YouMed

Náng hoa trắng: Tiềm năng trị rụng tóc, phì đại tiền liệt tuyến

Bác sĩ LÊ NGỌC BẢO
Tác giả: Bác sĩ Lê Ngọc Bảo
Chuyên khoa: Phục hồi chức năng, Y học cổ truyền

Náng hoa trắng là một cây thuốc thông dụng ở nước ta. Gần đây nó thường được nhắc đến bởi từ nó người ta sản xuất thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị phì đại tiền liệt tuyến. Bài viết sau đây giới thiệu với bạn đọc về cây Náng hoa trắng, cách sử dụng và tiềm năng sản xuất thuốc của nó.

Náng hoa trắng là cây gì?

Cây Náng hoa trắng có nhiều tên gọi khác nhau như đại tướng quân, cây lá náng, văn thù lan, hoa náng, chuối nước, thập bát học sĩ. Nó có tên khoa học là Crinum asiaticum L., họ Thủy tiên Amaryllidaceae.

Nhận diện cây thuốc

Cây thân thảo lớn, thân hành to hình cầu hoặc hình trứng thuôn, đường kính đến 10cm, thắt lại ở đầu. Lá mọc thẳng từ thân hành, hình dài, phiến dày. Chiều dài lá có thể hơn 1m, rộng 5 – 10cm, gốc có be rộng, đầu nhọn, mép nguyên uốn lượn. Gân lá song song, gân chính lồi rõ ở dưới mặt dưới. Hai mặt lá màu lục nhạt

Cây Náng hoa trắng
Cây Náng hoa trắng

Hoa mọc thành cụm ở giữa, trên 1 cán dẹt, dài 40 – 60cm. Mỗi cụm gồm nhiều hoa to màu trắng, thơm. Quả gần hình cầu, đường kính 3 – 5cm, thường chỉ chứa 1 hạt. Mùa hoa quả vào tháng 6 – 8.

Nơi phân bố, sinh trưởng và phát triển

Náng hoa trắng có nguồn gốc vùng nhiệt đới châu Á. Nó phân bố rải rác từ Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam, phía nam Trung Quốc. Ở nước ta, cây mọc hoàn ở những nơi ẩm ướt, đôi khi được đem về trồng làm cảnh. Người ta trồng bằng dì, màu hoa trắng đẹp, thơm về chiều và đêm.

Quả gần hình cầu
Quả gần hình cầu

Đây là loại cây ưa sáng, ưa ẩm, có thể chịu bóng. Nó sinh trưởng mạnh trong mùa mưa ẩm, một năm có thể ra 4 – 6 lá mới, thay thế các lá đã già. Mùa đông lạnh, cây tạm ngừng sinh trưởng. Nó có khả năng đẻ nhánh khỏe từ chồi gốc.

Tác dụng của Náng hoa trắng

Bộ phận dùng

Lá và thân hành thu hái quanh năm. Thường dùng tươi, hái về dùng ngay không cần chế biến gì.

Thành phần hóa học và tác dụng dược lý hiện đại

Thành phần hóa học chủ yếu của Náng hoa trắng là các hợp chất alkaloid. Trên các bộ phận của cây chứa 118 ancaloid khác nhau đã được xác định. Ví dụ ở quả có  Criasbetaine, lycorine-1,2-O- -D-diglucoside, ungeremine. Ở củ có Hippadine, pratorimine, pratorinine. Còn ở lá có Lycorine, crinamine, siculine, 1-epijosephinine.

Ngoài ra các bộ phận trong cây còn chứa các hợp chất aldehyde, este, rượu, phenol, axit béo, tecpen.

Thân hành náng hoa trắng có tính chất đắng, nhuận tràng, long đờm. Cây tươi gây buồn nôn, nôn, còn có tác dụng làm ra mồ hôi. Lá có tác dụng long đờm và chống viêm.

Qua nghiên cứu người ta thấy các chất chiết xuất từ Náng hoa trắng có khả năng chống oxy hóa, giảm đau, chống viêm, độc tế bào, chống ung thư và các đặc tính kháng khuẩn trong ống nghiệm. Chúng còn có các tác dụng đáng chú ý khác như chống béo phì, thúc đẩy mọc tóc.

Tác dụng chống rụng tóc và phì đại tiền liệt tuyến

Chiết xuất từ Náng hoa trắng ức chế 16% hoạt động của 5α -reductase, giúp chuyển đổi testosterone thành dihydrotestosterone (DHT), một nguyên nhân chính gây ra chứng rụng tóc androgenetic. Đồng thời tác dụng ức chế 5α -reductase này tương tự với cơ chế hoạt của 1 loại thuốc trị phì đại tiền liệt tuyến thông dụng.

Các chiết xuất từ cây này còn giúp chống rụng tóc thông qua ức chế yếu tố tăng trưởng biến đổi-β (TGF-β).

Hoa màu trắng, mọc thành chùm
Hoa màu trắng, mọc thành chùm

Tác dụng theo kinh nghiệm dân gian của Náng hoa trắng

Người ta thường dùng lá hơ nóng đắp để chữa bong gân, tụ máu, đau nhức xương khớp. Nước sắc chữa trĩ ngoại và các bệnh ngoài da, ngộ độc. Nước ép pha loãng của thân cây uống làm thuốc gây nôn và làm cho ra mồ hôi, long đờm. Nước ép này nhỏ vào tai chữa đau tai. Lá khô đốt xua muỗi.

Ở Ấn Độ, người ta dùng hạt là thuốc điều kinh, lợi tiểu, tẩy xổ. Dùng lá làm thuốc long đờm, đắp điều trị bệnh ngoài da và làm giảm viêm.

Cách sử dụng Náng hoa trắng

Lá thường dùng hơ nóng để đắp và xoa bóp. Khi rửa dùng nước sắc.

Thân cây dùng ép lấy nước, nếu dùng uống phải pha thật loãng, uống ít một cho đến khi nôn được.

Bài thuốc có Náng hoa trắng

Chữa sai khớp, bong gân

Lá náng hoa trắng, quế, hồi hương, đinh hương, vỏ sòi, vỏ núc nác, gừng sống, lá canh câu, lá dây dau xương, mủ xương rồng bà, lá thầu dầu tía, lá kim cang, lá mua, huyết giác, củ nghệ, hạt trấp, hạt máu chó, lá bưởi bung, lá tầm gửi cây khế. Tất cả giã nát, sao cho nóng mà chườm.

Chữa tụ máu, sưng tấy do bị ngã, bị đánh, bong gân, bó gãy xương

Lá náng 10 – 20g, lá dây đòn gáng, lá bạc thau 8g. Giã nhỏ, thêm ít rượu, nước, đắp nóng. Ngày làm 1 lần.

Chữa thấp khớp, sai gân, bong gân, tụ máu:

Náng hoa trắng, Mua thấp, mỗi thứ 30g, Dạ cẩm 20g. Ba vị dùng lá tươi, giã đắp.

Lá náng hoa trắng 30g, lá si, lá sở mỗi vị 20g. Tất cả dùng tươi, giã nát, trộn với lòng trắng trứng, đắp, băng lại. 2 ngày thay thuốc 1 lần.

Lưu ý

  • Khi dùng lá náng ở dạng tươi để gây nôn, chỉ dùng liều lượng từ 8 -16 gam cây tươi, không dùng quá liều có thể gây ngộ độc.
  • Nếu ăn phải thân cây hoặc uống nước ép đặc sẽ bị nôn mửa, tiêu chảy mạnh, mạch nhanh, hô hấp không đều, sốt cao. Giải độc bằng nước trà hoặc dùng dung dịch acid tanic 1 – 2%. Hoặc cho uống nước đường, nước muối loãng. Có người dùng giấm với nước gừng (tỷ lệ 2 : 1) cho uống.

Cây Náng hoa trắng là một cây thuốc đã được sử dụng lâu đời ở nước ta. Người ta dùng nó để trị sưng đau, bầm tụ máu, hoặc đắp trị bệnh ngoài da, trĩ, … Các nghiên cứu gần đây hứa hẹn tiềm năng sản xuất thuốc chống rụng tóc cũng như phì đại tiền liệt tuyến từ cây thuốc này.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Đỗ Huy Bích, Đặng Quang Chung và cs. (2004). Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam tập 1. NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội

  2. Đỗ Tất Lợi (2004). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. NXB Y học, Hà Nội

  3. Trần Văn Kỳ (2000). Cây thuốc trị bệnh thông dụng. NXB Thanh Hóa

  4. Mahomoodally, M. F., Sadeer, N. B., Suroowan, S., Jugreet, S., Lobine, D., & Rengasamy, K. R. R. (2020). Ethnomedicinal, phytochemistry, toxicity and pharmacological benefits of poison bulb–Crinum asiaticum L. South African Journal of Botany

  5. Goswami, S., Das, R., Ghosh, P., Chakraborty, T., Barman, A., & Ray, S. (2020). Comparative antioxidant and antimicrobial potentials of leaf successive extract fractions of poison bulb, Crinum asiaticum L. Industrial Crops and Products, 154, 112667

  6. Kang, J. I., Choi, J. H., Lee, J. G., Yoo, E. S., Kim, Y. H., & Kang, H. K. (2017). The Mechanism of Crinum asiaticum var. japonicum on the Activation of Anagen. Korean Journal of Pharmacognosy, 48(2), 148-154

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người