YouMed

Dấu hiệu mang thai ngoài tử cung, mức độ nguy hiểm và hướng chữa trị

bác sĩ lê mai thùy linh
Tác giả: Bác sĩ Lê Mai Thùy Linh
Chuyên khoa: Đa khoa

Mang thai ngoài tử cung là tình trạng thai không làm tổ trong buồng tử cung. Mang thai ngoài tử cung có thể gây biến chứng đặc biệt nghiêm trọng như vỡ vòi trứng gây mất máu nhiều, thậm chí đe dọa tính mạng. Ở giai đoạn sớm, thai ngoài tử cung đôi khi có triệu chứng như một thai kì bình thường và rất khó để nhận biết.

Do đó mọi phụ nữ nên có kiến thức về những thay đổi của cơ thể trong thai kì, đặc biệt các triệu chứng của thai ngoài tử cung.

Thai ngoài tử cung là gì?

Mỗi chu kì, buồng trứng sẽ giải phóng một trứng và được loa vòi “bắt giữ” đưa đến vòi trứng (hay ống dẫn trứng). Thai kì bắt đầu khi trứng gặp tinh trùng và được thụ tinh. Trứng đã được thụ tinh, tạo thành phôi trong những ngày đầu sẽ di chuyển đến tử cung và vùi bào lớp nội mạc tử cung để làm tổ. Phôi thai sẽ tiếp tục phát triển trong lòng tử cung cho đến khi em bé được sinh ra .

Nguồn ảnh: hoc247.net

Hiện tương thai ngoài tử cung xảy ra khi một trứng đã thụ tinh lại làm tổ và phát triển ở ngoài buồng tử cung. Hơn 95% thai ngoài tử cung có vị trí làm tổ là ở vòi trứng.  

Ngoài ra, thai ngoài tử cung còn có thể làm tổ ở những vị trí khác của cơ thể, như buồng trứng, cổ tử cung, trong dây chằng treo tử cung, trong ổ bụng và cả ở sẹo mổ cũ (có thể là sẹo mổ lấy thai cũ, sẹo phẫu thuật khác trên thân tử cung,…).

vi tri thai ngoai tu cung
Các vị trí có thể xảy ra thai ngoài tử cung. Thường gặp nhất là ở ống dẫn trứng (vòi trứng). Nguồn ảnh: tudu.com.vn

Mang thai ngoài tử cung có nguy hiểm không?

Với thai ngoài tử cung, phôi thai không thể trưởng thành bình thường do không đủ chỗ trống và nhau thai không thể phát triển. Nghiêm trọng hơn, nếu không điều trị, khi khối thai to ra có thể gây vỡ vòi trứng. Vỡ thai ngoài tử cung gây chảy máu rất nghiêm trọng và có thể đe dọa tính mạng người mẹ. 

Thai ngoài tử cung ở vòi trứng có thể diễn tiến theo một trong ba hướng như sau:

1. Vỡ vòi trứng gây chảy máu vào ổ bụng

Khi khối thai phát triển lớn, nó ăn mòn các mạch máu của vòi trứng, làm cho đoạn vòi trứng căng phồng ra. Đến khi khối thai lớn hơn sẽ làm vỡ vòi trứng và các mạch máu, gây chảy máu vào ổ bụng. Đây là tình trạng nặng – có thể đe dọa tính mạng do mất quá nhiều máu và cần được phẫu thuật ngay lập tức. 

Nguồn ảnh: omicsonline.org

2. Thai ngoài tử cung tự ngưng phát triển 

Các khối thai nhỏ, các tế bào nuôi thai không phát triển, sự cung cấp máu đến khối thai giảm dần, khối thai sẽ tự ngưng phát triển. Trường hợp này, bệnh nhân có thể được theo dõi cho đến khi khối thai ngưng phát triển hoàn toàn mà không cần điều trị gì. 

3. Sẩy khối thai qua loa vòi vào trong ổ bụng

Vì khối thai làm tổ sai vị trí nên dễ bị bong ra gây sẩy khối thai và chảy máu.

  • Nếu chỉ chảy máu nhẹ gây ứ máu trong vòi trứng, khối thai sẽ tự tiêu đi.
  • Nếu khối thai chảy máu nhiều hơn sẽ gây đọng máu trong các khoang ổ bụng tạo thành các khối máu tụ.
  • Nguy hiểm nhất, khối thai sẩy gây chảy máu ồ ạt khắp ổ bụng. 

Thai ngoài tử cung không thể tự di chuyển vào tử cung, cũng như không có cách nào di chuyển khối thai này vào tử cung. Hơn nữa, nếu không điều trị, thai ngoài tử cung vỡ có thể nguy hiểm tính mạng, do đó khối thai phải luôn được điều trị. 

Dấu hiệu của thai ngoài tử cung

Đầu tiên, các triệu chứng của thai ngoài tử cung có thể giống như những thai kì bình thường khác như trễ kinh, căng tức ngực hay buồn nôn. Những triệu chứng khác bao gồm: 

  • Ra máu âm đạo bất thường.
  • Đau vùng bụng dưới và đau lưng.
  • Căng tức vùng bụng một bên.

Ở giai đoạn này, có thể khó để biết những cảm giác của bạn là do thai ngoài tử cung hay là một thai kì bình thường. Nếu bạn trễ kinh, có chảy máu âm đạo bất thường và đau vùng bụng dưới hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám. 

Khi một khối thai ngoài tử cung phát triển to ra, triệu chứng sẽ trầm trọng hơn, đặc biệt là khi khối thai vỡ làm vòi trứng vỡ theo. Các triệu chứng đó là: 

  • Đau bụng hay vùng chậu đột ngột, dữ dội.
  • Đau vai.
  • Mệt mỏi, chóng mặt, xanh xao.

Một thai ngoài tử cung vỡ có thể đe dọa tính mạng do mất nhiều máu. Nếu bạn đột ngột có những triệu chứng trên, hãy đến phòng cấp cứu. 

dau hieu mang thai ngoai tu cung
Đột ngột đau bụng, đau vai, vã mồ hôi chóng mặt là những dấu hiệu nguy hiểm cần đến cấp cứu ngay.  (Nguồn ảnh: wikihow.com)

Thai ngoài tử cung được điều trị như thế nào?

Tùy diễn tiến của thai ngoài tử cung, thường có ba cách điều trị thai ngoài tử cung: 

  • Điều trị bằng thuốc;
  • Phẫu thuật
  • Theo dõi diễn tiến. 

Nếu khối thai ngoài tử cung đã vỡ và/hoặc gây các biến chứng như chảy máu trong ổ bụng thì phẫu thuật cấp cứu là bắt buộc để cứu tính mạng của người mẹ.

Nếu khối thai ngoài tử cung chưa vỡ, có các trường hợp sau (chỉ mang tính tham khảo):

  • Thai to, có nguy cơ vỡ: ưu tiên lựa chọn phương pháp phẫu thuật. 
  • Khối thai nhỏ, chưa vỡ nhưng không tự thoái triển: có thể điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật.
  • Khối thai tự thoái triển: có thể theo dõi đến khi khối thai tự thoái triển hoàn toàn. 

Tốt hơn hết, hãy trao đổi với bác sĩ về lợi và hại của từng phương pháp, mong muốn của bản thân và tiến triển của bệnh để được tư vấn chọn lựa phương pháp điều trị phù hợp nhất. 

Phát hiện sớm thai ngoài tử cung trước là cách tốt nhất để tránh các biến chứng đe dọa tính mạng của bệnh cũng như có nhiều sự lựa chọn hơn trong điều trị. Nếu có những dấu hiệu thường gặp của thai ngoài tử cung như trễ kinh, ra máu âm đạo bất thường và đau bụng dưới, hãy đến gặp bác sĩ Sản phụ khoa để được thăm khám và tư vấn.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Nguyễn Chí Quang (2018), “Thai ngoài tử cung”, Bài giảng Tín chỉ Sản Khoa, Đại học Y dược TPHCM.

  2. Etopic Pregnancy https://www.acog.org/womens-health/faqs/ectopic-pregnancy

    Ngày tham khảo: 22/10/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người