Kinh nguyệt ra nhiều có nguy hiểm không?
Nội dung bài viết
Kinh nguyệt ra nhiều là một trong các rối loạn kinh nguyệt được rất nhiều chị em quan tâm. Vấn đề này có phổ biến không? Như thế nào mới gọi là chảy máu nhiều khi hành kinh? Tình trạng này ảnh hưởng đến sức khỏe ra sao? Làm gì để điều trị kinh nguyệt ra nhiều? Cùng điểm qua các câu trả lời qua bài viết sau đây với Youmed nhé!
Tình trạng máu kinh ra nhiều có phổ biến không?
Tình trạng kinh nguyệt ra nhiều là một mối lo phổ biến đối với chị em phụ nữ. Tuy nhiên, đa phần các trường hợp thường là cảm tính chủ quan của cá nhân. Hầu hết các chị em khỏe mạnh đều có lượng máu kinh cũng như số ngày hành kinh trung bình như sau:
- Tổng lượng máu kinh trong một chu kỳ không quá 80ml
- Số ngày hành kinh không quá bảy ngày.
Một vài chị em sẽ lo lắng khi máu kinh ra nhiều trong 2-3 ngày đầu hành kinh. Vì liên tục phải thay băng kèm đau bụng dễ gây hoang mang cho nhiều người. Thực tế hiện tượng này là bình thường và rất phổ biến. Máu kinh có xu hướng ra nhiều và đậm đặc hơn trong vòng 3 ngày đầu. Sau đó thưa dần đi. Vì vậy tình trạng kinh nguyệt ra nhiều vài ngày đầu là phổ biến. Đa số đều không phải một tình trạng rối loạn kinh nguyệt thực sự.
Lượng kinh nguyệt thế nào là nhiều?
Có nhiều cách hiểu về “kinh nguyệt ra nhiều”. Sau đây là một số rối loạn kinh nguyệt biểu hiện “nhiều và nặng nề”:
- Cường kinh: tổng lượng máu kinh trong một chu kỳ vượt quá 80ml
- Rong kinh: số ngày hành kinh kéo dài quá 7 ngày.
Có nhiều chị em gặp khó khăn trong việc ước lượng tổng lượng máu âm đạo. Chị em có thể nhận biết qua các dấu hiệu sau đây:
- Phải thay băng mỗi 2h vì băng đầy tràn. Thông thường thời gian thay băng hợp lí là từ 4 đến 6h.
- Ra nhiều cục máu đông lớn tầm 2-3cm
- Máu kinh tràn thấm ướt quần áo hay giường mà không thay kịp.
- Khi phải sử dụng cả hai loại băng vệ sinh để chống tràn. VD tampon ở trong và đeo thêm băng ở ngoài.
- Phải dùng băng lớn loại cho phụ nữ sau sinh.
Trên thực tế hai dạng cường kinh và rong kinh có thể đi cùng với nhau. Từ đó khiến chu kỳ kinh kéo dài và mất máu nhiều. Trong bài viết này chủ yếu đề cập đến cường kinh đơn thuần. Nghĩa là số lượng máu ra nhiều và ồ ạt nhưng hành kinh ngắn hơn 1 tuần. Các trường hợp rong kinh đơn thuần, ra máu âm đạo lương ít nhưng dai dẳng vẫn có thể khiến tổng lượng máu mất nhiều hơn 80ml. Cá biệt có những trường hợp máu ra ồ ạt kéo dài là kết hợp của cả hai dạng trên.
Máu kinh ra nhiều ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe?
Kinh nguyệt ra nhiều thực sự có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe vì mất máu. Đa phần các trường hợp này thuộc dạng thiếu máu thiếu sắt. Các dấu hiệu thiếu máu thường gặp bao gồm:
- Da dẻ nhợt nhạt, xanh xao
- Giảm khả năng gắng sức, mau mệt mỏi
- Cảm giác tim đập nhanh, cảm giác hụt hơi
- Rụng tóc, móng khô, mất bóng
- Một số trường hợp nặng có thể ngất xỉu hoặc rơi vào hôn mê
- Nếu tình trạng thiếu máu kéo dài có thể làm giảm sức đề kháng của cơ thể.
- Ra máu nhiều kết hợp với vệ sinh không cẩn thận dễ dẫn đến nhiễm trùng vùng sinh dục.
Chu kỳ kinh “nặng nề” còn ảnh hưởng xấu đến tinh thần của chị em phụ nữ như:
- Giảm khả năng tập trung. Tác động tiêu cực đến học tập và làm việc.
- Lo lắng, căng thẳng vì rối loạn nội tiết. Chính sự căng thẳng này có thể tăng thêm rối loạn nội tiết khiến chu kỳ kinh ngày càng mất ổn định.
Nguyên nhân gây ra chảy máu kinh nguyệt ồ ạt?
Khoảng 50% phụ nữ có kinh nguyệt ra nhiều mà không tìm được nguyên nhân. Với các trường hợp còn lại, những nguyên nhân thường gặp bap gồm:
- U xơ tử cung hay còn gọi là nhân xơ tử cung. Đây là một dạng u cơ tử cung lành tính. U xơ tử cung lớn có thể gây đau bụng, rong kinh cường kinh. Ngoài ra u xơ lớn còn có thể tăng nguy cơ sẩy thai.
- Lạc nội mạc tử cung: tình trạng các tế bào niêm mạc tử cung phát triển lạc chỗ ở các cơ quan khác. Ngoài triệu chứng rong và cường kinh, vấn đề này có thể gây vô sinh, xuất huyết nội, đau bụng kinh dữ dội,..
- Tình trạng nhiễm trùng vùng sinh dục
- Polyp nội mạc tử cung: những khối u nhỏ của lớp nội mạc tử cung. Thường lành tính và không gây triệu chứng. Nhưng khi gây ra máu nhiều hay các triệu chứng khác thì cần can thiệp y khoa.
- Ung thư tử cung hay ung thư cổ tử cung
- Rối loạn đông máu, bệnh lí tuyến giáp,…
Một số phương pháp điều trị y tế đôi khi có thể khiến kinh nguyệt ra nhiều. Những phương pháp thường gặp là:
- Vòng tránh thai (dụng cụ tránh thai trong tử cung). Vòng tránh thai có thể làm ra máu âm đạo nhiều hay kéo dài hơn. Thông thường sự rối loạn này chỉ trong vòng 3 đến 6 tháng đầu tiên sau khi đặt vòng.
- Đang dùng thuốc chống đông máu. Đây là thuốc dùng để ngăn ngừa cục máu đông trên các bệnh lí tim mạch,…
- Một số loại thuốc dùng cho hóa trị liệu ung thư
- Một số thực phẩm chức năng, vài loại thảo dược có thể ảnh hưởng đến nội tiết tố nữ. Từ đó gây rối loạn kinh nguyệt. Chẳng hạn như nhân sâm, bạch quả và đậu nành
Xét nghiệm chẩn đoán tình trạng kinh nguyệt ra nhiều?
Có nhiều xét nghiệm và thủ thuật được dùng để chẩn đoán tình trạng kinh nguyệt ra nhiều.
Một xét nghiệm rất cần thiết là tổng phân tích tế bào máu hay còn gọi là công thức máu. Xét nghiệm này có thể cho biết bạn có thiếu máu hay không. Ngoài ra còn giúp định hướng phân loại dạng thiếu máu.
Để chẩn đoán các nguyên nhân gây tình trạng này các xét nghiệm sau có thể được chỉ định:
- Phết cổ tử cung – xét nghiệm PAP
- Sinh thiết nội mạc tử cung
- Siêu âm qua ngã âm đạo
- Nội soi tử cung
- Cắt và nạo niêm mạc tử cung
Các loại thuốc điều trị tình trạng máu kinh nguyệt ra nhiều:
Sau đây là một số nhóm thuốc phổ biến dùng cho tình trạng kinh nguyệt ra nhiều. Lưu ý, không nên tự chẩn đoán và dùng thuốc khi chưa có sự chỉ định từ bác sĩ.
- Viên sắt và các chế phẩm chứa sắt khác.
- Các loại thuốc giảm đau kháng viêm thuộc nhóm NSAID.
- Thuốc tránh thai hằng ngày. Thành phần của thuốc tránh thai hằng ngày là nội tiết tố tổng hợp. Nó giúp kinh nguyệt đều đặn hơn và giảm lượng máu kinh. Ngoài ra còn giúp giảm đau bụng khi hành kinh.
- Liệu pháp hormone (thuốc có chứa estrogen và / hoặc progesterone).
- Thuốc xịt Desmopressin. Thuốc này có tác dụng cầm máu ở những người mắc một số chứng rối loạn chảy máu. Chẳng hạn như bệnh von Willebrand, bệnh ưa chảy máu Hemophilia,…
- Thuốc chống tiêu sợi huyết (axit tranexamic, axit aminocaproic). Nhóm thuốc này giúp giảm lượng máu chảy bằng cách ngăn cục máu đông vỡ ra.
Điều trị tình trạng chảy máu kinh nguyệt ồ ạt bằng phẫu thuật
Cắt và nạo (D&C). Một thủ thuật loại bỏ 1 phần lớp trên cùng của nội mạc tử cung. Từ đó giảm lượng máu khi hành kinh. Quy trình này có thể cần được lặp lại nhiều lần.
Phẫu thuật nội soi tử cung. Một thủ thuật phẫu thuật sử dụng một công cụ đặc biệt để xem xét môi trường bên trong tử cung. Thủ thuật này có thể được sử dụng để giúp loại bỏ polyp và u xơ. Ngoài ra còn điều chỉnh các bất thường của tử cung và loại bỏ lớp niêm mạc tử cung để kiểm soát lượng máu hành kinh.
Loại bỏ nội mạc tử cung. Toàn bộ hoặc một phần niêm mạc tử cung được loại bỏ để kiểm soát máu kinh. Một số bệnh nhân sẽ hết kinh hoàn toàn. Những người khác có thể tiếp tục có kinh nhưng lượng kinh sẽ ít hơn trước. Mặc dù không cắt bỏ tử cung nhưng chúng sẽ gây vô sinh trên những người cắt bỏ hoàn toàn nội mạc.
Cắt bỏ tử cung. Đây là một ca phẫu thuật lớn cắt bỏ toàn bộ tử cung. Sau khi thực hiện thủ thuật này, một người phụ nữ không thể mang thai được nữa và sẽ ngừng kinh nguyệt. Chỉ định này thường chỉ được áp dụng với các trường hợp chảy máu ồ ạt đe dọa tính mạng.
Kinh nguyệt ra nhiều 2-3 ngày đầu khá phổ biến và không phải là cường kinh thực sự. Kinh nguyệt ra nhiều trên 80ml máu trong 1 chu kỳ có thể tác động xấu tới sức khỏe. Mất máu sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, giảm khả năng học tập và làm việc. Ngoài ra còn tiềm ẩn các vấn đề sức khỏe khác. Khi phát hiện kinh nguyệt ra nhiều, hãy liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám đầy đủ.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.