Mụn ẩn: Bật mí phương pháp đẩy lùi đối thủ cứng đầu của da
Nội dung bài viết
Mụn ẩn là tên gọi của một loại mụn khá thường gặp nhưng cũng ít được quan tâm hơn các tình trạng mụn khác. Vì so với các loại mụn chúng ta đã từng được tìm hiểu, mụn ẩn không mang tới các hình ảnh kém thẩm mỹ rõ ràng trên làn da. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta bỏ qua để chúng càng ngày càng dày đặc nhiều hơn. Điều này làm cho da của chúng ta lâu dần sẽ mất đi độ khỏe vốn có. Bài viết sau đây, Bác sĩ Nguyễn Thị Thảo sẽ cùng đồng hành với các bạn tìm hiểu các thông tin chi tiết về mụn ẩn. Đặc biệt là các phương pháp điều trị và phòng ngừa loại mụn cứng đầu này.
1. Mụn ẩn là gì?
Để trả lời cho câu hỏi này, đôi khi chúng ta sẽ liên tưởng đến một bệnh lí quen thuộc hơn, đó là mụn trứng cá. Trên thực tế, mụn ẩn chính là một dạng tổn thương của mụn trứng cá không viêm phát triển dưới bề mặt da.
Mụn ẩn đôi khi dễ bị bỏ qua là do chúng biểu hiện không rõ ràng. Kích thước của mụn chỉ nhỏ bằng đầu tăm, nổi li ti thành cụm ẩn dưới da và có xu hướng lan rộng. Mụn thường không sưng đau, không viêm. Bên cạnh đó, màu sắc của mụn ẩn thường trùng với màu da, nên khó phát hiện hơn khi chỉ nhìn lướt qua. Chúng ta chỉ có thể cảm nhận được khi sờ tay lên da như trong lúc rửa mặt, hoặc chú ý kĩ sẽ thấy được da gồ ghề, không trơn láng.
Vị trí xuất hiện của mụn ẩn thường là ở vùng trán, hai má và cằm. Ngoài ra, chúng còn có thể xuất hiện ở ngực, lưng và phần trên cánh tay. Khuynh hướng nổi mụn ẩn thường là vùng có tuyến bã tập trung nhiều và hoạt động mạnh, dễ gây bít tắc lỗ chân lông nếu không được chăm sóc đúng cách.
Tìm hiểu thêm: Da mụn và cách chăm sóc hiệu quả
2. Nguyên nhân gây nên mụn ẩn?
Qúa trình hình thành mụn có liên quan đến tuyến bã và nang lông của da. Các lỗ nhỏ trên da (lỗ chân lông) kết nối với các tuyến bã dưới da qua kênh gọi là nang lông.
Thông thường, bã nhờn tạo ra từ tuyến bã đổ vào phần trên nang lông, và bài tiết ra da. Chúng có tác dụng làm da mềm mại, chống ngấm nước và cũng chống vi khuẩn, nấm. Tuy nhiên, khi có nguyên nhân nào đó tác động, tuyến bã sẽ tăng tiết, kết quả làm cho chất bã sinh ra quá nhiều, không thoát ra được. Lượng bã nhờn thừa gây bít tắc lỗ chân lông dẫn đến mụn ẩn với nhân nằm sâu dưới da.
Vậy đâu là tác nhân thúc đẩy quá trình sinh mụn trên?
2.1 Nồng độ hormone (nội tiết tố) góp phần gây mụn ẩn:
Thay đổi nồng độ hormone trong cơ thể được cho là yếu tố hàng đầu góp phần gây mụn ẩn. Thường diễn ra trong giai đoạn dậy thì. Ở tuổi trưởng thành, một số phụ nữ sẽ gặp phải tăng tiết bã nhờn quá mức vài ngày trước chu kì kinh nguyệt. Thời kì mang thai, mãn kinh cũng có thể bị tình trạng tương tự.
2.2 Sử dụng thuốc:
Một số loại ví dụ như thuốc tránh thai, các thuốc điều trị động kinh… đôi khi gây ra tác dụng phụ thúc đẩy sinh mụn.
Xem thêm: Có nên dùng thuốc tránh thai để trị mụn không?
2.3 Mỹ phẩm có thể dẫn đến mụn ẩn:
Ở đây bao gồm cả sản phẩm làm đẹp (make-up) và chăm sóc, dưỡng da. Đối với việc trang điểm, có hai lí do dễ dẫn đến mụn ẩn:
- Không làm sạch sâu được các cặn dư của mỹ phẩm còn sót lại trên da. Đặc biệt, một số loại mỹ phẩm được sản xuất để tạo độ bền cho lớp trang điểm, nên việc vệ sinh cũng phức tạp hơn.
- Sử dụng sản phẩm quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, chứa nhiều hóa chất độc hại. Điều này làm cho da mẫn cảm và dễ kích ứng.
Việc dưỡng da đôi khi lại đi ngược với kết quả mong muốn. Thói quen mua các sản phẩm theo trào lưu, nhưng chưa xem xét kĩ liệu thành phần có phù hợp với da của mình. Ví dụ như chọn kem dưỡng quá nhờn làm cho lượng dầu thừa tích tụ. Ngoài ra, không phải chỉ riêng dưỡng da, mà lựa chọn các loại dưỡng tóc cũng quan trọng không kém. Bởi vì khi tóc quá bết dính, dễ bẩn, khi chạm vào da rất dễ gây mụn.
2.4 Những yếu tố khác gây mụn ẩn:
Thực phẩm: Một số nghiên cứu đưa đến kết quả cho rằng chế độ ăn uống có góp phần gây nên mụn. Đặc biệt là sản phẩm từ sữa, thực phẩm có chỉ số đường huyết cao (đường, chất béo). Tuy nhiên, mối liên quan này vẫn chưa được chứng minh rõ ràng.
Căng thẳng: Công việc, đời sống… khiến bạn căng thẳng nhưng đây không là nguyên nhân của mụn ẩn. Tuy nhiên điều này có thể làm tình trạng mụn sẵn có trở nên nghiêm trọng hơn.
Chà xát da: Nhầm tưởng rằng da bị mụn ẩn là do không rửa mặt đủ là chưa đúng. Việc chà xát nhiều lần trong quá trình rửa chính là yếu tố làm da mụn tổn thương thêm. Trên thực tế, rửa sạch bề mặt da thật sự không tác động nhiều, vì mụn ẩn ở sâu trong da. Ngoài ra, đội nón, mang balo… đè ép trực tiếp lên da; tiếp xúc môi trường ô nhiễm cũng thúc đẩy bít tắc lỗ chân lông gây mụn.
3. Làm sao chúng ta đẩy lùi được mụn ẩn?
Tuy rằng mụn ẩn không gây nên các ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu không được điều trị đúng cách, chúng có khả năng lan rộng hoặc tạo sẹo, thâm. Da bạn sẽ ngày càng xấu đi, ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ.
Có thể mụn ẩn khó điều trị dứt điểm và hay tái lại. Nhưng kiên nhẫn duy trì những lời khuyên do các chuyên gia da liễu đề ra sau đây sẽ cải thiện mụn.
3.1 Không nên tự ý nặn mụn ẩn:
Việc dùng kim đâm hoặc tay bóp mạnh vào các nốt mụn có nhân nằm sâu trong da sẽ thúc đẩy nhiễm trùng, gây đau, tệ hơn là gây sẹo vĩnh viễn.
Trên hết, giữ vệ sinh vùng da mụn và các vùng lân cận là vô cùng quan trọng. Việc đưa tay hoặc vật lên da tạo điều kiện vi khuẩn bám lên da.
3.2 Chườm ấm:
Sử dụng một miếng khăn ấm có thể giúp điều trị mụn ẩn. Hơi nóng có thể mở lỗ chân lông, kéo mụn lên gần bề mặt da và tạo đầu mụn. Cách làm như sau, ngâm một khăn sạch vào nước nóng vừa phải. Sau đó trong lúc còn nóng áp vào cụm mụn trong 10-15 phút. Lặp lại 3-4 lần/ ngày cho đến khi mụn trồi lên.
3.3 Dùng miếng dán mụn:
Khi dán trực tiếp lên nốt mụn, miếng dán giúp loại bỏ vi khuẩn, bã nhờn và bụi bẩn. Thành phần trong miếng dán có thể khác nhau, chẳng hạn như axit salicylic (BHA) có tác dụng đẩy mụn ẩn. Có thể dán cả ngày, nhưng cần thay ít nhất 24 giờ một lần.
3.4 Sử dụng thuốc điều trị mụn tại chỗ:
Thuốc có thể ở dưới dạng sữa rửa mặt, kem, gel, tẩy tế bào chết… dùng ngoài da. Việc sử dụng phối hợp các thuốc theo đúng chiến lược điều trị cũng mang lại nhiều hữu ích. Một số thành phần có mang lại hiệu quả khi điều trị mụn ẩn, bao gồm:
- Axit salicylic (BHA): loại bỏbít tắc lỗ chân lông bằng cách loại bỏ lớp tế bào da chết trên bề mặt da. Cũng có khả năng giảm viêm.
- Alpha hydroxy acids (AHA):hoạt động bằng cách tẩy tế bào chết cho da.
- Benzoyl peroxide: làm giảm vi khuẩn acnes.
- Lưu huỳnh: ức chế vi khuẩn acnesvà làm thông thoáng lỗ chân lông.
- Retinoids: giúp mở lỗ chân lông và giảm dầu.
Những loại thuốc có chứa thành phần trên có thể dễ dàng tìm mua ngoài thị trường. Tuy nhiên, bạn vẫn cần đến khám bác sĩ da liễu để được chẩn đoán chính xác tình trạng mụn, và được tư vấn loại thuốc hiệu quả nhất.
4. Làm sao để phòng ngừa mụn ẩn:
Dù bạn đang điều trị mụn ẩn, tuy nhiên chúng vẫn có thể “ghé thăm” bất cứ lúc nào. Vì thế, bạn nên áp dụng các cách sau đây để ngăn chặn mụn ẩn ngay từ đầu:
4.1 Chỉ nên rửa mặt 2 lần/ ngày:
Hoặc khi ra nhiều mồ hôi, với sữa rửa mặt dịu nhẹ và nước. Vì rửa mặt quá nhiều lần có thể gây khô da, dễ kích ứng gây mụn. Đặc biệt, việc tẩy trang bằng sản phẩm chuyên dụng là cần thiết ngay cả khi chỉ dùng kem chống nắng. Ngoài ra, tẩy tế bào chết 2 lần/tuần là tốt khi da không có tổn thương. Trong trường hợp đang có mụn, bạn nên cần được tư vấn của bác sỹ trước khi sử dụng, vì chúng có thể làm tình trạng trên da bạn tệ hơn.
4.2 Sử dụng mỹ phẩm phù hợp:
Có thể lựa chọn các sản phẩm được ghi chú là không gây mụn, không chứa các thành phần được chứng minh là gây bít tắc lỗ chân lông (non-comedogenic), không quá ẩm dầu. Để chắc chắn, bạn nên tham vấn bác sỹ da liễu, để được biết thành phần, biệt được nào không nên có trong mỹ phẩm, kem dưỡng với tình trạng da của bạn.
4.3 Thường xuyên giặt áo gối và vệ sinh các loại đồ vật hay tiếp xúc gần da
Áo gối là một trong những thứ tiếp xúc với bề mặt da nhiều nhất. Vì thế, nếu không có thói quen thay và giặt thường xuyên, chúng sẽ tích bụi và áp lên bề mặt da. Cùng với bụi và bả nhờn tiết trong lúc ngủ sẽ hình thành nhân mụn.
4.4 Chế độ ăn uống lành mạnh:
Chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Khi uống đủ nước trong ngày, cung cấp đủ độ ẩm cho da, sẽ hạn chế tiết bã nhờn. Bởi vì tiết nhờn là một phản ứng bảo vệ của làn da khi da khô (không đủ độ ẩm). Đặc biệt, ưu tiên ăn rau xanh, trái cây, cung cấp bổ sung vitamin thiết yếu. Đồng thời hạn chế đường, sữa, chất béo sẽ hỗ trợ làn da thêm khỏe mạnh.
4.5 Có lối sống lành mạnh:
Tập thể dục, yoga hoặc thiền khi căng thẳng, giúp cho việc lưu thông máu tốt hơn, tăng cường sức khỏe tổng thể cũng là biện pháp bảo vệ da.
Tuy rằng mụn ẩn khá “cứng đầu”, nhưng với sự kiên nhẫn và thực hiện đúng theo các hướng dẫn của bác sĩ vẫn có thể điều trị dứt điểm. Vì thế, ngay khi tình trạng mụn khiến bạn trở nên khó chịu, hãy đến khám tại khoa da liễu ở các cơ sở y tế uy tín để được nhận dạng chính xác mụn và được điều trị hiệu quả nhất. Ngoài ra, việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa ngay từ ban đầu cũng cực kỳ quan trọng, chúng sẽ giúp bạn giảm khả năng mụn ẩn quay trở lại.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
How to get rid of a blind pimplehttps://www.medicalnewstoday.com/articles/320250
Ngày tham khảo: 07/09/2020
-
How to Heal Blind Pimples Under the Skin: 6 Wayhttps://www.healthline.com/health/beauty-skin-care/blind-pimple
Ngày tham khảo: 07/09/2020
-
Causes and risk factors of acnehttps://www.verywellhealth.com/acne-causes-4688896
Ngày tham khảo: 07/09/2020
-
What is acne?https://www.niams.nih.gov/health-topics/acne#tab-overview
Ngày tham khảo: 07/09/2020
-
Acnehttps://www.womenshealth.gov/a-z-topics/acne
Ngày tham khảo: 07/09/2020