Khâu eo tử cung: Phương pháp, chỉ định, chăm sóc sau khâu
Nội dung bài viết
Khâu eo tử cung là một thủ thuật trong đó dùng chỉ khâu y khoa để khâu chặt eo tử cung. Thủ thuật này được áp dụng ở phụ nữ mang thai được chẩn đoán hở eo tử cung. Đây là một trong các nguyên nhân gây sẩy thai liên tiếp ở ba tháng giữa thai kỳ. Khâu eo tử cung giúp củng cố độ chắc bền cổ tử cung, phòng ngừa cổ tử cung không mở dãn quá sớm. Với những người mẹ đã từng sẩy thai nghi ngờ do hở eo tử cung, thủ thuật giúp thai kỳ hiện tại giữ được lâu. Tạo điều kiện em bé được nuôi trong bụng mẹ hoàn thiện đến 37 tuần hoặc hơn. Cùng Bác sĩ Trần Thế Minh tìm hiểu qua bài viết sau
Những ai nên được khâu eo tử cung?
Khâu eo tử cung được áp dụng ở những người mẹ được chẩn đoán có hở eo tử cung. Việc chẩn đoán có thể chia làm 3 tình huống:
- Phụ nữ đã từng sẩy thai hoặc sinh non ở ba tháng giữa thai kỳ mà không có hoặc chỉ có ít dấu hiệu báo trước (chảy máu, đau bụng, thay đổi dịch âm đạo, …). Và tình trạng này xảy ra trong 2 thai kỳ liên tiếp. Thông thường các ca sẩy thai xảy ra trước 24 tuần thai.
- Phụ nữ có tiền sử sẩy thai ở 3 tháng giữa sẽ được tầm soát đo chiều cao tử cung ở thai kỳ sau, qua thiết bị siêu âm. Kết quả siêu âm cho thấy chiều dài cổ tử cung ≤ 25 mm trước 24 tuần thai.
- Bác sĩ thấy có tình trạng hở eo tử cung (cổ tử cung dãn, mở rộng ra; hình thành đầu túi ối,…) khi khám thai ở ba tháng giữa.
Xem thêm: Siêu âm thai: Mẹ cần biết gì?
Khâu eo tử cung không được chỉ định cho trường hợp nào?
Mặc dù người mẹ được chẩn đoán hở eo tử cung. Tuy nhiên, thủ thuật khâu eo sẽ không được áp dụng trong các trường hợp:
- Có cơn co thắt tử cung/ Cơn gò tử cung.
- Chảy máu từ tử cung.
- Có nhiễm trùng ối, viêm màng ối.
- Ối đã vỡ.
- Cổ tử cung đã mở trên 4 cm.
- Viêm đường sinh dục: âm đạo, cổ tử cung,…
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu báo cáo rằng khâu eo tử cung không hữu ích cho việc kéo dài thai kỳ trong trường hợp:
- Phụ nữ đã nhiều lần mang thai và không có tiền sử hở eo tử cung trong những lần mang thai trước.
- Phụ nữ có chiều dài cổ tử cung ngắn trên siêu âm trong thai kỳ hiện tại nhưng chưa từng sinh non trước đây. Thay vì khâu eo tử cung, người mẹ sẽ được bác sĩ cân nhắc điều trị bằng progesterone âm đạo.
Thủ thuật có thể tiến hành thời điểm nào?
Thủ thuật khâu eo được thực hiện trong khoảng tử 12 tuần đến trước 24 tuần.
Xem thêm: Hở eo tử cung: Dấu hiệu, nguyên nhân, khi nào cần khâu eo?
Tại sao thủ thuật không được thực hiện sớm trước 12 tuần?
Do hầu hết các trường hợp sẩy thai do dị tật xảy ra trong ba tháng đầu và đầu 3 tháng giữa thai kỳ. Vì vậy, người mẹ cần phải đảm bảo rằng đã làm xét nghiệm tầm soát, siêu âm đánh giá dị tật thai nhi ở ba tháng đầu trước khi thực hiện thủ thuật khâu eo.
Thủ thuật được thực hiện ở ba tháng cuối thai kỳ được không?
Thường khâu eo tử cung sẽ không được thực hiện ở ba tháng cuối thai kỳ (sau 24 tuần). Vì lúc này, nếu trẻ có sinh non sớm, vẫn có đủ khả năng nuôi sống được khi được chăm sóc tại các cơ sở Sản phụ khoa tuyến đầu. Nếu khâu eo, sẽ dẫn đến nhiều biến cố rủi ro hơn, nên việc khâu eo trở nên không cần thiết.
Xem thêm: Vị trí tử cung khi mang thai có gì đặc biệt hay không?
Các rủi ro khi khâu eo tử cung?
Biến chứng khâu eo tử cung thường rất ít gặp. Các báo cáo ghi nhận rủi ro khâu eo chỉ ảnh hưởng đến 6% trong các trường hợp. Tuy nhiên, tần suất rủi ro sẽ cao hơn khi tuổi thai lớn và đã có dấu hiệu giãn mở cổ tử cung trước khi khâu.
Các rủi ro có thể xảy ra bao gồm:
- Vỡ màng ối: tần số vỡ màng ối sớm sau khi khâu eo là khoảng 2%.
- Nhiễm trùng ối/màng ối.
- Rách cổ tử cung.
- Chỉ may sai chỗ.
Ngoài ra, đẻ khó do cổ tử cung và chấn thương cổ tử cung trong chuyển dạ được báo cáo xảy ra dưới 5% các trường hợp khâu eo tử cung.
Các phương pháp khâu eo tử cung?
Khâu eo tử cung có thể được thực hành qua ngã âm đạo, bao gồm 2 phương pháp: Mc Donald và Shirodkar.
Ngoài ra, còn có thể khâu eo tử cung qua ngã bụng. Tuy nhiên phương pháp xâm lấn nhiều hơn, vì phải rạch bụng. Phương pháp này được dùng khi nhiều lần trước đã may eo tử cung làm cổ tử cung có sẹo.
Khâu cổ tử cung qua ngã âm đạo
Trong quá trình khâu eo qua ngã âm đạo, bác sĩ sẽ đưa một dụng cụ ( còn gọi là mỏ vịt, hoặc dùng 2 cây cáng) vào âm đạo, giúp hỗ trở mở âm đạo rộng hơn. Điều này tạo điều kiện thấy rõ cổ tử cung. Sau đó, sử dụng một cây kẹp để gắp chặt cổ tử cung kéo ra ngoài để thực hiện khâu eo.
Sau đó, bác sĩ có thể áp dụng thủ thuật Mc Donald hoặc Shirodkar để khâu. Các nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt đáng kể về kết quả giữa hai phương pháp. Tuy nhiên, thủ thuật Mc Donald là phương pháp thường dùng nhất và được áp dụng phổ biến.
Thủ thuật Mc Donald
Trong quá trình phẫu thuật McDonald, bác sĩ sẽ sử dụng một loại chỉ không tan để khâu. Sử dụng kim để luồn các mũi khâu xung quanh cổ tử cung. Tiếp theo, sợi chỉ sẽ được siết lại để đóng cổ tử cung.
Thủ thuật Shirodkar
Khác với thủ thuật Mc Donald. Với thủ thuật Shirodkar sẽ cần rạch một đường nhỏ ở gần lỗ mở cổ tử cung, nơi tiếp giáp nhu mô âm đạo. Sau đó, dùng kim luồn ngay ở vết rạch để khâu quanh cổ tử cung. Bước cuối cùng, sử dụng mũi kim khác để khâu lại vết rạch.
Khâu eo tử cung qua ngã bụng
Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ cần phải rạch mở bụng. Sau đó, nâng tử cung lên để có thể tiếp cận cổ tử cung tốt hơn. Tiếp theo, chỉ khâu sẽ được luồn ở mức ngang cổ trong cổ tử cung và buộc cổ tử cung đóng lại. Sau đó, sẽ đặt tử cung của bạn trở lại vị trí và đóng vết mổ. Ngoài ra, phương pháp này cũng có thể được thực hiện bằng phẫu thuật nội soi.
Xem thêm: Khâu cổ tử cung khi mang thai là như thế nào?
Sau khi khâu eo
Bác sĩ sẽ siêu âm để kiểm tra sức khỏe của em bé. Ngoài ra, người mẹ có thể có cảm giác co rút khó chịu và tiểu đau trong vài ngày. Thông thường, bác sĩ sẽ kê thuốc giảm đau loại sử dụng được khi mang thai cho mẹ.
Người mẹ nên được cắt chỉ khâu khi nào?
Khâu hở eo cổ tử cung qua ngã âm đạo thường cắt chỉ vào khoảng tuần thứ 37 của thai kỳ. Trong trường hợp bạn có dấu hiệu chuyển dạ sinh non, sẽ cần cắt chỉ sớm hơn để tránh rách đứt cổ tử cung do chỉ khâu.
Trong trường hợp khâu eo tử cung qua ngã bụng, sẽ cần sinh mổ chủ động vào khoảng 37 đến 39 tuần thai kỳ. Sau khi đưa em bé ra ngoài, bác sĩ sẽ đồng thời cắt chỉ khâu ngay sau đó.
Chăm sóc sau khâu eo tử cung gồm những gì?
Người mẹ sau khi khâu eo sẽ cần được:
- Theo dõi cơn co thắt tử cung, tình trạng đau bụng, ra máu hoặc nước âm đạo
- Nghỉ ngơi tại giường 12 – 24 giờ.
- Nếu không có bất thường gì sau theo dõi 24 giờ, người mẹ sẽ được xuất viện tiếp tục dưỡng thai.
Ngoài ra, bác sĩ có thể khuyên bạn:
- Có chế độ ăn uống hợp lý.
- Tránh giao hợp, đứng lâu, mang vật nặng.
- Siêu âm đo chiều dài cổ tử cung định kỳ.
- Dùng thuốc dưỡng thai do bác sĩ kê đơn và kháng sinh dự phòng (nếu cần).
- Cần khám ngay khi có các dấu hiệu như: đau bụng, ra máu/ nước âm đạo,…
Sau khi khâu eo tử cung, hãy đến cơ sở sản phụ khoa ngay lập tức nếu bạn bị rò rỉ dịch ối (màu trắng trong hoặc đục, có mùi tanh) từ âm đạo, chảy máu âm đạo, có cơn co thắt/ cơn gò tử cung, sốt. Bác sĩ Sản khoa sẽ khuyên bạn nên cắt chỉ khâu sớm nếu bạn bị vỡ ối non hoặc nếu bạn có các triệu chứng gợi ý nhiễm trùng đường sinh dục.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Transvaginal cervical cerclagehttps://www.uptodate.com/contents/transvaginal-cervical-cerclage
Ngày tham khảo: 13/04/2020
-
Cervical cerclagehttps://www.mayoclinic.org/tests-procedures/cervical-cerclage/about/pac-20393435
Ngày tham khảo: 13/04/2020
- PGS.TS.BS Vũ Thị Nhung, TS.BS Vũ Thị Kim Chi (2016). "Dọa sẩy thai - Sẩy thai". Sách Sản phụ khoa tập 2. Nhà xuất bản Y học thành phố Hồ Chí Minh, tr. 81.