YouMed

Ký Sinh Trùng Blastocystis hominis có nguy hiểm không?

bác sĩ vũ thành đô
Tác giả: ThS.BS Vũ Thành Đô
Chuyên khoa: Tim - Thận - Khớp - Nội tiết

Blastocystis hominis là một loài ký sinh trùng được tìm thấy trong phân của những người ăn phải thức ăn hoặc dùng nước bị nhiễm ký sinh trùng. Có thể tìm thấy ở những người khỏe mạnh không có triệu chứng tiêu hóa. Đôi khi được tìm thấy trong phân của những người bị tiêu chảy, đau bụng hoặc các vấn đề về đường tiêu hóa khác. Vai trò của Blastocystis hominis trong việc gây bệnh vẫn chưa được hiểu biết một cách rõ ràng. Thông thường blastocystis chỉ sống trong đường tiêu hóa của người mà không gây hại. Vậy làm thế nào để chẩn đoán và phòng ngừa ký sinh trùng đường ruột này? Hãy cùng YouMed theo dõi bài viết dưới đây để có được những thông tin chính xác nhất.

Dấu hiệu nhiễm Blastocystis hominis là gì?

  • Tiêu chảy phân nước
  • Buồn nôn
  • Đau bụng
  • Chướng bụng
  • Đầy hơi
  • Ăn không ngon
  • Mệt mỏi

Xem thêm: Bệnh Tiêu chảy cấp: Hỏi bác sĩ sao cho đúng?

Nguyên nhân nào gây ra nhiễm Blastocystis hominis?

Blastocystis là một ký sinh trùng đơn bào. Nhiều sinh vật đơn bào sống thường trú trong đường tiêu hóa thường vô hại hoặc thậm chí là có ích; những loài khác thì gây bệnh.

Blastocystis hominis
Hầu hết mọi người đều mang trùng Blastocystis nhưng không có triệu chứng

Blastocystis có gây bệnh hay không vẫn chưa rõ. Hầu hết người mang trùng không có triệu chứng. Ký sinh trùng cũng được tìm thấy ở những người bị tiêu chảy và các vấn đề tiêu hóa khác. Blastocystis thường được phát hiện cùng với các vi sinh vật khác, vì vậy không biết liệu nó có gây bệnh hay không.

Các chuyên gia nghi ngờ rằng blastocystis xâm nhập vào đường tiêu hóa khi con người ăn thực phẩm bị nhiễm hoặc tiếp xúc với phân của người bị nhiễm, chẳng hạn như khi thay tã cho trẻ em. Tỷ lệ vi sinh vật trong phân tăng lên khi điều kiện vệ sinh không đáp ứng đủ và vệ sinh cá nhân kém.

Blastocystis hominis rất phổ biến, bất cứ ai cũng có thể có ký sinh trùng trong phân. Bạn có thể có nguy cơ cao hơn nếu đi du lịch hoặc sống ở nơi không đủ điều kiện vệ sinh hoặc nước không sạch. Hoặc tiếp xúc với động vật bị nhiễm, chẳng hạn như lợn và gia cầm.

Blastocystis hominis gây ra hậu quả gì?

Nếu bạn bị tiêu chảy do Blastocystis hominis, bệnh có khả năng tự giới hạn. Tuy nhiên, bất cứ khi nào bị tiêu chảy, bạn sẽ mất dịch cơ thể, muối khoáng, dẫn đến mất nước. Trẻ em đặc biệt dễ bị mất nước.

Phòng ngừa ký sinh trùng Blastocystis hominis như thế nào?

Cẩn thận với những gì bạn ăn

Nguyên tắc chung là: Nếu không thể đun sôi nước hoặc nấu chín thức ăn thì đừng ăn.

  • Tránh ăn hàng rong.
  • Không ăn trứng chưa nấu chín kỹ.
  • Tránh sữa và các sản phẩm làm từ sữa chưa tiệt trùng, kể cả kem.
  • Không ăn thịt, cá và động vật có vỏ chưa nấu chín.
  • Tránh xa thực phẩm có độ ẩm, chẳng hạn như nước sốt và đồ ăn tự chọn.
  • Ăn thực phẩm được nấu chín và nóng.
  • Ăn trái cây và rau quả mà bạn có thể tự gọt vỏ, chẳng hạn như chuối, cam và bơ. Tránh xa các món salad và trái cây mà bạn không thể gọt vỏ, chẳng hạn như nho và dâu.
  • Tránh dùng nước ngọt ướp lạnh và đá bào.
  • Không dùng các gia vị được làm bằng nguyên liệu tươi.
Cẩn thận với các món ăn sống, ăn tái
Cẩn thận và hạn chế ăn các món ăn sống, ăn tái

Lưu ý về nguồn nước uống

Khi đến các quốc gia có nguy cơ cao, hãy ghi nhớ:

  • Tránh uống nước không được lọc – từ vòi, giếng hoặc suối. Nếu bạn cần uống nước hoặc rửa trái cây hoặc rau quả, hãy đun sôi nước trong ít nhất ba phút và để nguội.
  • Tránh dùng đá viên hoặc nước ép trái cây làm từ nước máy.
  • Ngậm kín miệng khi tắm.
  • Sử dụng nước đóng chai để đánh răng.
  • Hãy chắc chắn rằng đồ uống nóng, như cà phê hoặc trà, đang còn nóng.

Uống đồ uống đóng hộp hoặc đóng chai – bao gồm nước, đồ uống có ga, bia hoặc rượu. Miễn là bạn tự khui chúng. Lau sạch lon hoặc chai nước trước khi uống.

Bạn có thể khử trùng nước bằng iốt hoặc clo. Iốt thường hiệu quả hơn, nhưng nên hạn chế sử dụng, vì quá nhiều iốt có thể gây hại cho sức khỏe.

Blastocystis hominis
Dùng nước sôi để nguội giúp hạn chế vi trùng

Thận trọng trong việc lây truyền ký sinh trùng cho người khác

Nếu bạn bị nhiễm Blastocystis hominis hoặc nhiễm trùng đường tiêu hóa khác, vệ sinh cá nhân tốt giúp bạn không lây nhiễm cho người khác:

  • Rửa tay bằng xà phòng và nước thường xuyên, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh và trước, trong và sau khi chế biến thực phẩm. Làm ướt hai tay và xoa xà phòng trong ít nhất 20 giây trước khi rửa sạch. Xoa mu bàn tay và các kẽ ngón tay. Lau khô tay bằng khăn sạch.
  • Nếu không có sẵn xà phòng và nước, hãy sử dụng nước rửa tay chứa ít nhất 60 phần trăm cồn.
  • Rửa tay kỹ sau khi thay tã, ngay cả khi bạn đã đeo găng tay, đặc biệt nếu bạn làm việc trong trung tâm chăm sóc trẻ em.
Blastocystis hominis
Nên rửa tay kỹ sau khi thay tã cho bé

Xem thêm: Mẹo làm nước rửa tay khô đơn giản tại nhà theo đúng chuẩn chuyên gia

Chẩn đoán nhiễm Blastocystis hominis cần những gì?

Nguyên nhân gây tiêu chảy rất khó chẩn đoán. Ngay cả khi Blastocystis hominis được tìm thấy trong phân, nó có thể không phải là nguyên nhân gây ra triệu chứng. Bạn có thể đã tiếp xúc với thực phẩm hoặc nước bị nhiễm vi sinh vật khác gây ra các triệu chứng tiêu hóa.

Một số xét nghiệm giúp chẩn đoán bệnh ký sinh trùng và các nguyên nhân không nhiễm trùng khác:

  • Xét nghiệm phân: Tìm ký sinh trùng hoặc trứng ký sinh trùng. Bác sĩ sẽ cho bạn một hộp đựng đặc biệt có chất lỏng bảo quản mẫu phân của bạn. Làm lạnh – không đông băng mẫu phân cho đến khi bạn mang chúng đến phòng khám hoặc phòng xét nghiệm.
  • Nội soi: Nếu bạn có triệu chứng nhưng xét nghiệm phân không tìm thấy nguyên nhân, bác sĩ sẽ chỉ định nội soi. Sau khi bạn được dùng thuốc an thần, bác sĩ tiêu hóa sẽ đưa một ống vào miệng hoặc trực tràng của bạn để tìm nguyên nhân. Bạn sẽ cần phải nhịn ăn trước khi làm xét nghiệm.
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu có thể phát hiện blastocystis có sẵn nhưng không được sử dụng phổ biến. Tuy nhiên, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu để tìm các nguyên nhân khác gây nên các dấu hiệu và triệu chứng của bạn.

Xem thêm: 10 chỉ số xét nghiệm máu quan trọng bạn cần biết

6. Điều trị Blastocystis hominis như thế nào?

Nếu bạn bị Blastocystis hominis mà không có triệu chứng thì không cần điều trị. Triệu chứng nhẹ có thể tự cải thiện trong vài ngày.

Các loại thuốc có hiệu quả để điều trị Blastocystis hominis bao gồm:

  • Kháng sinh: như metronidazole (Flagyl) hoặc tinidazole (Tindamax)
  • Thuốc kết hợp: như sulfamethoxazole và trimethoprim (Bactrim, Septra, những loại khác)
  • Thuốc chống đơn bào: như paromomycin hoặc nitazoxanide (Alinia)

Đáp ứng với thuốc điều trị Blastocystis hominis khác nhau tùy từng người. Vì ký sinh trùng có thể không phải là nguyên nhân, nên sự cải thiện triệu chứng có thể là do tác dụng của thuốc đối với vi sinh vật khác.

Blastocystis hominis
Nên phòng ngừa lây nhiễm Blastocystis hominis để hạn chế bệnh tật

Bệnh nhiễm Ký sinh trùng đường ruột do Blastocystis hominis vẫn còn chưa được hiểu biết rõ. Nhưng phòng ngừa lây nhiễm Blastocystis hominis cũng đồng thời giúp phòng ngừa các loại ký sinh trùng khác có khả năng gây ra bệnh. Nếu bạn có các triệu chứng, chẳng hạn như tiêu chảy hoặc chuột rút kéo dài hơn ba ngày, hãy đến bác sĩ khám để được hướng dẫn và điều trị, tránh lây nhiễm cho người khác.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Blastocystis hominishttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/blastocystis-hominis-infection/symptoms-causes/syc-20351205

    Ngày tham khảo: 05/10/2020

  2. Blastocystis hominishttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/blastocystis-hominis-infection/diagnosis-treatment/drc-20351211

    Ngày tham khảo: 05/10/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người