Mang thai tuần 34: Những điều mẹ cần biết
Nội dung bài viết
Xin chúc mừng, bạn và bé đã đi đến tuần 34 của thai kì. Có lẽ bạn sẽ nghĩ thời gian qua thật dài tựa như 1000 tuần, tuy nhiên chỉ còn tầm khoảng 4 – 6 tuần nữa bạn sẽ chào đón sự ra đời bé. Và ở tuần này bạn và bé có những sự thay đổi gì. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn một số thông tin về mang thai ở tuần thứ 34 – mẹ và bé thay đổi như thế nào.
1. Sự thay đổi trong cơ thể của mẹ
Khi bé tiếp tục phát triển, chắc hẳn bạn sẽ nhận thấy phần bụng của mình sẽ càng ngày càng nặng thêm. Trong khoảng thời gian này trung bình bạn sẽ tăng khoảng từ 0,5 kg đến 1 kg.
Có thể bạn cũng sẽ thấy bản thân nặng nề hơn do giữ nước. Dù nghe có vẻ trái ngược, nhưng uống nhiều nước có thể giúp bạn loại bỏ các chất và lượng dịch dư thừa khỏi cơ thể. Thêm vào đó, nước rất quan trọng cho cơ thể của mẹ và bé.
Vào thời điểm này, một số bà mẹ có thể thấy rốn mình rộng hơn. Điều này khá bình thường và không có gì đáng phải lo lắng. Nếu bạn thấy rốn của bạn trở nên nhạy cảm hơn, bạn có thể đặt một băng dán trên rốn để tránh bị kích thích.
Sự thay đổi của bé
1. Kích thước
Điều quan trọng nhất trong thời điểm này chính là bé tiếp tục phát triển một cách khỏe mạnh. Vào tuần thứ 34, bé có kích thước khoảng 44 cm và nặng khoảng 2300 gram. Với kích thước này, bé có thể bằng cỡ trái bí đỏ.
Mặt khác, em bé của bạn cũng đang tăng cân vì chất béo đang ngày càng tích trữ dưới da. Điều này không chỉ làm cho bé trông bụ bẫm, đáng yêu hơn mà những chất béo này còn giữ một vai trò quan trọng trong việc giúp bé điều chỉnh nhiệt độ cơ thể.
2. Sự phát triển của các cơ quan
Phần lớn lông tơ trên cơ thể bé đang dần biến mất. Một số lông tơ sẽ còn sau khi sinh, tuy nhiên cũng sẽ dần biến mất ngay sau đó. Trong thời gian này, đôi mắt của bé cũng đã phát triển đến mức giờ đây có thể giãn ra hoặc co nhỏ khi có kích thích của ánh sáng. Đồng thời vào tuần 34, phổi của bé cũng đã phát triển khá tốt.
3. Sự khác biệt giới tính
Nếu bạn mang thai một bé trai, thì tinh hoàn của bé đang di chuyển từ bụng xuống bìu. Khoảng từ 3-4% bé trai sinh ra đủ tháng, nhưng tinh hoàn vẫn chưa xuống tới bìu. Phần lớn ở những trẻ này tinh hoàn sẽ di chuyển xuống bìu trước 1 tuổi. Khoảng 30% những bé trai sinh không đủ tháng cũng có tinh hoàn chưa di chuyển xuống bìu (tinh hoàn ẩn).
4. Chuyển động của bé
Bởi vì bé con của bạn đang dần trở nên lớn hơn, chân của bé thường co gập vào thân. Do đó có thể bạn sẽ cảm thấy trẻ ít hoạt động hơn. Nhưng bạn sẽ chú ý đến các chuyển động rõ rệt hơn chẳng hạn như bàn chân hoặc bàn tay của bé di chuyển dọc theo bên trong bụng của bạn.
Các triệu chứng trong thai kì tuần thứ 34
Với sự tăng cân và phát triển của bé, không có gì ngạc nhiên khi bạn cảm thấy căng thẳng và nặng nề hơn. Hầu hết các bà mẹ ở tuần 34 đều có thể gặp các triệu chứng chẳng hạn như:
- Khó ngủ;
- Thường xuyên đi tiểu;
- Mệt mỏi;
- Đau thần kinh tọa;
- Hụt hơi;
- Ợ nóng và khó tiêu;
- Những cơn co thắt Braxton Hicks;
- Đau lưng, hông;
- Sưng chân và mắt cá chân;
- Táo bón.
Các triệu chứng khó chịu này có thể sẽ tiếp tục cho đến khi bạn chuyển dạ.
Những điều nên làm
1. Cố gắng nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt
Có lẽ trong giai đoạn này bạn cần nghỉ ngơi để đối phó lại những khó khăn và thách thức của thai kì đem lại. Hãy cố gắng ngủ trưa trong ngày nếu có thể. Khi bạn thức dậy, bạn nên vận động một cách chậm rãi và thoải mái. Máu của bạn có thể sẽ có xu hướng tích tụ ở tứ chi khi ngồi hoặc nằm. Nếu bạn thay đổi tư thế quá nhanh, điều này có thể khiến cho bạn cảm thấy lâng lâng hoặc thậm chí ngất.
2. Giảm ợ nóng
Chứng ợ nóng và khó tiêu có thể nhiều khả năng là do tử cung của bạn ngày càng lớn dần, đè ép vào dạ dày và các cơ quan nội tạng xung quanh. Do đó, hãy lưu ý những thực phẩm có thể gây nặng hơn tình trạng ợ nóng. Bạn có thể chia nhỏ bữa ăn bà ăn từ từ.
Khi bé di chuyển xuống phần dưới của tử cung, bạn có thể cảm thấy bớt ợ nóng hơn, do giảm áp lực lên dạ dày. Tuy nhiên, khi bé di chuyển xuống dưới lại có thể làm tăng áp lực lên bàng quang và làm cho bạn đi tiểu thường xuyên hơn.
3. Kiểm tra liên cầu khuẩn nhóm B
Bạn cũng nên lên lịch kiểm tra sàng lọc liên cầu khuẩn nhóm B (GBS). GBS được tìm thấy trong 25% phụ nữ ở tuổi trưởng thành. GBS thường được tìm thấy trong âm đạo hoặc trực tràng. Nó có thể được truyền cho em bé khi sinh. GBS không phổ biến ở trẻ sơ sinh, nhưng dù sao bạn cũng nên được kiểm tra, thường là sau tuần 34.
4. Những điều cần lưu ý
Đây là thời điểm tốt để bạn bắt đầu làm quen với quy trình sinh nở như thế nào. Đồng thời hãy tìm hiểu về những nơi cấp cứu sản khoa để phòng trường hợp cần thiết. sinh nở là chuyện không thể đoán trước một cách chắc chắn. Do đó, chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra sẽ giúp cho bạn và người thân bớt căng thẳng trong trường hợp mọi chuyện xảy ra không theo kế hoạch.
Những dấu hiệu của sinh non
Sinh non được cân nhắc khi sinh trước 38 tuần. Trong những tuần này, bạn nên đề phòng các dấu hiệu sinh non vì nếu trẻ sinh quá sớm có thể trẻ chưa được phát triển đầy đủ và có nguy cơ cao gặp các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Một số dấu hiệu sinh non bao gồm:
- Cảm giác co thắt vùng bụng nhẹ có hoặc không đi kèm tiêu chảy;
- Tăng lượng dịch âm đạo;
- Thay đổi dịch âm đạo như chảy nhiều nước hơn, máu và hoặc nhiều chất này hơn;
- Có những cơn co thắng thường xuyên hơn;
- Đau liên tục và âm ỉ ở vùng lưng dưới.
Khi nào nên gọi bác sĩ
Nếu bạn bắt đầu cảm thấy những cơn co thắt, bạn nên gọi bác sĩ để xin tư vấn hoặc thăm khám nếu cần. Nếu sinh con vào thời gian này có thể được coi là sinh non. Vào tuần 34, em bé của bạn có cơ hội rất tốt để sinh nở khở mạnh. Nếu bạn cảm thấy có những cơn co thắt, hãy theo dõi xem mỗi cơ co kéo dài khoảng bao lâu và mỗi cơn cách nhau bao nhiêu phút. Bác sĩ của bạn sẽ rất cần những thông tin này.
Nếu bạn bị chảy máu hoặc rò dịch âm đạo, đau bùng chậu nghiêm trọng, đau đầu dữ dội, bạn cũng nên đi đến bác sĩ để được thăm khám và tư vấn. Các bác sĩ sẽ muốn bạn đợi đến tuần 40 hãy sinh, để đảm bảo phổi bé đã hoạt động tốt và bé có thể tự thở được sau sinh.
Mang thai là một thiên chức thiêng liêng của người mẹ. Trong quá trình mang thai có thể bạn sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức cần phải vượt qua. Những thông tin trên đều mang tính chất tham khảo. Nếu bạn thăc mắc hãy tìm đến bác sĩ của mình để được tư vấn rõ hơn nhé.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Week 34 – your 3rd trimesterhttps://www.nhs.uk/start4life/pregnancy/week-by-week/3rd-trimester/week-34/
Ngày tham khảo: 13/08/2020
-
34 Weeks Pregnanthttps://www.whattoexpect.com/pregnancy/week-by-week/week-34.aspx
Ngày tham khảo: 13/08/2020
-
34 Weeks Pregnant: Symptoms, Tips, and Morehttps://www.healthline.com/health/pregnancy/34-weeks-pregnant#call-the-doctor
Ngày tham khảo: 13/08/2020