng của bạn. Nhưng liệu bạn có biết thành phần thực sự của kem đánh răng là gì? Nó có bao nhiêu loại và hiệu quả tác động như thế nào? Sau đây hãy cùng YouMed tìm hiểu về kem đánh răng – “người bạn” quen thuộc hằng ngày của chúng ta nhé!

1. Thành phần của kem đánh răng

Kem đánh răng có thể ở dạng gel, bột nhão hoặc bột. Tùy từng loại các thành phần có thay đổi khác nhau một chút, nhưng phần chung tất cả các loại kem  đều chứa các thành phần giống nhau sau:

  • Chất mài mòn nhẹ

Bao gồm canxi cacbonat và silicat. Cùng với sự trợ giúp của bàn chải đánh răng, chúng sẽ giúp loại bỏ các mảnh vụn và vết bẩn trên bề mặt.

  • Chất giữ ẩm

Thành phần này giúp ngăn ngừa mất nước và giữ cho kem  không bị khô hoặc bị dính nướu.

  • Chất điều vị

Chất làm ngọt nhân tạo, bao gồm saccharin, thường được thêm vào để làm kem có cảm giác dễ chịu hơn. Đây là thành phần mang lại cho kem  một chút ngọt và mùi hương bạc hà tươi mát. Vì chúng không chứa đường nên chúng cũng không gây sâu răng.

  • Các chất làm đặc

Còn được gọi là chất kết dính, những chất này giúp ổn định công thức kem đánh răng.

  • Chất tạo bọt

Nó giúp kem  lan trong toàn bộ miệng và giúp làm sạch răng.

kem đánh răng
Tùy thuộc vào kem đánh răng, các thành phần khác cũng có thể được thêm vào để thêm những lợi ích khác.
  • Phòng chống sâu răng

Fluor là một chất chống sâu răng tự nhiên. Nó giúp tăng cường men răng và chống sâu răng. Không phải tất cả các loại kem đánh răng đều chứa fluor. Hãy chắc chắn rằng bạn đang sử dụng kem có chứa khoáng chất chống sâu răng này.

  • Giảm mảng bám và viêm nướu

Một số loại kem đánh răng có chứa các thành phần hoạt tính có thể chống lại mảng bám và viêm nướu.

  • Làm trắng răng

Kem đánh răng “làm trắng” có chất đánh bóng hoặc hóa chất đặc biệt. Điều này giúp loại bỏ nhiều vết bẩn trên bề mặt hơn so với kem thông thường.

  • Giảm ê buốt

Nếu răng nhạy cảm, bạn có thể sử dụng kem dành cho răng nhạy cảm. Chúng chứa các hợp chất giúp giảm ê buốt răng.

2. Các loại kem đánh răng (KĐR)

Như đã nói ở trên, các loại kem đánh răng có thể khác nhau một số thành phần tùy vào mục đích sử dụng. Đó là cơ sở để phân loại các kem đánh răng:

2.1. Loại có fluor

Thành phần quan trọng nhất cần quan tâm khi chọn KĐR là fluor. Fluor là một khoáng chất tự nhiên. Việc sử dụng nó đã góp phần làm giảm đáng kể tình trạng sâu răng đã diễn ra trong 50 năm qua. Vi khuẩn trong miệng sử dụng đường và tinh bột còn bám trên răng sau khi ăn. Fluor giúp bảo vệ răng của bạn khỏi axit do vi khuẩn hoạt động tạo ra khi tiêu thụ đường. Cơ chế bảo vệ của Fluor được thực hiện theo hai cách. Thứ nhất, fluor làm cho men răng của bạn chắc hơn và ít bị axit xoi mòn hơn. Thứ hai, nó có thể đảo ngược giai đoạn đầu của sự phá hủy axit bằng cách tái khoáng các khu vực đã bắt đầu phân hủy.

Sử dụng kem đánh răng có chứa fluor là một cách quan trọng để đảm bảo rằng răng của bạn luôn khỏe mạnh. Đừng nghĩ rằng bạn có thể bỏ qua fluor dù bạn đang sống trong một khu vực có nước bị nhiễm fluor. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng: sử dụng kem đánh răng có chứa fluor giúp tăng nồng độ fluor trong răng; ngay cả ở những nơi có nguồn cung cấp nước có chứa hàm lượng khoáng chất cao.

Để hiểu thêm về hoạt chất này, bạn có thể tham khảo bài viết sau: Fluor và vai trò đối với sức khỏe răng miệng

kem đánh răng
Kem đánh răng chứa fluor giúp ngăn ngừa sâu răng.

2.2. Loại kiểm soát cao răng

Có rất nhiều loại KĐR giúp kiểm soát cao răng trên thị trường, hầu hết chúng đều chứa fluor.

Hầu như chúng ta đều có một lớp vi khuẩn trên bề mặt răng được gọi là mảng bám. Nếu mảng bám không được loại bỏ kịp thời bằng cách vệ sinh răng miệng đúng cách; nó sẽ cứng lại thành cao răng. Lớp cặn khó loại bỏ này có thể tích tụ trên răng và dưới nướu; cuối cùng dẫn đến các bệnh nha chu.

Có nhiều thành phần được sử dụng trong KĐR để giúp ngăn ngừa sự tích tụ của cao răng trên răng. Các hợp chất hóa học, bao gồm: pyrophosphates và kẽm citrate, thường được thêm vào và đã được chứng minh là có hiệu quả. Ngoài ra, một số loại kem kiểm soát cao răng có chứa một loại kháng sinh gọi là triclosan, có tác dụng tiêu diệt một số vi khuẩn trong miệng.

Một số loại kem có chứa nhiều chất chống mảng bám đã được chứng minh là: hiệu quả hơn trong việc kiểm soát cao răng so với các loại chỉ có một chất chống mảng bám.

Xem thêm bài viết: Răng sậm màu: Nguyên nhân và giải pháp!

2.3. Loại dành cho răng nhạy cảm

Đối với những người có răng dễ bị kích ứng – chẳng hạn như do nhiệt độ nóng hoặc lạnh – có thể sử dụng những loại kem đánh răng dành cho răng nhạy cảm. Những loại kem này thường chứa kali nitrat hoặc stronti clorua. Các hợp chất hóa học này có thể mất đến 4 tuần để giúp giảm ê buốt răng; bằng cách ngăn chặn các đường dẫn truyền kích thích với dây thần kinh bên trong răng.

2.4. Loại có tác dụng làm trắng

Nhiều loại KĐR làm trắng hiện đang được bán trên thị trường để sử dụng hàng ngày. KĐR làm trắng thường không chứa chất tẩy trắng. Thay vào đó, chúng có chứa các hạt mài mòn hoặc hóa chất giúp đánh bóng răng hiệu quả; hoặc bám vào vết ố và giúp kéo chúng ra khỏi bề mặt răng.

Mặc dù bạn có thể lo ngại rằng độ mài mòn của KĐR làm trắng có thể làm hỏng răng của bạn. Nhưng các nghiên cứu cho thấy rằng: kem  làm trắng khó làm mòn bề mặt men răng so với các loại kem thông thường khác.

Tham khảo thêm: Các phương pháp làm trắng răng tại nhà: Nên và không nên!

3. Mẹo chọn kem đánh răng

Dưới đây là một số mẹo giúp bạn chọn được loại KĐR tốt nhất để đáp ứng nhu cầu răng miệng của gia đình mình:

3.1. Chọn các loại kem đánh răng đã được kiểm duyệt

Dù loại kem đánh răng của bạn cần là gì, hãy nhớ chọn loại kem đánh răng đã được Hiệp hội Nha khoa chứng nhận. Các loại kem đánh răng nên được đánh giá về độ an toàn và hiệu quả bởi một hội đồng đánh giá độc lập gồm các chuyên gia khoa học. 

3.2. Cảnh giác với các loại kem đánh răng giả mạo

Năm 2007, một số loại KĐR nhập khẩu từ Trung Quốc bị phát hiện có chứa một chất độc hại là diethylene glycol. FDA khuyên: không nên chọn kem đánh răng có ghi sản xuất tại Trung Quốc.

Cân nhắc nhu cầu của bạn và các thành viên trong gia đình để lựa chọn loại KĐR phù hợp. Miễn là bạn chọn KĐR có chứa flour. Nếu bạn thích lối sống hoàn toàn tự nhiên, bạn có thể chọn loại KĐR chỉ chứa các thành phần tự nhiên đã được kiểm duyệt. Đối với những cha mẹ muốn tạo thói quen vệ sinh răng miệng tốt cho con, bạn nên chọn KĐR hương trái cây để lôi kéo trẻ đánh răng thường xuyên hơn. Một số người mong muốn khôi phục lại độ trắng cho răng bằng các loại KĐR làm trắng. Những người khác thích cảm giác đánh răng bằng KĐR có chứa hydrogen peroxide hoặc baking soda.

Với rất nhiều lựa chọn và sự kết hợp có sẵn, bạn có thể thử các nhãn hiệu, loại và hương vị khác nhau để tìm ra loại kem đánh răng tốt nhất cho mình.

lua-chon-loai-kem-danh-rang-phu-hop
Cần lựa chọn kem đánh răng phù hợp và có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng.

4. Dị ứng, kích ứng do kem đánh răng

Trong một số trường hợp hiếm hoi, kem đánh răng có thể chứa các thành phần có thể gây kích ứng hoặc phản ứng dị ứng. Các loại tinh dầu, bao gồm: bạc hà, quế,… là nguồn phổ biến nhất của bệnh viêm da tiếp xúc quanh miệng, viêm miệng hoặc viêm môi. Những loại này có thể không được đề cập rõ ràng trên bao bì, thay vào đó được liệt kê là “hương vị” không xác định.

Ngoài ra, các hỗn hợp hương thơm và menthol có thể gây ra các phản ứng dị ứng hoặc kích ứng niêm mạc miệng. Các thành phần hoặc hoạt tính phổ biến khác của kem đánh răng đã được báo cáo là chất gây dị ứng hoặc chất kích ứng tiếp xúc bao gồm: axit xitric (thường được liệt kê là kẽm hoặc kali xitrat), triclosan, natri lauryl sulfat, propylen glycol, PEG-8, PEG-12, PEG-1450 , cocamidopropyl betaine, paraben và pyrophosphates.

Các triệu chứng của viêm da tiếp xúc do chất gây dị ứng trong kem đánh răng bao gồm: ban đỏ, phù nề, bong vảy và loét niêm mạc miệng, nướu, lưỡi. Thường có thể khó phân biệt với các nguyên nhân khác trong miệng, bao gồm rối loạn chức năng hoặc do sử dụng phục hình không đúng cách.

5. Sử dụng kem đánh răng ở trẻ em

Đánh răng với KĐR có chứa fluor đã được chứng minh là làm giảm tỷ lệ sâu răng ở trẻ em. Ước tính mức fluor làm giảm sâu răng lớn nhất mà không gây tác dụng phụ là: 0,05 mg / kg / ngày (khoảng 0,02 đến 0,10 mg/kg /ngày) cho tất cả trẻ em trên 6 tháng.

Nhiễm fluor có thể là kết quả của việc tiêu thụ dư thừa fluor trong thời kỳ răng vĩnh viễn đang phát triển.Vấn đề chủ yếu là mối quan tâm về thẩm mỹ. Nhiễm fluor có thể từ nhẹ (trong đó các đốm trắng hoặc vết sọc xuất hiện trên răng) đến nghiêm trọng (có thể dẫn đến các đốm nâu và / hoặc vết rỗ của men)

Các nghiên cứu chứng minh rằng: lượng KĐR nuốt vào có liên quan trực tiếp đến độ tuổi của trẻ. Các hiệp hội nha khoa khuyến cáo: trẻ em nên bôi kem đánh răng (cỡ hạt gạo) từ khi chiếc răng đầu tiên nhú lên cho đến khi 3 tuổi. Sau đó, từ 3 tuổi đến 6 tuổi, trẻ em nên sử dụng một lượng kem bằng hạt đậu. Ngoài lượng KĐR thích hợp được sử dụng, ADA khuyến nghị người chăm sóc giám sát trẻ em trong quá trình đánh răng; để đảm bảo rằng trẻ em khạc nhổ chứ không nuốt phải KĐR. 

Kem đánh răng là sản phẩm phát triển của đời sống và ngành nha khoa. Nó đã hỗ trợ rất nhiều trong công cuộc chăm sóc sức khoẻ răng miệng. Tuy nhiên, tình trạng các loại kem đánh răng tràn lan và không rõ xuất xứ ngày càng nhiều. Chúng ta nên cẩn trọng khi lựa chọn và sử dụng, để tránh những hậu quả ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng và toàn thân.

Bác sĩ Trương Mỹ Linh

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

1/ “Toothpaste”, đăng nhập tại website https://www.mouthhealthy.org

2/ “Weighing Your Toothpaste Options”, đăng nhập tại website https://www.webmd.com

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người