Khóc dạ đề ở trẻ: Nỗi lo của những bậc phụ huynh
Nội dung bài viết
Khóc dạ đề là hiện tượng quấy khóc nhiều giờ ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, thường xuất hiện vào các buổi chiều, tối hoặc ban đêm, trong giai đoạn từ 2 – 3 tuần tuổi đến 3 tháng tuổi. Theo đó, đồng thời với việc khóc “dữ dội”, biểu hiện ở trẻ là toàn thân trở nên đỏ ửng, lưng cong lại, tay nắm chặt hai chân co về phía bụng và bụng căng cứng. Hãy cùng YouMed tìm hiểu về khóc dạ đề ở trẻ nhé!
1. Nguyên nhân gây khóc dạ đề ở trẻ
1.1 Trẻ bị đau, bệnh
Các nguyên nhân gây đau ở trẻ bao gồm đau tai, loét miệng hoặc da bị dị ứng. Thông thường việc mẹ ôm ấp trẻ, tiếp xúc của làn da giữa mẹ và bé, các mẹ sẽ dễ dàng kiểm tra xem bé khóc có phải do bệnh (nóng sốt, nôn ói, tiêu chảy …) hay không. Trong trường hợp nghi ngờ do bệnh lý, bố mẹ cần đưa bé đến bác sĩ ngay. Sốt và các biểu hiện bất thường vừa nêu trên ở nhóm tuổi sơ sinh nếu không phát hiện kịp thời, sẽ dẫn đến hậu quả xấu.
1.2 Quần áo hoặc tã mặc của bé có vấn đề
Đôi khi tã ướt, dơ hoặ chật cũng làm nhiều trẻ sẽ quấy khóc. Do đó cần thay ngay. Sau khi thay tã dơ sẽ sẽ quay lại giấc ngủ nhanh chóng.
1.3 Bé khóc do các giấc ngủ không trọn
Muốn được ngủ cũng là lý do để bé khóc. Vì vậy các bé cần được đặt ở một vị trí êm ái. Đặc biệt, chỗ ngủ cần thông thoáng giúp bé dễ dàng đến với giấc nồng.
Xem thêm: Điểm danh các bệnh mùa hè thường gặp ở trẻ và cách phòng tránh.
1.4 Trẻ bị đói
Thông thường là trong giai đoạn tăng trưởng, trẻ sơ sinh bú liên tục và thời gian của các cử “ăn” cũng rất gần. Đến khoảng 3 tháng tuổi, khoảng cách các cử bú sẽ từ 2 – 4 giờ. Trẻ quấy khóc nhiều trong đêm có thể do bé bú chưa đủ no.
1.5 Bé “ăn” sữa quá no
Vấn đề này có thể khiến bụng bé bị đầy hơi. Đây cũng có thể là nguyên nhân gây khó chịu kéo dài khiến bé phải thể hiện qua tiếng khóc.
1.6 Khóc cơn (colic)
Đây là một vấn đề gây nên nhiều sự lo ngại đối với các bậc phụ huynh. Theo thống kê, người ta nghi ngờ 40% trẻ nhỏ bị khóc cơn. Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể định nghĩa được đau bụng cơn ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Một đồng thuận chung được tạm thống nhất, đó là đau bụng cơn thường kéo dài hơn 3 giờ, nhiều hơn 3 ngày 1 tuần ở những trẻ bé hơn 3 tháng tuổi và tất nhiên, không do một nguyên nhân bệnh lý nào cả. Nguyên nhân gây ra đau bụng cơn ở trẻ nhỏ vẫn chưa rõ ràng.
Xem thêm: Đau bụng ở trẻ em và cách giảm đau hiệu quả.
1.7 Trẻ bị mệt
Có thể do người thân có những động tác lắc mạnh khi vui đùa với bé. Hoặc đôi khi trẻ cũng sẽ khó chịu bị tác động bởi sự thay đổi đột ngột môi trường chung quanh.
1.8 Sự cô đơn
Thông thường trẻ lớn sẽ cảm nhận được chuyện này. Ở một mình trong bóng tối đôi khi sẽ là nỗi sợ lớn cho bé. Vấn đề này ít gặp ở Âu Mỹ do lối sống, giáo dục khác biệt ở nước họ. Tuy nhiên lại dễ dàng gặp ở nước ta, do các trẻ không được tập luyện lối sống tự lập từ sớm. Tập cho bé xa cha mẹ một vài ngày từ 6 tháng tuổi trở đi là một biện pháp thường dùng.
1.9 Dị ứng với thực phẩm trong chế độ ăn của mẹ
Các loại thực phẩm như sữa, trứng, các loại hạt và lúa mì trong chế độ ăn của mẹ có ảnh hưởng trực tiếp đến thành phần của sữa mẹ. Những thực phẩm này đôi khi có thể gây ra phản ứng đối với hệ tiêu hóa chưa hoàn chỉnh ở trẻ gây đau bụng, táo bón, tiêu chảy… Ngoài ra trẻ sơ sinh cũng có thể bị dị ứng với protein trong các công thức sữa bò hoặc các sản phẩm từ sữa được tiêu thụ bởi người mẹ (nếu trẻ đang bú mẹ) khiến trẻ thở “khò khè”, tiêu chảy hoặc nôn mửa. Nếu bé uống sữa bột, hãy thử thay thế bằng công thức không gây dị ứng. Các triệu chứng dị ứng protein sữa bò ở trẻ bao gồm quấy khóc và máu trong phân khi tiểu tiện.
Tham khảo thêm bài viết: Dinh dưỡng cho trẻ 6 tháng đến 2 tuổi.
2. Phương pháp điều trị chung
Các triệu chứng khóc kéo dài ở trẻ sơ sinh đều ít nhiều gây lo lắng, bối rối cho các bà mẹ, ông bố, đặc biệt khi trẻ khóc vào các buổi chiều, tối hoặc về đêm. Tuy nhiên, theo lời khuyên của các chuyên gia y khoa, ngoài nguyên nhân bệnh lý, trong các trường hợp trẻ:
- Bú tốt.
- Không giảm cân.
- Trưởng thành một cách bình thường.
- Ôm bé vào lòng hay đặt bé nằm cạnh mẹ để bé được cảm nhận nhịp tim và hơi ấm từ mẹ truyền sang.
- Mẹ nhẹ nhàng ru bé với những bài hát ru hoặc cho bé nghe các bản nhạc dịu êm.
- Đặt bé nằm trong một không gian êm ái, yên tĩnh. Trong một trường hợp ngoại lệ, có thể cho bé làm quen với những tiếng ồn có âm lượng nhẹ.
- Xoa bóp nhẹ nhàng toàn thân và vùng bụng của bé bằng loại dầu thảo mộc.
- Tránh tâm trạng căng thẳng ở mẹ khi cho bé bú vì nghĩ rằng nguyên nhân khóc ở bé do đói. Đồng thời cũng không ép bé ăn quá no nếu bé “phản đối”. Việc ép buộc ăn sẽ khiến bé khóc vì đầy hơi hoặc đau bụng.
- Không nên cho bé uống bất kỳ loại thuốc nào, nếu không có sự tư vấn của các chuyên gia nhi khoa.
3. Bạn cần làm gì khi trẻ khóc?
Nếu bạn đã cố gắng trấn tĩnh em bé đang khóc nhưng dường như nó không hiệu quả, bạn có thể cần dành một chút thời gian cho chính mình. Trẻ khóc đêm có thể rất khó xử lý, đặc biệt nếu bạn đang mệt mỏi về thể chất và tinh thần.
- Hít một hơi thật sâu và đếm đến 10.
- Đặt em bé của bạn ở một nơi an toàn, chẳng hạn như cũi hoặc cũi không có chăn và thú nhồi bông. Sau đó bạn rời khỏi phòng và để bé khóc một mình trong khoảng 10 – 15 phút.
- Để em bé của bạn ở một nơi an toàn. Sau đó thực hiện một số động tác thể dục nhẹ nhàng có thể giúp bạn bình tĩnh lại.
- Nghe nhạc trong vài phút.
- Gọi cho một người bạn hoặc thành viên gia đình để nhận được lời động viên tích cực.
- Làm các công việc gia đình đơn giản, chẳng hạn như quét nhà hoặc rửa chén bát.
Nếu bạn không thể cảm thấy bình tĩnh sau 10 đến 15 phút
Hãy đi kiểm tra em bé. Tuy vậy, khi sự lo âu là vượt quá sự chịu đựng của bản thân, đừng ngần ngại đưa bé đến gặp bác sĩ.
- Gọi cho bác sĩ. Đặc biệt là khi nào bạn cảm thấy lo lắng nhiều, cần một lời khuyên từ chuyên gia. Hoặc khi bạn thấy bé nóng sốt, bỏ bú, lừ đừ, ho,… bạn cũng nên đưa bé đến gặp bác sĩ. Những dấu hiệu bệnh lý ở trẻ đôi khi diễn ra rất nhanh chóng và nguy hiểm.
- Cố gắng kiên nhẫn. Giữ an toàn cho bé là điều quan trọng nhất bạn có thể làm. Việc cảm thấy buồn bực, thất vọng hoặc thậm chí tức giận là điều bình thường, nhưng điều quan trọng là phải kiểm soát hành vi của bạn. Hãy nhớ rằng, không bao giờ được lắc, ném, đánh, tát hoặc giật bất kỳ đứa trẻ nào. Các hành vi này là sai lầm và nó không bao giờ giải quyết được vấn đề!
4. Một vài lưu ý về khóc cơn ở trẻ nhỏ
Như đã nói, đây là một tình trạng thường được xem là lành tính. Có nhiều nguyên nhân được nghi ngờ gây ra khóc cơn (colic). Nhưng thực tế, chưa có bằng chứng đủ mạnh mẽ để chỉ ra đâu là nguyên nhân thực sự. Nếu bác sĩ nói rằng con bạn đang bị khóc cơn thì chú ý các phương pháp sau đây:
Một số phương pháp được đề ra để hạn chế khóc cơn diễn ra, bao gồm:
Cho trẻ bú đúng tư thế
Bú ở tư thế ngồi hoặc đứng sẽ hạn chế được không khí đi vào đường ruột của trẻ. Đây được coi là một trong các nguyên nhân gây khóc cơn. Xem thêm: Cho trẻ bú mẹ đúng cách và hiệu quả: Bé có thể bú mẹ đến khi nào?
Thử đổi sang một loại sữa công thức khác
Điều này chỉ được khuyến cáo ở những trẻ đang bú bình. Người ta nghi ngại do đường ruột của trẻ không thích ứng được với loại sữa hiện tại. Ngoài ra, khi đổi sữa công thức, thì thời gian thử nghiệm là 1 tuần, nếu không thấy có hiệu quả thì có thể sử dụng lại loại sữa ban đầu.
Mẹ cũng nên đổi chế độ ăn
Sữa mẹ cũng sẽ chứa các dưỡng chất liên quan đến thức ăn mà người mẹ sử dụng. Những loại thực phẩm nhiều nguy cơ chứa chất dị ứng, nên hạn chế ăn là:
- Sữa.
- Trứng.
- Đậu và các loại hạt.
Thời gian thử nghiệm cho biện pháp này cũng là 1 tuần. Nếu không thấy hiệu quả, các mẹ có thể quay lại chế độ ăn ban đầu.
Ôm ấp bé
Là một hoạt động thông thường. Nếu không do vấn đề bệnh lý hoặc kích thích thì việc mẹ ôm bé thường mang lại hiệu quả giảm khóc rất khả quan.
Sử dụng men vi sinh
Các loại men vi sinh thường có tác dụng có lợi cho người sử dụng. Bản chất men vi sinh cũng là vi khuẩn. Nhưng người ta đặt cho nó cái tên “vi khuẩn tốt” hay “lợi khuẩn”, và điều này chỉ đúng khi sử dụng đúng phương pháp và đúng đối tượng. Men vi sinh thường có trong sữa, hoặc sữa chua. Để mang lại hiệu quả lớn nhất cho trẻ, hãy đến gặp bác sĩ để xem có cần thiết bổ sung men vi sinh cho trẻ không nhé.
Mát xa cho trẻ
Đây là một biện pháp được thực hiện theo kinh nghiệm dân gian. Không có một bằng chứng nào chứng minh phương pháp này có lợi. Tuy nhiên việc mát xa không gây hại, cũng như thực hiện đúng cách sẽ làm trẻ cảm thấy thoải mái, dễ chịu.
Tóm lại, “khóc dạ đề” ở trẻ sơ sinh không cần chữa trị đặc hiệu. Nên kiểm tra tất cả những kích thích xung quanh trẻ như tả lót, thời tiết, thực phẩm của trẻ và mẹ đầu tiên và loại trừ các nguyên nhân này. Khi các bà mẹ nhận thấy các dấu hiệu bất thường về sức khỏe của bé như: khóc theo sốt, nôn ói, tiêu chảy, tiêu ra máu, sình bụng, trẻ có biểu hiện mệt lả, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế.
Bác sĩ Phan Thị Hoàng Yến
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.