YouMed

Nám da là gì? Nguyên nhân, cách tự chăm sóc và các phương pháp điều trị

bác sĩ huỳnh thị như mỹ
Tác giả: Bác sĩ Huỳnh Thị Như Mỹ
Chuyên khoa: Da liễu

Có một làn da đẹp sáng mịn luôn là niềm mong muốn của tất cả mọi người. Tuy nhiên cùng với sự gia tăng của tuổi tác, làn da trở nên khô sạm. Và đặc biệt là xuất hiện các đốm, mảng nám xấu xí khiến bạn trở nên tự ti về vẻ ngoài của mình. Vậy làm thế nào để loại bỏ các vết nám da để bạn thấy tự tin hơn với làn da của mình. Hãy cùng tìm hiểu về những phương pháp điều trị mới hiện nay nhé qua bài viết của bác sĩ Huỳnh Thị Như Mỹ nhé.

Nám da là gì?

Nám da là một vấn đề về da khá phổ biến. Bệnh gây ra các mảng màu nâu đến nâu xám trên mặt người bệnh và thường là ở trên mặt.

Nám da là tình trạng thường gặp ở phụ nữ
Nám da là tình trạng thường gặp ở phụ nữ

Hầu hết mọi người thường bị nám ở 3 vùng là vùng má, trung tâm mặt và viền hàm dưới. Nó cũng có thể xuất hiện trên các vùng da khác của cơ thể. Những vị trí da tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời. Phụ nữ có nhiều khả năng bị nám hơn nam giới. Khi mang thai, nám đôi khi được gọi là “mặt nạ thai kỳ” rất phổ biến. Nội tiết tố được xem như một nhân tố gây kích hoạt nám.

Một trong những cách trị nám phổ biến hiện nay là chống nắng. Các bác sĩ da liễu cũng khuyên bạn nên đội mũ rộng vành khi ra ngoài. Bởi vì, chỉ kem chống nắng có thể không cung cấp cho bạn sự bảo vệ cần thiết.

Ai sẽ dễ bị nám da?

Tỷ lệ nám da xuất hiện trên da của phụ nữ thường xuyên hơn da của nam giới. Chỉ 10% những người bị nám là nam giới.

Những người có làn da sậm màu hơn, chẳng hạn như người gốc Latin/ Tây Ban Nha, Bắc Phi, Mỹ gốc Phi, Châu Á, Ấn Độ, Trung Đông hoặc Địa Trung Hải có khả năng bị nám cao hơn. Những người có người trong gia đình bị nám cũng có khả năng bị nám cao hơn nhiều.

Phụ nữ dễ bị nám da hơn nam giới
Phụ nữ dễ bị nám da hơn nam giới

Những nguyên nhân nào gây ra nám da?

Hiện nay, bức tranh toàn diện về các nguyên nhân gây ra nám vẫn chưa được làm rõ hết. Nó có thể xảy ra do các tế bào tạo sắc tố trong da (tế bào melanocyte) tạo ra quá nhiều sắc tố. Những người có màu da dễ bị nám hơn vì họ có nhiều tế bào melanocyte hoạt động hơn những người có da sáng màu.

Các tác nhân gây nám da phổ biến bao gồm:

Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời

Tia cực tím (UV) từ mặt trời kích thích các tế bào melatocyte tăng sản xuất. Thực tế, chỉ cần tiếp xúc với ánh nắng mặt trời một lượng nhỏ cũng có thể khiến nám quay trở lại sau khi mờ dần. Đó cũng là nguyên nhân chính khiến nhiều người bị nám tái đi tái lại nhiều lần.

Sự thay đổi nội tiết tố

Sự thay đổi nội tiết tố: Phụ nữ mang thai thường bị nám. Khi nám da xuất hiện ở phụ nữ mang thai, nó còn được gọi là nám da thai kỳ. Thuốc tránh thai và thuốc thay thế hormone cũng có thể gây nám.

Các sản phẩm chăm sóc da

Sản phẩm chăm sóc da: Nếu một sản phẩm gây kích ứng da của bạn, tình trạng nám da có thể trở nên trầm trọng hơn.

Các yếu tố khác

Một vài yếu tố khác đang được nghiên cứu thêm như: tình trạng lão hóa da, sự sản xuất các yếu tố tân tạo mạch do mạch máu sản xuất…

Các bác sĩ da liễu chẩn đoán nám như thế nào?

Các bác sĩ da liễu có thể chẩn đoán hầu hết bệnh nhân bằng cách nhìn vào da của họ. Tuy nhiên, để đánh giá mức độ thâm nhập sâu của vết nám vào da thì cần thực hiện bằng máy hỗ trợ.  Bác sĩ có thể xem xét làn da của bạn dưới một thiết bị gọi là đèn Wood.

Đôi khi nám có thể giống như một tình trạng da khác. Để loại trừ một tình trạng da khác, bạn có thể cần phải được làm xét nghiệm. Thủ thuật này được gọi là sinh thiết da. Thủ thuật có thể được thực hiện một cách an toàn và nhanh chóng khi đến khám tại phòng khám.

 Phân độ sâu của nám da bằng đèn Wood
Phân độ sâu của nám da bằng đèn Wood

Các phương pháp điều trị nám phổ biến hiện nay

Các vết nám có thể tự mờ đi. Điều này thường xảy ra khi một tác nhân kích thích, chẳng hạn như mang thai hoặc thuốc tránh thai, gây ra nám. Khi phụ nữ sinh con hoặc ngừng uống thuốc tránh thai, nám da có thể mờ đi.

Tuy nhiên, một số người bị nám trong nhiều năm, thậm chí cả đời. Nếu tình trạng nám không biến mất hoặc phụ nữ muốn tiếp tục uống thuốc tránh thai thì có các phương pháp điều trị nám.

1. Các loại thuốc thoa

Phương pháp đầu tay là sử dụng các loại thuốc thoa:

Hydroquinone

Thuốc này là phương pháp điều trị nám đầu tay phổ biến trong nhiều hướng dẫn điều trị của các nước. Bạn sẽ bôi thuốc lên da và nó sẽ hoạt động làm da sáng màu hơn. Hiện nay, hydroquinone có nhiều dạng: kem, lotion, gel hoặc dung dịch. Tuy nhiên vì độ an toàn khi sử dụng sản phẩm, khi sử dụng bạn nên sử dụng theo toa và sự giám sát của bác sĩ.

Tretinoin và corticosteroid

Tretinoincorticosteroid: Để tăng cường làm sáng da, bác sĩ da liễu của bạn có thể kê lựa chọn thứ hai. Thuốc này có thể là tretinoin hoặc corticosteroid. Đôi khi, một loại thuốc có chứa ba loại thuốc (hydroquinone, tretinoin và corticosteroid) trong một loại kem. Đây được xem là tiêu chuẩn vàng trong điều trị nám.

Các loại thuốc mới khác

Ngoài ra còn các loại thuốc bôi khác: Acid azelaic, vitamin C, resorcinol hoặc acid kojic… cũng có hiệu quả giúp làm mờ vết nám.

2. Các loại thuốc uống

Ngoài các liệu pháp bôi, liệu pháp dùng thuốc uống đang nổi lên như các lựa chọn điều trị nám bổ sung.

Acid tranexamic (TA)

Đây là một tác nhân tác động trong quá trình tạo lập sắc tố. Từ đó việc sử dụng acid tranexamic đường uống giúp da nám sáng màu hơn.

Tuy nhiên thuốc có các tác dụng phụ đáng chú ý bao gồm đầy bụng, nhức đầu, ù tai, kinh nguyệt không đều và hiếm gặp là tĩnh mạch sâu huyết khối (DVT). Do đó bạn cần có sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ da liễu trong quá trình sử dụng.

Các thành phần uống sáng da khác

Các viên uống sáng da khác như Polypodiumleucotomos (PL) và glutathione, cũng đã được nghiên cứu cho thấy kết quả tốt.

PL đã được chứng minh là giảm ảnh hưởng bởi tia cực tím và ức chế các gốc tự do. Do đó làm giảm quá trình tăng tạo lập sắc tố da do ánh sáng. Glutathione cũng được xem là một chất chống oxy hóa, làm sáng da hiệu quả.

3. Các thủ thuật điều trị xâm lấn

Thay da bằng hóa chất (chemical peel)

Thay da bằng hóa chất là phương pháp điều trị khá hiệu quả
Thay da bằng hóa chất là phương pháp điều trị khá hiệu quả

Thay da bằng hóa chất đã được nghiên cứu như một phương thức điều trị bổ trợ cho nám do khả năng của chúng để tăng tái tạo thượng bì da và đẩy nhanh quá trình thay da sinh học. thường được sử dụng kết hợp với các sản phẩm bôi ngoài da khác.

Trong số các loại chất dùng cho quá trình peel da, acid glycolic (GA) là loại hoạt chất được sử dụng phổ biến nhất và đã được các nghiên cứu chứng minh tính hiệu quả. Ngoài ra còn có các loại hoạt chất khác được sử dụng với hoạt động tương tự như acid salicylic, acid mandelic, TCA (trichloroacetic).

Thay da bằng hóa chất là một phương pháp điều trị nám da khá hiệu quả tuy nhiên khả năng kích ứng da: bong tróc, đỏ rát khá cao. Điều này đòi hỏi các bác sĩ có tay nghề được đào tạo thực hiện.

Lăn kim (microneeding) hoặc Mesotherapy

Điều trị nám da bằng phương pháp lăn kim.

Một phương pháp điều trị bổ trợ khác là lăn kim hoặc liệu pháp mesotherapy, tạo ra các kênh nhỏ đưa thuốc điều trị vào. Mục đích giúp phục hồi hệ thống nâng đỡ của da và tăng tổng hợp các thành phần có lợi. Ngoài ra, các sang thương vi điểm giúp tạo phản ứng tạo lập da mới có lợi cho điều trị nám.

Laser và ánh sáng

  • Laser

Trong những năm gần đây, liệu pháp laser đã được nghiên cứu để điều trị nám da với kết quả cao. Laser có thể sử dụng năng lượng nhiệt để nhắm mục tiêu có chọn lọc các tế bào sắc tố khác nhau trong da.

Laser không bóc tách được ưu tiên cho điều trị nám hơn các laser bóc tách do xu hướng ít gây viêm và sau đó ít sắc tố sau viêm hơn. Các laser hiện nay đang được sử dụng như Q-switched Ruby, Q-switched Nd YAG.

Hiện nay, các laser vi điểm CO2, Erbium YAG để trẻ hóa da cũng có vai trò nhất định và thường kết hợp với các laser chuyên biệt sắc tố trong điều trị.

  • Ánh sáng

Ánh sáng đa sắc năng lượng cao (IPL) hiện cũng được ứng dụng phổ biến trong các thủ thuật điều trị nám. Đặc biệt, sự kết hợp ánh sáng IPL và các laser chọn lọc ánh sáng hiện nay là phác đồ điều trị nám da được nhiều nước áp dụng.

Ngoài ra, các ánh sáng đèn LED như đỏ xanh hiện cũng được ứng dụng để trẻ hóa da.

Những cách chăm sóc da nám bạn có thể tự làm

Nám da là một vấn đề về da phổ biến gây ra các mảng màu nâu đến nâu xám trên mặt. Mặc dù nguyên nhân chính xác của nám không rõ ràng, nhưng các tác nhân phổ biến bao gồm tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, mang thai, thuốc tránh thai và mỹ phẩm. Nếu bạn bị nám, các bác sĩ khuyên bạn nên áp dụng các mẹo chăm sóc sau để có được làn da đều màu hơn:

Sử dụng kem chống nắng

Thoa kem chống nắng hàng ngày. Một trong những cách trị nám da phổ biến hiện nay là chống nắng. Vì ánh nắng mặt trời gây ra nám nên điều quan trọng là phải bôi kem chống nắng hàng ngày, kể cả những ngày nhiều mây và sau khi bơi hoặc đổ mồ hôi.

Chọn kem chống nắng có khả năng bảo vệ phổ rộng. Hệ số bảo vệ chống nắng (SPF) từ 30 trở lên để hạn chế tác động của ánh nắng lên da của bạn. Bôi kem chống nắng 15 phút trước khi ra ngoài và bôi lại ít nhất hai giờ một lần.

Tuy nhiên, chỉ riêng kem chống nắng có thể không cung cấp cho bạn sự bảo vệ chống nắng mà bạn cần. Hãy đội mũ rộng vành và đeo kính râm khi ra ngoài. Bất cứ khi nào có thể, hãy tìm bóng râm và mặc quần áo bảo vệ bên cạnh việc thoa kem chống nắng.

Chăm sóc da phù hợp

Chọn các sản phẩm chăm sóc da nhẹ nhàng. Bạn hãy chọn các sản phẩm chăm sóc da không châm chích hoặc bỏng rát. Bởi vì các sản phẩm gây kích ứng da có thể làm trầm trọng thêm tình trạng nám.

Tránh tẩy lông (waxing). Waxing có thể gây viêm da và làm trầm trọng thêm tình trạng nám da. Vì vậy, điều quan trọng là tránh tẩy lông vùng cơ thể bị ảnh hưởng bởi tình trạng này. Bạn có thể hỏi bác sĩ da liễu về các loại tẩy lông khác có thể phù hợp với bạn.

Như vậy, hiện nay có rất nhiều phương pháp để giúp bạn điều trị làn da sạm nám. Hãy tối ưu hóa chế độ chăm sóc da của bản thân trước thử xem. Nếu vấn đề sạm nám vẫn không cải thiện bạn có thể tìm đến với các bác sĩ da liễu. Các bác sĩ sẽ tư vấn những phương pháp điều trị tối ưu và phù hợp nhất cho bạn nhé.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Sheth, V. M., & Pandya, A. G. (2011). Melasma: A comprehensive update. Journal of the American Academy of Dermatology, 65(4), 699–714. doi:10.1016/j.jaad.2011.06.001

  2. Ogbechie-Godec, O. A., & Elbuluk, N. (2017). Melasma: an Up-to-Date Comprehensive Review. Dermatology and Therapy, 7(3), 305–318. doi:10.1007/s13555-017-0194-1.

  3. Kwon, S.-H., Na, J.-I., Choi, J.-Y., & Park, K.-C. (2018). Melasma: Updates and Perspectives. Experimental Dermatology. doi:10.1111/exd.13844.

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người