Ngộ độc rượu – vấn đề muôn thuở!
Nội dung bài viết
Quan điểm “Nam vô tửu như kỳ vô phong” đã ăn sâu vào quan điểm sống của nhiều người. Đó cũng là lí do ngộ độc rượu rất thường gặp ở nước ta. Đặc biệt là rượu đế của miền Nam có độ cồn cao, chỉ một lượng nhỏ cũng có thể gây ra ngộ độc. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu sơ lược về rượu; cơ chế và biểu hiện của ngộ độc rượu; cách hạn chế và phương hướng điều trị cơ bản.
1. Tổng quan về rượu
Rượu – cồn, hay có tên hoá học là Ethanol (CH3CH2OH, trọng lượng phân tử 46,07) là một:
- Chất lỏng.
- Không màu.
- Dễ bay hơi
- Cũng là loại chất gây nghiện được sử dụng và lạm dụng thường xuyên nhất trên thế giới.
Bệnh tật do ngộ độc rượu cấp tính thường liên quan đến các chấn thương sau say xỉn hơn là các tác động trực tiếp của rượu. Nhiễm độc thường xảy ra chủ yếu qua đường uống, nhưng ethanol cũng có thể được hấp thụ qua hô hấp hoặc tiếp xúc qua da.
Ethanol thường được tiêu thụ dưới dạng đồ uống có cồn, mỗi thể tích đồ uống sau đều chứa khoảng 15 gam ethanol:
- 12 oz (355 mL) bia (2% đến 6% ethanol – độ cồn theo thể tích).
- 5 oz (148 mL) rượu vang (10% đến 20% ethanol theo thể tích).
- 1,5 oz (44 mL) rượu mạnh 80 ml (40 % ethanol theo thể tích).
- Rượu đế của Việt Nam khoảng 45% ethanol.
Ngoài ra cồn – Ethanol còn có thể được tìm thấy ở nồng độ cao trong nhiều sản phẩm như:
- Nước súc miệng (có thể chứa tới 75% ethanol theo thể tích).
- Nước hoa (lên đến 40% đến 60%).
- Dung môi cho thuốc ( nồng độ thay đổi nhiều trong khoảng từ 0,4% đến 65%).
Những sản phẩm liên quan ethanol như vậy thường có hương vị hoặc màu sắc rực rỡ và có thể hấp dẫn trẻ em.
Tình trạng sử dụng rượu ở Việt Nam
Sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang gia tăng ở mức báo động.
Theo thống kê, năm 2010 có 70% nam và 6% nữ giới trên 15 tuổi có uống rượu, bia. Đến năm 2015, tỷ lệ này đã tăng lên là 80,3% ở nam và 11,6% ở nữ. Trong đó có tới 44,2% nam giới uống rượu, bia ở mức nguy hại (6 cốc bia/rượu trở lên trong 1 lần uống). Nếu quy đổi rượu, bia ra lượng cồn nguyên chất thì mức tiêu thụ bình quân đầu người Việt Nam (trên 15 tuổi) hằng năm theo số liệu ước tính năm 2016 của Tổ chức Y tế thế giới là 8,3 lít.
Nếu tính riêng nam giới trên 15 tuổi thì trung bình một nam giới Việt Nam tiêu thụ 27,4 lít cồn nguyên chất vào năm 2010, xếp thứ hai các nước Đông Nam Á và thứ 29 trên thế giới.
2. Cách cơ thể chuyển hoá và đào thải rượu
Ethanol được hấp thu nhanh chóng sau khi uống. Nồng độ cồn trong máu đạt đỉnh sau 30 đến 60 phút kể từ khi uống.
Thức ăn trong dạ dày kéo dài sự hấp thụ và làm chậm nồng độ cồn đạt đỉnh trong máu. Nồng độ cao ethanol trong dạ dày có thể gây co thắt, làm chậm quá trình co bóp thức ăn trong dạ dày.
Một số ethanol bị phân hủy trong dạ dày bởi men, làm giảm lượng cồn hấp thu. Loại men này ở nam giới có mức độ cao hơn so với nữ giới. Đó là lí do tại sao phụ nữ thường sớm có nồng độ ethanol trong máu cao hơn nam giới sau khi tiêu thụ cùng một lượng cồn (dựa trên cân nặng).
Cồn là một chất ức chế thần kinh trung – não bộ. Việc cơ thể tự điều chỉnh các hệ thống này để thích nghi với rượu còn gọi là sự dung nạp hay sự phụ thuộc. Điều này sẽ dẫn đến hội chứng cai nghiện khi lượng ethanol không còn trong máu ở những người đã bị phụ thuộc bởi rượu.
Nồng độ rượu trong máu
Do hiện tượng dung nạp, nồng độ ethanol trong máu có thể không liên quan đến mức độ say.
Mặc dù tử vong do ức chế hô hấp (không thở được) có thể xảy ra ở những người không có thói quen uống rượu ở nồng độ 400 đến 500 miligam / dL (87 đến 109 mmol / L).
Một số người nghiện rượu có thể chỉ biểu hiện “hơi say” ở nồng độ trong máu cao tới 400 miligam / dL (87 mmol / L). Tình trạng suy giảm chức năng có thể xảy ra với mức độ thấp nhất là 50 miligam / dL (11 mmol / L), đặc biệt ở những người không bị say. 50 mg/dL cũng là nồng độ cồn trong máu giúp xác định ngưỡng xử phạt an toàn giao thông của nước ta hiện nay.
Chuyển hoá và đảo thải rượu
Ethanol được thải trừ chủ yếu qua chuyển hóa ở gan, với khoảng 10% bài tiết qua nước tiểu, hơi thở ra và mồ hôi. Một loại men ở gan sẽ biến ethanol thành acetaldehyde.
Những đối tượng nghiện rượu có tốc độ đào thải cồn nhanh hơn những người không quen uống do nồng độ men chuyển hoá trong gan tăng cao.
3. Biểu hiện của ngộ độc rượu
Dấu hiệu nhận biết của ngộ độc rượu là say rượu trên lâm sàng.
Sự ức chế hành vi ban đầu có thể xuất hiện dưới dạng hưng phấn hoặc kích động và dễ gây chiến.
Khi tình trạng nhiễm độc trở nên nghiêm trọng hơn
- Nói lắp.
- Rung giật nhãn cầu (đồng tử bị rung).
- Đi loạng choạng.
- Giảm phối hợp vận động.
- Nhiễm độc nặng có thể gây ức chế hô hấp và hôn mê.
- Buồn nôn và nôn thường xảy ra cùng với chứng suy nhược thần kinh.
- Ngoài ra, cồn còn gây giãn mạch ngoại vi và làm da đỏ bừng, nóng lên, tạo điều kiện thất thoát nhiệt ra môi trường và làm hạ thân nhiệt.
- Giãn mạch cũng có thể dẫn đến hạ huyết áp thế đứng và nhịp tim nhanh do phản xạ. Hạ huyết áp do etanol thường nhẹ và thoáng qua, vì vậy hạ huyết áp đáng kể hoặc dai dẳng cần được điều tra tìm nguyên nhân thay thế.
Uống rượu có thể gây hạ đường huyết
Điều này thường xảy ra ở trẻ em và người suy dinh dưỡng do dự trữ đường trong cơ thể thấp cũng như rượu làm gan suy giảm tạo đường.
Khi một người nghiện rượu mãn tính đột nhiên ngừng tiêu thụ năng lượng dưới dạng cồn hoặc thức ăn, cơ thể sẽ tự động sử dụng các nguồn nhiên liệu thay thế và bắt đầu phá vỡ các mô mỡ. Sự chuyển hóa tự động này làm cho cơ thể bị nhiễm toan.
4. Chẩn đoán ngộ độc rượu
Một bệnh nhân bị ngộ độc rượu đôi khi khá khó khăn để chẩn đoán. Đơn giản vì khi bệnh nhân ngộ độc nặng thì đã lơ mơ, thậm chí là mê sâu. Các bác sĩ không thể nào biết được bệnh nhân có bị va đập đầu sau khi say hoặc có sử dụng các chất độc khác kèm theo hay không. Thông thường, ma tuý là một loại chất độc thường đi kèm với những đối tượng ngộ độc rượu.
Các xét nghiệm lúc này là cần thiết:
- Đo nồng độ cồn trong máu.
- Xác định đường trong máu.
- Chụp CT sọ não.
- Xét nghiệm kiềm toan trong máu.
- Xác định nồng độ các chất điện giải, chức năng thận, men gan…
- Xét nghiệm nồng độ ma tuý trong nước bọt hoặc nước tiểu.
Các xét nghiệm trên ngoài việc giúp chẩn đoán còn giúp tìm các biến chứng có thể xảy ra.
5. Điều trị ngộ độc rượu
- Điều trị chủ yếu là theo dõi cho đến khi bệnh nhân tỉnh táo.
- Than hoạt tính để khử độc thường không hữu ích vì ethanol được cơ thể hấp thụ nhanh chóng; chỉ xem xét sử dụng than hoạt nếu các chất độc hại có thể hấp phụ đã ăn vào trong vòng một giờ.
- Điều trị hạ đường huyết bằng đường, khoảng 0,5 đến 1 gam/kg. Mặc dù bệnh não cấp tính của Wernicke có thể xuất hiện sau khi truyền đường kéo dài liên tục, nhưng không có bằng chứng cho thấy một liều duy nhất glucose IV có thể gây ra hội chứng này.
- Tỷ lệ thiếu hụt vitamin ở bệnh nhân ngộ độc rượu cấp tính là thấp và chưa thể chứng minh được lợi ích của việc truyền vitamin ở những bệnh nhân này. Những người uống rượu lâu dài có thể bị thiếu vitamin và có thể cần được điều trị bằng dung dịch chứa như vi chất như magiê, folate, thiamine và vitamin tổng hợp – được gọi là túi chuối vì màu vàng của hỗn hợp các loại vitamin.
Biểu hiện bệnh não Wernicke
- Trạng thái tâm thần bất thường.
- Đi đứng loạng choạng.
- Rung giật nhãn cầu.
Bệnh não Wernicke cần điều trị hàng ngày bằng vitamin B1 100 mg, cho đến khi khả năng ăn uống của bệnh nhân trở lại bình thường.
Ngoài ra, cần biết thêm về ngộ độc rượu
- Truyền dịch không đẩy nhanh quá trình đào thải rượu, vì vậy việc thiết lập đường truyền tĩnh mạch để chỉ truyền dịch là không cần thiết trong trường hợp nhiễm độc nhẹ đến trung bình không biến chứng.
- Metadoxine – một chất giúp đào thải rượu nhanh chóng hiện không có sẵn ở Hoa Kỳ nhưng có sẵn ở Mỹ Latinh, Mexico, Châu Á, Châu Phi và Đông Âu. Chất này tăng cường chuyển hóa ethanol và tăng tốc độ phục hồi. Metadoxine 900 miligam IV được báo cáo là làm tăng gấp đôi tốc độ giảm cồn trong máu so với sự tự chuyển hoá của cơ thể.
6. Kết luận
Ngộ độc rượu là một vấn nạn xã hội ở nước ta. Mọi thứ đều được giải quyết trên bàn nhậu.
Ngộ độc rượu thường không phải là nguyên nhân chính khiến chúng ta cần cấp cứu. Tuy nhiên, tai nạn giao thông, chấn thương, ẩu đả… là những “biến chứng” thường gặp.
Ngưỡng ảnh hưởng khả năng tập trung của rượu bia là 50 mg/dL – cũng là mức xác định vi phạm giao thông khi lái xe ở nước ta.
Uống rượu lâu dài sẽ có hiện tượng “lên đô” – tuy nhiên cũng làm xuất hiện sự lệ thuộc, nghiện rượu. Và một khi đã nghiện, việc không dùng rượu (không có cồn trong máu) sẽ làm bệnh nhân trở nên kích động, mê sảng.
Điều trị ngộ độc rượu chủ yếu là theo dõi bệnh nhân, bù đường, vitamin B1 khi cần. Metadoxine là một loại thuốc có thể giúp giảm nhanh nồng độ cồn trong máu.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Chapter 185: Alcohols, Tintinalli’s Emergency Medicine A Comprehensive Study Guide Ninth Edition.
-
Thực trạng sử dụng rượuhttps://cpcs.vn/thuc-trang-su-dung-ruou-bia-o-viet-nam-d12647.html
Ngày tham khảo: 22/09/2020