YouMed

Mang thai sau sinh mổ: Những điều cần lưu ý

Bác sĩ NGUYỄN QUANG HIẾU
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Quang Hiếu
Chuyên khoa: Ngoại tổng quát

Hầu như các thai phụ đã từng sinh mổ lần đầu đều có rất nhiều thắc mắc, lo lắng về vấn đề mang thai lần thứ hai. Những thắc mắc phổ biến trong trường hợp này đều là về những biến chứng với thai nhi hay lo lắng về súc khỏe. Bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ cung cấp kiến thức cần thiết dành cho các thai phụ đang có ý định mang thai sau sinh mổ.

1. Sẹo sau sinh mổ bao lâu mới lành?

  • Các thai phụ và người nhà chỉ nhìn thấy vết mổ ngoài da. Vết mổ ấy sẽ lành nhanh chóng trong vòng 7-14 ngày nếu không bị nhiễm trùng. Tuy nhiên, vấn đề phẫu thuật không chỉ có thế. Vết mổ xẻ ở thân thân tử cung mất thời gian lâu hơn để lành.
  • Thời gian lành thông thường của các cơ quan phẫu thuật là 4-6 tuần. Của tử cung cũng tương tự. Nó sẽ lành trong khoảng thời gian 3 tháng. Tuy nhiên, ta còn có vấn đề sau mổ. Chúng bao gồm dây dính sau mổ và độ vững chắc của tủ cung.

Có hai vấn đề thường gặp khi lành vết thương sau phẫu thuật:

1.1 Về dây dính

  • Cơ thể sẽ hình thành các “sẹo” dạng sợi. Khi phẫu thuật, máu chảy ra từ vết thương sau đó sẽ đông lại. Mất khoảng 7 ngày để những phần máu này được cơ thể hấp thụ lại và tiêu hủy. Tuy nhiên, phần dây dính đôi khi trở thành cầu nối để hình thành các mô sẹo. Các mô sẹo sẽ bám vào các sợi tơ huyết, hình thành các sẹo dạng sợi, gây dây dính các cơ quan trong ổ bụng.
  • Thường gặp nhất là dây dính đại tràng, bàng quang, phần phụ, niệu quản.

1.2. Sẹo ở tử cung

  • Tử cung là ột cơ quan bao gồm các hệ thống mô cơ phức tạp. Sẹo lành là mô sẹo, bản chất là collagen, không phải bản chất là cơ.
  • Chính vì vậy, dù cơ thể có liền sẹo và lành tốt đến mấy thì độ bền chắc của tử cung cũng không thể như cũ. Độ co giãn và chịu lực của tư cung, sự trương nở của phần cơ tử cung có thể không đảm bảo cho việc mang thai lần 2.
  • Điều đó còn tùy thuộc vào lúc mổ, bác sĩ sẽ rạch ngang phần cổ hay rạch dọc thân tử cung để lấy thai.
mang thai sau sinh mổ
Thường sản phụ chỉ chú ý vế lành da bên ngoài mà không biết rằng sự lành của tử cung cần thời gian lâu hơn

2. Sinh mổ sau bao lâu thì nên mang thai lại?

Theo các hiệp hội sinH sản trên thế giới, Như hội sinh sản Mỹ (ACOOC) hay châu Âu (RCOOC), để đảm bảo an toàn sau khi sinh mổ, phụ nữ nên chờ từ 18-23 tháng mới nên có thai lại.

>> Một trong những quyết định quan trọng mà bắt buộc mẹ phải chọn lựa đó là sinh thường hay sinh mổ. Vậy có nên sinh mổ không? Tìm hiểu ngay!

Rất nhiều nguyên nhân để cần từ 18-23 tháng mới nên có thai lại như:

  • Thời điểm đó là độ giãn cách phù hợp để độ lành của tử cung đạt sự vững chắc trước khi có thai mới.
  • Những vết phẫu thuật ở bụng hay những vết rạch trong cổ tử cung và thành bụng cũng cần thời gian để lành lại
  • Bên cạnh đó thời gian này các mẹ đang rất yếu vì vừa sinh mổ và lại đang phải nuôi con nhỏ. 
  • Việc mất máu trong khi sinh mổ cũng khá nhiều. Vì vậy các mẹ cần nhiều thời gian để máu được phục hồi và lấy lại sức khỏe tốt nhất
  • Việc lấy lại khoái cảm sau khi sinh mổ cũng cần nhiều thời gian hơn sinh thường. 
  • Các nguy cơ biến chứng ở thai nhi và trọng lượng thai nhi thấp cũng sẽ xảy ra nếu người mẹ có thai quá vội vàng sau khi sinh mổ.
  • Việc nuôi con bằng sữa mẹ cũng là một phương pháp ngừa thai tự nhiên. Nên khả năng đậu thai trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn là rất khó xảy ra.

Sau sinh mổ, bạn nên đợi sau 2 năm đẻ mổ lần đầu tiên thì mới nên có thai lại nhé. Có rất nhiều lý do để bạn cần giữ khoảng cách tối thiểu giữa 2 lần sinh là như vậy. Nếu không đảm bảo được khoảng thời gian này, sản phụ và thai nhi sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng đến cả tính mạng.

3. Các nguy cơ khi mang thai quá sớm sau sinh mổ

Việc có thai quá sớm sau khi sinh mổ sẽ khiến thai phụ phải đứng trước những rủi ro gây nguy hiểm đến sức khỏe của cả sản phụ và thai nhi.

mang thai sau sinh mổ
Điều quan trọng không phải vết mổ ở da mà vết mổ ở thân tử cung. Điều này bác sĩ phẫu thuật cần lưu ý với sản phụ sau mổ

3.1. Đối với mẹ

Bục (bung) vết sẹo mổ cũ:
  • Bục vết sẹo mổ cũ là nguy cơ phổ biến nhất ở sản phụ đã từng sinh mổ.
  • Trên thực tế, vết sẹo sinh mổ cũ ở trên tử cung sẽ tiếp tục được củng cố, ngày càng dày lên. Tuy nhiên, thai ngày càng to khiến áp lực mà tử cung phải chịu ngày một lớn hơn.
  • Đặc biệt là khi cơ co chuyển dạ tự nhiên xuất hiện hoặc khi rặn để sinh thường. Việc vết sẹo mổ cũ bị bục sẽ gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé, thậm chí cả tử vong.
  • Do đó, nếu đã có sinh mổ, bạn cần phải khám bác sĩ chuyên khoa thường xuyên để đảm bảo nguy cơ có thể xảy ra
Nhau bám vào vết sẹo mổ cũ:
  • Đây là một dạng thai ngoài tử cung rất nguy hiểm.
  • Có hai trường hợp:
  • Dạng 1: Thai làm tổ ở vết mổ cũ và phát triển ngay trên vết mổ. Ở giai đoạn sớm gây chảy máu nặng và phải hủy thai. Nếu thai tiếp tục phát triển, nhau thai có thể gây hiện tượng nhau bám thấp hoặc nhau cài răng lược. 
  • Dạng 2: Nhau thai cấy sâu vào cơ và lớp mô sợi ở tử cung tại vết mổ cũ. Thậm chí có trường hợp, xuyên thủng tử cung xâm lấn vào hố chậu gây chảy máu dữ dội dẫn đến tử vong.
  • Cả hai trường hợp đều tác động trực tiếp vào các cơ quan bên trong gây chảy nhiều máu khiến sản phụ tử vong.
sinh thường sau sinh mổ
Các cấp độ của nhau cài răng lược
Dây dính cơ quan lân cận:
  • Như đã nói, dây dính thường xảy ra sau phẫu thuật. Những dây dính có thể dính vào bàng quang, ruột, niệu quản, phần phụ.
  • Khi chuyển dạ, nếu phải phẫu thuật lần nữa, rất khó khăn để đi vào lại vết mổ cũ. Đôi khi việc cắt bỏ dây dính rất khó khăn, mất máu sau mổ và dây dính tái lại, thời gian mổ sẽ kéo dài hơn.

3.2. Đối với thai nhi

Không chỉ người mẹ có thể gặp nguy hiểm khi mang thai quá sớm sau sinh mổ mà chính đứa trẻ cũng có nhiều nguy cơ, biến chứng cao.

Các nguy cơ thường thấy:
  • Nguy cơ sinh non rất cao.
  • Trẻ sẽ kém phát triển hơn.
  • Đặc biệt nếu gặp trường hợp nhau tiền đạo cài răng lược còn gây tình trạng mất máu, thậm chí dẫn đến tử vong.

>> Khi ra đời càng sớm, trẻ càng gặp nhiều vấn đề về sức khỏe. Vậy rốt cuộc thì trẻ sinh non sẽ đối diện với những nguy cơ nào? Tìm hiểu ngay tại đây!

4. Nếu đã “lỡ” mang thai sau sinh mổ quá sớm, bạn cần làm gì?

  • Khi đã sinh mổ, mà “lỡ” mang thai thì cần lưu ý gì? Khi đã có từ “lỡ” tức là việc mang thai này đã ngoài ý muốn. Thường điều đầu tiên là việc hoang mang và lo lắng về thai kì. Bên cạnh đó là sức khỏe, kinh tế và thực tế đặt ra là có đảm bảo cho một thai kì an toàn hay không?
  • Trong trường hợp bạn “lỡ” mang thai sau khi sinh mổ thì cũng không nên quá hoang mang và lo lắng. Những trường hợp đặc biệt mà việc giữ lại thai là không tốt cho sức khỏe của người mẹ thì việc quyết định “giữ” hay không đều dựa vào lựa chọn của bản thân sản phụ và gia đình.
  • Thay vì lo lắng, thai phụ nên tham khảo một vài lưu ý sau đây để có quá trình mang thai thật an toàn.

Các lưu ý:

  • Tiến hành khám sức khỏe sớm ngay khi phát hiện có thai. Nhờ đó có thể đánh giá các nguy cơ có thể xảy ra cho cả mẹ và bé
  • Nếu tuổi thai trên 12 tuần thì nên giữ thai lại vì việc phá thai hay hút thai ở trường hợp này đều có nguy cơ cao. Như đã nói ở phần nguy cơ trên, nguy cơ bục vết mổ và vỡ tử cung là rất cao. 
  • Khám định kỳ thường xuyên và nên trao đổi với các bác sĩ ngay nếu thấy xuất hiện những dấu hiệu khác lạ đối với cơ thể
  • Trong 3 tháng cuối của thai kỳ thì nguy cơ bung vết mổ hoàn toàn có thể xảy ra. Vì thế sản phụ cần đặc biệt chú ý trong giai đoạn này.

5. Những dấu hiệu cảnh báo cần phải nhập viện ngay

Những nguy cơ mà sản phụ phải đối mặt khi mang thai sớm sau sinh mổ là tương đối nhiều. Do đó, các sản phụ cần đặc biệt chú ý khi cơ thể có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào.

Một số dấu hiệu cần lưu ý:

1. Ra máu âm đạo
  • Nếu thấy xuất hiện máu ở âm đạo trong bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ thì sản phụ cũng phải đến các cơ sở y tế. Sự giúp đỡ của bác sĩ là điều tối cần thiết. 
  • Tình trạng xuất huyết âm đạo xuất hiện trong giai đoạn đầu của thai kỳ là dấu hiệu của bất thường về nhau. Qua đó, đây là dấu hiệu dọa sảy, sảy hoặc đẻ non.
2. Ra nước ối 
  • Khi phát hiện dịch âm đạo ra nhiều hơn bình thường. Đôi khi có mùi tanh nồng và hơi nhớt thì đó là dấu hiệu của việc rỉ ối hay vỡ ối sớm. Thậm chí nước ối đã nhiễm trùng, trắng đục, như mủ.
  • Hiện tượng này có thể dẫn đến nguy cơ sinh non, sa nhau, bong nhau non.
  • Nguy hiểm hơn là gây nhiễm trùng cho thai nhi và sản phụ.
3. Đau bất thường vùng tử cung và bụng dưới
  • Nếu sản phụ có các cơn đơn đột ngột dữ dội, co thành chu kỳ và diễn ra liên tục thì cần đến ngay bệnh viện để theo dõi.
  • Đây thường là dấu hiệu dọa sinh non. Cơ thể đang tìm cách tống thai ra ngoài vì có bất thường cơn co tử cung.
4. Thai máy ít hoặc không có thai máy
  • Vào giai đoạn thai ở tuần thứ 20 thì mẹ nên theo dõi các cử động của thai nhi.
  • Trung bình số cử động của thai nhi vào khoảng 10 lần trong 2 giờ.
  • Nếu số cử động dưới con số đó thì đó có thể là dấu hiệu nguy hiểm nên mẹ cần đến viện ngay để kiểm tra. Có thể thai đã chết và lưu trong tử cung. Nếu không kiểm tra giải quyết sớm, sẽ gây nhiễm trùng, thậm chí tử vong cho mẹ.
mang thai sau sinh mổ
Thường ở lần mang thai sau, mẹ sẽ ít cảm nhận thai máy hơn. Tuy nhiên cần chú ý các cử động của thai để theo dõi thai được tốt nhất
5. Các dấu hiệu bất thường khác của thai phụ

Bên cạnh các dấu hiệu kể trên nếu thai phụ có những triệu chứng đột ngột khác cũng cần theo dõi. Ví dụ như sốt cao trên 38 độ, ngất xỉu, khó thở, đau tức ngực và đầu, co giật,.. thì cũng cần đến ngay bệnh viện để có những can thiệp kịp thời.

6. Điều cần ghi nhớ để có một thai kỳ an toàn sau sinh mổ

Việc mang thai sau sinh mổ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác, sức khỏe của người mẹ. Vì vậy, trước khi quyết định mang bầu tiếp bạn nên có cuộc kiểm tra sức khỏe định kỳ. Qua đó, để biết cơ thể cần bổ sung gì và chuẩn bị tâm lý tốt nhất trước khi chào đón em bé mới.

>> Nhấn vào đây để đọc ngay bài viết của Bác sĩ để biết cách có một thai kỳ khỏe mạnh nhé!

Liệu tôi có thể sinh thường sau lần sinh mổ trước đó?

Khi đảm bảo đủ an toàn, điều đó là hoàn toàn có thể. Khi đả bảo được sức khỏe mẹ, sức khỏe thai kì, và thai cũng như các yếu tố nguy cơ ko có thì hoàn toàn có khả năng sinh qua ngả âm đạo.

Vì vậy, cũng như các lời khuyên ở trên, cần những điều kiện thích hợp để có thai. Bạn cũng cần lo lắng về kinh tế đảm bảo, cũng như sức khỏe để chuẩn bị cho thai kì tiếp theo. Gia đình cũng cần có những chuẩn bị nhất định về tâm lý và phản ứng trong tình huống khó khăn của thai kì.

Bác sĩ Nguyễn Quang Hiếu

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  • https://www.webmd.com/baby/news/20040114/c-section-may-affect-future-fertility#1
  • https://healthcare.utah.edu/womenshealth/pregnancy-birth/multiple-c-sections.php
  • Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người