Mang thai tuần 29: Sự hy sinh thầm lặng của mẹ
Nội dung bài viết
Khi mang thai được 29 tuần, em bé của bạn đang tiếp tục tăng cân với lượng mỡ và cơ được bổ sung. Cơ thể bé đang tăng cường phát triển xương của mình. Trong khi đó, mẹ có thể cảm thấy mệt mỏi hơn và bác sĩ có thể khuyên bạn tăng lượng sắt và canxi.
1. Sự phát triển của thai 29 tuần
Ở thời điểm này, hầu như toàn bộ các bộ phận cơ quan của bé đã đầy đủ về số lượng, hình dạng. Từ da, lông, tóc, móng đến ngũ tạng lục phủ đều đã khá tương tự người trưởng thành. Trong suốt thai kỳ còn lại, những hệ cơ quan này sẽ to dần lên, cũng như mang càng lúc càng nhiều chức năng hơn.
Bằng chứng cho việc này là cân nặng của bé tăng nhanh chóng. Kể cả cân nặng của bạn cũng vậy. Mỗi tuần bạn có thể tăng 0.5kg.
Ngược lại với sự to lớn nhanh chóng của thai nhi, tử cung gần như đã phình căng tới những giới hạn cuối cùng. Điều này khiến cho dây rốn của mẹ bị trẻ chèn ép.
Dây rốn vốn là cơ quan cung cấp máu, oxy, chất dinh dưỡng, cũng như đưa các chất đào thải ra ngoài. Dây rốn của bé sẽ thông thương, trao đổi chất với cơ thể người mẹ qua bánh nhau.
Liệu khi dây rốn bị chèn ép thì trẻ sẽ bị thiếu máu đến nuôi dưỡng?
Việc này sẽ không xảy ra. Trong dây rốn có một lớp dịch đàn hồi, làm cho luôn có một không gian nhất định để trao đổi chất với thai nhi. Việc dây rốn bị đè xẹp thường xuất hiện khi bị đè ép giữa 2 vật cứng. Ví dụ điển hình cho vấn đề này là khi dây rốn bị kẹp giữa xương sọ của thai nhi và xương mu của mẹ trong bệnh lý sa dây rốn.
Não của trẻ
Khi mẹ mang thai tuần 29, trẻ đã xuất hiện các nếp nhăn não, khác biệt so với tuần 25, 26 trước đó. Các tế bào thần kinh của trẻ ngày càng phát triển (phân nhánh nhiều hơn). Việc trẻ cử động, phối hợp các thao tác giúp tiến trình này diễn ra nhanh chóng hơn.
2. Ảnh hưởng của thai nhi lên mẹ như thế nào?
Chân không yên
Là cảm giác bứt rứt, tê ở chân, đặc biệt là về ban đêm, khi đang ngủ. Triệu chứng chân không yên giảm khi cử động, đi lại. Cũng chính vì vậy mà người mẹ sẽ bị mất ngủ. Người ta đặt nghi ngờ là do một hoạt chất trong não tên Dopamin bị suy giảm gây ra. Hoạt chất này thiếu hụt do cơ thể thiếu sắt. Sắt có nhiều trong thịt đỏ (thịt heo, bò) và rau xanh (cải, xà lách).
Để cải thiện triệu chứng này:
Cần ăn uống đầy đủ sắt, cụ thể là các loại rau có màu xanh đậm; thịt heo, bò; các loại ngũ cốc, đậu (đậu xanh, đậu nành, hạt điều…); sinh tố, nước ép mận.
Thực hiện một số biện pháp giúp dễ ngủ, chẳng hạn:
- Làm mát bằng quạt, hay tốt hơn là máy lạnh.
- Giữ yên tĩnh tối đa.
- Tắt hết đèn.
- Không xem ti vi hay laptop, điện thoại di động trong 2 tiếng trước ngủ.
- Chơi một số trò chơi vận dụng trí tuệ như Sodoku, giải mã ô chữ.
Đau nhói ở sau lưng và chân
Điều này xảy ra do dây thần kinh toạ của mẹ bị chèn ép.
Thực tế, tử cung căng to như thế nào cũng không chèn ép dây thần kinh toạ được. Chính thần kinh toạ của bệnh nhân đã bị chèn ép (thoái hoá đốt sống, gai đốt sống…) từ trước. Đến khi mang thai, cụ thể là khi tử cung căng to như hiện tại thì mức độ chèn ép sẽ trở nên nặng nề hơn. Triệu chứng bắt đầu xuất hiện hoặc đau nhiều hơn lúc chưa có thai.
Để giảm triệu chứng:
- Chườm ấm vùng lưng thấp (gần mông).
- Massage lưng.
- Thực hiện những bài tập yoga làm tăng sức mạnh cơ bắp vùng lưng.
- Tư thế đứng phải thẳng, mang giày phải thoải mái. Tốt nhất là mang các loại giày đặc chế cho bệnh nhân.
Vú tự chảy sữa
Một số phụ nữ có thể xuất hiện tình trạng này trước sinh. Yếu tố khởi phát việc chảy sữa chủ yếu là do massage và quan hệ tình dục. Hầu hết là do nguyên nhân sinh lý gây ra hiện tượng này. Nguyên nhân là do vú đã chuẩn bị rất đầy đủ trong việc chế tiết sữa và cho con bú mà thôi.
Tuy nhiên, với các trường hợp vú chảy máu hoặc sờ thấy u gồ bất thường thì bạn nên thăm khám bác sĩ chuyên khoa sản phụ để được tư vấn tốt nhất.
Đau căng cứng ở lưng
Ở giai đoạn này thai nhi quá to dẫn đến trọng tâm của cơ thể mẹ hướng về phía trước. Nếu không có thai thì trọng tâm vốn nằm ở cột sống thắt lưng.
Việc người mẹ sử dụng cơ vùng lưng quá nhiều để giữ thăng bằng (không té về phía trước) có thể gây ra đau căng ở lưng.
Để cải thiện việc này:
- Luôn luôn gập 2 gối và ngồi xuống, giữ thẳng lưng để nâng vật gì đó; không cong lưng bạn nhé.
- Nếu cần di chuyển một vật nặng (cố gắng hạn chế tối đa các công việc như vậy) thì bạn nên đẩy chứ không nên thực hiện thao tác kéo.
3. Việc ăn uống của bạn
Như đã nói ở tháng thứ 7 thai kỳ (tuần 25 – 28) thì chế độ ăn cho từng thai phụ cụ thể nên tuân theo hướng dẫn của bác sĩ. Nó sẽ thay đổi theo thể chất mẹ và nhu cầu của con lúc bấy giờ.
Mang thai ở tháng thứ 8 hay mang thai tuần 29 này cũng vậy. Có một số điều cần lưu ý.
Nên ăn thật nhiều đạm – nhưng cũng nên ăn thật nhiều rau củ quả
Đạm hay protein giúp đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển của trẻ, cũng như tăng cường sức khoẻ của mẹ. Protein nằm trong thịt, cá, trứng, phô mai, ngũ cốc và các loại đậu.
Bên cạnh đó thì mẹ phải ăn kèm theo nhiều loại rau củ quả… Các vi chất cũng như chất xơ vừa cung cấp dinh dưỡng vừa giúp hạn chế việc táo bón, đầy hơi ở mẹ.
Ăn nhiều bữa
Bạn nên ăn 5 – 7 bữa ăn một ngày. Đừng hiểu lầm, 5 – 7 bữa ăn có nghĩa là bạn chia thức ăn của 3 bữa (sáng – trưa – chiều) thành 5 – 7 bữa. Tổng lượng thức ăn mỗi ngày vẫn vậy nhưng được chia thành nhiều bữa ăn hơn. Điều này giúp cải thiện khẩu vị bữa ăn cho bạn khi mang thai tuần 29.
Thật sự không có một công thức cụ thể về việc lựa chọn thức ăn nào vào buổi nào. Nguyên tắc đơn giản nhất được biết đến là ăn nhiều đạm, dưỡng chất vào buổi sáng để giữ tinh thần minh mẫn cũng như hạn chế ăn tinh bột vào buổi đêm, khuya… Vì vậy, khi đói, bạn hãy cứ ăn, nhưng chỉ được ăn 1/2 bữa bình thường thôi nhé.
Tăng cường hệ miễn dịch
Những nghiên cứu cho thấy việt quất có thể làm tăng cường sức đề kháng cơ thể, chống lại vi trùng có hại. Việt quất cũng nằm trong 40 thực phẩm hàng đầu có thể chống lão hoá cơ thể. Trái việt quất có nhiều chất xơ, giúp cải thiện tình trạng táo bón ở phụ nữ có thai.
Bổ sung probiotic – men vi sinh
Nhiều loại men vi sinh tốt cho việc tiêu hoá thức ăn. Vốn dĩ phụ nữ có thai thường có cảm giác khó tiêu (ợ chua, ợ hơi, táo bón).
Những loại thực phẩm chứa nhiều men vi sinh là: yogurt (sữa chua), tương miso (có nguồn gốc từ Nhật Bản), nước trái cây và các sản phẩm từ đậu nành.
Tuy nhiên, nếu lạm dụng thì có thể gây hậu quả ngược như tiêu chảy, rối loạn vi khuẩn đường ruột.
Mang thai tuần 29 tức chỉ còn hơn 2 tháng nữa là tới thời gian sinh nở. Nhiều mối lo toan sẽ xuất hiện cùng với những sự khó chịu, mệt mỏi. Nguy cơ sinh non, vỡ ối nên được các bà mẹ chú ý kể từ bây giờ. Đây là sự hy sinh lớn lao của người mẹ để tạo động lực cho con mình trưởng thành.
>> Bạn có thắc mắc có những gì đặc biệt khi mang thai ở tuần thai 30? Tìm hiểu tại: Mang thai tuần thứ 30: Những thay đổi của mẹ và bé.