YouMed

Nghẹt mũi khi ngủ và những điều cần biết

thạc sĩ bác sĩ trần thanh long
Tác giả: ThS.BS Trần Thanh Long
Chuyên khoa: Tai - Mũi - Họng

Với nhiều người, hành động đầu tiên của họ mỗi buổi sáng sau khi thức dậy là với lấy hộp khăn giấy để chùi mũi. Tại sao nhiều người bị nghẹt mũi khi ngủ, thậm chí ngay cả khi họ cảm thấy không bị bệnh? Hãy cùng xem bài viết sau của YouMed để tìm hiểu về vấn đề này nhé! 

1. Dị ứng là nguyên nhân thường gặp nhất 

Chương trình khảo sát nghiên cứu sức khỏe và dinh dưỡng quốc gia (NHANES) trong năm 2005 – 2006 cho biết khoảng 74% trong chúng ta tiếp xúc từ 3-6 tác nhân dị ứng trong phòng ngủ mỗi đêm. 

Mỗi lần bạn lăn qua lăn lại, chỉnh ga giường, hay giũ nhẹ gối thì nhiều tác nhân dị ứng có thể bay vào không khí và đi vào đường thở. Như vậy không khó hiểu tại sao lỗ mũi của chúng ta dễ bị viêm trong khi ngủ. 

Sau đây là danh sách các tác nhân dị ứng thường gặp trong phòng ngủ:

1.1 Mạt bụi nhà

Mỗi căn nhà, dù được giữ sạch sẽ cỡ nào, cũng sẽ có mạt bụi nhà. 

Nếu bạn bị dị ứng với mạt bụi nhà, không phải bụi cũng chẳng phải con mạt gây khó chịu cho bạn. Chính là các hạt phân nhỏ của mạt bụi nhà khiến cho bạn bị hắt xì, ngứa mắt, nghẹt mũi khi ngủ. 

Những người dị ứng với mạt bụi nhà phải đối phó với vấn đề này quanh năm, không giống như những người khác bị dị ứng theo mùa.

1.2 Phấn hoa

Dị ứng theo mùa đỉnh điểm thường ở mùa xuân và mùa thu. Nếu bạn bị dị ứng với phấn hoa thì đó có thể là nguyên nhân làm tăng chất tiết trong mũi và sưng nề các mô trong mũi.

Phấn hoa gây kích thích dị ứng theo mùa có thể vào nhà qua cửa sổ mở hay qua hệ thống thông khí của máy lạnh.

1.3 Nấm mốc

Tiếp xúc với nấm mốc trong nhà có thể là thủ phạm của nghẹt mũi khi ngủ. Bạn nên kiểm tra các vị trí sau trong nhà để tìm nấm mốc: 

  • Phòng tắm.
  • Tầng hầm.
  • Máng nước. 
  • Thùng rác.
  • Khay nước tủ lạnh.
  • Bất kì vị trí rò rỉ nước nào có thể tạo nên bề mặt ẩm ướt.

1.4 Lông thú

Ngày nay có rất nhiều gia đình có thú nuôi trong nhà. Nếu thú cưng của bạn như chó, mèo, hay chim ngủ chung với bạn vào ban đêm thì chúng có thể khiến bạn bị nghẹt mũi khi ngủ. 

Nếu bạn không muốn đánh đổi việc ôm ấp vuốt ve thú cưng bằng những cơn nghẹt mũi khó chịu thì hãy dừng việc ngủ chung với thú nuôi. Bạn cũng có thể áp dụng các biện pháp sau để giảm viêm và nghẹt mũi: 

  • Tắm rửa cho thú cưng thường xuyên. 
  • Nếu bạn có nhà vệ sinh nhỏ dành cho thú cưng thì nên di chuyển nó ra khỏi phòng ngủ.
  • Lựa chọn sàn gỗ cứng thay cho thảm trải sàn nhà để tránh lông thú bám dính trên đó.

2. Nghẹt mũi khi ngủ cũng có thể do các tác nhân kích thích khác 

Đôi khi nguyên nhân gây nghẹt mũi khi ngủ không có liên quan đến dị ứng mà là do các tác nhân kích thích khác làm lỗ mũi bị sưng nề vào ban đêm. Sau đây là các tác nhân kích thích thường gặp khi ngủ:

2.1 Trào ngược dạ dày thực quản

Trào ngược dạ dày thực quản là một bệnh lý mạn tính khi mà các thức ăn trong dạ dày chảy ngược lên trên họng và thậm chí mũi. 

Các nghiên cứu đã cho thấy trào ngược thường có liên quan đến viêm mũi. Triệu chứng trào ngược có thể nặng lên về đêm, khi mà tư thế ngủ có thể làm cho dòng chảy ngược nhiều hơn.

CÁC CÁCH GIÚP GIẢM TRIỆU CHỨNG TRÀO NGƯỢC VÀO BAN ĐÊM

Để làm giảm tác động của trào ngược khi bạn ngủ, hãy thử: 

  • Nằm đầu cao.
  • Tránh ăn khuya.
  • Không mặc quần áo quá chật khi đi ngủ.

2.2 Khói thuốc lá 

Nếu bạn hút thuốc lá hay có ai đó trong nhà hút thuốc lá thì mỗi sáng thức dậy bạn có thể bị viêm mũi. Phơi nhiễm với khói thuốc lá cũng có thể làm tăng nguy cơ bị các bệnh lý xoang mạn tính. 

Hãy đi khám bác sĩ để được tư vấn các loại thuốc cần dùng. Chú ý khi dùng các loại thuốc giảm nghẹt mũi vì nếu lạm dụng có thể làm cho tình trạng viêm nặng thêm.

3. Nghẹt mũi khi ngủ do thay đổi hoóc – môn trong cơ thể: 

Thay đổi hoóc – môn trong giai đoạn mang thai hay do chu kỳ kinh nguyệt cũng có thể gây nghẹt mũi khi ngủ. 

Khoảng 39% phụ nữ có thai bị viêm mũi liên quan đến thai kỳ. Các phương pháp sau có thể giúp làm giảm triệu chứng một cách an toàn: 

  • Rửa mũi với nước muối sinh lý.
  • Tập thể dục.

4. Kết luận 

Nếu bạn thường thức dậy với cái mũi bị nghẹt và lại không có biểu hiện gì của cảm lạnh hay cúm thì có thể là bạn đang bị viêm mũi dị ứng hoặc không dị ứng. 

Tình trạng nghẹt mũi của bạn có thể gây ra do mạt bụi nhà, dị ứng theo mùa, lông thú, bệnh lý trào ngược, thay đổi hoóc – môn hay các chất hóa học trong môi trường như khói thuốc lá. 

Cố gắng dùng các biện pháp giảm tiếp xúc với các tác nhân kích thích như giữ chăn chiếu sạch sẽ, giảm thiểu sử dụng vật dụng phòng ngủ có dạng tơ sợi, và không nên cho thú nuôi trong phòng ngủ. 

Bộ phận lọc khí trong hệ thống máy điều hòa và sử dụng máy hút bụi có thể có ích. Bạn cũng cần gặp bác sĩ để tư vấn về sử dụng các thuốc chống dị ứng, giảm nghẹt mũi để làm giảm triệu chứng. 

Nghẹt mũi khi ngủ là một vấn đề khó chịu và có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Hi vọng qua bài viết trên của YouMed bạn đã rút ra được nhiều thông tin có ích cho bản thân và gia đình.

Bác sĩ Trần Thanh Long.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

https://www.healthline.com/health/waking-up-with-stuffy-nose#bottom-line

https://www.healthline.com/health/how-to-sleep-with-a-stuffy-nose

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người