Khám thai như thế nào để đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh?
Nội dung bài viết
Bạn đang lo lắng liệu thai kỳ của mình có vấn đề gì không? Việc khám thai định kỳ như thế nào là đủ? Liệu mình có cần tăng số lượng buổi khám lên hay không? Bài viết này sẽ cung cấp một cách cụ thể nhất cho bạn về các thời điểm khám thai quan trọng không thể bỏ qua trong suốt thai kỳ của mình để có một thai kỳ khỏe mạnh.
1. Lịch khám thai định kỳ trong thai kỳ
Để có một thai kỳ khỏe mạnh, số lần khám thai cần thiết trong một thai kỳ bình thường trong khoảng 10-11 lần, vào các thời điểm cụ thể như sau:
- Ba tháng đầu (tính từ ngày đầu kinh cuối đến 13 tuần 6 ngày)
- Khám lần đầu: sau trễ kinh 2 – 3 tuần.
- Khám lần hai: lúc thai 11 – 13 tuần 6 ngày.
- Ba tháng giữa (tính từ tuần 14 đến 28 tuần 6 ngày): 1 tháng khám 1 lần.
- Ba tháng cuối (tính từ tuần 29 đến tuần 40)
- Tuần 29 – 32: khám 1 lần.
- Tuần 33 – 35: 2 tuần khám 1 lần.
- Tuần 36 – 40: 1 tuần khám 1 lần.
Nếu không có điều kiện khám thai định kỳ thì cần duy trì tối thiểu là 3 lần khám thai cho một thai kỳ tại các thời điểm thai được 12, 22, 32 tuần.
Và dĩ nhiên bạn cần lưu ý rằng, nếu thai kỳ của bạn có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào (đau bụng, ra dịch, huyết âm đạo, tăng huyết áp, đái tháo đường,…), việc tăng số lần khám thai lên là cần thiết dưới hướng dẫn của bác sĩ sản khoa.
Xem thêm: Tất tần tật những điều cần biết về tiểu đường trong thai kỳ
2. Khám thai trong ba tháng đầu thai kỳ
Mục đích:
- Xác định có thai – tình trạng thai.
- Xác định tuổi thai – tính ngày dự sinh.
- Đánh giá sức khỏe của mẹ: bệnh lý nội, ngoại khoa và thai nghén.
Nội dung cần thực hiện:
- Xác định chỉ số BMI, Đo huyết áp, Xét nghiệm nước tiểu, Siêu âm thai.
- Tiêm ngừa VAT.
- Xét nghiệm máu: nhằm kiểm tra nồng độ kháng thể sau khi tiêm vacxin (kháng thể bệnh sởi, bệnh thủy đậu, viêm gan B, giang mai, HIV/AIDS, …)
- Tầm soát các dị tật ở thai nhi: các bệnh di truyền đột biến gen, bệnh thiếu máu di truyền Thalassemia,… thông qua xét nghiệm Double test, Siêu âm đo độ mờ da gáy,…
Nếu kết quả cho thấy thai nhi có nguy cơ mắc các bệnh di truyền, bác sĩ sẽ chỉ định bạn làm xét nghiệm xâm lấn để chấn đoán. Các xét nghiệm này có thể bao gồm: chọc dò ối, chọc dò máu cuống rốn, sinh thiết gai nhau.
Xem thêm: Dấu hiệu tụt huyết áp khi mang thai và cách xử trí
Ngoài ra, thai phụ còn được tư vấn:
- Các vấn đề dinh dưỡng, chế độ ăn uống và vệ sinh thực phẩm, bổ sung sắt và acid folic.
- Từ bỏ các thói quen xấu hoặc môi trường sống làm việc ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi: hút thuốc, làm việc trong môi trường độc hại, uống rượu bia,…
- Tư vấn về sàng lọc trước sinh
- Lịch khám thai
Giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ cũng có thể có nhiều lo lắng, đặc biệt nếu đây là lần đầu tiên bạn mang thai. Hãy chủ động và thoải mái trao đổi với bác sĩ về những điều bạn còn thắc mắc. Đây cũng là khoảng thời gian triệu chứng nghén xuất hiện nặng nhất. Hãy nhờ bác sĩ tư vấn thêm cho mình về những cách đảm bảo dinh dưỡng và sức khỏe cho mẹ và bé, bạn nhé.
Xem thêm: Stress khi mang thai
3. Khám thai trong ba tháng giữa thai kỳ
Mục đích:
- Theo dõi sự phát triển của thai: trọng lượng mẹ, bề cao tử cung, nghe tim thai.
- Phát hiện những bất thường của thai kỳ: đa ối, đa thai, nhau tiền đạo, tiền sản giật…
- Khám tiền sản cho những thai phụ có nguy cơ cao hoặc siêu âm phát hiện bất thường.
- Hướng dẫn về dinh dưỡng, vệ sinh, sinh hoạt, tái khám và tiêm ngừa uốn ván rốn.
Nội dung cần thực hiện:
- Nghiệm pháp dung nạp đường tầm soát đái tháo đường thai kỳ.
- Triple test: đối với trường hợp chưa thực hiện sàng lọc trong 3 tháng đầu thai kỳ.
- Tổng phân tích nước tiểu (mỗi lần khám).
- Siêu âm: Siêu âm hình thái học (hoặc 3D, 4D) tối thiểu 1 lần khảo sát hình thái thai nhi, tuổi thai, sự phát triển thai, nhau, ối.
- Tiêm ngừa uốn ván cuống rốn.
4. Khám thai trong ba tháng cuối thai kỳ
Mục đích:
- Kiểm tra ngôi thai, sự phát triển của thai, và tiêm phòng cuống rốn.
- Kiểm tra tử cung và tư vấn các dấu hiệu sắp sinh.
- Tiên lượng sinh thường hay sinh khó.
Nội dung cần thực hiện:
- Tổng phân tích nước tiểu (mỗi lần khám).
- Siêu âm tối thiểu 1 lần để xác định ngôi thai, lượng ối, vị trí nhau, đánh giá sự phát triển thai nhi.
- Siêu âm màu khi nghi ngờ thai chậm phát triển.
- Non stress test: thực hiện khi có chỉ định.
Ngoài ra, thai phụ còn được tư vấn:
- Đếm cử động thai
- Các triệu chứng bất thường: ra huyết âm đạo, ra nước ối, đau bụng từng cơn, phù, nhức đầu, chóng mặt.
- Chuẩn bị đồ đạc cho mẹ và trẻ sơ sinh khi đi
Hãy ghi nhớ, khám thai định kỳ và đầy đủ là cách hiệu quả nhất để có một thai kỳ khỏe mạnh và chuẩn bị tốt nhất cho con của bạn. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, tìm đến bác sĩ sản khoa của bạn để thăm khám ngay nhé!
Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Bệnh viện Từ Dũ, Phác đồ Điều trị Sản phụ khoa 2012.