YouMed

Nấm da đùi có thể chữa khỏi tận gốc hay không?

Bác sĩ VÕ THỊ NGỌC HIỀN
Tác giả: Bác sĩ Võ Thị Ngọc Hiền
Chuyên khoa: Da liễu

Nấm da đùi là bệnh lý nhiễm trùng da khá thường gặp, gây ra bởi một loại vi nấm có tên dermatophytes. Bệnh thường hay xảy ra ở các cá nhân làm việc trong môi trường nóng ẩm và thường xuyên ra mồ hôi.  Vì vậy, khi nghi ngờ mình có thể mắc bệnh nấm da đùi, các bạn nên đến khám bác sĩ chuyên khoa để được điều trị phù hợp. Tìm hiểu cách thức điều trị và phòng ngừa nấm da đùi hiệu quả qua bài viết của bác sĩ Võ Thị Ngọc Hiền nhé!

1. Chẩn đoán bệnh nấm da đùi

Nấm da đùi là một bệnh lý nhiễm trùng ở da gây ra bởi vi nấm và ảnh hưởng đến vùng da đùi và các vùng da gần đó. Để chẩn đoán chính xác bệnh, chúng ta dựa vào yếu tố nguy cơ, triệu chứng và các xét nghiệm.

1.1 Các yếu tố nguy cơ

  • Tiếp xúc thân mật với người mắc bệnh nấm da gợi ý khả năng bị lây nhiễm.
  • Thường xuyên ra mồ hôi và thói quen vệ sinh cơ thể kém tạo điều kiện cho nhiễm nấm.
  • Các bệnh lý khiến cho hệ miễn dịch của cơ thể bị suy yếu tạo điều kiện cho nấm bùng phát và gây bệnh.
  • Dùng chung các vật dụng cá nhân với người bị nhiễm nấm gợi ý bị lây nhiễm.

1.2 Các triệu chứng

  • Da đùi, mông hay bẹn nổi những mảng hình vòng có màu hồng hay đỏ.
  • Trung tâm ban đỏ đổi màu đỏ nâu.
  • Trên vùng da nổi ban đỏ thường tróc vảy trắng, đặc biệt là ở rìa bên ngoài.
  • Ở phần rìa của ban đổ có thể nổi các mụn nước nhỏ li ti.
  • Ngứa nhiều vùng da nổi ban.

1.3 Một số xét nghiệm

  • Cạo da vùng tổn thương đem soi với dung dịch KOH 10% dưới kính hiển vi cho thấy hình ảnh của bào tử và sợi nấm.
  • Dưới ánh sáng đèn Wood sẽ thấy những tổn thương da do nhiễm nấm phát huỳnh quang màu xanh lá cây nhạt.

2. Nấm da đùi có thể chữa khỏi hay không?

Bệnh nấm da đùi có thể gây lây nhiễm cho người xung quanh và thường hay tái phát. Mặc dù vậy, đây không phải là bệnh lý mạn tính và nó có thể được chữa khỏi tận gốc. Tuy nhiên các bạn cần kiên nhẫn và tuân thủ nguyên tắc điều trị để bệnh không tái phát trở lại.

Nguyên tắc điều trị nấm da đùi đó là:

  • Chẩn đoán sớm để điều trị kịp thời và tránh gây lây lan.
  • Tuân thủ dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Áp dụng các biện pháp khử nấm gây bệnh trong quần áo và đồ dùng cá nhân.
  • Dự phòng lây nhiễm cho người xung quanh. Điều trị đồng loạt cho mọi người nếu bệnh lan truyền trong tập thể.

3. Các phương pháp điều trị

Các phương pháp giúp điều trị nấm da đùi bao gồm thuốc bôi tại chỗ, thuốc uống và khử nấm trong đồ vật.

  • Thuốc bôi tại chỗ. Các thuốc bôi chứa thành phần Imidazoles, Allylamines, Naphthionates có tác dụng kháng nấm. Cách dùng là bôi thuốc rộng ra ngoài khỏi bờ ban đỏ 1 – 2 cm. Bôi thuốc 2 lần/ngày, bôi liên tục trong ít nhất 2 tuần và tiếp tục bôi thêm 1 tuần nữa khi ban đỏ biến mất. Lưu ý, không dùng các kem bôi có thành phần kháng nấm phối hợp với Corticoid vì tác dụng rất kém và gây biến chứng teo da. Tránh tự ý sử dụng hoặc tự ý ngưng thuốc làm cho bệnh khó kiểm soát.

dùng thuốc bôi tại chỗ điều trị nấm da đùi

  • Thuốc uống toàn thân. Trong trường hợp thất bại với thuốc bôi, tổn thương lan rộng ra xung quanh thì bác sĩ có thể kê toa thuốc uống. Các loại thuốc uống chứa thành phần Griseofulvin, Itraconazole, Fluconazole, Terbinafine có tác dụng kháng nấm toàn thân. Các bạn nên uống thuốc theo liều lượng và thời gian được hướng dẫn bởi bác sĩ da liễu. Đồng thời theo dõi tác dụng phụ lên gan của thuốc kháng nấm đường uống.
  • Khử nấm vật dụng cá nhân. Khi bị nấm da đùi, vi nấm có thể tồn tại trong quần áo và vật dụng cá nhân của người bệnh. Nếu chỉ dùng thuốc mà không khử các vi nấm, người bệnh sẽ dễ mắc bệnh trở lại khi tiếp tục sử dụng các vật dụng bị nhiễm nấm. Cách khử nấm đó là luộc quần áo, khăn tắm, chăn màn với nước sôi rồi giặt sạch lại. Sau khi giặt sạch thì lộn trái quần áo lại rồi phơi khô dưới nắng.

4. Cách phòng ngừa bệnh nấm da đùi

Bệnh nấm da đùi không khó điều trị và có thể trị khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên bệnh sẽ dễ tái phát nếu chúng ta không loại bỏ các yếu tố thuận lợi. Để hạn chế bệnh tái phát và phòng tránh lây nhiễm thì các bạn nên:

  • Mặc áo quần rộng rãi, thoáng mát.
  • Vệ sinh cá nhân, thay quần áo mỗi ngày đặc biệt đối với những ai thường xuyên đổ mồ hôi.
  • Tránh dùng chung các đồ dùng cá nhân như khăn lau, quần áo để hạn chế lây lan bệnh.
  • Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao để tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể.
  • Điều trị cho tất cả mọi người khi nhiễm nấm da đùi để tránh lây lan cho người xung quanh.

Thường xuyên tắm rửa sạch sẽ cũng là một cách phòng ngừa bệnh nấm da đùi.

Nấm da đùi là bệnh nhiễm trùng da lành tính và có thể chữa khỏi hoàn toàn. Khi nghi ngờ bị nhiễm nấm da đùi, mọi người nên đến khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị thích hộ. Ngoài ra thay đổi thói quen là bước quan trọng giúp phòng ngừa bệnh và hạn chế bệnh tái phát trở lại. Các bạn hãy cùng YouMed thực hành ngăn ngừa bệnh xảy ra nhé!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Jock itchhttps://www.healthline.com/health/jock-itch#prevention

    Ngày tham khảo: 03/04/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người