Mộc qua: Vị thuốc nhiều công dụng
Nội dung bài viết
Mộc qua (Fructus Chaenomelis speciosae) là vị thuốc rất phổ biến, được sử dụng trong Y học cổ truyền để hỗ trợ điều trị nhiều bệnh như: thấp khớp, thổ tả, kiết lỵ, viêm ruột, tê phù do thiếu vitamin B1, hội chứng thiếu hụt vitamin C, đau thần kinh, đau đầu migraine, đột quỵ và trầm cảm… Bài viết sau của Bác sĩ Y học cổ truyền Trần Kim Anh sẽ giới thiệu cho các bạn về công dụng của Mộc qua, cách dùng và những điều cần lưu ý.
Bộ phận sử dụng
Mộc qua được trồng nhiều ở Trung Quốc như Hà Nam, Giang Tô, An Huy, Sơn Đông, Triết Giang, Phúc Kiến, Quảng đông, Tứ Xuyên. Ở Việt Nam, Mộc qua có thể được trồng ở các tỉnh giáp với Quảng Đông, Trung Quốc. Vào tháng 10 – 11, quả chín được thu hoạch về, bổ làm 2 hay 4 mảnh. Sau đó, quả được đem phơi, mặt trong quả ngửa lên phía trên, cho đến khi chuyển màu hồng tím, rồi phơi tiếp đến thật khô.
Mặt ngoài nâu đỏ đến tím đỏ, có những nếp nhăn trong quá trình khô, mặt trong quả còn rõ những ô chứa hạt, phần lớn hạt đã rụng, nhưng đôi khi còn sót lại một số hạt hình 3 cạnh, màu nâu đỏ trong chứa một nhân. Vị chua, chát, mùi hơi thơm.
Thành phần trong Mộc qua
Quả mộc qua chứa đường fructose 22,1%, glucose 38%, sucrose 10,4%, sorbitol 30,5%. Tổng hàm lượng đường là 3,84% so với quả tươi. Các axit gồm axit glutamic 1,9%, quinic 4,2%, malic 82,0%, citric 10,6%, phosphoric 1,3%, acid tổng số 3,71% theo quả tươi.
Trong mộc qua còn có saponin khoảng 2%, tannin, cyaniding, idacin, chrysanthemin, calistaphin, pelagonidin và lonicerin.
Công dụng Mộc qua
Theo Y học cổ truyền
Mộc qua có công dụng giảm ho, điều hòa hoạt động sinh lí của cơ thể, chữa phù nề, chân tay đau nhức, ho lâu ngày.
Được dùng chữa tê thấp, gân mạch co quắp, lưng gối đau mỏi, phù thũng, buồn nôn, tiêu chảy, kiết lỵ. Liều dùng 5 – 10g/ngày, sắc nước, ngâm rượu hoặc chế thành viên hoặc bột.
Thường dùng phối hợp với các vị thuốc khác:
- Ngũ gia bì để chữa chân sưng phù, đi lại khó khăn.
- Hoàng bá, tỳ giải để chữa tê thấp, vọp bẻ.
- Đương quy, uy linh tiên chữa đau khớp, chân tay tê bại.
- Hoắc hương, ngô thù du chữa nôn ói, tiêu chảy.
- Xa tiền tử, anh túc xác chữa kiết lỵ có nhầy nhớt, lẫn máu, ho lâu ngày không khỏi.
- Trần bì, bán hạ chữa ho nhiều đờm tức ngực.
Một số bài thuốc có sử dụng Mộc qua
1. Chữa phong thấp, co rút tay chân, các khớp hoạt động khó khăn
Mộc qua, Kỷ tử, Ngọc trúc mỗi vị 80 g; Ngũ gia bì, Khương hoạt, Độc hoạt, Đương quy, Trần bì mỗi vị 60 g; Tần giao, Xuyên khung, Hồng hoa, Thiên niên kiện, Ngưu tất, Tang ký sinh mỗi vị 40 g; đường 1600 g; rượu trắng 50° – 2,5 lít.
Các dược liệu ngâm rượu và đường. Mỗi lần uống 15 – 30ml, ngày 2 lần. Phụ nữ có thai không được dùng.
2. Chữa thấp khớp, đau nhức, phù nề, ho lâu ngày
Mộc qua 120 g, Xương hổ chế 40 g, Xuyên khung 40 g, Ngưu tất 40 g, Đương quy 40 g, Thiên ma 40 g, Hồng hoa 40 g, Tục đoạn 40 g, Bạch gia can 40 g, Ngọc trúc 40 g, Tần giao 20 g, Phòng phong 20 g, Tang chi 16 g.
Các vị tán thành bột thô, cho vào 15 lít rượu trắng, đậy kín mỗi ngày khuấy một lần, sau một tuần lễ thì mỗi tuần khuấy một lần; sau 1 tháng lọc lấy rượu, bả đem ép lấy nước thêm vào dịch đã lọc được. Lấy 1,3 kg đường phèn hòa vào nước rồi trộn chung với rượu thuốc. Để lắng, lọc. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 20 – 40 g.
3. Chữa phù nề, đờm ngược tức ngực
Mộc qua, Trần bì, Nhân sâm mỗi vị 30 g, Tân lang 60 g, Quế tâm, Đinh hương mỗi vị 15 g. Các vị trên nghiền thành bột, chế thành viên bằng hạt đậu xanh, mỗi lần uống 30 viên với nước sắc gừng sống.
4. Chữa tiêu chảy, nôn ói
Mộc qua 20 g, Hồi hương 10 g, Gừng khô 10 g. Sắc nước uống.
5. Chữa kiết lỵ nhầy máu
Mộc qua, Xa tiền tử, Anh túc xác, lượng bằng nhau. Nghiền thành bột mỗi lần uống 6 g với nước cháo.
Bằng chứng khoa học của Mộc qua
Mộc qua đã được chứng minh có nhiều tác dụng tốt đối với một số bệnh lý ở người, tuy nhiên các nghiên cứu đa phần ở mức thử nghiệm trên động vật mà chưa có nhiều nghiên cứu lâm sàng trên người. Một số tác dụng đã được chứng minh:
1. Chống oxy hóa
Các chất chiết xuất từ Mộc qua có khả năng chống oxy hóa mạnh. Trong những nghiên cứu gần đây, hợp chất quercetin trong Mộc qua có khả năng loại bỏ các gốc tự do và oxit nitơ. Ngoài ra, hàm lượng flavonoid cao trong Mộc qua có tác dụng làm chống oxy hóa mạnh hơn so với vitamin C.
2. Kháng viêm, giảm đau
Các hợp chất ester, polysaccharide chiết xuất từ Mộc qua có khả năng kháng viêm mạnh, điều hòa miễn dịch, giảm đau và giảm chứng khó tiêu.
Ngoài ra, Mộc qua đã được sử dụng trong điều trị Viêm khớp dạng thấp do khả năng kháng viêm, giảm đau. Bạn có thể tìm hiểu thêm: Những điều cần biết về thuốc kháng viêm methylprednisolone (Depo-Medrol)
3. Chống xơ vữa động mạch
Mộc qua có tác dụng chống xơ vữa động mạch do khả năng chống oxy hóa mạnh và giảm nồng độ cholesterol trong máu.
4. Chống ung thư và điều hòa miễn dịch
Các nghiên cứu trên chuột cho thấy các polysaccharide trong Mộc qua có tác dụng ức chế tăng sinh tế bào ung thư, điều hòa miễn dịch. Ngoài ra, các hợp chất axit trong Mộc qua có tác dụng ức chế hoạt động của một số tế bào ung thư cũng như tăng cường đáp ứng miễn dịch.
5. Trị tiêu chảy
Các axit hữu cơ (axit betulinic, oleanolic và ursolic) có khả năng hỗ trợ điều trị tiêu chảy nhờ tác dụng kháng khuẩn mạnh và giảm đau.
6. Điều trị đái tháo đường
Thành phần polysaccharide và flavonoid có liên quan đến khả năng ức chế α-Glucosidase của Mộc qua giúp làm giảm lượng đường trong máu.
7. Kháng virus
Nghiên cứu cho thấy axit oleanolic có trong Mộc qua có tác dụng ức chế sự nhân lên của bộ gen virus viêm gan B.
Ngoài ra, chiết xuất từ Mộc qua chứa chất chống oxy hóa mạnh có khả năng chữa bệnh cúm gia cầm.
Kiêng kỵ
- Sách Đông Dược Học Thiết Yếu: Ăn nhiều Mộc qua làm hại răng. Trường vị có tích trệ thì không nên dùng.
- Thương thực mà Tỳ vị chưa hư, tích tụ nhiều, không nên dùng.
- Sách Thực Dụng Trung Y Học: Mộc qua có vị chua, ăn nhiều sẽ gây bí tiểu.
Tóm lại, bài viết đã tóm tắt một số thông tin về công dụng của Mộc qua. Những thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Tốt nhất, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các vị thuốc.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Đỗ Tất Lợi (2004). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.
- Viện Dược liệu (2006). Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam - Tập II. Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội.
- Zhang L et al. (2010), “Antioxidant, anti‑inflammatory and anti‑influenza properties of components from Chaenomeles speciosa”, Molecules 15, tr. 8507-8517.
- Liu HJ et al. (2002), “Inhibition effects of oleanolic acid from Chaenomeles lagenaria on hepatitis B virus in vitro”, Pharm J Chin People's Liberation Army 18, tr. 272-274.
- J. Miao et al. (2018), “Active compounds, antioxidant activity and 𝛼-glucosidase inhibitory activity of different varieties of Chaenomeles fruits”, Food Chemistry 248, tr. 330–339.
- Zhang S et al. (2014), “Chaenomeles speciosa: A review of chemistry and pharmacology”, Biomedical Reports 2, tr. 12-18.
- Weifeng Huang et al. (2018), “Phytochemical and Pharmacological Properties of Chaenomeles speciosa: An Edible Medicinal Chinese Mugua”, Evidence-Based Complementary and Alternative Medicine.