Xử trí vấn đề kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì
Nội dung bài viết
Kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì là một vấn đề rất phổ biến với nữ giới. Tuy vậy, hiện tượng thường gặp này lại gây khá nhiều băn khoăn lo lắng cho các bé gái, thậm chí là các bậc phụ huynh. Vậy bản chất của hiện tượng này là gì? Nguyên nhân do đâu, làm cách nào để khắc phục? Hãy tìm câu trả lời thông qua bài viết sau của Bác sĩ Lê Dương Linh nhé!
Thế nào là kinh nguyệt ra ít và thất thường ở tuổi dậy thì?
Đặc điểm chu kỳ kinh nguyệt ổn định
Để biết thế nào là kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì, chúng ta hãy tìm hiểu đặc điểm của chu kỳ kinh nguyệt ổn định.
Chu kỳ kinh nguyệt ổn định có các đặc trưng như sau:
- Độ tuổi bắt đầu có kinh: Với người Việt Nam hiện nay, độ tuổi trung bình bắt đầu có kinh là từ 10-18 tuổi. Có kinh trước độ tuổi này thường do các nguyên nhân gây rối loạn nội tiết. Hoặc sau 18 tuổi chưa có kinh có thể là vô kinh do các bệnh lý khác.
- Thời gian bắt đầu hành kinh và số ngày hành kinh: Đều đặn hàng tháng. Xê xích không quá 1-2 ngày.
- Số ngày hành kinh: Trong khoảng từ 3 đến 7 ngày.
- Tổng lượng máu trong mỗi chu kỳ kinh: Khoảng 30 – 80 ml.
- Các triệu chứng trước, trong và sau khi hành kinh hằng định: Đau bụng, đau đầu, mụn, mỏi lưng… Ít khi ảnh hưởng tiêu cực quá lớn đến sinh hoạt và làm việc. Không cần can thiệp y khoa chuyên sâu.
- Không ra máu âm đạo giữa các kỳ kinh.
Đặc điểm chu kỳ kinh nguyệt không đều
Kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì là khi các đặc điểm trên đây không được bảo đảm. Thông thường sẽ rơi vào các trường hợp sau đây:
- Chu kỳ kinh nguyệt không đều: Có thể mất 1-2 chu kỳ kinh sau đó có lại.
- Ngày bắt đầu hành kinh dao động nhiều.
- Số ngày hành kinh thay đổi: Có khi rất ít từ 1-2 ngày, có khi kéo dài trên một tuần.
- Đau bụng kinh (thống kinh) dữ dội, khiến các bé phải nghỉ học, mất tập trung, tinh thần sa sút.
Trong đó thường gặp nhất là kinh nguyệt ra ít, thường chỉ từ 1-3 ngày với lượng máu nhỏ. Các chu kỳ kinh không rải đều hàng tháng.
Tại sao kinh nguyệt ra ít?
Bước vào tuổi dậy thì, cơ thể các bé gái có rất nhiều thay đổi rõ rệt. Một trong số đó là xuất hiện kỳ kinh nguyệt đầu tiên. Đây được xem là dấu hiệu của một hệ sinh sản hoạt động tốt và khỏe mạnh.
Hãy tưởng tượng cơ thể chúng ta là một nhà máy lớn rất tinh vi. Trong đó, hệ sinh sản là một bộ máy quan trọng. Cũng giống như một bộ máy khi mới bắt đầu vận hành cần một khoảng thời gian “khởi động”, hệ sinh sản làm việc tương tự như thế. Cơ thể cần một khoảng thời gian nhất định để thích nghi với sự hoạt động của các nội tiết tố sinh dục. Khoảng thời gian này thường tồn tại khoảng 2-3 năm. Sau đó, kinh nguyệt sẽ dần ổn định.
Cụ thể hơn, kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì là do hai yếu tố sau:
- Hệ thống nội tiết tố sinh dục chưa hoạt động ổn định.
- Cơ thể bé gái đang trong giai đoạn phát triển. Cơ quan sinh dục đặc biệt là buồng trứng chưa hoàn thiện.
Tuy nhiên, hầu hết quá trình này sẽ vận hành suôn sẻ sau 2-3 năm. Và sự thất thường của kinh nguyệt trong tuổi dậy thì được xem là không đáng lo ngại.
Trong trường hợp sự thất thường tiếp tục kéo dài thì có nguy cơ đó là rối loạn kinh nguyệt thực sự. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn. Đặc biệt là nguy cơ ảnh hưởng đến khả năng làm mẹ sau này. Lúc này, cần có sự can thiệp của y khoa kịp lúc và đúng cách.
Cách khắc phục kinh nguyệt ra ít ở tuổi dậy thì
Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp
Kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì là hiện tượng tự nhiên trên hầu hết các bé gái. Đa phần hiện tượng này không cần can thiệp quá nhiều. Gia đình có thể hỗ trợ các bé để quá trình dậy thì được suôn sẻ và khỏe mạnh.
Cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cho bé trước và trong khi dậy thì. Đặc biệt là bổ sung nhóm chất béo tốt từ các loại cá và dầu thực vật… Ở một số trường hợp, trẻ đến tuổi dậy thì với tâm lý thất thường có thể biếng ăn. Dinh dưỡng mất cân bằng sẽ khiến cơ thể không phát triển đầy đủ. Từ đó mà ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của các nội tiết tố sinh dục.
Giải đáp thắc mắc về tâm lý
Phụ huynh nên giải thích cho các bé hiểu về tuổi dậy thì. Vì những thay đổi lớn và đột ngột lúc này có thể khiến các em sợ hãi và lo lắng bất an. Theo đó, tâm lý cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến kinh nguyệt.
Mẹ nên hướng dẫn bé cách vệ sinh bộ phận sinh dục trong khi hành kinh. Vệ sinh sạch sẽ giúp ngăn ngừa các viêm nhiễm vùng sinh dục. Đồng thời hạn chế các rối loạn nội tiết do viêm nhiễm gây ra.
Một điều quan trọng, phụ huynh nên hướng dẫn các bé cách tự theo dõi các đặc tính trong chu kỳ kinh nguyệt của bản thân. Ngoài ra, cân bằng thời gian học hành, vui chơi và nghỉ ngơi trong ngày “đèn đỏ” hợp lý cũng là một cách để giảm bớt các rối loạn khó chịu kỳ kinh nguyệt.
Kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì thường không cần phải can thiệp y khoa. Đa phần kinh nguyệt sẽ ổn định sau khoảng thời gian từ 2-3 năm. Gia đình nên chủ động tâm sự và hướng dẫn các bé về kinh nguyệt tuổi dậy thì, cách theo dõi và cách vệ sinh hợp lí trong ngày hành kinh.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
All About Menstruationhttps://teens.webmd.com/girls/all-about-menstruation
Ngày tham khảo: 27/04/2021
-
Rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thìhttps://suckhoedoisong.vn/roi-loan-kinh-nguyet-tuoi-day-thi-n91886.html
Ngày tham khảo: 27/04/2021