YouMed

Miệng có vị kim loại: Nguyên nhân do đâu? (Phần 1)

Bác sĩ Trương Mỹ Linh
Tác giả: Bác sĩ Trương Mỹ Linh
Chuyên khoa: Răng - Hàm - Mặt

Bạn đang có cảm giác như nhai một đồng xu trong miệng? Có thể bạn đang gặp phải tình trạng loạn vị giác. Đây là rối loạn khiến bạn thay đổi vị giác, có vị như kim loại hoặc muối hay thậm chí là vị ôi trong miệng. Sự khó chịu này có thể đột nhiên xuất hiện không rõ lý do. Tuy nhiên, nó cũng có thể kéo dài một thời gian trước đó. Nếu như bạn đang mắc phải tình trạng này, đừng quá lo lắng. Chúng ta cần tìm hiểu rõ nguyên nhân nào dẫn đến rối loạn vị giác để có hướng điều trị phù hợp.

Cấu tạo hoạt động vị giác

Bạn đã bao giờ nghĩ đến việc vị giác của mình hoạt động như thế nào chưa? Tại sao vị giác lại rối loạn như vậy? Vấn đề không chỉ nằm ở lưỡi. Đó là một hệ thống vô cùng phức tạp được kiểm soát bởi các nụ vị giác và hệ thống khứu giác – mũi và xoang mũi.

Nụ vị giác là những điểm lấm tấm trên bề mặt lưỡi. Đây là nơi tiếp nhận các thông tin để dẫn truyền về trung ương thần kinh. Bất cứ rối loạn tín hiệu nào được truyền từ nụ vị giác và thần kinh khứu giác đến não đều có thể đem lại cho bạn vị kim loại ở miệng.

Cấu tạo của luỡi
Cấu tạo của luỡi

Các nguyên nhân dẫn đến miệng có vị kim loại

Mỗi chúng ta sinh ra đều có khoảng 10.000 nụ vị giác trong miệng. Thật tuyệt vời vì đó là cơ hội cho chúng ta tận hưởng tất cả hương vị. Nhưng số lượng nụ vị giác sẽ dần giảm đi theo tuổi. Đó cũng là lý do những người già thường kém nhạy cảm về vị giác hơn. Tuy nhiên, vị giác trong quá trình sống của chúng ta còn chịu tác động của nhiều nguyên nhân. Hút thuốc lá, mang thai hay nhiễm bệnh thông thường: cảm lạnh, dị ứng… cũng làm vị giác thay đổi. Hầu hết các nguyên nhân khiến miệng có vị giác thay đổi đều lành tính.

Tuy nhiên, có một vài lý do làm vị giác thay đổi trầm trọng khiến bạn phải đi khám bác sĩ. Sau đây là những lý do có thể dẫn đến tình trạng miệng có vị kim loại.

1. Các loại thuốc bạn đang sử dụng

Đây là lý do phổ biến nhất khiến dẫn đến rối loạn vị giác này. Nguyên nhân là do khi bạn sử dụng các loại thuốc có thành phần chứa kim loại sẽ gây ra tín hiệu giả cho nụ vị giác. Điều này được giải thích là do quá trình hấp thu thuốc và bài tiết qua tuyến nước bọt các thành phần kim loại. Đây là tín hiệu khiến nụ vị giác nhận biết vị kim loại.

Bên cạnh đó, một số thuốc khi sử dụng còn gây ra tác dụng phụ là khô miệng. Tuyến nước bọt kém hoạt động cũng ảnh hưởng đến nụ vị giác tạo ra vị kim loại.

Các loại thuốc thường khiến miệng có vị kim loại là:

  • Kháng sinh: tetracycline, amoxicillin, clarithromycin (Biaxin) hoặc metronidazole (Flagyl).
  • Thuốc hạ huyết áp như catopril (Capoten).
  • Điều trị tăng nhãn áp: methazolamide (Neptazane).
  • Thuốc điều trị loãng xương và thuốc điều trị rối loạn tâm thần chứa lithium.
  • Thuốc điều trị gout và sỏi thận: allopurinol.

2. Tự ý dùng vitamin quá liều

“Vitamin tổng hợp có thể chứa một lượng lớn kim loại, gây gián đoạn vị giác bằng cách phá vỡ các kênh ion báo hiệu nhận thức của chúng ta về hương vị”, Donald Ford, MD, bác sĩ y khoa gia đình tại Bệnh viện Cleveland cho biết.

Ngoài vitamin tổng hợp, thuốc cảm và vitamin dùng trước sinh đều chứa lượng đồng, kẽm, crôm, canxi hoặc sắt cao. Tất cả đều có thể gây ra mùi vị kim loại.

3. Có thể cơ thể bạn đang thiếu hụt hoặc dư kẽm

Miệng có vị kim loại là một cảm giác bất thường hoặc có thể là suy giảm vị giác. Nguyên nhân ngoài việc dư kẽm cũng có thể là do thiếu hụt kẽm. Cơ thể suy dinh dưỡng, thiếu hụt kẽm, làm chậm quá trình tái tạo tế bào, từ đó dẫn đến vị giác thay đổi. Mặt khác, những người dùng quá nhiều kẽm thông qua các chất bổ sung có thể bị buồn nôn, đau bụng hoặc miệng có vị kim loại.

4. Bạn có đang hóa trị hay xạ trị?

Ngoài buồn nôn, một phàn nàn phổ biến của bệnh nhân ung thư đang trải qua hóa trị là mùi vị kim loại trong miệng. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS), một số loại hóa trị và xạ trị có thể gây ra mùi vị kim loại. Tác dụng phụ này đôi khi được gọi là “miệng hóa trị”. Tương tự như các loại thuốc khác, thuốc điều trị ung thư được tiêm vào máu cũng có thể xâm nhập vào nước bọt, gây ra vị kim loại.

Các nghiên cứu cho thấy rằng: Việc bổ sung một số vitamin như vitamin D, kẽm.. có thể giúp ngăn ngừa sự thay đổi vị giác ở những người trải qua xạ trị hoặc hóa trị. Điều này chỉ ra rằng sự thiếu hụt vitamin có thể góp phần làm biến đổi vị giác.

5. Bạn có vấn đề về xoang và nhiễm trùng xoang

Cảm giác vị giác có liên quan chặt chẽ với khứu giác của bạn. Khi khứu giác của bạn bị bóp méo, nó có thể có tác động đến vị giác. Các vấn đề về xoang là một nguyên nhân phổ biến của vị kim loại trong miệng. Đây có thể là kết quả từ:

  • Dị ứng.
  • Cảm cúm.
  • Viêm xoang.
  • Nhiễm trùng tai giữa.
  • Polyp mũi.
  • Các nhiễm trùng đường hô hấp trên khác.

Sự tắc nghẽn đường hô hấp cùng chất nhầy tiết ra do nhiễm trùng có thể gây mùi hôi hoặc vị kim loại trong miệng. Trong trường hợp này, chất nhầy từ mũi và cổ họng sẽ chảy xuống lưỡi gây vị giác lạ. Sưng và tắc nghẽn trong ống dẫn nước bọt khi bị nhiễm trùng có thể làm giảm lưu lượng nước bọt. Việc giảm lượng nước bọt có thể gây tổn thương cho nụ vị giác và hoạt động của chúng.

Mặt khác, khi đau họng chúng ta hay sử dụng viên ngậm chứa kẽm để giảm đau. Điều đó cũng có thể góp phần vào việc gây ra miệng có vị kim loại ở bạn.

Bạn cũng nên nghi ngờ những vấn đề liên quan đến xoang
Bạn cũng nên nghi ngờ những vấn đề liên quan đến xoang

6. Bạn có rối loạn hệ thống thần kinh trung ương (CNS)?

Hệ thống thần kinh trung ương (CNS) gửi thông tin đáp ứng đến các bộ phận cơ thể, bao gồm cả thông tin về vị giác. Một rối loạn hoặc chấn thương thần kinh trung ương, chẳng hạn như đột quỵ hoặc liệt Bell, có thể làm biến dạng những thông tin này. Điều này có thể dẫn đến thay đổi hoặc suy giảm vị giác.

7. Bạn có đang mang thai?

Thay đổi vị giác là những dấu hiệu của đầu thời kỳ mang thai. Nguyên nhân là do sự thay đổi nội tiết tố trong giai đoạn đầu. Miệng của người mẹ sẽ cảm giác vị kim loại trong một thời gian. Triệu chứng này thường sẽ biến mất sau 3 tháng đầu.

Mang thai cũng khiến phụ nữ tăng nhạy cảm khứu giác. Người mẹ sẽ trở nên nhạy cảm với tất cả các mùi. Điều này cũng góp phần làm rối loạn thông tin vị giác ở miệng.

Mẹ bầu cần xây dựng chế độ ăn dinh dưỡng và ngon miệng để tránh cảm giác chán ăn. Tham khảo thêm: Mẹ bầu nên ăn gì để tốt cho bé?

Phụ nữ mang thai có thể mắc phải tình trạng này
Phụ nữ mang thai có thể mắc phải tình trạng này

8. Bạn có dị ứng với thực phẩm?

Miệng có vị kim loại cũng là một trong những triệu chứng của dị ứng thực phẩm. Tình trạng này thường gặp nhất sau khi ăn các loại ốc, sò hay các loại hạt. Nếu bạn nhận thấy sự thay đổi vị giác khác thường thì nên báo ngay cho bác sĩ về khả năng dị ứng thực phẩm.

Một số loại hạt gây dị ứng và tạo mùi vị khó chịu
Một số loại hạt gây dị ứng và tạo mùi vị khó chịu

9. Bạn có vừa phẫu thuật tai giữa và ống tai?

Phẫu thuật tai giữa và ống tai thường được thực hiện do nhiễm trùng tai mãn tính hoặc viêm tai giữa.  Đôi khi, nhánh đi qua màng nhĩ của thần kinh VII (chorda tympani) có thể bị hỏng trong quá trình phẫu thuật. Đây là một cấu trúc gần tai trong, nhiệm vụ kiểm soát vị giác ở hai phần ba phía sau của lưỡi. Điều này dẫn đến rối loạn vị giác, có thể gây ra vị kim loại ở miệng. Tuy nhiên, tình trạng này có thể điều trị phục hồi bằng thuốc.

10. Bạn có nguy cơ ngộ độc thủy ngân

Một tác dụng phụ của ngộ độc thủy ngân là gây vị kim loại trong miệng . Điều đó chứng tỏ rằng bạn có thể đang có triệu chứng nghiêm trọng hơn về thần kinh. Việc tiếp xúc với thủy ngân có thể do công việc hoặc ăn phải thực phẩm chứa thủy ngân. Điểm mấu chốt là lượng tiếp xúc bao nhiêu và tác động như thế nào lên cơ thể. Trong tình huống này, bạn cần phải đi khám bác sĩ ngay để điều trị tình trạng ngộ độc nếu có.

11. Bạn có đang mắc bệnh gan hoặc thận?

Mặc dù hiếm gặp nhưng bệnh gan hoặc thận cũng có thể gây ra mùi vị kim loại trong miệng. Đó là vì các bệnh này tạo ra sự tích tụ hóa chất trong cơ thể.  Những hóa chất này được giải phóng vào nước bọt, gây ra mùi vị kim loại. Ví dụ, bệnh nhân mắc bệnh thận nặng sẽ sản xuất quá nhiều amoniac trong nước bọt, gây ra mùi vị kim loại trong miệng.

12. Vệ sinh răng miệng của bạn kém 

Vệ sinh răng miệng kém có thể là lý do đơn giản gây mùi vị kim loại trong miệng của bạn. Không chăm sóc hoặc làm sạch răng có thể dẫn đến viêm nướu và viêm nha chu. Những giai đoạn đầu của bệnh nướu răng có thể gây ra vị kim loại. Thăm khám nha sĩ 6 tháng/lần để kiểm tra và làm sạch răng sẽ giúp bạn cập nhật tình trạng sức khỏe răng miệng.

13. Bạn có hút thuốc lá?

Bạn cần một lý do để bỏ thuốc lá? Chính tình trạng thay đổi vị giác là lý do. Tất cả những hóa chất mà bạn hít vào đều làm mất khả năng tái tạo vị giác của bạn. Điều này có thể gây ra mùi vị kim loại hoặc làm giảm vị giác của bạn hoàn toàn. Một nghiên cứu năm 2014 được công bố trong “Nhận thức hóa học” cho thấy: những người hút thuốc khó khăn hơn trong việc nhận biết một số vị nhất định, đặc biệt là vị đắng.

Hút thuốc là nhiều khả năng gây miệng có vị kim loại
Hút thuốc là nhiều khả năng gây miệng có vị kim loại

14. Bạn có chứng trào ngược axit dạ dày?

Cảm giác nóng rát mà bạn cảm thấy khi bị ợ nóng là do axit dạ dày trào ngược lên đường tiêu hóa. Đôi khi, chúng có thể lên đến miệng của bạn. Khi các enzyme tiêu hóa có tính axit ở dạ dày đi ngược lên miệng, chúng có thể phá hỏng các nụ vị giác ở phía sau lưỡi, gây rối loạn vị giác.

Trên đây là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng miệng có vị kim loại. Rối loạn vị giác có thể đưa đến nhiều vị khác lạ trong miệng, ngoài vị kim loại còn có vị mặn, vị ôi… Rối loạn vị giác có thể đột nhiên xuất hiện rồi biến mất. Cũng có trường hợp rối loạn kéo dài nhiều ngày tháng, gây stress và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, cuộc sống. Trong những trường hợp kéo dài, bạn cần phải thăm khám bác sĩ để tìm rõ nguyên nhân. Việc giải quyết nguyên nhân sớm sẽ giúp vị giác phục hồi sớm.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. What Is Dysgeusia?https://www.verywellhealth.com/dysgeusia-4764585

    Ngày tham khảo: 14/05/2020

  2. What Causes a Metallic Taste in My Mouth?https://www.healthline.com/health/metallic-taste-in-mouth

    Ngày tham khảo: 14/05/2020

  3. Metallic Taste in Your Mouth? Here Are 9 Possible Reasons Whyhttps://www.prevention.com/health/a22663898/metallic-taste-in-mouth/

    Ngày tham khảo: 14/05/2020

  4. 13 Things That Can Cause a Metallic Taste in Your Mouthhttps://www.thehealthy.com/dental/reasons-metallic-taste-in-mouth/

    Ngày tham khảo: 14/05/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người