Xét nghiệm PAP là gì và quy trình xét nghiệm PAP smear như thế nào?
Nội dung bài viết
Ung thư cổ tử cung luôn là căn bệnh nữ giới quan tâm. Việc kiểm tra tầm soát bệnh lý sớm sẽ giúp nâng cao hiệu quả của các liệu pháp điều trị. Một trong những phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung phổ biến ngày nay là xét nghiệm PAP. Vậy, xét nghiệm PAP là gì? Ai cần thực hiện xét nghiệm này? Và khi xét nghiệm cần lưu ý điều gì? Bài viết sau đây của Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Lê Nam sẽ giải đáp những vấn đề trên.
Xét nghiệm PAP là gì?
Xét nghiệm PAP (hay xét nghiệm Papanicolaou) là một phương pháp để kiểm tra bệnh ung thư cổ tử cung ở nữ giới. Đồng thời, xét nghiệm này còn phát hiện và chỉ ra những bất thường trong tế bào cổ tử cung mà có nguy cơ phát triển thành ung thư sau này.1
Các xét nghiệm PAP
Xét nghiệm PAP smear là gì?
Xét nghiệm PAP smear là loại xét nghiệm thường được nghĩ đến khi nhắc tới xét nghiệm PAP. Xét nghiệm PAP smear còn được gọi là xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung, xét nghiệm PAP’s, xét nghiệm phiến đồ pap mỏng. Đây là loại xét nghiệm PAP thông thường.
Đây là một phương pháp để kiểm tra ung thư cổ tử cung bằng cách thu thập các tế bào ở cổ tử cung của phụ nữ. Các tế bào này sau đó sẽ được phết trên lam kính mỏng và kiểm tra dưới kính hiển vi để phát hiện những bất thường.2
Xét nghiệm Liquid Base PAP
Liquid Base PAP cũng là một trong những xét nghiệm PAP thông dụng. Nhiều người thường gọi xét nghiệm này với tên: xét nghiệm PAP Liquid.
Trong xét nghiệm Liquid base PAP, các tế bào sau khi được thu thập từ cổ tử cung sẽ đặt trong một hộp nhỏ chứa chất lỏng đặc biệt. Sau đó, hỗn hợp này sẽ được xử lý qua máy để trở thành tiêu bản và được kiểm tra dưới kính hiển vi để xem các tế bào có bất thường hay không.3
Một trong những loại xét nghiệm Liquid base PAP thường được sử dụng là Thinprep PAP (thường được nhiều người gọi là xét nghiệm Thinprep PAP test).
Trong Thinprep PAP, thay vì phết các mẫu thử đã thu thập được từ cổ tử cung trên một lam kính để làm tiêu bản như PAP smear, mẫu thử của PAP Thinprep sẽ được cho vào loại chất lỏng định hình được đặt trong lọ ThinPrep. Sau đó, lọ hỗn hợp này sẽ được chuyển tới phòng thí nghiệm và xử lý thành tiêu bản bằng máy ThinPrep.4
Phương pháp Thinprep Pap có một số ưu/khuyết điểm sau:4 5
- Ưu điểm: giúp loại bỏ các chất như máu và chất nhầy, các chất này thường che khuất các tế bào trong xét nghiệm Pap smear truyền thống. Từ đó, tỷ lệ phát hiện các tế bào bất thường sẽ tăng lên.
- Khuyết điểm: Phương pháp này có chi phí cao do tăng chi phí phát sinh từ chất lỏng và chi phí vận hành máy móc tiếp tục.
Vì sao cần làm xét nghiệm PAP?
Xét nghiệm PAP có thể giúp bác sĩ trong quá trình phát hiện:6
- Bệnh ung thư cổ tử cung ở nữ giới.
- Các tế bào tiền ung thư có thể phát triển thành ung thư cổ tử cung sau này.
- Virus u nhú ở người (HPV), một bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung.
Khi các tế bào trong cổ tử cung biến đổi bất thường và phát triển ngoài tầm kiểm soát sẽ gây ra ung thư cổ tử cung ở nữ giới. Ung thư cổ tử cung có thể ảnh hưởng đến các mô sâu hơn của cổ tử cung. Đồng thời, nó có thể di căn sang các bộ phận khác của cơ thể như phổi, gan, bàng quang, âm đạo và trực tràng.7
Nhiễm trùng HPV là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh ung thư cổ tử cung. HPV là một loại virus phổ biến truyền từ người này sang người khác trong hoạt động tình dục và nó thường không gây ra triệu chứng. HPV xâm nhập vào các tế bào cổ tử cung và có thể khiến chúng thay đổi.8
Vì thế, việc xét nghiệm PAP là cần thiết để kiểm tra sớm các bệnh lý trên và có liệu pháp điều trị thích hợp.
Đối tượng cần thực hiện xét nghiệm PAP
Xét nghiệm PAP thường được khuyến cáo thực hiện với nữ giới từ 21 tuổi.2 6
Khi nào cần thực hiện xét nghiệm PAP?
Thời điểm thực hiện xét nghiệm PAP sẽ tùy thuộc vào độ tuổi, tiền sử sức khỏe và những kết quả xét nghiệm PAP và HPV gần nhất của phụ nữ.6 8
Bạn đọc có thể tham khảo thời điểm và tần suất thực hiện PAP trong bảng dưới đây:6 8
Thời điểm | Tần suất |
Dưới 21 tuổi | Không khuyến khích thực hiện, dù đã có quan hệ tình dục hay không. Tuy nhiên, những người đã quan hệ tình dục nên kiểm tra các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục hằng năm. |
Từ 21 đến 29 tuổi | Nên thực hiện xét nghiệm PAP 3 năm 1 lần. |
Từ 30 đến 65 tuổi | Nên thực hiện 3 năm 1 lần nếu chỉ làm xét nghiệm PAP.
Nên thực hiện 5 năm 1 lần nếu làm đồng loạt xét nghiệm PAP và xét nghiệm HPV. |
Từ 65 tuổi trở lên | Nếu có kết quả PAP bình thường trong 3 lần xét nghiệm liên tiếp thì có thể ngừng thực hiện. |
Nữ giới cũng có thể được chỉ định xét nghiệm PAP thường xuyên hơn hoặc trên tuổi 65 nếu có các yếu tố sau:2 6
- Tiếp xúc với diethylstilbestrol (DES) khi còn trong bụng mẹ. Đây là loại thuốc làm tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung.
- Người dương tính với HIV/AIDS.
- Người đã cấy ghép nội tạng có hệ miễn dịch suy yếu do cấy ghép nội tạng. Người trị liệu bằng hóa trị hoặc sử dụng corticosteroid mãn tính.
- Phụ nữ hút thuốc hoặc đã từng hút thuốc.
- Người mắc ung thư cổ tử cung và đang điều trị.
Chuẩn bị cho xét nghiệm Pap như thế nào?
Để đảm kết quả xét nghiệm PAP có độ chính xác cao, phụ nữ nên thực hiện những lưu ý sau đây:2 6 9
- Tránh quan hệ tình dục, thụt rửa âm đạo trong 2 ngày trước xét nghiệm. Không sử dụng băng vệ sinh, bất kỳ loại thuốc/kem bôi âm đạo, các loại kem/bọt diệt tinh trùng, ngừa thai trong 24 đến 48 giờ trước khi xét nghiệm. Nguyên nhân là vì các yếu tố này có thể rửa trôi hoặc che đi các tế bào bất thường có trong cổ tử cung.
- Nên tính toán và tránh thực hiện xét nghiệm PAP khi đang trong kỳ kinh nguyệt.
- Trong quá trình thực hiện xét nghiệm, nên bình tĩnh và hít thở sâu.
- Thông thường, thai phụ có thể xét nghiệm PAP trong 24 tuần đầu của thai kỳ. Sau đó, nếu có nhu cầu làm xét nghiệm PAP, các mẹ nên đợi đến 12 tuần sau khi sinh để tăng độ chính xác của kết quả.
Quy trình xét nghiệm PAP smear như thế nào?
Quy trình xét nghiệm PAP smear của phụ nữ diễn ra lần lượt như sau:2 6
- Đối tượng xét nghiệm có thể được yêu cầu cởi tất cả quần áo hoặc chỉ để trần từ vị trí thắt lưng trở xuống. Họ sẽ nằm ngửa trên bàn xét nghiệm và cong đầu gối, các gót chân sẽ được một dụng cụ gọi là kiềng giữ lại.
- Tiếp theo, bác sĩ sẽ chèn một mỏ vịt vào âm đạo. Mỏ vịt là một dụng cụ bằng kim loại hoặc nhựa. Nó giúp giữ âm đạo mở ra để bác sĩ có thể nhìn thấy cổ tử cung. Đối tượng xét nghiệm sẽ có thể cảm thấy khó chịu và căng nhẹ.
- Sau đó, bác sĩ sẽ sử dụng một bàn chải nhỏ hoặc thìa nhỏ để cạo nhẹ các tế bào trong cổ tử cung.
Sau khi xét nghiệm PAP
Sau khi hoàn thành xét nghiệm, phụ nữ có thể đi lại trong ngày mà không gặp khó khăn nào.2
Tùy thuộc vào loại xét nghiệm PAP, bác sĩ sẽ chuyển mẫu thu được từ cổ tử cung vào một hộp chứa dung dịch đặc biệt (xét nghiệm Pap bằng chất lỏng) hoặc lên lam kính (PAP smear).2
Các mẫu sẽ được đưa đến phòng thí nghiệm. Lúc này, bác sĩ sẽ kiểm tra và tìm các thay đổi khác thường trong tế bào dưới kính hiển vi. Chúng có thể là dấu hiệu của tiền ung thư cổ tử cung hoặc ung thư cổ tử cung.2
Xét nghiệm PAP Smear bao lâu có kết quả?
Trong xét nghiệm PAP Smear, việc lấy mẫu từ cổ tử cung chỉ mất vài phút. Kết quả có thể được trả sau 3 tuần làm xét nghiệm. Khi trả kết quả, bác sĩ sẽ cho biết lần xét nghiệm PAP tiếp theo là khi nào, hoặc bạn có cần làm thêm xét nghiệm nào không.6
Cách đọc chỉ số xét nghiệm PAP
Kết quả bình thường2
Kết quả bình thường (âm tính) có nghĩa là không tìm thấy đặc điểm khác thường trong các tế bào cổ tử cung của nữ giới. Điều này đồng nghĩa với việc đối tượng xét nghiệm không có dấu hiệu của tiền ung thư hoặc ung thư cổ tử cung. Và họ sẽ không cần xét nghiệm hoặc điều trị gì khác cho đến lần xét nghiệm PAP tiếp theo.
Kết quả bất thường2
Nếu các tế bào bất thường được phát hiện trong quá trình xét nghiệm Pap smear, thì kết quả được xem là bất thường (dương tính). Tuy nhiên, kết quả dương tính không có nghĩa đối tượng xét nghiệm mắc ung thư cổ tử cung. Ý nghĩa của kết quả này phải dựa vào loại tế bào bất thường được phát hiện:
Tế bào vảy không điển hình có ý nghĩa không xác định (ASCUS)
Đây là các tế bào vảy mỏng, phẳng, phát triển trên bề mặt cổ tử cung khỏe mạnh. Trong trường hợp ASCUS, xét nghiệm PAP cho thấy các tế bào vảy hơi bất thường, nhưng những bất thường này không đại diện cho tiền ung thư cổ tử cung.
Với xét nghiệm dựa trên chất lỏng, bác sĩ sẽ phân tích lại mẫu thử để kiểm tra có các loại virus thúc đẩy sự phát triển của ung thư hay không. (VD: virus HPV).
Nếu không có các virus gây nguy cơ cao thì các tế bào bất thường được tìm lúc đầu không đáng lo ngại. Ngược lại, nếu có các virus thì bác sĩ có thể chỉ định thêm những xét nghiệm khác.
Tổn thương dạng vảy trong biểu mô
Trong trường hợp này, các tế bào thu thập được từ xét nghiệm PAP có thể là tiền ung thư cổ tử cung.
Nếu các đặc điểm khác thường ở mức độ thấp thì tiền ung thư có thể mất nhiều năm nữa mới phát triển thành ung thư.
Nếu các điểm khác thường này ở mức cao, khả năng lớn thời gian tiền ung thư phát triển thành ung thư sẽ ngắn hơn nhiều.
Tế bào tuyến không điển hình
Kết quả các tế bào tuyến không điển hình có thể bất thường, nhưng điều này không thể khẳng định là đã mắc ung thư cổ tử cung. Cần phải kiểm tra thêm để xác định nguồn gốc của các tế bào bất thường và ý nghĩa của chúng.
Ung thư tế bào vảy hoặc tế bào ung thư biểu mô tuyến
Với kết quả này, bác sĩ gần như chắc chắn đối tượng xét nghiệm đã mắc ung thư cổ tử cung.
Ung thư tế bào vảy là tình trạng ung thư phát triển trong các tế bào bề mặt phẳng của âm đạo hoặc cổ tử cung. Ung thư biểu mô tuyến là bệnh ung thư phát sinh trong các tế bào tuyến. Nếu các tế bào trên được tìm thấy, bác sĩ sẽ đề nghị tiến hành đánh giá.
Nếu xét nghiệm PAP cho kết quả bất thường, bác sĩ có thể thực hiện soi cổ tử cung để kiểm tra các mô cổ tử cung, âm đạo và âm hộ.
Lưu ý khi thực hiện xét nghiệm PAP
Xét nghiệm PAP có đau không?6
Xét nghiệm PAP không gây đau nhưng có thể làm phụ nữ khó chịu. Ngoài ra, có trường hợp chảy máu nhẹ sau xét nghiệm, nhưng nó không gây đau hay chuột rút. Hãy báo ngay cho bác sĩ nếu bạn cảm thấy khó chịu trong hơn vài phút hoặc nếu tình trạng chảy máu kéo dài hơn 24 giờ sau xét nghiệm.
Chưa quan hệ có xét nghiệm PAP được không?6 10
Hoạt động tình dục không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra ung thư cổ tử cung. Vì thế, ngay cả khi chưa quan hệ, bạn vẫn nên xét nghiệm PAP nếu trên 21 tuổi. Việc xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung được khuyến khích thực hiện đối với tất cả phụ nữ, bất kể tiền sử tình dục ra sao.
Những sai lầm thường gặp khi xét nghiệm PAP
Không thực hiện xét nghiệm PAP thường xuyên
Xét nghiệm PAP có thể phát hiện tiền ung thư hoặc ung thư cổ tử cung. Việc xét nghiệm PAP sớm và thường xuyên, đúng tần suất sẽ giúp chẩn đoán bệnh sớm và có cách bước điều trị kịp thời. Vì thế, mọi phụ nữ nên thực hiện xét nghiệm PAP theo tần suất được khuyến nghị nhé.
Hoạt động tình dục đường âm đạo, thụt rửa trong 24 đến 48 giờ trước khi xét nghiệm
Những hành động trên có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm bằng cách rửa trôi những tế bào bất thường trong cổ tử cung.2
Thực hiện xét nghiệm khi đang trong kỳ kinh nguyệt
Tương tự như việc sinh hoạt tình dục và thụt rửa, kỳ kinh nguyệt có thể làm thay đổi kết quả xét nghiệm, Vì thế, phụ nữ nên tránh đặt lịch xét nghiệm trong những ngày đèn đỏ.2
Không quan tâm hoặc không nói với bác sĩ kết quả bất thường ở lần xét nghiệm trước
Nếu xét nghiệm PAP cho kết quả bất thường, bạn đừng quá lo lắng mà hãy báo ngay với bác sĩ hoặc tuân theo các chỉ định điều trị của bác sĩ. Bởi lẽ nếu bệnh tình được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ tránh được nguy hiểm và biến chứng về sau. Tùy vào tình trạng mà bác sĩ sẽ có liệu trình điều trị phù hợp.
Bạn cũng nên báo cho bác sĩ biết bạn đã từng thực hiện xét nghiệm PAP lần nào chưa và kết quả có gì bất thường không. Bạn sĩ sẽ cần kết hợp kết quả từng lần xét nghiệm để đưa ra những chẩn đoán chính xác.
Xét nghiệm PAP ở đâu? Giá bao nhiêu?
Hiện nay, nhu cầu tầm soát ung thư cổ tử cung của phụ nữ nâng cao. Vì thế, dịch vụ xét nghiệm PAP cũng đã có mặt tại nhiều đơn vị y tế trên cả nước. Điều này đôi khi làm phụ nữ bâng khuâng, không biết phải nên thực hiện xét nghiệm PAP ở đâu? Xét nghiệm PAP giá bao nhiêu? Giá giữa các đơn vị có chênh lệch nhiều không?
Để bạn đọc dễ dàng hơn trong việc lựa chọn cơ sở xét nghiệm và tham khảo giá, YouMed đã nêu những chi tiết đánh giá sự uy tín của một cơ sở xét nghiệm, cũng như tổng kết một số đơn vị có dịch vụ xét nghiệm PAP kèm theo bảng giá trong bài viết Xét nghiệm PAP giá bao nhiêu và thực hiện ở đâu?. Độc giả có thể tham khảo thêm nhé!
Qua bài viết trên, hy vọng đã cung cấp thêm nhiều thông tin hữu ích cho bạn đọc về xét nghiệm PAP. Việc kiểm tra tầm soát ung thư cổ tử cung là cần thiết với bất kỳ phụ nữ nào. Vì thế, bạn đọc nữ nên thực hiện xét nghiệm PAP đúng theo tần suất được khuyến nghị nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Pap Smearhttps://www.webmd.com/women/guide/pap-smear
Ngày tham khảo: 17/11/2022
-
Pap smearhttps://www.mayoclinic.org/tests-procedures/pap-smear/about/pac-20394841
Ngày tham khảo: 17/11/2022
-
Liquid-based Pap testhttps://www.cancer.gov/publications/dictionaries/cancer-terms/def/liquid-based-pap-test
Ngày tham khảo: 17/11/2022
-
Definition of thinprep PAP testhttps://www.rxlist.com/thinprep_pap_test/definition.htm
Ngày tham khảo: 17/11/2022
-
Pap Technologyhttps://www.webmd.com/women/features/pap-technology
Ngày tham khảo: 17/11/2022
-
Pap Smearhttps://my.clevelandclinic.org/health/diagnostics/4267-pap-smear
Ngày tham khảo: 17/11/2022
-
Cervical Cancerhttps://www.webmd.com/cancer/cervical-cancer/cervical-cancer
Ngày tham khảo: 17/11/2022
-
An update on Pap testshttps://www.mayoclinichealthsystem.org/hometown-health/speaking-of-health/too-embarrassed-to-ask-an-update-on-pap-tests
Ngày tham khảo: 17/11/2022
-
Pap Smear (Pap Test): What to Expecthttps://www.healthline.com/health/pap-smear
Ngày tham khảo: 17/11/2022
-
Pap smear: Do I need one if I'm a virgin?https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/pap-smear/expert-answers/pap-smear/faq-20057782
Ngày tham khảo: 17/11/2022