YouMed

Mang thai tuần 7: Cột mốc quan trọng và những lưu ý dành cho mẹ bầu

Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Phan Lê Nam
Tác giả: ThS.BS Phan Lê Nam
Chuyên khoa: Sản phụ khoa

Mang thai tuần 7 là một trong những giai đoạn đầu của tam cá nguyệt thứ nhất. Chính vì vậy, mẹ bầu cũng không nên chủ quan mà cần chú ý những hướng dẫn của bác sĩ. Mục đích là để thai nhi ổn định qua tam cá nguyệt giữa. Vậy sự phát triển của thai nhi trong thời gian này như thế nào? Cơ thể người mẹ thay đổi ra sao? Tất cả sẽ được ThS.BS Phan Lê Nam giải đáp qua bài viết sau đây.

Mang thai tuần 7: Khoảng thời gian vàng của tam cá nguyệt đầu

Khi mang thai tuần 7,  nên có sự chuẩn bị tốt cho thai kỳ. Bởi vì đây là một trong những giai đoạn khó khăn mà người mẹ phải cố gắng vượt qua. Trong khoảng thời gian này, những triệu chứng nghén sẽ thường xuyên xuất hiện khiến thai phụ cảm thấy mệt mỏi.

Mang thai tuần 7
Mang thai tuần 7

Để chuẩn bị tốt cho tuần mang thai thứ 8 (hết tháng thứ 2 của thai kỳ), người mẹ nên quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe của mình. Cần tuân thủ lời khuyên của các bác sĩ chuyên khoa Sản. Đồng thời, không nên tự ý dùng thuốc hoặc các thực phẩm chức năng nếu chưa có sự đồng ý của bác sĩ,

Lúc này, thai phụ sẽ dần cảm nhận rõ hơn sự có mặt của em bé trong bụng. Vì vậy, một số cảm giác lạ khi có thai sẽ ảnh hưởng nhất định đến cảm xúc và tâm trạng của người mẹ.

Sự phát triển của thai nhi

Khi người mẹ mang thai 7 tuần tuổi, trẻ đã có những sự phát triển rõ rệt hơn. Bàn tay và bàn chân của trẻ sẽ hình thành nên những ngón có màng. Phần cuối của xương cụt (xương đuôi) sẽ dần nhỏ lại và biến mất trong vài tuần kế tiếp.

Các tế bào thần kinh của trẻ tiếp tục phát triển, hình thành hệ thần kinh sơ khởi. Các cơ quan nội tạng trong cơ thể cũng bắt đầu phát triển. Ống thở của trẻ đã được hình thành, kéo dài từ cổ đến các nhánh nhỏ của phổi.

>> Quá trình phát triển của thai nhi ở những giai đoạn đầu rất quan trọng hầu hết đối với các mẹ bầu, đặc biệt siêu âm thai ngày nay đã trở thành một phần thiết yếu của quá trình chăm sóc trước khi sinh. Mách nhỏ bạn Siêu âm thai: Mẹ cần biết gì? ở đây sẽ giúp bạn hiểu thêm nhé!

Thận của bé cũng đang ở vị trí định hình và sẵn sàng bắt đầu quá trình xử lý chất thải trong cơ thể. Chẳng bao lâu nữa, em bé của bạn sẽ bắt đầu sản xuất nước tiểu. 

Mang thai tuần 7
Mang thai tuần 7

Kích thước của bào thai trong thời gian này đã to hơn. Các nhà khoa học ví thai nhi tại thời điểm này có hình dạng như một quả mâm xôi. Kích thước của thai dao động từ 1 đến 1,5 cm (trung bình là 1,3 cm). Tim thai xuất hiện và các bác sĩ sẽ nhận thấy được nhịp đập của tim thai qua siêu âm.

Sự thay đổi của cơ thể người mẹ khi mang thai được 7 tuần

Mặc dù khi mang thai tuần 7, tử cung chưa rộng ra đến mức bạn có thể cảm nhận được. Tuy nhiên, mạch máu ở vùng ngực và hai chân đã hiện rõ nét hơn. Kèm theo đó, bạn sẽ rất dễ bị đau, mỏi và tê chân nếu duy trì lâu ở một tư thế đứng.

Cân nặng của người mẹ sẽ hơi tăng hơn vài trăm gram đến vài kilogram. Quần áo của bạn cũng có vẻ chật hơn. Vì vậy, lúc này bạn nên mặc quần áo rộng, thoáng để có cảm giác thoải mái, không bị gò bó và chật chội.

Bộ ngực sẽ phát triển hơn một ít, hai quầng vú thâm hơn và có những hạt nổi xung quanh. Những hạt này gọi là hạt Montgomery, có tác dụng giúp cho đầu vú sẵn sàng tiết sữa sau khi sinh em bé.

Những hạt Montgomery trên hai đầu vú
Những hạt Montgomery trên hai đầu vú

Dấu hiệu mang thai tuần thứ 7 là gì? Một trong những dấu hiệu mẹ bầu có thể chú ý theo dõi là tình trạng chất dịch nhầy tiết ra từ cơ quan sinh dục khi người mẹ mang thai tuần 7 cũng nhiều hơn trước. Những hormon nội tiết sinh dục nữ tiết ra ngày càng mạnh mẽ hơn. Chúng tạo điều kiện cho cơ thể thích ứng với sự hiện diện của bào thai trong bụng. Đồng thời giúp nuôi dưỡng thai nhi được tốt hơn.

Lời khuyên của các bác sĩ chuyên khoa dành cho mẹ bầu mang thai tuần thứ 7

Đây là thời điểm mẹ bầu cần chuẩn bị tích cực để thai nhi bước vào giai đoạn ổn định hơn. Chính vì vậy, bạn nên chú ý đến cơ thể mình nhiều hơn. Cần quan tâm đến cả các mặt sức khỏe, dinh dưỡng cũng như chế độ nghỉ ngơi, tâm lý.

Những điều mà mẹ bầu nên làm khi mang thai tuần 7

  • Mang thai tuần 7 nên ăn gì? Tăng cường bổ sung chất sắt cho cả thai nhi và người mẹ. Những thực phẩm giàu sắt như thịt bò, thịt nạc, quả gấc, củ dền, rau có màu xanh đậm…
  • Bổ sung axit folic để kích thích hệ thần kinh của trẻ phát triển tốt hơn. Những thực phẩm giàu axit folic như: lạc, hướng dương, hạn nhân, trái cây họ cam quýt,… Hoặc thậm chí là viên uống axit folic (0,4 mg mỗi ngày).
  • Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày để đối phó với tình trạng nghén khi mang thai. Đồng thời, bạn hạn chế ăn những thức ăn có mùi tanh như: cá, tôm, hải sản… Vì nó dễ làm bạn buồn nôn nhiều hơn.
  • Uống đầy đủ nước mỗi ngày để hạn chế bị táo bón khi mang thai. Lượng nước cần bổ sung là 1,5 lít đến 2,5 lít hàng ngày.
  • Ăn những thực phẩm nấu chín, hợp vệ sinh để tốt cho sức khỏe của mẹ và thai nhi.
  • Duy trì thói quen vận động nhẹ hàng ngày như tập yoga, đi bộ.

Những điều mà thai phụ nên tránh

  • Thức khuya.
  • Tâm lý căng thẳng, stress, lo âu.
  • Uống rượu bia hoặc các thức uống có cồn.
  • Hút thuốc lá.
  • Nhuộm tóc.
  • Ăn những thức ăn cay nóng như ớt, mù tạt, lẩu chua cay… Vì chúng kích thích gây viêm loét dạ dày. Đồng thời làm nặng hơn triệu chứng nghén.
  • Tự ý uống thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh mà chưa có sự đồng ý của bác sĩ chuyên khoa.
  • Làm việc nặng, chạy nhảy nhiều, tập những bài thể lực nặng,…
  • Uống nhiều nước ngọt có gas cũng dễ làm bạn đầy bụng, nôn nhiều hơn.

>> Việc trang bị những kiến thức cần thiết trong giai đoạn mang thai là điều cần thiết. Cùng YouMed bổ sung thêm những kiến thức nhỏ cho mẹ bầu khi mang thai nên tránh những điều gì? để bảo vệ cho em bé của mình khỏe mạnh chào đời. 

Những lưu ý về vấn đề sức khỏe

Thai phụ mang thai tuần 7 cần chú ý những vấn đề sức khỏe sau đây:

  • Có chế độ ăn uống nghỉ ngơi hợp lý. Tốt nhất là ăn khẩu phần ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, chia nhỏ các bữa ăn trong ngày.
  • Khám thai định kỳ nếu trước đó chưa đi khám.
  • Giữ vệ sinh cơ quan sinh dục để hạn chế nhiễm trùng cho bào thai.
  • Hạn chế quan hệ tình dục trong giai đoạn này vì thai nhi chưa thực sự ổn định.
  • Tăng cường bổ sung canxi từ sữa hoặc các loại thuốc uống theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
  • Mẹ cũng nên xét nghiệm máu để biết mình có bị thiếu máu hay không. Đồng thời nên khám phụ khoa hoặc siêu âm đầu dò âm đạo để theo dõi sự phát triển của phôi thai.
Chú ý khám thai theo định kỳ để theo dõi sức khoẻ mẹ và bé
Chú ý khám thai theo định kỳ để theo dõi sức khoẻ mẹ và bé

Những bệnh lý thường gặp khi mang thai tuần 7

Mang thai tuần 7 mẹ bầu cần chú ý theo dõi sức khoẻ và nên tìm bác sĩ tư vấn thăm khám khi xảy ra những tình trạng sau:

  • Rối loạn giấc ngủ, rối loạn tâm lý, cảm xúc.
  • Mệt mỏi, dễ đau nhức cơ, đặc biệt là hai chi dưới.
  • Viêm nhiễm cơ quan sinh dục nếu không được vệ sinh tốt.
  • Rối loạn tiêu hóa: Đầy hơi, khó tiêu.
  • Táo bón.
  • Tiểu rắt, tiểu lắt nhắt, viêm đường tiểu.
  • Nhiễm các loại virus như: Thủy đậu, sởi, cảm cúm, Adenovirus,… nếu chưa được tiêm ngừa trước mang thai.
  • Rối loạn thần kinh thực vật như: Hồi hộp, rối loạn nhịp tim, tăng thân nhiệt.
  • Dễ bị thiếu máu toàn thân. Nếu thiếu máu não sẽ gây những triệu chứng như: Choáng váng, chóng mặt, xây xẩm, kém tập trung, khó ngủ…
  • Hạ huyết áp tư thế.
  • Thiếu các chất điện giải như Kali, Canxi, Magie… Điều đó sẽ dẫn đến các triệu chứng như: Vọp bẻ, chướng bụng, mệt mỏi, buồn nôn, căng thẳng tâm lý…
Phụ nữ mang thai tuần 7 có thể bị thiếu máu
Phụ nữ mang thai tuần 7 có thể bị thiếu máu

>> Mách nhỏ thêm một vài lưu ý khi mang thai mà ai cũng phải thuộc lòng ở đây chắc chắn sẽ giúp ích cho các mẹ bầu lắm đây! 

Hy vọng với những thông tin mà bài viết cung cấp, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về thời điểm mang thai tuần 7 là như thế nào. Qua đó, những chị em phụ nữ đang mang thai hoặc chuẩn bị mang thai sẽ yên tâm hơn. Các bạn sẽ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho một thai kỳ khỏe mạnh. Đồng thời hạn chế mắc phải những bệnh thường gặp trong suốt quá trình mang thai.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. 7 Weeks Pregnanthttps://www.whattoexpect.com/pregnancy/week-by-week/week-7.aspx

    Ngày tham khảo: 04/05/2020

  2. You and your baby at 7 weeks pregnanthttps://www.nhs.uk/pregnancy/week-by-week/1-to-12/7-weeks/

    Ngày tham khảo: 04/05/2020

  3. Foods to Fight Iron Deficiencyhttps://www.eatright.org/health/wellness/preventing-illness/iron-deficiency

    Ngày tham khảo: 04/05/2020

  4. Folic Acid in Pregnancyhttps://americanpregnancy.org/healthy-pregnancy/pregnancy-health-wellness/folic-acid-995/

    Ngày tham khảo: 04/05/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người