Lá móng: từ góc nhìn nghệ thuật tới công dụng y học
Nội dung bài viết
Lá móng, vốn là nguyên liệu không thể thiếu được sử dụng để vẽ Henna, nghệ thuật vẽ hình xăm nổi tiếng ở Ấn độ và các nước Trung đông. Nghệ thuật Henna được cô dâu vẽ lên trong các đám cưới truyền thống ở Ấn độ, nó tượng trưng cho tình yêu giữa người vợ và người chồng. Không những vậy, Lá móng còn là vị thuốc có nhiều công dụng điều trị các bệnh ngoài da, tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm…Cùng tìm hiểu kỹ hơn về loài cây thú vị này thông qua bài viết dưới đây.
1. Đặc điểm của Lá móng
Lá móng có tên khoa học là Lawsonia inermis L., Thuộc họ Tử Vi (Lythraceae). Cây nhỏ, cao chừng 3 – 4 mét, thân nhẵn hoặc có gai ở đầu cành. Lá mọc đối, phiến lá đơn, nhỏ, hình trứng, hai đầu bẹp, dài 2 – 3 cm, rộng 1 – 1,5 cm.
Quả nang, hình cầu, to bằng quả hạt tiêu không nứt; phía cuống có đài bao bọc, trong chứa nhiều hạt nhỏ không đều, có góc cạnh.
Mùa hoa quả: tháng 9 – 10
2. Phân bố, thu hái, chế biến
Lá móng có nguồn gốc ở vùng Bắc Mỹ hoặc Tây Nam Á, được trồng rải rác ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới thuộc Tây Nam Á, Ấn độ, Bắc Phi. Cây được trồng để làm cảnh, lấy lá làm thuốc nhuộm hoặc thuốc chữa bệnh.
Ở Việt Nam, lá móng được trồng rải rác quanh bờ rào, ở vườn. Cây sinh trưởng mạnh vào mùa xuân – hè; rụng lá vào mùa đông. Cây ra hoa quả hàng năm và có khả năng tái sinh vô tính mạnh. Về mùa đông, người ta thường cắt bớt cành để cây ra nhiều chồi nhánh.
Bộ phận dùng: chủ yếu người ta dùng lá phơi khô, để nguyên hay tán bột. Các bộ phận khác như thân, rễ, hoa cũng được dùng, nhưng ít hơn.
3. Thành phần hóa học
- Rễ và lá:
Đã xác định trong lá và rễ có chứa flavonoid, saponin, tanin, acid hữu cơ, đường khử, chất béo, tinh dầu, hợp chất steroid và polysaccharide. Tinh dầu chủ yếu là β – ionon và α – ionon.
Ở trạng thái tươi, lá móng chứa các Heterosid khi thủy phân cho chất Lawson với hàm lượng khoảng 1%, có tác dụng kháng sinh rất mạnh. - Hoa: chứa 0.01 – 0.02% tinh dầu.
- Hạt: chứa nước 10.6%, protein 5%, chất béo 10 – 11%, hydrat carbon 33.62%.
4. Tác dụng theo Y học hiện đại
4.1. Tác dụng kháng khuẩn
- Lá móng có tác dụng kháng khuẩn in vitro đối với các chủng vi khuẩn sau đây (nồng độ tối thiểu ức chế biểu thi bằng µg/ml ghi trong ngoặc): Bacillus subtilis (800), Staphyllococcus aureus (1200), Salmonella typhi (1200), Salmonella paratyphi (1600), trực khuẩn mủ xanh (4000).
- Lá móng cũng có tác dụng ức chế các vi khuẩn: Shigella flexneri, Shigella sonnei, Escherichia Coli, và kháng amip.
4.2. Tác dụng chống viêm
Cao cồn và lawson chiết từ lá móng có tác dụng kháng sinh, chống viêm.
4.3. Tác dụng lợi tiểu, lợi mật
Nước sắc lá móng cho chuột cống trắng uống có tác dụng lợi tiểu và lợi mật.
4.4. Tác dụng điều trị viêm loét cổ tử cung
Đã sử dụng bài thuốc gồm lá móng phối hợp với lá mỏ quạ, phèn phi hoặc phối hợp với hoàng đằng, hoàng bá để điều trị cho phụ nữ viêm loét cổ tử cung.
Thuốc đáp ứng được yêu cầu điều trị là làm thay đổi độ pH âm đạo, làm giảm tiết dịch, có tác dụng kháng khuẩn đối với vi khuẩn gây bệnh trong phụ khoa và giúp mô tái tạo nhanh chóng.
Áp dụng điều trị cho 360 bệnh nhân viêm lộ tuyến và viêm loét cổ tử cung, kết quả khỏi hoàn toàn 74.5%, đỡ nhiều 21.8%, đỡ ít 4%.
4.5. Tác dụng kháng estrogel
Lá móng có tác dụng kháng oestrogel trên chuột nhắt trắng.
Cao lá móng được nghiên cứu về tác dụng gây sẩy thai. Cao methanol có tác dụng gây sẩy thai ở chuột nhắt trắng, chuột cống trắng và chuột lang mạnh nhất.
Lưu ý: không được sử dụng cho phụ nữ mang thai.
5. Tác dụng theo Y học cổ truyền
Lá móng có vị đắng the, tính ấm, có tác dụng giãn gân xương.
6. Công dụng của Lá móng
Lá móng chữa kinh nguyệt không đều ở phụ nữ, da vàng phù thũng, phong thấp nhức mỏi tê bại. Ngày dùng 8 – 20 g dạng thuốc sắc.
Để chữa chậm kinh, lấy lá móng 30 g sắc uống.
Dùng ngoài, lá móng tươi giã nát, trộn với giấm thanh đắp chữa ghẻ lở, nhọt độc lên mủ, hắc lào, rắn cắn, sâu bọ độc cắn.
Lá móng còn được sử dụng ở nhiều quốc gia khác với nhiều công dụng:
- Campuchia: thuốc lợi niệu, chữa ho và viêm phế quản.
- Ấn độ: dùng dự phòng bệnh về da. Dùng ngoài, dạng bột nhão hoặc nước sắc trị nhọt, bỏng, vết thâm tím và viêm da. Nước sắc là thuốc súc miệng trị viêm họng. Lá có trong thành phần một bài thuốc cổ truyền Ấn độ để điều trị bệnh da, thiếu máu, nhiễm khuẩn, trĩ, rò hậu môn.
- Angieri: trị loét và rối loạn chức năng gan.
- Ả rập xê út: trị đau, sốt, thấp khớp.
- Nigieria: ngâm trong nước lạnh trong 3 hoặc 4 ngày, sau đó chắt lấy dịch ngâm và uống ngày 3 lần trong thời kỳ chờ đợi có kinh nguyệt để điều trị kinh nguyệt không đều.
7. Bài thuốc có lá móng
7.1. Chữa kinh nguyệt không đều, chậm kinh
Lá móng 20 g, hoa chổi xuể 8 g, thái nhỏ phơi khô, sắc với 400 ml nước còn 100 ml, uống làm 2 lần trong ngày. Phụ nữ có thai không dùng vì có thể bị sẩy thai. Không chỉ có lá móng, bạn có thể tìm hiểu thêm Ích mẫu: Thần dược cho phái nữ.
7.2. Chữa sưng tấy
Lá móng 10 g, huyết giác, ngải cứu, mỗi vị 12 g và tô mộc 10 g, nghệ 8 g sắc uống.
7.3. Chữa viêm gan
Lá móng 30 g, dành dành, huyền sâm, ích mẫu mộc thông, mỗi vị 15 – 20 g. Sắc uống.
7.4. Chữa bệnh nấm da kẽ chân
- Lá móng 100 g, rửa sạch, giã nát với ít muối, đắp băng lại. Nên đắp vào buổi tối để tránh đi lại. Thay thuốc hàng ngày trong tuần đầu. Tuần thứ hai, cứ 2 ngày đắp một lần, tuần thứ 3 cứ 3 ngày đắp 1 lần. Khi bớt lở ngứa bong da, bôi nhựa lá lô hội, đắp lá thuốc bỏng hoặc bôi dầu gấc.
- Lá móng, lá hạch hạc, lá phèn đen, lá trâm bầu, mỗi vị 100 g, giã nát, ngâm vào 100 ml rượu trắng. Dùng tăm bông tẩm thuốc bôi 2 – 3 lần trong ngày.
Như vậy, Lá móng không chỉ là nguyên liệu để chế ra mực vẽ Henna, mà còn có rất nhiều công dụng trong việc điều trị các bệnh ngoài da, có tác dụng kháng viêm cũng như hiệu quả trong điều trị viêm lộ tuyến, viêm loét cổ tử cung. Tuy nhiên, tất cả nghiên cứu hiện tại chỉ đang được thử nghiệm trên động vật. Quý độc giả cần được tư vấn bởi bác sĩ chuyên môn trước khi sử dụng thảo dược.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Đỗ Tất Lợi (2004), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội
- Viện Dược liệu (2006), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam – Tập II, Tr. 130, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội
- Bùi Thị Hồng, Nghiên cứu thành phần Flavonoid của cây lá móng tay (Lawsonia inermis L.), 2010, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội
- Trần Thị Oanh, Nghiên cứu về thực vật, thành phần hóa học và một số tác dụng sinh học của cây Lá móng (Lawsonia inermis L.), 2010, Viện Dược liệu