Móng quặp (móng mọc ngược) do nguyên nhân gì?
Nội dung bài viết
Móng quặp (móng mọc ngược) là một tình trạng xảy ra khá rất phổ biến. Khi đó cạnh bên của móng mọc ngược vào trong chọc vào phần mềm của ngón tay hay ngón chân. Do móng quặp chọc vào trong da sẽ đóng vai trò là một vật kích thích khiến cho da của các ngón bị sưng viêm. Móng quặp có thể xảy ra ở mọi đối tượng và một người cũng có thể bị tình trạng này nhiều lần. Vậy nguyên nhân nào khiến cho móng không mọc theo đúng hướng của nó mà lại quay ngược vào trong. Chuyên gia từ YouMed sẽ giúp chúng ta giải đáp ngay sau đây.
1. Móng quặp (móng mọc ngược) là gì?
Móng tay và móng chân là các phần phụ của cơ thể nhưng chúng giữ những vai trò nhất định. Nhờ có móng mà các ngón tay và ngón chân được bảo vệ khỏi các chấn thương khi làm việc. Móng còn giúp đảm bảo cho các ngón tay chạm vào đối tượng một cách chính xác. Ngoài ra móng còn giúp chúng ta thao tác dễ dàng hơn trong lao động như động tác cậy hay bật nắp. Cuối cùng móng còn là công cụ trang trí giúp cho đôi bàn tay hay bàn chân thêm xinh đẹp và thu hút.
Bệnh lý móng quặp (móng mọc ngược) là hiện tượng cạnh bên của móng không mọc thẳng ra phía ngoài. Thay vào đó chúng cuộn vào trong và chọc vào phần mô mềm xung quanh móng. Chỗ bị móng chọc vào sẽ bị sưng lên, đau nhức và sau đó là nhiễm khuẩn. Ban đầu triệu chứng viêm ở mức độ nhẹ, nếu không xử lý thì nhiễm khuẩn sẽ trở nên nặng hơn.
Móng quặp (móng mọc ngược) có thể xảy ra ở bất kỳ ngón nào của bàn tay hay bàn chân. Nhưng nó thường xảy ra ở các ngón chân, đặc biệt là ngón chân cái. Móng quặp không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại gây nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Chẳng hạn nếu móng chân bị quặp sẽ khiến cho chúng ta bị đau khi đi lại do móng chọc vào phần thịt xung quanh.
2. Triệu chứng của móng quặp (móng mọc ngược) là gì?
Giai đoạn sớm khi móng chỉ vừa mới chọc vào phần mô mềm quanh móng thì chỉ biểu hiện các triệu chứng sau:
- Phần da quanh móng trở nên sưng
- Cảm giác đau ngón chân khi mang giày
- Móng trở nên phù nề do bị tụ dịch
Nếu không được xử lý thì phần mô mềm quanh móng sẽ bị nhiễm trùng với các biểu hiện sau:
- Da quanh móng trở nên đỏ, sưng phù nhiều
- Cảm giác đau nhức tự nhiên, kể cả khi không mang giày
- Chảy máu
- Tụ mủ quanh móng
- Mọc phần da mới bao phủ lên phía trên của móng khiến cho móng chìm sâu xuống da
Không quá khó khăn để chẩn đoán bệnh móng quặp (móng mọc ngược). Bác sỹ có thể chẩn đoán tình trạng này một cách dễ dàng thông qua thăm khám mà không cần thêm xét nghiệm nào. Trong trường hợp bị nhiễm trùng nặng, bác sỹ có thể đề nghị bạn chụp X quang xem phần xương bên dưới có bị ảnh hưởng hay không.
3. Nguyên nhân khiến móng quặp (móng mọc ngược) là gì?
Cắt tỉa móng không đúng cách và đi giày chật là hai nguyên nhân chính gây ra móng quặp.
- Cắt tỉa móng không đúng cách. Nếu cắt móng vào sâu bên trong sẽ làm cho phần mềm quanh móng ép móng lại. Điều này khiến cho móng bị vật cản, khó mọc thẳng ra bên ngoài mà quay ngược vào trong.
- Mang giày chật. Những người có thói quen đi giày cao gót, mũi nhọn hay giày thể thao chật dễ bị móng mọc ngược. Khi đó bờ tự do của móng liên tục bị ép cuộn vào bên trong và khiến cho móng mọc vào trong.
Móng quặp có thể xảy ra ở cả nam hay nữ và bất kể độ tuổi nào. Tuy nhiên người lớn tuổi sẽ dễ bị móng quặp hơn do bản móng dày lên khi già đi. Ngoài ra, ở các thanh thiếu niên cũng có thể bị móng quặp. Người ta ghi nhận rằng những thanh thiếu niên có kèm tình trạng đổ mồ hôi chân sẽ dễ bị móng mọc ngược.
Các bệnh lý ở móng cũng khiến cho móng bất thường. Chẳng hạn như tình trạng nấm móng, loạn dưỡng móng làm cho móng dày lên bất thường. Lúc này móng sẽ dễ dàng mọc ngược vào trong.
Móng quặp cũng thường gặp ở phụ nữ mang thai. Vì khi tăng cân trong thai kỳ khiến cho phần da quanh móng phát triển và bao trùm lên trên bản móng. Bản móng bị che phủ khiến cho nó khó mọc thẳng ra ngoài dẫn đến mọc ngược vào trong.
Ở các vận động viên như cầu thủ đá banh, diễn viên múa ba lê, boxing cũng gặp phải tình trạng móng quặp do móng bị chấn thương thường xuyên.
4. Khi nào nên đến khám bác sỹ?
Khi móng quặp chỉ ở giai đoạn sớm và triệu chứng còn nhẹ thì chúng ta có thể chăm sóc móng tại nhà. Một số cách chăm sóc cũng có hiệu quả giúp giảm nhanh triệu chứng.
Còn khi tình trạng nhiễm trùng trở nên nặng hơn thì các bạn nên nhanh chóng đến cơ sở y tế. Nhiễm trùng có thể lan rộng và ảnh hưởng đến phần xương bên dưới. Lúc này bác sỹ sẽ giúp chẩn đoán mức độ tổn thương và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
5. Kết luận
Móng mọc ngược là tình trạng phổ biến xảy ra ở nhiều người. Các trường hợp nhẹ thường không gây nguy hiểm mặc dù gây khó chịu khi sinh hoạt. Trong trường hợp nặng hơn thì tình trạng nhiễm trùng có thể lây lan và ảnh hưởng đến xương bên dưới.
Nguyên nhân chính khiến cho móng mọc ngược là do thói quen sinh hoạt hằng ngày. Ngoài ra một số nghề nghiệp có thể là nguyên nhân khiến móng mọc ngược. Khi bị móng mọc ngược thì chúng ta cần có biện pháp xử lý phù hợp. Những biện pháp này giúp giảm đau và hạn chế nhiễm trùng nặng hơn.
Bác sĩ Võ Thị Ngọc Hiền
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
ingrown toenail, https://www.healthline.com/health/ingrown-toenail#treatment, accessed on 2020 Mar 31