YouMed

Thuốc điều trị rối loạn cảm xúc Lexomil: Giá, công dụng và liều dùng

dược sĩ nguyễn hoàng bảo duy
Tác giả: Dược sĩ Nguyễn Hoàng Bảo Duy
Chuyên khoa: Dược

Thuốc điều trị rối loạn cảm xúc Lexomil là thuốc gì? Thuốc được sử dụng như thế nào? Giá thành của thuốc ra sao? Những điều gì cần được chú ý trong quá trình sử dụng thuốc? Hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn về loại thuốc này qua bài viết của Dược sĩ Nguyễn Hoàng Bảo Duy nhé!

Lexomil là thuốc gì?

Lexomil được bào chế dưới dạng viên nén. Thành phần của thuốc bao gồm hoạt chất Bromazepam hàm lượng 6 mg và tá dược vừa đủ. Thuốc có tác dụng chọn lọc trên chứng lo âu, giảm áp lực tâm lý và thần kinh căng thẳng.

Khi dùng ở liều cao, Bromazepam còn có tác dụng an thần và giãn cơ. Tuy nhiên, thuốc phải được sử dụng khi có đơn của bác sĩ.

lexomil roche
Lexomil được bào chế dưới dạng viên nén

Tác dụng của thuốc Lexomil là gì?

Lexomil được chỉ định để điều trị những bệnh lý sau:

  • Các rối loạn về cảm xúc: Tình trạng lo âu, căng thẳng, rối loạn tính khí kèm theo lo âu trong chứng trầm cảm.
  • Rối loạn chức năng của hệ tim mạch và hô hấp (rối loạn kiểu giả đau thắt ngực, hồi hộp, đánh trống ngực, nhịp tim tăng nhanh, tăng huyết áp, khó thở, thở gấp,… do nguyên nhân tâm thần kinh).
  • Rối loạn chức năng của hệ tiêu hóa (hội chứng kết tràng dễ bị kích thích, viêm – loét kết tràng, đau vùng thượng vị, co thắt, chướng bụng, tiêu chảy nhiều lần,…).
  • Rối loạn chức năng của hệ tiết niệu (bàng quang kích thích, tiểu lắt dắt, đau bụng kinh,…).
  • Các rối loạn tâm thần thực thể khác (như nhức đầu, bệnh ngoài da do nguyên nhân tâm thần,…).

Lexomil cũng được chỉ định để điều trị tình trạng lo âu và căng thẳng có liên quan đến bệnh lý mạn tính và cũng được sử dụng như một liệu pháp tâm lý giúp hỗ trợ trong bệnh thần kinh tâm lý.

Lexomil được dùng trong điều trị các bệnh rối loạn tâm thần
Lexomil được dùng trong điều trị các bệnh rối loạn tâm thần

Giá thuốc Lexomil bao nhiêu tiền?

Giá thuốc Lexomil trên thị trường khoảng 495.000 đồng.

Lưu ý: Mức giá chỉ mang tính chất tham khảo. Có thể thay đổi tuỳ địa điểm và phụ thuộc vào nhà cung cấp.

Liều dùng thuốc Lexomil cho trẻ em và người lớn

Liều lượng của thuốc Lexomil cần được điều chỉnh để phù hợp với từng độ tuổi và triệu chứng bệnh của từng bệnh nhân. Tùy theo đối tượng sử dụng thuốc mà liều dùng cũng sẽ khác nhau. Bạn nên lưu ý rằng, liều được gợi ý bên dưới chỉ mang tính chất tham khảo. Do đó, bạn không được tự ý dùng thuốc mà phải tuân thủ chính xác liều lượng mà bác sĩ hướng dẫn.

  • Thuốc được sử dụng ngoại trú bắt đầu từ liều thấp, sau đó tăng dần liều đến khi đạt được hiệu quả mong muốn: liều 1,5 – 3 mg x 3 lần/ngày.
  • Trong trường hợp bệnh nặng, đặc biệt là đang điều trị tại bệnh viện: liều 6 – 12 mg x 2 – 3 lần/ngày.
  • Liều thuốc sẽ thay đổi tùy theo đáp ứng của từng cá nhân người bệnh. Sau 3 – 6 tuần, tùy theo kết quả điều trị, liều sẽ thường giảm dần và ngưng hẳn. Nếu dùng thuốc đúng theo thời gian thì việc ngưng thuốc sẽ không gây vấn đề gì cả. Nếu đã dùng thuốc dài hạn thì khi ngưng thuốc phải ngưng từ từ, không dừng đột ngột.
  • Khi dùng thuốc ở trẻ em, cần hiệu chỉnh liều thuốc theo cân nặng của bé.
  • Ở bệnh nhân cao tuổi, sức khỏe yếu, cần sử dụng liều thấp hơn liều ở người bình thường.

Cách dùng thuốc Lexomil

Thuốc được dùng theo đường uống. Bạn có thể uống thuốc trước hay sau ăn đều được.

Nên làm gì trong trường hợp dùng quá liều?

Dùng quá liều thuốc Lexomil rất hiếm khi ảnh hưởng đến tính mạng. Các triệu chứng của quá liều chủ yếu là tác dụng điều trị được tăng mạnh lên (ngủ sâu, an thần, yếu cơ) hoặc trở nên kích động.

Trong đa số trường hợp quá liều, chỉ cần theo dõi tình trạng và săn sóc bệnh nhân. Nếu quá liều rất cao, nhất là khi phối hợp cùng với các thuốc tác động lên thần kinh trung ương khác có thể sẽ dẫn đến hôn mê, suy hô hấp, khó thở, mất phản xạ và suy tim.

Lúc này, biện pháp cấp cứu bao gồm: rửa dạ dày và theo dõi y khoa, có thể dùng Anexate (flumazenil) để giải ngộ độc.

Tác dụng phụ của thuốc Lexomil

Ở liều điều trị, Lexomil được dung nạp tốt. Bạn có thể gặp phải một số triệu chứng như mệt mỏi, buồn ngủ, yếu cơ (hiếm) khi dùng liều cao. Các triệu chứng trên sẽ tự khỏi khi giảm liều thuốc.

Mặc dù kinh nghiệm thực tế trên lâm sàng không cho thấy thuốc có độc tính trên máu cũng như trên các chức năng gan và thận. Tuy nhiên, vẫn nên theo dõi các thông số này thường xuyên nếu dùng thuốc trong thời gian dài.

Trường hợp dùng thuốc dài ngày và dùng liều cao, có thể xảy ra tình trạng lệ thuộc thuốc như đối với tất cả các thuốc ngủ hay thuốc an thần khác.

Trường hợp bệnh nhân có thể có các phản ứng nghịch đảo lại như lo âu nặng hơn, gặp ảo giác, rối loạn giấc ngủ hay kích động. Lúc này cần phải ngưng thuốc.

Những điều bạn cần lưu ý khi dùng thuốc Lexomil

  • Thận trọng khi dùng Lexomil cho người bệnh bị nhược cơ nặng do thuốc có thể làm trầm trọng thêm tình trạng này.
  • Dùng lâu dài các thuốc nhóm benzodiazépines có thể gây ra tình trạng lệ thuộc thuốc. Nguy cơ này tăng lên khi dùng thuốc liều cao hay ở những bệnh nhân có các yếu tố mở đường. Triệu chứng lệ thuộc thuốc thường xảy ra khi bạn ngưng thuốc đột ngột. các triệu chứng bao gồm: run rẩy, vật vã, rối loạn giấc ngủ, hồi hộp, nhức đầu và rối loạn sự tập trung.
  • Để tránh những triệu chứng nghiện thuốc, liều phải được giảm từ từ trước khi ngưng hẳn. Khi xuất hiện các triệu chứng cai nghiện, cần phải theo dõi sát và chăm sóc cho bệnh nhân.

Tương tác thuốc

Không dùng được uống rượu, bia (thức uống có cồn) khi đang điều trị bằng thuốc này.

Tránh dùng phối hợp với các thuốc an thần, các thuốc chống trầm cảm, thuốc ngủ, thuốc giảm đau… Nguyên nhân là do tác dụng ức chế thần kinh trung ương có thể tăng lên khi dùng phối hợp các thuốc này.

Cách bảo quản

  • Bảo quản thuốc ở nơi khô ráo, thoáng mát.
  • Nhiệt độ bảo quản không quá 30°C, tránh ánh sáng trực tiếp.
  • Để thuốc xa tầm tay trẻ em.
  • Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.

Qua bài viết này, YouMed đã giúp bạn trả lời cho câu hỏi Lexomil (Bromazepam) là thuốc gì, công dụng, cách dùng và những điều cần chú ý khi sử dụng. Trong quá trình sử dụng thuốc, nếu có xảy ra bất cứ tác dụng phụ nào hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn hướng giải quyết tốt nhất!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Bromazepamhttps://www.mims.com/malaysia/drug/info/bromazepam?mtype=generic

    Ngày tham khảo: 06/06/2021

  2. Dùng bromazepam trị mất ngủ, lưu ý gì?https://suckhoedoisong.vn/dung-bromazepam-tri-mat-ngu-luu-y-gi-n144175.html

    Ngày tham khảo: 06/06/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người