Mật mông hoa: Thảo dược quý cho mắt
Nội dung bài viết
Mật mông hoa còn gọi Lão mông hoa, Tiểu cẩm hoa, Kê cốt đầu hoa, là nụ hoa hoặc cụm hoa của cây Mật mông hoa phơi hay sấy khô. Dược liệu thường được dùng trong những bài thuốc y học cổ truyền để điều trị các bệnh về mắt. Ngày nay còn thấy vai trò của Mật mông hoa trong điều trị các chứng viêm, các bệnh mạch máu, viêm kết mạc, đau đầu, đột quỵ và tăng cường chức năng gan. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về vị thuốc, công dụng và cách dùng trong bài viết sau.
1. Đặc điểm Mật mông hoa
1.1. Danh pháp
Tên khoa học: Buddlleja officinalis Maxim.
Thuộc họ: Mã tiền (Loganiaceae).
1.2. Mô tả cây
Mật mông hoa là một cây nhỏ có cành non mang rất nhiều lông đơn, mọc rất mau, màu hung hay trắng nhạt, lại có cả những lông bài tiết. Lá hình trứng hay thuôn dài, phía đáy hơi hẹp lại, phía đỉnh nhọn, mép nguyên hay có răng cưa rất nhỏ, dài 6 – 11 cm, rộng 2 – 4 cm. Mặt trên nhẵn, mặt dưới có lông mịn, nhiều hoa dài khoảng 15 cm. Quả nang hình thuôn dài, mang đài còn lại ở phía dưới. Mùa hoa tháng 2 – 3, mùa quả tháng 7 – 8.
1.3. Đặc điểm sinh trưởng
Cây mọc hoang ở rừng một số tỉnh miền Bắc Việt Nam như Cao Bằng, Lạng Sơn. Mật mông hoa còn mọc hoang tại Trung Quốc (Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Hồ Nam, Hồ Bắc, Cam Túc).
1.4. Bộ phận dùng
Chùm hoa.
1.5. Bào chế
Vào khoảng tháng 2, tháng 3 đang lúc hoa còn chưa nở hái về, những hoa màu tro, nhiều nụ có lông mịn không lẫn nhiều cành là tốt. Trừ bỏ những mẩu cành, phơi khô.
Mật mông hoa nhặt sạch tạp chất, tẩm rượu 1 đêm vớt ra để khô, lại tẩm mật, đồ từ giờ mão tới giờ dậu (5 giờ sáng đến 5 giờ chiều), phơi khô, làm như thế 3 lần (theo Lôi Công Bào Chích Luận).
Hiện nay thường bỏ mật vào trong nồi, thêm nước, nấu sôi. Cho Mật mông hoa đã làm sạch vào đảo đều, sao cho đến khi có màu vàng, không dính tay, lấy ra, phơi khô. Dùng 25 kg mật cho mỗi 100 kg Mật mông hoa.
>> Đọc thêm bài viết: Táo nhân: Thuốc hay cho người mất ngủ
1.6. Hoạt chất trong cây
Flavonoids, phenethyl alcohol glycosides, saponins.
1.7. Bảo quản
Bảo quản nơi khô ráo thoáng mát, tránh ẩm thấp.
2. Tác dụng dược lý Mật mông hoa
2.1. Bảo vệ thần kinh
Nghiên cứu trên chuột cho thấy tác dụng bảo vệ thần kinh trong thiếu máu não nhờ tác dụng kháng viêm và ức chế sự hoạt hóa của tế bào tiểu thần kinh đệm.
2.2. Kháng viêm
Chiết xuất của cây thông qua tác dụng kháng viêm có tiềm năng trong chống xơ vữa động mạch.
2.3. Tác dụng trên mắt
Thành phần chính trong dịch chiết nhỏ mắt là flavonoid có thể ức chế đáng kể sự khô mắt ở chuột với nồng độ androgen giảm.
Chiết xuất nhỏ mắt có thể phòng ngừa khô mắt ở thỏ bị thiến, cải thiện cấu trúc hình thái của tuyến lệ trong mô hình mắt khô của thỏ.
2.4. Bảo vệ gan
Chiết xuất Mật mông hoa có tác dụng bảo vệ gan chống lại các tổn thương thông qua hoạt hóa con đường AMPK, tiềm năng trong điều trị các rối loạn của gan.
2.5. Chống ung thư
Các saponin trong dược liệu có tác dụng ức chế tế bào ung thư máu dòng HL-60.
2.6. Độc tính
Liều độc LD50 trên chuột là 933 mg/kg.
3. Công dụng Mật mông hoa
3.1. Tính vị
Vị ngọt; tính bình, hơi hàn.
3.2. Quy kinh
Kinh Can.
3.3. Công hiệu
Dưỡng gan, sáng mắt, dưỡng huyết, làm mất màng mờ trước mắt.
3.4. Chủ trị
Mắt đau sưng đỏ, chảy nước mắt nhìn mờ, có màng mờ trước mắt.
3.5. Liều dùng
Ngày dùng 3 – 6 g, sắc uống hoặc dạng viên hoàn, tán.
3.6. Lưu ý
Người có bệnh mắt phần dương của cơ thể hư suy, trong người lạnh, thận trọng khi sử dụng Mật mông hoa.
4. Một số bài thuốc từ Mật mông hoa
4.1. Trị phong khí, mắt nhiều ghèn, mắt đau, mắt mờ, nhìn không rõ
Mật mông hoa, Thạch quyết minh, Mộc tặc, Đỗ tật lê, Khương hoạt, Cúc hoa. Tán bột, mỗi lần dùng 3 g, uống với nước ấm (Mật mông hoa tán – “Cục phương”).
4.2. Trị mắt có màng
Mật mông hoa, rễ Hoàng bá, mỗi vị 15 g. Tán nhỏ, chế mật thành viên nhỏ (đường kính khoảng 7 mm). Mỗi lần uống 10 – 15 viên (Mật mông hoa hoàn – “Thánh tế tổng lục”).
4.3. Trị mắt sưng đỏ
Mật mông hoa 9 g, Cam cúc hoa 4 g, Kinh giới 4 g, Long đởm thảo 4 g, Phòng phong 4 g, Bạch chỉ 4 g, Cam thảo 2 g, sắc 200ml nước còn 100 ml, chia 3 lần uống trong ngày.
Mật mông hoa có nhiều tác dụng tốt trong điều trị bệnh. Tuy nhiên, giống như các vị thuốc khác, quý bạn đọc nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên môn về chỉ định, liều lượng và thời gian dùng để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Đỗ Tất Lợi (2004). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, trang 561 – 562
- Dae-Hee Lee, at al, (2006). Neuroprotective Effect of Buddleja Officinalis Extract on Transient Middle Cerebral Artery Occlusion in Rats. Biol Pharm Bull, 29(8):1608-12
- Qing-Hua Peng, (2012). Effects of Extract of Buddleja Officinalis Eye Drops on Androgen Receptors of Lacrimal Gland Cells of Castrated Rats With Dry Eye. Zhongguo Zhong Xi Yi Jie He Za Zhi, 32(1):72-5, 114
- Genyan Qin, at al (2019). The Effect of Buddleja officinalis Maxim Eye Drops on Morphology and Apoptosis in Lacrimal Gland of Experimental Dry Eye Rabbit Model. J Ophthalmol 5;2019:5916243
- Yun Jung Lee, at al, (2010). Anti-Inflammatory Effect of Buddleja Officinalis on Vascular Inflammation in Human Umbilical Vein Endothelial Cells. Am J Chin Med; 38(3):585-98
- Hongzhu Guo, Kazuo Koike, Wei Li, Tadaaki Satou, Dean Guo, and Tamotsu Nikaido (2004). Saponins from the Flower Buds of Buddleja officinalis. J. Nat. Prod. 67, 1, 10–13