Loại virus HPV nào có nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung?
Nội dung bài viết
Có nhiều yếu tố liên quan liên quan đến ung thư. Bao gồm di truyền, hút thuốc lá, thói quen ăn uống. Nhưng hầu hết ung thư cổ tử cung chủ yếu do lây truyền virus HPV qua đường tình dục. Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta có thể ngăn ngừa hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung. Bằng cách phòng ngừa nhiễm HPV thông qua tiêm chủng và quan hệ tình dục an toàn.
Có phải virus HPV 6, 11, 16 và 18 dễ gây ra ung thư cổ tử cung?
HPV sống trong các tế bào mỏng và phẳng trong cơ thể. Được gọi là tế bào biểu mô. Một số loại HPV gây ra mụn cóc ở bàn tay hoặc bàn chân. Có khoảng 40 loại HPV khác xâm nhập vào cơ thể khi quan hệ tình dục. Tuy nhiên, không phải tất cả 40 loại HPV này lây truyền qua đường tình dục đều gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho người.
Nhóm HPV nguy cơ cao gây ra ung thư cổ tử cung: 16 và 18
Các chủng HPV nguy cơ cao bao gồm HPV số 16 và 18. Chúng là nguyên nhân chính gây ra khoảng 70% trường hợp ung thư cổ tử cung. Các loại virus HPV có nguy cơ cao khác thường gặp bao gồm 31, 33, 45, 52, 58… Virus HPV chủng số 16 có nhiều khả năng tồn tại và tiến triển thành ung thư hơn các loại HPV nguy cơ cao khác.
Hơn 90% ca nhiễm HPV mới bao gồm những trường hợp do các chủng HPV nguy cơ cao gây ra. Nhưng thường không thể phát hiện được trong vòng 2 năm và sự thải trừ virus có thể xảy ra trong 6 tháng đầu sau khi nhiễm bệnh. Nhiễm HPV nguy cơ cao kéo dài là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất đối với các bệnh lý ung thư liên quan đến HPV.
Tuổi trung bình khi chẩn đoán ung thư cổ tử cung là 50. Nhưng ung thư có thể xảy ra sớm nhất lúc 20 tuổi. Ung thư cổ tử cung xếp hạng thứ tư trong số nhưng bệnh lí ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ trên toàn cầu. Với ước tính khoảng 570.000 ca mắc mới trong năm 2018. Gần 90% trong số 311.000 ca tử vong trên toàn thế giới trong năm 2018 ở những nước có thu nhập trung bình thấp.
Hơn nữa, việc sử dụng xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung ngày càng tăng để sàng lọc và điều trị tiền ung thư trước khi chúng tiến triển thành ung thư trong những thập kỷ qua đã làm giảm tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư cổ tử cung.
Nhóm HPV nguy cơ thấp gây ra ung thư cổ tử cung: 6 và 11
Các chủng HPV nguy cơ thấp như HPV số 6 và 11, gây ra khoảng 90% trường hợp có mụn cóc sinh dục. Và hiếm khi phát triển thành ung thư. Những cục u này có thể trông giống như những mảng sưng phồng có hình dạng giống như bông cải. Các mụn cóc có thể xuất hiện vài tuần hoặc vài tháng sau khi bạn quan hệ tình dục với bạn tình bị nhiễm bệnh.
HPV lây truyền như thế nào?
HPV là một loại virus rất dễ lây lan khi tiếp xúc trực tiếp với da của người mang mầm bệnh. Ngoài ra, nó có thể lây nhiễm qua đường miệng, trực tràng, hậu môn và bộ phận sinh dục của nam và nữ. Bao gồm vùng da trên dương vật hoặc âm hộ (khu vực xung quanh âm đạo). Hay bề mặt niêm mạc của âm đạo và cổ tử cung.
HPV là một trong những tác nhân gây bệnh lây nhiễm qua đường tình dục phổ biến. Có tới 75% trường hợp đã quan hệ tình dục sẽ bị nhiễm virus HPV ít nhất một lần trong đời. HPV có thể lây cho người khác ngay cả khi người bệnh không có triệu chứng gì.
Bất cứ ai từng quan hệ tình dục đều có khả năng bị nhiễm HPV. Ngay cả khi bạn chỉ có một bạn tình. Những triệu chứng có thể xuất hiện muộn hơn. Thường khoảng vài năm sau khi quan hệ tình dục với người bị nhiễm bệnh. Do đó rất khó để biết bạn bị nhiễm bệnh lần đầu vào lúc nào.
Hiếm khi phụ nữ mang thai bị nhiễm HPV sinh dục có thể truyền HPV cho con khi sinh qua đường âm đạo. Những em bé này có thể bị nhiễm HPV ở miệng, thanh quản hoặc vòm họng.
Bị nhiễm HPV phải làm sao?
Hầu hết các ca bệnh nhiễm HPV là thoáng qua và không có triệu chứng. Do đó, không cần điều trị đối với các trường hợp này. Vì người bệnh có thể tự khỏi.
Nhưng nếu virus HPV không tự biến mất và gây ra vấn đề sức khỏe, bác sĩ có thể điều trị các triệu chứng của nhiễm trùng. Chúng có thể bao gồm mụn cóc sinh dục gây ra bởi các chủng virus HPV nguy cơ thấp (thường không dẫn đến ung thư) và những thay đổi tiền ung thư liên quan đến một số chủng virus HPV nguy cơ cao.
Nhiễm HPV và không có triệu chứng
Bạn có thể không cần điều trị. Nghĩa là ít nhất bạn không cần điều trị ngay lập tức. Nếu bạn bị nhiễm HPV, bác sĩ sẽ muốn đảm bảo rằng cơ thể bạn không đang tiến triển bất kỳ vấn đề nào từ nó. Chẳng hạn như dấu hiệu của tiền ung thư hay ung thư.
Nếu bạn là phụ nữ, bác sĩ có thể lấy tế bào từ cổ tử cung của bạn làm xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung (PAP). Thông qua mẫu tế bào này, có thể phân tích để tìm loại HPV. Tuy nhiên, không có xét nghiệm nào tương tự cho các chủng HPV gây ung thư ở nam giới.
Nếu phát hiện bạn nhiễm loại HPV có thể dẫn đến ung thư, bác sĩ có thể đề nghị bạn làm xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung thường xuyên hơn. Mục đích là để theo dõi sự thay đổi tế bào bất thường ở cổ tử cung. Sự thay đổi tế bào bất thường ở cổ tử cung có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư cổ tử cung. Ngoài ra, có những phương pháp khác như soi cổ tử để quan sát kỹ cổ tử cung, âm đạo và âm hộ và lấy mẫu mô sinh thiết nếu cần.
Nếu bạn đang mang thai, hãy thông báo với bác sĩ trước khi bắt đầu điều trị HPV. Bởi vì điều này có thể ảnh hưởng đến thai kỳ của bạn. Bác sĩ của bạn có thể cân nhắc việc trì hoãn điều trị cho đến khi bạn sinh con xong.
Tổn thương mụn cóc sinh dục do virus HPV
Mụn cóc sinh dục có thể xuất hiện ở:
- Cổ tử cung.
- Âm hộ.
- Bìu.
- Bẹn.
- Đùi.
- Hậu môn.
- Dương vật.
Virus HPV chủng số 6 và số 11, liên quan đến mụn cóc sinh dục, có xu hướng phát triển trong khoảng 6 tháng. Nhưng sau đó sẽ ổn định dần. Đôi khi, mụn cóc sinh dục có thể biến mất mà không cần phải điều trị.
Nếu sau khi bác sĩ thăm khám và đề nghị điều trị, một loại kem thoa ở vùng da có mụn cóc sẽ được kê đơn để bạn có thể sử dụng tại nhà. Thời gian sử dụng thuốc có thể dao động khoảng 4 tuần.
Nghiên cứu cho thấy khoảng 45% đến 90% mụn cóc sẽ khỏi hoàn toàn. Nhưng đôi khi mụn cóc có thể xuất hiện trở lại. Bên cạnh thuốc thoa ngoài da, bác sĩ cũng có thể chỉ định các loại phương pháp điều trị loại bỏ mụn cóc khác. Bằng cách dùng dụng cụ đốt mụn cóc bằng tia laser, thuốc đặc trị hay phẫu thuật.
Mụn cóc nhỏ dễ điều trị hơn mụn cóc lớn
Nói chung, mụn cóc nhỏ dễ điều trị hơn mụn cóc lớn. Mụn cóc trên bề mặt vùng da ẩm đạt hiệu quả tốt hơn với các phương pháp điều trị. Nếu so sánh với mụn cóc trên bề mặt vùng da khô hơn. Nếu mụn cóc không biến mất sau nhiều lần điều trị, bác sĩ có thể chỉ định thêm các xét nghiệm để tìm những nguyên nhân khác.
Chương trình kiểm soát toàn diện ung thư cổ tử cung đang được triển khai ở nhiều quốc gia. Bao gồm phòng ngừa ban đầu như tiêm chủng văc-xin HPV. Sau đó là điều trị các tổn thương tiền ung thư.
Những tổn thương này có thể phát hiện khi tầm soát với xét nghiệm phết tế bào tử cung. Cuối cùng là mục tiêu phát hiện càng sớm càng tốt ung thư cổ tử cung giai đoạn xâm lấn để kịp thời điều trị và chăm sóc giảm nhẹ. Bằng cách chích ngừa và khám phụ khoa định kì, nữ giới có thể bảo về cơ thể khỏi ung thư cổ tử cung.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
HPVhttps://www.webmd.com/sexual-conditions/hpv-genital-warts/hpv-virus-information-about-human-papillomavirus
Ngày tham khảo: 19/01/2021
-
Human papillomavirus (HPV) and cervical cancerhttps://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/human-papillomavirus-(hpv)-and-cervical-cancer
Ngày tham khảo: 19/01/2021