Mụn ở tuổi dậy thì: Cần trị như thế nào?
Nội dung bài viết
Hầu như tất cả mọi người đều sẽ xuất hiện mụn ở tuổi dậy thì. Mụn ở độ tuổi dậy thì là một tình trạng phổ biến và ít khi trở thành một vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên ở một số thanh thiếu niên có thể sẽ phát triển mụn cá nặng hơn các bạn cùng trang lứa và có thể để lại sẹo. Bài viết dưới đây của Bác sĩ Nguyễn Thị Thảo sẽ giải đáp mọi thắc mắc về tình trạng da liễu này.
Nguyên nhân gây mụn ở tuổi dậy thì
Mụn xảy ra khi lỗ chân lông bị tắc nghẽn. Sự thay đổi nội tiết tố có thể giải thích tại sao mụn trứng cá rất phổ biến ở thanh thiếu niên. Trong tuổi dậy thì, các hormone được gọi là nội tiết tố androgen làm tăng kích thước của các tuyến dầu trên da. Các tuyến này bắt đầu tạo ra nhiều dầu hơn, có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông và gây nên mụn ở tuổi dậy thì.1 Ngoài ra, mụn ở tuổi dậy thì có thể xuất hiện do tăng sừng nang lông, vi khuẩn C.Acnes và phản ứng viêm.
Các loại mụn thường gặp ở tuổi dậy thì
Khi bị mụn ở tuổi dậy thì, bạn có thể gặp phải một loại mụn nhất định hoặc là hỗn hợp các loại mụn dưới đây:2
- Mụn đầu trắng: Mụn đầu trắng hình thành khi dầu thừa và tế bào da chết tích tụ và làm bít lỗ chân lông. Điều này gây ra mụn nổi lên và có màu trắng hoặc cùng màu với da.
- Mụn đầu đen: Loại mụn này cũng phát triển khi dầu thừa và tế bào da chết tích tụ bên trong lỗ chân lông. Khi tích tụ tích tụ, lỗ chân lông sẽ mở rộng và bạn sẽ thấy mụn đầu đen.
- Mụn nhọt: Đôi khi dầu thừa, tế bào da chết và vi khuẩn bị mắc kẹt bên trong lỗ chân lông. Vi khuẩn có thể sinh sôi nhanh chóng trong dầu thừa. Khi lỗ chân lông chứa đầy vi khuẩn, tình trạng viêm (sưng) phát triển và mụn xuất hiện.
- Mụn nang, mụn bọc: Khi lỗ chân lông chứa đủ dầu thừa, tế bào da chết và vi khuẩn gây viêm (sưng tấy) đi sâu vào da, mụn sẽ hình thành. Vì những nốt mụn này đi sâu vào da, chúng có thể mềm hoặc đau.
Cách điều trị mụn ở tuổi dậy thì
Kế hoạch điều trị mụn ở tuổi dậy thì phù hợp với bạn phụ thuộc vào nhiều cân nhắc, bao gồm:3
- Bạn bị loại mụn nào (tức là mụn đầu đen, mụn nhọt,…).
- Vị trí mụn xuất hiện trên da của bạn.
- Những phương pháp điều trị bạn đã thử.
- Khi nào mụn bùng phát.
- Tuổi của bạn.
- Mụn có để lại vết thâm hay sẹo hay không.
Mặc dù kế hoạch điều trị có thể khác nhau ở mỗi bệnh nhân, điều trị thường tuân theo các nguyên tắc này.
Mụn đầu trắng, mụn đầu đen hoặc cả hai3
Nếu bạn có những nốt mụn này, bạn có thể sẽ bôi thuốc trị mụn lên da. Kế hoạch điều trị của bạn có thể bao gồm một trong những điều sau:
- Retinoid.
- Retinoid + benzoyl peroxide, axit azelaic hoặc axit salicylic.
- Benzoyl peroxide + một loại thuốc kháng sinh bôi lên da.
Mụn nhọt3
Mức độ nhẹ hoặc trung bình có thể được điều trị bằng thuốc bạn bôi lên da. Điều trị thường sẽ bao gồm áp dụng một trong những cách sau:
- Benzoyl peroxide.
- Retinoid.
- Axit azelaic.
- Benzoyl peroxide + retinoid hoặc thuốc kháng sinh bạn bôi lên da.
Mụn nang, mụn bọc3
Nếu bạn bị mụn sâu, sưng tấy và thường để lại sẹo mụn vĩnh viễn, việc điều trị hiệu quả có thể giúp bạn thấy da sạch hơn và ngăn ngừa sẹo mới.
Điều trị có thể bao gồm:
- Thuốc theo toa bạn bôi ngoài da + uống kháng sinh.
- Isotretinoin: Thuốc được phê duyệt để điều trị mụn trứng cá nặng.
Khi nào mụn ở tuổi dậy thì mới hết?
Đây là một câu hỏi không có lời giải đáp thỏa đáng cho tất cả đối tượng bị mụn ở tuổi dậy thì. Việc phục hồi tình trạng này còn tùy thuộc nhiều vào cơ địa của từng người, cách chăm sóc da, chế độ ăn uống và điều trị,… Tuy nhiên bạn hoàn toàn có thể rút ngắn thời gian hồi phục bằng các phương pháp đã được đề cập trong bài viết. Ngoài ra đừng tự ti mà hãy tự mình tham vấn ý kiến của chuyên gia y tế da liễu để có thể cá nhân hóa liệu trình điều trị và và rút ngắn thời gian phục hồi của bản thân!
Những sai lầm khiến tình trạng của bạn trở nên nặng nề hơn
Sau đây là một số nguyên nhân bạn nên lưu ý để tránh làm tình trạng da của bạn trở nặng:
- Tự ý nặn mụn.
- Vô tình để tay bẩn chạm lên mặt.
- Chà xát mạnh lên vùng da bị mụn.
- Dùng các sản phẩm không đảm bảo chất lượng.
Tại sao mụn ở tuổi dậy thì cần được quan tâm đến
Một số bạn trẻ coi mụn ở tuổi dậy thì như một tình trạng da mà cuối cùng nó cũng sẽ hết. Tuy nhiên nó có thể ảnh hưởng sâu sắc và lâu dài đến cuộc sống của các bạn ở độ tuổi dậy thì. Các vấn đề về làn da mà bạn có thể gặp phải sau khi các nốt mụn biến mất:
Sẹo mụn
Khi mụn khỏi có thể để lại sẹo vĩnh viễn. Một số vết sẹo gây lõm trên da. Một số trường hợp các vết lõm này có thể được nâng lên. Tuy nhiên không thể dự đoán ai sẽ bị sẹo khi sạch mụn. Những điều sau đây có thể làm tăng nguy cơ để lại sẹo:
- Sống chung với mụn trong một thời gian dài vì bạn không điều trị hoặc điều trị không hiệu quả
- Có một hoặc nhiều người thân cùng huyết thống bị sẹo mụn
Tăng sắc tố da
Khi mụn biến mất, vùng da bị mụn có thể có màu hồng, đỏ, tím, đen hoặc nâu, và nó thường bị nhầm với sẹo mụn vĩnh viễn.
Không giống như sẹo mụn, những vết tăng sắc tố này cuối cùng sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, việc làm đều màu da có thể mất thời gian. Một số điểm có thể tồn tại trong một năm hoặc lâu hơn. Vết càng đậm thì càng mất nhiều thời gian để xóa. Điều trị và chăm sóc da đúng cách có thể giúp các vết nám nhanh chóng xóa mờ hơn. Giúp ngăn ngừa các vết thâm mới.
Tự ti về làn da
Nghiên cứu cho thấy rằng mụn trứng cá có thể gây mất tự tin. Các bác sĩ da liễu nhận thấy điều này ở nhiều bệnh nhân bị mụn trứng cá. Hạ thấp lòng tự trọng trong những năm thiếu niên và những năm đầu trưởng thành có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của các bạn ở độ tuổi dậy thì.
Trầm cảm
Thanh thiếu niên bị mụn trứng cá có nguy cơ cao bị trầm cảm. Có thể bao gồm ý nghĩ tự tử, so với thanh thiếu niên thỉnh thoảng nổi mụn. Đây là lý do tại sao các bác sĩ da liễu khuyên bạn nên điều trị mụn trứng cá khi nó bắt đầu và tiếp tục điều trị để ngăn ngừa mụn mới bùng phát.
Lời khuyên cho bạn
- Không hút thuốc lá: Những người hút thuốc có nhiều khả năng bị mụn trứng cá hơn và với mức độ nặng hơn những người không hút thuốc. Những người này cũng có nguy cơ để lại sẹo mụn nhiều hơn.
- Không nên căng thẳng: Tương tự như hút thuốc lá, căng thẳng cũng làm gia tăng số lượng và tăng độ trầm trọng của mụn.
- Ngủ đủ giấc.
- Xây dựng chế độ ăn khoa học, bổ sung chất xơ và vitamin cần thiết cho cơ thể.
- Sử dụng các sản phẩm chăm sóc da và trang điểm dành cho da nhạy cảm, dễ nổi mụn.
- Không nên sử dụng các sản phẩm chăm sóc tóc chứa dầu, chẳng hạn như pomade.
Gần như tất cả mọi người đều phát triển ít nhất một vài nốt mụn ở tuổi dậy thì. Không thể dự đoán ai sẽ phát triển mụn trứng cá nặng hơn. Tin tốt là bạn không phải sống chung với mụn. Ngày nay, hầu như mọi trường hợp mụn đều có thể được điều trị thành công. Một số trường hợp mụn tuổi dậy thì nặng có thể cần đến sự trợ giúp của bác sĩ da liễu. Hy vọng những thông tin từ bài viết do Bác sĩ Nguyễn Thị Thảo cung cấp có thể giúp ích cho bạn!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
ACNE: WHO GETS AND CAUSEShttps://www.aad.org/public/diseases/acne/causes/acne-causes
Ngày tham khảo: 30/12/2022
-
Types of Acne and How to Treat Themhttps://www.healthline.com/health/beauty-skin-care/types-of-acne
Ngày tham khảo: 30/12/2022
-
ACNE: DIAGNOSIS AND TREATMENThttps://www.aad.org/public/diseases/acne/derm-treat/treat
Ngày tham khảo: 30/12/2022