Mất thính lực liên quan tiếng ồn: Những điều bạn đọc nên biết
Nội dung bài viết
Tiếng ồn là một yếu tố rất thường xảy ra trong cuộc sống. Nó hầu như chỉ có tác động tiêu cực đến sức khỏe của con người. Sống trong môi trường có nhiều tiếng ồn, chúng ta có nguy cơ mắc một số bệnh. Trong đó có mất thính lực. Vậy mất thính lực liên quan tiếng ồn là bệnh lý như thế nào? Có thể điều trị được hay không? Hãy cùng đi tìm câu trả lời qua bài viết sau đây.
1. Tổng quan về tình trạng mất thính lực liên quan tiếng ồn
Suy giảm thính lực do tiếp xúc với tiếng ồn giải trí và nghề nghiệp dẫn đến tàn tật nghiêm trọng. Nó có thể ngăn ngừa được gần như 100%. Mất thính lực liên quan tiếng ồn là dạng suy giảm thính lực phổ biến thứ hai, sau chứng mất thính lực do tuổi tác.
Xem thêm: Rò luân nhĩ là gì? Khi nào cần phẫu thuật?
Lực do bất kỳ âm thanh nào gây ra đều có tác động đến tế bào lông ở màng đáy của ốc tai. Khi lực này tác động quá mức, nó có thể gây chết tế bào. Việc tránh tiếp xúc với tiếng ồn sẽ ngăn chặn sự tiến triển thêm của bệnh lý. Chúng ta có thể ngăn ngừa mất thính lực do tiếng ồn bằng cách tránh những tiếng ồn quá mức. Đồng thời sử dụng thiết bị bảo vệ thính giác như nút tai và bịt tai.
Những bệnh nhân tiếp xúc với tiếng ồn quá mức cần được kiểm tra thính lực thường xuyên. Khi nghi ngờ giảm thính lực, bệnh sử của người bệnh cần được khai thác một cách kỹ càng, khám sức khỏe và đo thính lực. Nếu những cuộc kiểm tra này cho thấy bạn mất thính lực, bạn nên được chuyển đến tuyến chuyên khoa.
2. Đặc điểm của tiếng ồn
Tiếng ồn có lẽ là mối nguy hiểm nghề nghiệp và môi trường phổ biến nhất. Có khoảng 30 triệu người Mỹ tiếp xúc với mức âm thanh có hại tiềm ẩn trong nơi làm việc của họ. Ngoài giờ làm việc, nhiều người theo đuổi các hoạt động giải trí có thể tạo ra tiếng ồn có hại. 60 triệu người Mỹ sở hữu súng cầm tay. Và nhiều người sử dụng chúng mà không được bảo vệ thính giác thích hợp.
Tiếng ồn có thể được mô tả theo cường độ (được coi là độ lớn) và tần số (được coi là cao độ). Cả cường độ và thời gian tiếp xúc với tiếng ồn đều xác định khả năng gây hại cho các tế bào lông của tai trong. Ngay cả những âm thanh được xem là lớn “thoải mái” cũng có thể gây hại.
Tiếng ồn có thể gây mất thính lực vĩnh viễn khi con người tiếp xúc thường xuyên bằng mức áp suất âm thanh trung bình 85 dB. Hoặc ở mức cao hơn trong khoảng thời gian 8 giờ. Dựa trên thang logarit, mức tăng 3 dB trong áp suất âm thanh thể hiện cường độ âm thanh tăng gấp đôi.
Xem thêm: Ráy tai: cách vệ sinh và lưu ý khi vệ sinh tai
Do đó, 4 giờ tiếp xúc với tiếng ồn ở 88 dB được xem là cung cấp cùng một “liều lượng” tiếng ồn như tám giờ ở 85 dB. Và một tiếng súng duy nhất có mức xấp xỉ 140 đến 170 dB. Âm thanh này có cùng năng lượng với tiếng ồn 90 dB trong 40 giờ.
3. Dịch tễ học của chứng mất thính lực liên quan tiếng ồn
Trong số hơn 28 triệu người Mỹ bị khiếm thính ở một mức độ nào đó, thì có tới 10 triệu người bị mất thính lực liên quan tiếng ồn. Sự mất thính lực thường một phần do tiếp xúc với tiếng ồn quá mức tại nơi làm việc hoặc trong các hoạt động giải trí. Chi phí kinh tế của việc mất thính giác nghề nghiệp đã được ước tính là trị giá hàng tỷ đô la.
Mất thính giác do tiếng ồn đã được công nhận rõ ràng kể từ cuộc cách mạng công nghiệp. Một thuật ngữ ban đầu cho tình trạng này là “bệnh của thợ nấu sôi”. Bởi vì rất nhiều công nhân chế tạo nồi hơi bị suy giảm thính lực. Trong xã hội ồn ào ngày nay, ngay cả trẻ em và thanh niên cũng có nguy cơ mắc bệnh. Một nghiên cứu gần đây đã tìm thấy bằng chứng về mất thính lực tần suất cao ở gần một phần ba nhóm sinh viên đại học.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ thì:
- Khoảng 12,5% trẻ em và thanh thiếu niên từ 6 – 19 tuổi (khoảng 5,2 triệu).
- 17% người lớn từ 20 – 69 tuổi (khoảng 26 triệu).
- Là số người đã bị tổn thương vĩnh viễn về thính giác do tiếp xúc quá nhiều với tiếng ồn.
4. Triệu chứng của bệnh mất thính lực liên quan tiếng ồn
Triệu chứng đầu tiên của mất thính lực liên quan tiếng ồn có thể là khó nghe cuộc trò chuyện trong bối cảnh ồn ào. Ảnh hưởng của mất thính giác đến nhận thức lời nói có hai thành phần. Thành phần đầu tiên là mất khả năng nghe, có thể được coi là sự giảm âm lượng tổng thể. Thành phần thứ hai được gọi là “biến dạng” hoặc “mất độ rõ” do mất sự chọn lọc tần số.
Các phụ âm, do tần số cao hơn, thường bị ảnh hưởng đầu tiên. Ví dụ, các âm “s” và “t” thường khó nghe đối với những người bị khiếm thính, ảnh hưởng đến sự rõ ràng của lời nói. Mất thính giác do tiếng ồn có thể ảnh hưởng đến một hoặc cả hai tai. Mất thính lực một bên gây ra các vấn đề về thính giác định hướng, ảnh hưởng đến khả năng định vị âm thanh.
Một số triệu chứng khác có thể kèm theo bao gồm:
- Đau đầu, đau hốc mắt.
- Ù tai.
- Chóng mặt do tổn thương tiền đình ốc tai.
5. Nguyên nhân gây mất thính lực liên quan tiếng ồn
Các hoạt động giải trí có thể khiến bạn gặp rủi ro với mất thính giác do tiếng ồn bao gồm:
- Săn bắn, bắn súng.
- Cưỡi xe trượt tuyết.
- Nghe máy nghe nhạc MP3 ở âm lượng lớn qua tai nghe hoặc headphone.
- Chơi trong một ban nhạc và tham dự các buổi hòa nhạc lớn.
- Tiếng ồn có hại ở nhà có thể phát ra từ các nguồn bao gồm máy cắt cỏ, dàn âm thanh karaoke và các dụng cụ chế biến gỗ.
6. Tiến triển của mất thính lực liên quan tiếng ồn như thế nào?
Khi bạn tiếp xúc với tiếng ồn lớn trong một thời gian dài, bạn có thể dần dần bắt đầu mất thính giác. Bởi vì tác hại của việc tiếp xúc với tiếng ồn thường từ từ, bạn có thể không nhận thấy nó. Hoặc bạn có thể bỏ qua các dấu hiệu của việc mất thính giác cho đến khi chúng trở nên rõ ràng hơn.
Xem thêm: Bệnh Meniere: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Theo thời gian, âm thanh có thể bị biến dạng hoặc bị bóp nghẹt và bạn có thể cảm thấy khó hiểu người khác khi họ nói chuyện. Hoặc là bạn phải tăng âm lượng tivi thì mới nghe rõ được. Những tổn thương do mất thính lực bởi tiếng ồn, kết hợp với lão hóa, có thể dẫn đến mất thính lực trầm trọng. Sự nghiêm trọng có thể đến mức bạn cần máy trợ thính để phóng đại âm thanh xung quanh để giúp bạn nghe.
Mất thính lực do tiếng ồn cũng có thể được gây ra bởi các vụ nổ âm thanh cực lớn, chẳng hạn như tiếng súng hoặc tiếng nổ. Chúng có thể làm vỡ màng nhĩ hoặc làm tổn thương xương trong tai giữa. Loại mất thính giác do tiếng ồn này có thể xảy ra ngay lập tức và tổn thương vĩnh viễn. Tiếp xúc với tiếng ồn quá lớn cũng có thể gây ù tai. Ù tai có thể giảm dần theo thời gian, nhưng đôi khi có thể liên tục hoặc thỉnh thoảng trong suốt cuộc đời của một người. Giảm thính lực và ù tai có thể xảy ra ở một hoặc cả hai tai.
7. Mất thính lực liên quan tiếng ồn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống như thế nào?
Các báo cáo trên thế giới cho biết rằng: Cứ 1.000 công nhân Mỹ tiếp xúc với tiếng ồn thì 2,5 năm khỏe mạnh bị mất đi mỗi năm vì suy giảm thính lực. Vì vậy, có thể nói mất thính lực ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày.
Những năm mất mát này được chia cho 13% số công nhân bị khiếm thính (khoảng 130 công nhân trong số 1.000 công nhân). Công nhân Khai thác, Xây dựng và Sản xuất mất nhiều năm khỏe mạnh hơn so với công nhân trong các ngành công nghiệp khác. Cụ thể và tương ứng trong các lĩnh vực đó, cứ 1.000 công nhân thì mất 3,5, 3,1 và 2,7 năm khỏe mạnh mỗi năm.
Những ảnh hưởng tiêu cực khác của tình trạng mất thính lực liên quan tiếng ồn bao gồm:
- Gặp khó khăn trong việc hiểu những gì người khác nói qua điện thoại hoặc giao tiếp hàng ngày.
- Giảm lòng tự trọng, cảm thấy xấu hổ và sợ hãi.
- Suy giảm các mối quan hệ xã hội.
- Trầm cảm.
8. Chẩn đoán chứng mất thính giác do tiếng ồn như thế nào?
Cả mất thính giác do tiếng ồn gây ra bởi chấn thương âm thanh và phát triển dần dần thường đặc trưng bởi một mô hình cụ thể. Chúng được trình bày trong các thăm khám chuyên về thính học. Mất thính lực liên quan tiếng ồn thường gâygiảm độ nhạy thính giác ở các tần số cao hơn. Nó còn được gọi là vết đo thính lực, đặc biệt là ở 4000 Hz, nhưng đôi khi ở 3000 hoặc 6000 Hz.
Các bác sĩ chuyên khoa Tai – Mũi – Họng sẽ thăm khám chức năng thính giác của người bệnh thông qua:
- Các nghiệm pháp chuyên khoa như: Schwbach, Rinne, Weber.
- Dùng tiếng nói thầm và nói thường.
- Dùng máy đo sức nghe với các tần số khác nhau.
- Nhĩ đồ.
- Đo điện ốc tai và điện não thính giác.
9. Điều trị mất thính lực do tiếng ồn
Nếu một người có bất kỳ triệu chứng nào cho thấy mất thính lực liên quan tiếng ồn, họ nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa. Họ là những bác sĩ được đào tạo đặc biệt về các rối loạn thính giác và tai như bác sĩ tai mũi họng hoặc bác sĩ chuyên khoa tai. Những bác sĩ ấy có thể chẩn đoán các vấn đề về thính giác và đề xuất cách tốt nhất để quản lý chúng.
Mặc dù không có cách chữa trị chứng mất thính giác do tiếng ồn, nhưng có một số nghiên cứu đầy hứa hẹn đang được thực hiện. Viện Quốc gia về Điếc và Rối loạn Giao tiếp Khác (NIDCD) đang xem xét việc sử dụng các chất chống oxy hóa để ngăn ngừa mất thính lực và phục hồi thính lực. Các nhà nghiên cứu do NIDCD tài trợ đã chỉ ra rằng Aspirin và Vitamin E có thể giảm mất thính lực nếu được sử dụng trước khi tiếp xúc với tiếng ồn lớn.
Tham khảo thêm: Tai súp lơ và những điều bạn cần biết
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Michigan đã sử dụng vitamin A, C, E và Magiê trước khi tiếp xúc với tiếng ồn lớn. Với mục đích ngăn ngừa mất thính giác trong các nghiên cứu trên động vật. Các nghiên cứu về con người đang được tiến hành.
10. Phòng bệnh
Mất thính lực do tiếp xúc với âm thanh lớn có thể ngăn ngừa được. Để giảm nguy cơ mất thính lực do tiếng ồn, người lớn và trẻ em có thể thực hiện những việc sau:
- Hiểu rằng mất thính lực do tiếng ồn có thể dẫn đến khó khăn trong giao tiếp, khó khăn trong học tập, đau hoặc ù tai.
- Xác định các nguồn âm thanh lớn có thể góp phần làm giảm thính lực và cố gắng giảm tiếp xúc.
- Tránh hoặc hạn chế tiếp xúc với âm thanh quá lớn
- Giảm âm lượng của hệ thống âm nhạc
- Tránh xa nguồn phát ra âm thanh lớn khi có thể
- Sử dụng thiết bị bảo vệ thính giác khi không khả thi để tránh tiếp xúc với âm thanh lớn hoặc giảm chúng xuống mức an toàn.
- Tìm kiếm sự đánh giá thính giác bởi một chuyên gia thính học nếu bạn có lo ngại về khả năng mất thính giác.
11. Lời kết
Mất thính lực liên quan tiếng ồn là sự suy giảm thính lực mạn tính, khó có thể phục hồi. Vì vậy, điều quan trọng là chúng ta nên phòng ngừa sớm nhất có thể. Mọi người nên hạn chế tiếp xúc với những âm thanh lớn, kéo dài. Đồng thời sử dụng công cụ bảo vệ tai trong những môi trường làm việc với nhiều tiếng ồn có hại.
Bác sĩ Nguyễn Lâm Giang
Tham khảo thêm: Sẹo lồi vành tai là gì? Có chữa được không?
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.