Mang thai tuần 16: Một số lời khuyên hữu ích cho mẹ
Nội dung bài viết
Mẹ đã trải qua khoảng 2 tuần kể từ tam cá nguyệt thứ hai. Bác sĩ có thể sẽ hẹn mẹ tái khám định kỳ vào tuần thai 18-22 để kiểm tra sức khỏe mẹ và siêu âm hình thái em bé. Khi mang thai tuần 16, bé sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ quan. Vì bé càng lớn nên tuần hoàn máu mẹ tăng lên. Điều này đôi khi sẽ gây ra một số vấn đề khó chịu cho mẹ như: giãn tĩnh mạch ở chân, thường xuyên nghẹt mũi, v.v. Mẹ hãy tham khảo những lời khuyên để giảm bớt đi những khó chịu khi mang thai trong bài viết của Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Lê Nam nhé!
Cơ thể người mẹ thay đổi như thế nào khi mang thai tuần 16?
Tử cung đang tiếp tục phát triển và giờ đây có thể nặng khoảng 250 gram. Nhau thai cũng đang phát triển và cơ thể bạn đang sản xuất thêm nước ối giúp bảo vệ em bé trong thai kỳ.
Khi bạn mang thai, lượng máu tăng 30-50%, dẫn đến lưu thông máu qua cơ thể nhiều hơn. Sự gia tăng lưu thông máu này sẽ làm khuôn mặt bạn sáng hơn. Đồng thời, sự gia tăng nội tiết tố trong cơ thể cũng làm cho da bạn đổ dầu quá mức. Nếu da bạn trở nên quá nhờn, bạn có thể sử dụng sữa rửa mặt và sử dụng các loại mỹ phẩm dành cho da dầu để da không bị bí và thoải mái hơn.
Em bé phát triển như thế nào khi mang thai tuần 16?
Khi mang thai tuần 16, vào cuối tuần này em bé của bạn xấp xỉ dài khoảng 13,5 cm và nặng khoảng 0,07 kg. Em bé đang chuẩn bị cho một sự bứt phá tăng trưởng trong vài tuần tới. Đầu của bé hiện đang cứng hơn so với những tuần trước.
Tai và mắt cũng đã di chuyển đến vị trí cân đối, nhìn đã giống một em bé thật sự. Tuy nhiên, đôi mắt bé vẫn còn rất nhạy cảm với ánh sáng. Các hệ thống xương và thần kinh đã liên kết với nhau tạo ra những sự chuyển động của các chi và cơ thể. Hệ thống xương tiếp tục phát triển nhờ có nhiều canxi lắng đọng trên xương.
Nếu thai nhi là một bé gái, hàng triệu quả trứng đang hình thành trong buồng trứng của bé ở tuần này. Ngoài ra, cơ mặt bé hiện đã phát triển gần như hoàn thiện. Bé đã bắt đầu biết biểu cảm trên khuôn mặt như nhăn nhó, cau mày, nheo mắt,.. Tuy nhiên, những cử động này hoàn toàn vô thức với bé.
Một điều đặc biệt hơn, và chắc hẳn bạn không thể cảm nhận được điều đó, rằng em bé của bạn có thể thường xuyên bị nấc cụt. Nấc cụt thường phát triển trước khi bé bắt đầu tập thở bằng phổi. Bởi vì giờ đây khí quản (đường thở từ khoang miệng xuống phối) của bé chứa đầy chất lỏng thay vì đáng lẽ là không khí.
Mẹ cần chú ý gì khi mang thai tuần 16?
Ngăn ngừa giãn tĩnh mạch
Trên thực tế, tuần hoàn mạch máu trong cơ thể mẹ sẽ phát triển để hỗ trợ cho thai nhi trong quá trình mang thai. Tuy nhiên, tình trạng này mang lại tác dụng phụ không mong muốn. Đó chính là chứng giãn tĩnh mạch.
Giãn tĩnh mạch khi mang thai thường phổ biến. Do lưu lượng máu tăng lên trong thai kỳ, các mạch máu sẽ giãn ra hơn so với bình thường. Đồng thời, máu chảy từ chân đến xương chậu của bạn có thể bị chậm lại. Sự kết hợp này làm cho các van tĩnh mạch ở chân bị yếu, dẫn đến giãn tĩnh mạch.
Giãn tĩnh mạch có thể không gây ra triệu chứng gì. Tuy nhiên, một số phụ nữ sẽ cảm thấy đau chân, khó chịu, đôi khi đi kèm cảm giác nóng rát. Một điều đáng mừng là chứng giãn tĩnh mạch sẽ giảm đi sau khi sinh.
Để phòng ngừa giãn tĩnh mạch, đặc biệt nếu tình trạng này gây khó chịu cho bạn. Hãy thử áp dụng những biện pháp sau:
- Bạn nên tránh đứng lâu trong thời gian dài. Ngoài ra, không nên ngồi bắt chéo đùi. Bởi vì tư thế này sẽ làm chậm quá trình tuần hoàn, làm trầm trọng hơn chứng giãn tĩnh mạch.
- Hãy tạo ra thói quen nâng cao chân: Khi bạn ngồi, hãy đặt chân lên một chiếc ghế khác hoặc ghế đẩu. Nếu bạn nằm xuống, hãy nâng chân và bàn chân lên gối.
- Tập thể dục thường xuyên sẽ giúp bạn tăng tuần hoàn máu.
- Mang vớ hỗ trợ hoặc vớ nén trong ngày: Những đôi vớ này giúp cải thiện lưu thông ở chân. Bạn có thể mua nó tiệm hoặc trung tâm bán dụng cụ y khoa, hoặc các hiệu thuốc lớn. Bạn có thể hỏi bác sĩ về loại vớ này nếu không chắc chắn về sự lựa chọn.
- Nên mặc quần áo rộng xung quanh đùi và eo: Vớ và quần áo bó sát ở cẳng chân là tốt. Tuy nhiên đừng nên mặc quần áo bó ở đùi và eo. Bởi vì nó có thể cản trở tuần hoàn máu ở chân và làm suy giãn tĩnh mạch.
Đối phó với nghẹt mũi
Nghẹt mũi là một trong những vấn đề phổ biến mẹ bầu hay gặp trong thai kỳ. Tình trạng này thường xuyên xảy ra ngay cả khi mẹ không bị cảm lạnh hay bị dị ứng. Một số phụ nữ còn có thể kèm theo chảy máu cam thường xuyên hơn. Điều này là do sự tăng lưu lượng trong cơ thể bạn tăng lên khi mang thai.
Khi niêm mạc mũi và đường thở của bạn sưng lên, đường thở co lại. Niêm mạc mũi cũng trở nên mềm hơn và dễ bị chảy máu. Nghẹt mũi là tình trạng phổ biến trong thai kỳ, nhưng đôi khi nó lại gây khó chịu cho người mẹ.
Ngoài ra, trong khi mang thai, mẹ không nên dùng thuốc nếu không có chỉ định của bác sỹ. Nếu tình trạng nghẹt mũi khiến bạn có chịu, hãy áp dụng các biện pháp sau đây:
- Sử dụng máy tạo độ ẩm trong nhà để làm lỏng dịch tiết mũi.
- Rửa mũi bằng nước muối sinh lý NaCl 0,9% giúp làm thoáng và làm sạch lỗ mũi.
- Khi ngủ bạn có thể nằm gối cao kê cao đầu sẽ giúp giảm nghẹt mũi.
Khi bạn có nghi ngờ mình viêm đường hô hấp như: sốt, ho, chảy mũi, nghẹt mũi, mệt mỏi, khó thở, v.v. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào. Bởi vì bác sĩ sẽ biết loại thuốc nào là an toàn cho mẹ bầu.
Hãy nhớ bổ sung chất xơ
Hầu hết các chất xơ không có giá trị dinh dưỡng. Tuy nhiên nó được coi là một thực phẩm chức năng. Chất xơ có tác dụng nhuận tràng, kích thích ruột già hoạt động, tăng khả năng tiêu hóa. Đồng thời cũng là tác nhân tham gia loại thải các sản phẩm oxi hóa, các chất độc hại trong thực phẩm ra khỏi cơ thể. Điều này giúp làm giảm được nguy cơ về các bệnh ung thư đại tràng, ruột kết.
Ngoài ra chất xơ còn có tác dụng giảm lượng cholesterol trong máu, giảm các bệnh tim mạch, điều hòa đường huyết và làm giảm đậm độ năng lượng trong khẩu phần ăn.
Với phụ nữ có thai, chất xơ giúp giảm táo bón, giảm ốm nghén và giúp ăn ngon miệng hơn. Chất xơ có nhiều trong rau, hoa quả, ngũ cốc (nhất là các loại hạt toàn phần), khoai củ.
>> Xem thêm: Thực phẩm giàu chất xơ cho bà bầu
Một số lời khuyên về dinh dưỡng cho thai kỳ?
Sữa, phô mai, yaourt, loại nào là tốt cho mẹ bầu?
Giai đoạn 3 tháng giữa của thai kỳ là giai đoạn phát triển về khung xương, chiều cao của trẻ. Vì thế người mẹ cần chú ý ăn các thực phẩm giàu canxi, kẽm như: tôm, cua, trứng, sữa, thủy sản. Cần bảo đảm cung cấp đủ can xi 1200 mg/ngày. Vì thế ngoài chế độ ăn thông thường, mẹ cần uống thêm 6 đơn vị sữa/ngày.
Ở bài viết Mang thai tuần 14 chúng ta đã đề cập đến bổ sung sữa, phô mai, yaourt như thế nào là đủ cho nhu cầu canxi mỗi ngày. Vậy chọn loại sữa, phô mai, yaourt nào là là tốt nhất cho mẹ bầu?
Lựa chọn sữa
Người mẹ có thể lựa chọn sữa tươi hoặc sữa bột dành cho phụ nữ có thai. Trong các giai đoạn này, nhu cầu các vi chất dinh dưỡng đều tăng cao hơn so với bình thường. Vì vậy khi lựa chọn sữa cần chú ý hàm lượng canxi và các vi chất dinh dưỡng bổ sung. Ngoài ra, người mẹ nên lựa chọn những sản phẩm đã được chứng minh là đủ dinh dưỡng cho bà bầu.
Đối với những người mẹ đang tăng cân quá nhiều, béo phì trước khi mang thai hoặc được chẩn đoán có đái tháo đường thai kỳ cần lưu ý về hàm lượng đường và chất béo trong sữa. Với phụ nữ không dung nạp đường lactose có thể tập uống sữa với lượng tăng dần hoặc thay thế bằng sữa chua và phô mai.
Lựa chọn sữa chua
Sữa chua là một thực phẩm rất tốt trong chế độ ăn hàng ngày của phụ nữ có thai. Đặc biệt trong thời kỳ có thai, bà mẹ có thể bị nghén gây chán ăn. Sữa chua có các chủng vi khuẩn có lợi cho đường ruột, giúp tiêu hóa thức ăn tốt hơn và ăn ngon miệng hơn. Đặc biệt sữa chua rất phù hợp cho những người không dung nạp đường lactose. Bạn nên chọn sữa và sữa chua ít đường hoặc không đường.
Đặc biệt, không nên ăn sữa chua vào lúc đói dễ bị cồn ruột và các vi khuẩn có ích trong sữa chua dễ bị chết bởi độ acid cao trong dạ dày làm giảm tác dụng của các vi khuẩn có lợi. Lưu ý, sữa chua và sữa thanh trùng cần được bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.
Lựa chọn phô mai
Phô mai có đậm độ chất dinh dưỡng cao trong 1 thể tích nhỏ. Điều này rất có lợi cho những bà mẹ bị nghén khi mang thai. Bà mẹ có thể ăn phô mai trực tiếp hoặc dùng phô mai để chế biến nhiều món ăn khác nhau để thay đổi khẩu vị và chất lượng món ăn như phô mai chiên với trứng, cá hồi sốt phô mai, súp rau củ phô mai.
Đồ ăn, thức uống nên hạn chế cho mẹ bầu?
Không nên dùng các loại đồ uống chứa chất kích thích như rượu, cà phê, thuốc lá, nước chè đặc. Giảm ăn các loại gia vị như ớt, hạt tiêu, tỏi. Giảm ăn mặn, nhất là đối với những người mẹ có phù, tăng huyết áp hoặc bị nhiễm độc thai nghén để tránh tai biến khi đẻ.
Phụ nữ có thai không nên chỉ ăn một vài loại thức ăn hoặc ăn quá nhiều thức ăn chua hoặc cay,… Vì dễ gây thiếu dinh dưỡng cho cả mẹ và thai nhi. Bữa ăn cần đa dạng với nhiều loại thực phẩm khác nhau (nên có ít nhất 10 loại thực phẩm/1 bữa chính).
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn đọc, đặt biệt là các mẹ bầu những thông tin cần thiết về mang thai tuần 16. Ở tuần thứ 17, các móng tay và chân của bé bắt đầu hình thành và còn nhiều sự phát triển khác. Mẹ cũng sẽ có nhiều sự thay đổi hơn. Hãy xem một số lời khuyên cho tuần 17 để mang trở nên dễ dàng hơn mẹ nhé!
>> Xem thêm: Dinh dưỡng khi mang thai như thế nào cho hợp lý?
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Mayoclinic (2018), Chapter 7 Month 4: Weeks 13 to 16. Guide to a Healthy Pregnancy, Second Edition.
-
Pregnancy Week 16https://americanpregnancy.org/week-by-week/16-weeks-pregnant/
Ngày tham khảo: 07/05/2020
-
Week-by-week guide to pregnancyhttps://www.nhs.uk/start4life/pregnancy/week-by-week/2nd-trimester/week-16/
Ngày tham khảo: 07/05/2020