Thuốc Methotrexate: Công dụng, cách dùng và những điều cần lưu ý
Nội dung bài viết
Methotrexate là thuốc gì? Thuốc thường được sử dụng trong những trường hợp như thế nào? Cách sử dụng thuốc như thế nào để đạt được hiệu quả tối ưu? Bài viết bên dưới của Dược sĩ Nguyễn Hoàng Bảo Duy sẽ giúp cho bạn có thêm những thông tin cần thiết về loại thuốc này.
Methotrexate là gì?
Thuốc Methotrexate là loại thuốc chống ung thư khi sử dụng ở liều cao và có tác dụng ức chế miễn dịch khi dùng liều thấp.
Các dạng bào chế của thuốc trên thị trường như:
- Viên nén với những hàm lượng 2,5 mg; 5 mg; 7,5 mg; 10 mg và 15 mg.
- Thuốc tiêm: 25 mg/ml không có chất bảo quản đóng trong lọ 2 ml; 4 ml; 8 ml; 10 ml, 40 ml.
- Thuốc tiêm 25 mg/ml có chất bảo quản đóng trong lọ 2 ml, 10 ml.
- Bột đông khô pha tiêm đóng trong lọ 20 mg, 50 mg và 1 g.
- Dung dịch dùng để tiêm truyền hàm lượng 25 mg/ml.
- Dung dịch dùng để tiêm truyền đậm đặc hàm lượng 100 mg/ml.
Công dụng của thuốc Methotrexate
Methotrexate được biết đến là một chất kháng acid folic và có tác dụng chống ung thư. Vì vậy, thuốc được chỉ định trong điều trị:
- Ung thư lá nuôi.
- Bệnh bạch cầu.
- Sác-côm xương.
- Sác-côm sụn.
- Sác-côm sợi.
- Ung thư vú.
- Ung thư đầu và cổ.
- Ung thư phổi.
- Ung thư bàng quang.
- U sùi dạng nấm (u lymphô tế bào T).
- U lymphô không Hodgkin…
Ngoài ra, thuốc còn có tác dụng ức chế miễn dịch, được sử dụng trong điều trị viêm khớp dạng thấp, bệnh vảy nến, viêm khớp vảy nến. Tác dụng ức chế miễn dịch này cũng được sử dụng trong việc ngăn chặn phản ứng chống lại mảnh ghép của vật chủ sau khi thực hiện ghép tủy xương.
Methotrexate có giá bao nhiêu?
Tùy vào dạng bào chế và hàm lượng của hoạt chất mà giá sẽ khác nhau. Khi mua thuốc, bạn nên chọn những cửa hàng thuốc lớn, uy tín để tránh mua phải thuốc kém chất lượng.
*Lưu ý: Methotrexate chỉ được sử dụng khi có đơn thuốc của bác sĩ. Không được tùy tiện sử dụng thuốc khi chưa hỏi ý kiến của nhân viên y tế bạn nhé!
Những đối tượng cần lưu ý khi sử dụng thuốc Methotrexate
Phụ nữ có thai
Thuốc gây quái thai. Vì vậy, không sử dụng thuốc ở đối tượng này.
Phụ nữ cho con bú
Methotrexate bài tiết vào sữa mẹ và gây ảnh hưởng đến trẻ. Vì vậy, không cho trẻ bú mẹ khi người mẹ đang sử dụng thuốc này.
Người suy gan, suy thận và suy tủy
- Cần đặc biệt thận trọng khi sử dụng thuốc trên nhóm đối tượng này.
- Trong khi dùng thuốc, cần theo dõi đều đặn các chức năng của gan, thận và máu.
Cách dùng Methotrexate để đạt được hiệu quả tốt nhất
Liều dùng
Liều của thuốc khác nhau tùy vào bệnh lý của người bệnh. Dưới đây là một số gợi ý liều khi sử dụng thuốc để điều trị ung thư (liều cao) hoặc chất ức chế miễn dịch (liều thấp):
1. Ung thư vú
Tiêm tĩnh mạch 40 mg/m². Thuốc được tiêm vào ngày thứ 1 và ngày thứ 8. Điều trị sẽ được lặp lại và tiêm cách nhau 3 tuần. Tiêm hoặc truyền tĩnh mạch từ 10 – 60 mg/m^2 và phối hợp điều trị với các thuốc khác.
2. Ung thư phổi
Methotrexate có một vị trí trong điều trị carcinom tuyến, ung thư dạng biểu bì, và carcinom tế bào nhỏ không biệt hóa. Đối với 2 loại ung thư sau, thuốc được dùng đơn độc với liều 50 mg tiêm tĩnh mạch hai tuần 1 lần.
3. Ung thư bàng quang
Đối với ung thư bàng quang muộn hoặc di căn, có thể cho liều duy nhất 40 – 100 mg/m² tiêm tĩnh mạch, hai tuần 1 lần. Liều trên 100 mg cần phải bổ sung thêm acid folinic.
4. U lymphô không Hodgkin
Tiêm tĩnh mạch 30 mg/m². Tiêm vào ngày thứ 3 và thứ 10 mỗi 3 tuần. Hoặc tiêm 120 mg/m² vào ngày thứ 8 và thứ 15 của mỗi 3 – 4 tuần. Hoặc tiêm 200 mg/m² vào ngày thứ 8 và 15 của mỗi 3 – 4 tuần. Hoặc tiêm 400 mg/m² vào mỗi 4 tuần trong 3 lần. Hoặc tiêm 1 g/m^2 mỗi 3 tuần. Hoặc tiêm 1,5 g/m² mỗi 4 tuần tùy theo từng loại phác đồ phối hợp điều trị với các thuốc khác.
5. Sác-côm xương
Truyền tĩnh mạch (trong 4 giờ) 8 – 12 /m²/lần/tuần, tiếp sau là acid folinic (thường là uống 15 mg acid folinic cứ 6 giờ một lần, dùng 6 liều, bắt đầu từ 24 giờ sau khi bắt đầu truyền methotrexate), vào các tuần 4, 5, 6, 7, 11, 16, 29, 30, 44 và sau phẫu thuật theo một phác đồ hóa trị liệu phối hợp trong đó có doxorubicin, cisplatin, bleomycin, cyclophosphamid và dactinomycin.
Nếu cần thiết, liều có thể tăng lên tới 15 g/m² để đạt nồng độ đỉnh trong huyết thanh là 1 x 10^-3 mol/lít.
6. Bệnh vảy nến, viêm khớp vảy nến
Uống hoặc tiêm bắp, hoặc có thể tiêm đường tĩnh mạch từ 10 – 25 mg/lần, mỗi tuần 1 lần. Có thể điều chỉnh tùy theo đáp ứng và độc tính của thuốc. Nên thử 1 liều với hàm lượng từ 5 đến 10 mg trong 1 tuần trước khi người bệnh bắt đầu điều trị.
Hoặc: uống mỗi tuần uống 7,5 – 20 mg (có thể tăng liều lượng nếu cần thiết cho tới tối đa 25 đến 30 mg mỗi tuần). Chia làm 3 liều uống trong vòng 24 giờ, hoặc 3 liều uống cách nhau 12 giờ/lần, hoặc chia làm 4 liều, mỗi liều uống cách nhau 8 giờ. Nên thử 1 liều 2,5 – 5 mg.
Hoặc: uống mỗi ngày từ 2 – 5 mg (tối đa 6,25 mg) trong liên tục 5 ngày. Nghỉ ít nhất 2 ngày trước khi người bệnh uống lặp lại liều trên. Phác đồ điều trị hàng tuần sẽ ít độc cho gan hơn là dùng thuốc điều trị hàng ngày.
7. Viêm khớp dạng thấp
Uống hoặc tiêm dưới da, tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch 7,5 mg mỗi tuần 1 lần, hoặc uống 3 liều, mỗi liều 2,5 mg, cách nhau 12 giờ, điều chỉnh liểu theo đáp ứng tới tối đa 20 mg/tuần.
Cách dùng
Điều trị bằng Methotrexate cần phải được bác sĩ có nhiều kinh nghiệm về hóa trị liệu chống ung thư theo dõi, giám sát. Thuốc thường được dùng với liều rất cao, sau đó trung hòa các tác dụng phụ bằng acid folinic để điều trị một số bệnh ung thư ác tính.
Methotrexate có thể tiêm bắp, tĩnh mạch, động mạch hoặc trong ống tủy sống. Ngoài ra, còn có thể uống đối với các chế phẩm viên nén.
Xử trí khi sử dụng quá liều thuốc Methotrexate
Triệu chứng
Loét niêm mạc miệng thường là một trong những dấu hiệu sớm của nhiễm độc. Tuy nhiên, ở một số người bệnh sẽ bị ức chế tủy xương trước hoặc cùng với loét miệng.
Xử trí
Dùng leucovorin canxi càng sớm càng tốt, ngay trong giờ đầu tiên. Không được tiêm leucovorin vào trong ống tủy sống. Leucovorin nếu dùng chậm sau 1 giờ sẽ ít có tác dụng. Liều leucovorin giải độc thường bằng hoặc cao hơn liều methotrexate đã dùng. Khi dùng thuốc với liều cao hoặc quá liều, có thể dùng leucovorin truyền tĩnh mạch tới liều 75 mg trong 12 giờ. Sau đó dùng với liều 12 mg tiêm bắp, dùng 4 liều, cứ 6 giờ một lần.
Nếu tiêm thuốc vào ống tủy sống quá liều thì cần dùng liệu pháp hỗ trợ toàn thân bao gồm liều cao leucovorin, kiềm hóa nước tiểu, dẫn lưu dịch não tủy nhanh, truyền dịch não thất tủy sống.
Xử trí khi quên một liều thuốc uống Methotrexate
Nếu bạn quên dùng một liều thuốc uống, hãy uống ngay sau khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu thời gian gần với lần uống tiếp theo, bạn hãy bỏ qua liều đã quên. Không dùng gấp đôi liều sản phẩm đã được nhà sản xuất khuyến cáo.
Đối với thuốc dạng tiêm, thủ thuật tiêm chỉ được thực hiện bởi nhân viên y tế.
Tác dụng phụ của thuốc Methotrexate
Một số các tác dụng không mong muốn của thuốc có thể gặp phải như:
- Hệ thần kinh trung ương (thường gặp khi tiêm trong ống tủy sống hoặc điều trị liều rất cao): chóng mặt, mệt mỏi, bệnh não, động kinh, sốt, ớn lạnh.
- Hoại tử mất myelin: xuất hiện sau hàng tháng hoặc hàng năm dùng thuốc, thường kèm với chiếu xạ não hoặc các phương pháp hóa trị liệu toàn thân khác.
- Suy tủy: biểu hiện bằng các chỉ số bạch cầu giảm và tiểu cầu giảm. Đây là yếu tố đầu tiên (cùng với viêm niêm mạc) giới hạn liều dùng thuốc. Các triệu chứng này sẽ xuất hiện sau khoảng từ 5 – 7 ngày và bùng phát sau 10 ngày điều trị bằng methotrexate. Tuy nhiên, người bệnh có thể hồi phục sau khoảng 2 – 3 tuần.
- Thần kinh – cơ – xương: thường người bệnh sẽ gặp triệu chứng đau khớp.
- Tim mạch: viêm mạch.
- Da: ban đỏ da, tăng hoặc giảm sắc tố da, rụng tóc.
- Nội tiết, chuyển hóa: tăng nồng độ urê huyết, ức chế quá trình sinh trứng hoặc sinh tinh trùng, tăng nguy cơ đái tháo đường.
- Tiêu hóa: xơ gan (xảy ra khi điều trị lâu dài); men gan tăng cao, buồn nôn, nôn, đi ngoài, chán ăn, thủng ruột, loét miệng, sưng lưỡi, viêm nướu, viêm niêm mạc. Những tác dụng phụ này sẽ phụ thuộc vào liều dùng và xuất hiện sau khi điều trị bằng thuốc từ 3 – 7 ngày, khỏi sau 2 tuần.
- Huyết học: giảm lượng bạch cầu, tiểu cầu và tăng nguy cơ xuất huyết.
- Thận: suy thận, rối loạn chức năng thận.
- Hô hấp: viêm họng, viêm phổi (thường sẽ đi kèm với sốt, ho và viêm phổi kẽ).
Những lưu ý quan trọng khi sử dụng thuốc Methotrexate
Bệnh phổi do methotrexate là một dạng biến chứng nặng có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong quá trình điều trị bằng thuốc này (kể cả khi dùng ở liều thấp 7,5 mg/tuần) và không phải luôn luôn được hồi phục. Các triệu chứng như ho khan cần phải được cảnh giác và khám xét, ngừng ngay việc điều trị cho đến khi phổi không còn bị nhiễm độc.
Ở người bệnh dùng thuốc liều thấp để chữa vẩy nến hoặc viêm khớp dạng thấp phải thường xuyên được xét nghiệm chức năng gan, thận và huyết đồ trước khi điều trị ổn định. Sau đó, cứ 2 đến 3 tháng 1 lần thực hiện xét nghiệm. Phải tránh dùng thuốc này ở người bệnh suy thận rõ rệt và phải ngừng sử dụng thuốc ngay lập tức nếu phát hiện có những bất thường chức năng gan.
Tương tác của Methotrexate với các thuốc khác
Không dùng phối hợp Methotrexate với các thuốc sau:
- Thuốc chống viêm không steroid như azapropazon, diclofenac, ibuprofen, indomethacin, ketoprofen, ketorolac, naproxen,…
- Probenecid.
- Dẫn chất salicylat và pyrimethamin.
- Vắc xin.
Các thuốc khi dùng đồng thời cần điều chỉnh liều gồm: mercaptopurin, penicilin, theophylin.
Cách bảo quản thuốc Methotrexate
- Bảo quản Methotrexate ở những nơi khô ráo, thoáng mát.
- Để thuốc ra xa khỏi tầm với của trẻ nhỏ và thú cưng nuôi trong nhà.
- Không để thuốc ở những nơi nắng gắt (ánh sáng chiếu trực tiếp lên sản phẩm). Hoặc tránh để thuốc ở những nơi ẩm ướt.
Trên đây là những thông tin cần thiết về thuốc Methotrexate mà YouMed cung cấp cho bạn. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì liên quan đến thuốc này cũng như là sức khỏe, hãy liên hệ ngay bác sĩ để được tư vấn kịp thời bạn nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Dược thư quốc gia Việt Nam 2018, trang 962.https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/03/Duoc-thu-quoc-gia-2018.pdf#page=962
Ngày tham khảo: 29/12/2021