Đau mắt đỏ ở trẻ em: Dấu hiệu, nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa
Nội dung bài viết
Đau mắt đỏ (viêm kết mạc) có thể gây cho bé nhiều triệu chứng khó chịu. Vậy, đau mắt đỏ ở trẻ em là gì? Nguyên nhân, triệu chứng cụ thể của bệnh là gì? Cách điều trị đau mắt đỏ ở trẻ em như thế nào? Phòng ngừa bệnh ra sao? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây của Bác sĩ Phan Văn Giáo nhé!
Đau mắt đỏ ở trẻ em là gì?
Đau mắt đỏ là tên thường gọi của chứng viêm kết mạc – một bệnh viêm nhiễm cấp tính tại mắt. Cụ thể hơn, đau mắt đỏ là tình trạng viêm phần kết mạc ở mắt – lớp mô mỏng, trong suốt, bao phủ tròng trắng của mắt và phía trong mí mắt.
Bệnh có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi. Ở trẻ em – đối tượng có hệ miễn dịch còn yếu, bệnh có thể làm trẻ khó chịu và việc điều trị, chăm sóc hợp lý đóng vai trò quan trọng để giúp bé dễ chịu và mau khỏi bệnh.
Dấu hiệu của bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em
Các dấu hiệu bệnh ở trẻ em bao gồm:1
- Vùng kết mạc mắt (tròng trắng của mắt) bị hồng hoặc đỏ.
- Sưng kết mạc và/hoặc mí mắt.
- Tăng tiết nước mắt.
- Cảm giác như có dị vật ở trong mắt hoặc muốn dụi mắt.
- Ngứa, kích ứng và/hoặc nóng rát.
- Đi kèm với mủ hoặc chất nhầy.
- Mí mắt dính với nhau, đặc biệt là vào buổi sáng.
- Giảm thị lực.
Nguyên nhân gây viêm kết mạc mắt ở trẻ em
Các nguyên nhân gây viêm kết mạc ở trẻ em rất đa dạng. Có thể kể đến là do tiếp xúc hóa chất, do đeo kính áp tròng, tiếp xúc với không khí ô nhiễm, nấm hoặc amip, kí sinh trùng,… Trong đó, 3 nguyên nhân phổ biến nhất ở trẻ nhỏ chính là virus, vi khuẩn và dị ứng.
1. Viêm kết mạc do virus2
Đau mắt đỏ thường gặp ở trẻ em xuất phát từ virus mà trong đó adenovirus được biết đến nhiều nhất. Bệnh rất dễ lây lan giữa các trẻ nhỏ khi tiếp xúc hoặc vui chơi cùng nhau.
Hầu hết các loại virus gây viêm kết mạc lây lan qua tiếp xúc tay – mắt hoặc đồ vật bị nhiễm virus truyền nhiễm. Tiếp xúc với nước mắt, dịch tiết mắt, phân hoặc dịch tiết đường hô hấp có thể làm nhiễm bẩn tay. Viêm kết mạc do virus cũng có thể lây lan qua các giọt lớn đường hô hấp. Bệnh do nguyên nhân này rất dễ hình thành dịch.
2. Viêm kết mạc do vi khuẩn2
Những vi khuẩn gây viêm kết mạc ở trẻ em bao gồm: Staphylococcus aureus, Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae, Moraxella catarrhalis hoặc ít phổ biến hơn là Chlamydia trachomatis và Neisseria gonorrhoeae.
Bệnh do nguyên nhân vi khuẩn có thể không kèm sốt. Bệnh có thể lây dễ dàng giữa những trẻ nhỏ. Chúng bao gồm từ tiếp xúc bằng tay với mắt, qua tiếp xúc bằng mắt với các đồ vật bị ô nhiễm,… Vi khuẩn cũng có thể lây lan qua các giọt lớn đường hô hấp. Đau mắt đỏ kiểu hình này thường xuất hiện từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau.
3. Viêm kết mạc dị ứng2
Kiểu hình này là kết quả của phản ứng cơ thể với các chất gây dị ứng, chẳng hạn như phấn hoa từ cây cối, thực vật, cỏ và cỏ dại, mạt bụi, mốc, vảy da từ vật nuôi, các loại thuốc, mỹ phẩm.
Đặc biệt, viêm kết mạc dị ứng không lây lan. Bệnh thường xảy ra ở những cơ địa dị ứng như hen suyễn hoặc chàm,…
Khi nào cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ?
Điều quan trọng là trẻ nhỏ cần phải đi khám bệnh viêm kết mạc càng sớm càng tốt. Điều quan trọng trong viêm kết mạc là phát hiện những biến chứng của bệnh. Những biến chứng này thường biểu hiện:3
- Đau trong mắt.
- Nhạy cảm với ánh sáng hoặc nhìn mờ không cải thiện khi dịch tiết chảy ra từ mắt.
- Đỏ dữ dội trong mắt.
- Các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn hoặc không cải thiện, bao gồm đau mắt đỏ được cho là do vi khuẩn gây ra và không cải thiện sau 24 giờ sử dụng kháng sinh.
- Cơ địa miễn dịch suy yếu, ví dụ do nhiễm HIV, điều trị ung thư hoặc các điều kiện hoặc phương pháp điều trị y tế khác.
Cách điều trị đau mắt đỏ ở trẻ em
Việc điều trị đau mắt đỏ như thế nào phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Dưới đây là cách điều trị đau mắt đỏ bởi 3 nguyên nhân thường gặp nhất: virus, vi khuẩn và dị ứng.
1. Viêm kết mạc do virus
Hầu hết các trường hợp viêm kết mạc do virus đều nhẹ. Nhiễm trùng thường sẽ hết sau 7 đến 14 ngày mà không cần điều trị và không có bất kỳ hậu quả lâu dài nào. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, viêm kết mạc do virus có thể mất từ 2 đến 3 tuần hoặc hơn để khỏi.3
Thuốc kháng virus có thể được sử dụng để điều trị các dạng viêm kết mạc nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như viêm kết mạc do virus herpes simplex hoặc virus varicella-zoster gây ra.3
2. Viêm kết mạc do vi khuẩn
Viêm kết mạc do vi khuẩn nhẹ có thể tự khỏi. Nó thường cải thiện trong 2 đến 5 ngày mà không cần điều trị nhưng có thể mất 2 tuần để biến mất hoàn toàn. Bác sĩ có thể kê cho bé thuốc kháng sinh, thường được dùng tại chỗ dưới dạng thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ, để điều trị viêm kết mạc do vi khuẩn.3
Trẻ em có thể khó dung nạp thuốc nhỏ mắt nhiều lần trong ngày. Nếu gặp khó khăn trong việc nhỏ thuốc cho bé, phụ huynh có thể yêu cầu trẻ nhắm mắt lại, rồi nhỏ thuốc và góc trong của mắt. Khi trẻ mở mắt ra, thuốc sẽ tự chảy vào đó.4
Nếu vẫn gặp khó khăn với cách này, bố mẹ có thể hỏi bác sĩ về việc sử dụng thuốc mỡ kháng sinh thay thế cho thuốc nhỏ mắt. Loại thuốc này có thể bôi một lớp mỏng nơi mí mắt. Thuốc sẽ tự tan và chảy vào mắt.4
3. Viêm kết mạc do dị ứng
Viêm kết mạc do các dị nguyên gây dị ứng (chẳng hạn như phấn hoa hoặc lông động vật) thường được điều trị bằng cách loại bỏ chất gây dị ứng ra khỏi môi trường sống của bệnh nhân.3
Thuốc dị ứng và một số loại thuốc nhỏ mắt (thuốc kháng histamine và thuốc co mạch tại chỗ), bao gồm một số loại thuốc nhỏ mắt theo toa, cũng có thể giúp giảm viêm kết mạc dị ứng. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị kết hợp nhiều loại thuốc để cải thiện triệu chứng.3
Khi bé khó chịu nhiều hoặc có triệu chứng sốt, acetaminophen hoặc ibuprofen có thể được sử dụng để giảm bớt triệu chứng. Tuy nhiên, cần hỏi bác sĩ cẩn thận về liều lượng khi dùng cho bé.
Cách chăm sóc bé bị đau mắt đỏ
Khi bé bị đau mắt đỏ, phụ huynh có thể thực hiện một số cách sau để giúp bé dễ chịu hơn:
- Chườm ấm hoặc chườm mát lên mắt bệnh của bé.
- Cẩn thận làm sạch khóe mắt bị bệnh bằng nước ấm và gạc hoặc bông gòn. Điều này giúp loại bỏ được lớp gỉ mắt khô.
- Không nên cho bé đeo kính áp tròng cho đến khi khỏi hẳn. Khi con đã khỏi bệnh, phụ huynh cần vệ sinh kính áp tròng ít nhất 2 lần trước khi cho bé đeo lại. Với loại kính dùng 1 lần, phụ huynh hãy vứt bỏ cặp kính hiện tại và sử dụng cái mới.
- Nếu bé bị viêm kết mạc do các nguyên nhân virus, vi khuẩn có thể lây truyền thì nên để bé tạm thời nghỉ học, nhằm tránh tình trạng bệnh lây truyền rộng hơn.
Cách phòng bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em
Để giúp trẻ phòng ngừa đau mắt đỏ, phụ huynh có thể thực hiện một số biện pháp dưới đây:
- Vì viêm kết mạc do virus, vi khuẩn có thể rất dễ lây lan, phụ huynh nên hướng dẫn trẻ rửa tay thường xuyên bằng nước ấm và xà phòng. Phụ huynh cũng cần đảm bảo rửa tay sạch sẽ trước khi chạm vào mắt của trẻ.
- Không để trẻ tiếp xúc gần với người mắc viêm kết mạc truyền nhiễm.
- Không để trẻ dùng chung thuốc nhỏ mắt, khăn lau, khăn giấy, vỏ chăn, vỏ gối,… với người khác.
- Vứt bỏ các gạc, bông gòn, khăn giấy sau khi đã sử dụng.
- Giặt riêng khăn tắm, khăn lau, drap giường, vỏ gối của trẻ trong nước ấm.
- Nếu trẻ là đối tượng dễ mắc viêm kết mạc do dị ứng, phụ huynh nên đóng cửa sổ, cửa ra vào khi có nhiều phấn hoa và bụi. Hút bụi thường xuyên để loại bỏ các tác nhân dị ứng.
- Một cách để phòng viêm kết mạc cho trẻ, nhất là trẻ sơ sinh là sàng lọc và điều trị các bệnh lây lan qua đường tình dục cho phụ nữ mang thai. Ống sinh của thai phụ có thể chứa vi khuẩn kể cả khi không có triệu chứng.
Hy vọng qua bài viết trên, bạn đọc đã có thêm nhiều thông tin hữu ích về chứng đau mắt đỏ ở trẻ em. Đau mắt đỏ có thể khiến trẻ khó chịu trong một khoảng thời gian. Xác định đúng nguyên nhân, điều trị phù hợp và chăm sóc cẩn thận sẽ giúp bé dễ chịu và nhanh khỏi bệnh.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Conjunctivitis (Pink Eye) - Symptomshttps://www.cdc.gov/conjunctivitis/about/symptoms.html
Ngày tham khảo: 22/05/2023
-
Conjunctivitis (Pink Eye) - Causeshttps://www.cdc.gov/conjunctivitis/about/causes.html
Ngày tham khảo: 22/05/2023
-
Conjunctivitis (Pink Eye) - Treatmenthttps://www.cdc.gov/conjunctivitis/about/treatment.html
Ngày tham khảo: 22/05/2023
-
Pinkeye (Conjunctivitis)https://kidshealth.org/en/parents/conjunctivitis.html
Ngày tham khảo: 22/05/2023