YouMed

Lá trầu không: dược liệu có nhiều lợi ích với sức khỏe

Bác sĩ BÙI KHÁNH HÀ
Tác giả: Bác sĩ Bùi Khánh Hà
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Từ xưa ông bà ta đã có câu “Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Quả thật như vậy, miếng trầu têm không biết tự bao giờ xuất hiện trong đời sống thường ngày của người xưa như một lẽ hiển nhiên. Từ dân nghèo vùng quê xa, đến vua quan quý tộc. Từ một ngày bình thường lặng lẽ, đến những đám hội tươi vui, không đâu mà không có miếng trầu trái cau xuất hiện. Nhưng ngoài ý nghĩa đời sống, phải chăng ông cha ta cũng khéo sử dụng những tác dụng chữa bệnh có trong lá trầu không để làm dẻo dai hơn sức khỏe của mình? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây của Bác sĩ Y học cổ truyền Bùi Khánh Hà nhé.

Cây Trầu không

Đặc điểm

Trầu không, hay Trầu, Trầu cay có tên khoa học Piper betle L, thuộc họ Hồ tiêu (Piperaceae). Đây là loại cây thân nhẵn, mọc leo, do đó muốn trồng cần có giá thể. Loại giá thể thường thấy nhất là cây Cau, do Trầu Cau là 2 món luôn đi chung với nhau.

Lá Trầu không mọc so le, cuống lá có bẹ. Phiến lá hình trái xoan. Kích thước dài 10 – 13 cm, rộng 5 – 9 cm. Phía cuống hình tim, đầu lá nhọn. Lá thường có 5 gân. Khi đem lá soi dưới ánh sáng sẽ thấy những điểm chứa tinh dầu rất nhỏ.  Hoa khác gốc mọc thành bông, quả mọng. Cây này được trồng chủ yếu để lấy lá.

Giàn trầu không
Giàn trầu không

Phân bố

Trầu không là một trong những loài thực vật nhiệt đới quan trong ở khu vực châu Á. Nó được trồng rộng rãi ở các nước Ấn Độ, Sri Lanka, Malaysia, Thái Lan, Đài Loan và các quốc gia Đông Nam Á khác. Ở nước ta, cây được trồng rộng rãi khắp các địa phương Bắc, Trung, Nam.

Thu hái, chế biến, bảo quản

Lá trầu không được thu hái quanh năm. Lá có thể dùng tươi hay khô, có khi xay bột dùng dần.

Lưu ý bảo quản dược liệu nơi khô ráo, thoáng mát, sạch sẽ. Tránh nơi ẩm mốc, tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào.

Thành phần hóa học

Lá trầu có chứa 0,8 – 1,8% (có khi lên tới 2,4%) tinh dầu. Trong đó chủ yếu là hợp chất thuộc nhóm terpene (4- terpineol, γ-muurolene, δ-cadinene,(+)-taumuurolol, α-cadinol) và các hợp chất là dẫn xuất của phenol như phenol, 2-methoxy-3-(2-propenyl); acetyleugenol; 4-allyl-1,2-diacetoxybenzene. Các thành phần này chiếm tới 90% hàm lượng tinh dầu này.

Tác dụng của Lá trầu không

Tác dụng dược lý

Do hàm lượng những dẫn xuất phenol cao nên tinh dầu Lá trầu không có nhiệt độ sôi, tỷ trọng và chiết suất cao.

Các dẫn xuất phenol có mặt trong tinh dầu có những tác dụng sinh học tốt như tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm, chống oxy hóa, độc tính tế bào…

Tinh dầu lá Trầu không biểu hiện hoạt tính kháng vi sinh vật tốt với khả năng kháng vi khuẩn Gram (+) như B.subtillis và các loại nấm gây hại như A.niger và F.oxysporum,… Đây là cơ sở giúp ứng dụng tinh dầu lá trầu không như một loại kháng sinh được chiết xuất từ thiên nhiên.

Theo Y học cổ truyền

Lá trầu không có vị cay nồng, mùi thơm gắt, tính ấm. Nó có tác dụng giúp khí huyết lưu thông, thường dùng để tiêu đờm, trừ phong thấp, tiêu viêm, sát trùng.

Người ta có thể dùng Lá trầu để trị đau bụng, đầy hơi, ợ hơi, sôi bụng.

Có người dùng Lá trầu để đánh gió trị cảm mạo.

Lá trầu còn dùng vò nát đắp quanh mụn nhọt, hoặc nấu nước tắm trị ghẻ ngứa, rôm sảy.

Ngậm nước lá trầu trong miệng để trị đau răng, viêm chân răng có mủ.

Nó còn được dùng để chữa sai khớp, bong gân, chữa kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh.

Ăn trầu vừa là văn hóa, lại vừa mang đến nhiều công dụng chữa bệnh
Ăn trầu vừa là văn hóa, lại vừa mang đến nhiều công dụng chữa bệnh

Cách dùng lá trầu không

Lá trầu không có thể dùng 8 – 10 g/ 1 ngày, thường dùng ở dạng thuốc sắc, giã nát đắp ngoài hoặc ngâm lá với nước để rửa.

Một số bài thuốc từ Lá trầu không

1. Chữa đau mắt đỏ

Lá trầu không 3 cái, lá dâu 10 cái. Hai thứ này vò nát, cho vào ca, đổ nước sôi rồi đưa mắt bị đau sát tới miệng ca để xông hơi nóng bốc lên trong 3 phút. Ngày làm như vậy 2 lần. Sau đó lấy nước này để rửa mặt.

2. Chữa nấm kẽ chân

Lá trầu không 8 g, lá ráy 50 g, phèn chua 20 g. Tất cả đem sắc lấy nước ngâm chân trong 15 phút.

3. Chữa đau họng

Lá trầu xay nhuyễn lấy nước, trộn thêm mật ong rồi ngậm thật lâu. Nếu uống được nước này thì càng tốt, sẽ giảm các kích thích gây ho.

4. Giảm đau lưng

Dùng lá trầu hơ nóng hoặc nước cốt lá trầu trộn với dầu dừa rồi đắp thắt lưng.

5. Trị cảm mạo

Vò nát lá trầu, bọc trong miếng vải, nhúng nước sôi, đánh gió ở hai bên sống lưng.

Lưu ý khi dùng Lá trầu không

Không nên dùng quá nhiều trầu một lần vì có thể làm khô môi, mất vị giác.

Bài viết trên đây mong rằng đã giúp người đọc có cái nhìn khái quát về đặc điểm và công dụng của Lá trầu không. Tuy rằng rất dễ sử dụng, nhưng người dùng không nên tự ý sử dụng một cách bừa bãi để tránh những tác dụng không mong muốn.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Dược sĩ Bùi Kim Tùng. Món ăn bài thuốc (quyển I). Sở KHCN và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

  2. PGS.TS. Nguyễn Viết Thân. Cây thuốc Việt Nam và những bài thuốc thường dùng (tập III). NXB Y học.

  3. Khảo sát thành phần hóa học và hoạt tính kháng vi sinh vật của tinh dầu lá trầu không (Piper betel L.), họ hồ tiêu (Piperaceae)https://ctujsvn.ctu.edu.vn/index.php/ctujsvn/article/view/2392/1427

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người